Giống như một người sắp bị kéo xuống địa ngục, cho dù một nửa cơ thể đã bị lửa thiêu rụi, hắn vẫn kiên cường giơ hai cánh tay lên, kháng cự lại số phận!
Dù thính giác ngày một suy giảm nhưng cho đến khi hoàn toàn mất đi, Beethoven vẫn không từ bỏ âm nhạc cho đến giây phút cuối cùng. Ông dùng một thanh gỗ chạm vào hộp cộng hưởng của đàn piano, dựa vào trực giác âm nhạc và truyền âm qua xương để tiếp tục sáng tác.
“Bi thương” là khởi đầu của nỗi đau, là điểm xuất phát của sự kháng cự, cũng là khởi nguyên của huy hoàng. Và khi ông hoàn toàn điếc, sự nghiệp âm nhạc trong khổ nạn và đấu tranh của ông cũng đạt đến đỉnh cao.
Bản giao hưởng số 9 - kiệt tác tối thượng của nhạc giao hưởng, được Beethoven sáng tác khi ông đã hoàn toàn mất đi thính giác.
Vĩnh hằng! Bất diệt!
Mà giờ đây, Minh Hữu đang đàn chính là khởi đầu của khổ nạn, cũng là khởi đầu của đỉnh cao.
Là bi thương.
Là bi tráng.
Nhưng không phải bi ca.
Nó là khúc nhạc khởi hành của anh hùng.
Khi phần giới thiệu ngắn ngủi kết thúc, cuối cùng Minh Hữu cũng tìm được cảm giác, chính thức bắt đầu đàn.
Cậu đã từng chơi bản nhạc này rất nhiều lần khi còn ở trường học. Cậu mềm mại nhưng không hèn nhát; cậu thấp kém nhưng luôn hướng về anh hùng. Dù có bị gọi là trẻ trâu, dù có chìm đắm trong tưởng tượng, chỉ cần có thể bò ra khỏi tuyệt vọng, quay về với ánh sáng, thì tất cả những phương pháp tự cứu lấy bản thân đều không đáng xấu hổ.
Chẳng lẽ anh hùng lúc nhỏ chưa từng mơ ước rằng khi lớn lên mình sẽ trở thành anh hùng sao? Những suy nghĩ mà khi nói ra sẽ bị gọi là trẻ trâu, chẳng lẽ thực sự biến mất theo tuổi tác sao?
Người đã tặng cậu tài khoản đặc biệt trong trò chơi Thế Giới Tinh Linh, người đã khích lệ cậu đừng từ bỏ mạng sống – vị chủ tịch của công ty game ấy từng nói rằng, đàn ông hay phụ nữ, dù đến chết vẫn có thể là những đứa trẻ.
Bản nhạc này dành tặng cho tất cả anh hùng thực thụ và người thân đang xem livestream của họ, cũng dành tặng cho những “trẻ trâu” như cậu, những người luôn mơ ước trở thành anh hùng.
Dù điều kiện khách quan không cho phép nhưng chỉ cần trong lòng có khát vọng cứu thế giới thì hành động của bản thân chắc chắn sẽ hướng đến mục tiêu ấy. Từ việc học hành chăm chỉ, làm việc nghiêm túc, đến việc đối xử tốt với người khác, sẵn lòng giúp đỡ – bất kỳ hành động nào khiến bản thân trở nên tốt đẹp hơn cũng là một cách khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Chỉ cần cố gắng thì ước mơ không phải là giấc mộng hão huyền.
Mục tiêu dù xa vời nhưng cũng vẫn là mục tiêu.
Mỗi lần đàn “Bi thương”, Minh Hữu đều có rất nhiều cảm xúc. Thông qua những giai điệu dâng trào, cảm xúc của cậu truyền thẳng vào trái tim của tất cả người nghe.
Sư tử vương bệ hạ vốn đang lim dim ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy, cứ như thể có người em trai nào đó của ngài đột nhiên hét vào tai một câu: "Ngủ cái gì mà ngủ, dậy quẩy đi!" Làm hắn ta hoảng hồn đến mức bộ lông dài mượt cũng dựng đứng cả lên.
Bản nhạc piano mang tên “Bi thương” thực sự ẩn chứa đau buồn và tuyệt vọng nhưng nỗi đau và tuyệt vọng đó chỉ là bùn lầy dưới chân, dù có rơi vào địa ngục, trái tim vẫn không khuất phục.
Sư tử bệ hạ nhắm mắt lại. Những cảnh tượng tuyệt vọng trong quá khứ lần lượt hiện lên trước mắt hắn ta, và khi nhìn thấy người em trai mãi mãi không thể trở lại hình người, nỗi tuyệt vọng ấy đã lên đến đỉnh điểm.
Nhưng đúng như bản nhạc đã thể hiện, dù tuyệt vọng đến đâu cũng không thể ngừng đấu tranh. Vì nếu ngừng đấu tranh, có nghĩa là hoàn toàn chìm vào vũng lầy tuyệt vọng, không còn hy vọng sống sót. Lòng kiêu hãnh của hắn ta, tình yêu với gia đình, với quê hương, tất cả đều không cho phép hắn ta cúi đầu.