Lưu người nhà ở Khúc A. Gặp lúc bà nội chết, đem về táng ở Đông Thành.
Lưu Tử Dương làm bạn tốt với Túc, gửi thư cho Túc nói: "Ngày nay hào kiệt trong thiên hạ cùng nổi dậy, ta nhờ vào tiền của của ông mới được như ngày nay. Vì việc gấp mà về đón mẹ già, rồi không có việc gì đành ở lại tại Khúc A. Gần đây có người tên là Trịnh Bảo đang ở tại Sào Hồ, tụ hơn vạn người, đất đai màu mỡ, người quận Lư Giang phần lớn đến nương nhờ ở đấy, huống chi bọn ta đây" Xem hình thế đất ấy có thể tụ tập đông đảo, thời cơ không nên để mất, túc hạ mau đến đi". Túc đáp thư theo kế ấy. Táng xong, về Khúc A, muốn đi về phía bắc. Vừa lúc Du đã dời mẹ Túc đến đất Ngô, túc kể tình trạng cho Du. Bấy giờ Sách đã hoăng, Quyền vẫn ở tại đất Ngô. Du bảo Túc nói: "Ngày xưa Mã Viện đáp Quang Vũ Đế nói: "Vào thời ngày nay, không chỉ vua chọn tôi, mà còn tôi cũng chọn vua". Nay ông chủ kính người hiền yêu kẻ sĩ, thu mưu kì, nạp kế lạ, vả lại ta nghe nói có lời sấm của bậc hiền thánh ngày trước nói rằng người thay vận họ Lưu ứng tại miền đông nam. Suy xét thế cuộc, nay đang là buổi ấy vậy. Xoay dứt ngôi Đế để hợp mệnh trời, đây là lúc kẻ sĩ nhanh chóng nương rồng dựa phượng. Ta sắp làm thế, túc hạ chớ nên vướng vịn vào lời của Tử Dương". Túc nghe lời này, Du nhân đó tiến cử Túc là người tài giúp đời được, lại tìm nhiều người như thế để lập nên nghiệp lớn, không nên khiến họ bỏ đi.
Quyền đã gặp Túc, cùng nói chuyện rất vui. Bọn khách đã bãi hội, Túc cũng từ tạ đi ra, bèn dẫn riêng Túc về, cùng ngôi trên giường uống rượu, nhân đó bàn ngầm rằng: "Nay nhà Hán nghiêng nguy, bốn phương rối loạn, ta nối nền nghiệp của cha anh, mưu lập công của Hoàn, Văn. Ông đã chịu theo, làm sao để giúp"? Túc đáp nói: "Ngày xưa Cao Đế khăng ngăng muốn tôn thờ Nghĩa Đế(3) mà không cướp ngôi, để cho Hạng Vũ gây hại. Tào Tháo ngày nay như Hạng Vũ ngày xưa, Tướng quân sao lại chỉ làm Hoàn Công mà thôi? Túc đã nghĩ kĩ rồi, nhà Hán không thể dựng lại, không thể không trừ Tào Tháo, bày kế cho Tướng quân, chỉ có làm thế chân vạc ở Giang Đông, đợi xem sự biến của thiên hạ. Khuôn phép như thế, cũng chẳng bị ghét. Vì sao? Phương bắc đang có nhiều việc, nhân lúc phương bắc có nhiều việc mà diệt trừ Hoàng Tổ, đến đánh Lưu Biểu, đi ngược chỗ cùng của sông dài mà chiếm lấy đất ấy, sau đó xưng hiệu Đế Vương mà mưu tranh thiên hạ, đấy là nghiệp lớn của Cao Tổ vậy". Quyền nói: "Nay gắng sức lấy một vùng, như thế là giúp nhà Hán rồi, lời này không thể làm được". Trương Chiêu cho là Túc không có chí nhún nhường, liền chê bai Túc, nói rằng Túc tuổi còn trẻ dại, chưa nên dùng. Quyền không vì thế mà vướng bận, lại càng coi trọng Túc. Ban áo quần màn trướng cho mẹ Túc, cho ở nhà nhiều tiền của như ở nhà cũ.
Lưu Biểu chết, Túc đến nói rằng: "Kinh Sở liền kề với ta, dòng nước thuận lên phía bắc, ngoài liền dải với miền Giang Hán, trong bao bọc gò, có cái vững của thành vàng, đồng lầy vạn dặm, dân chúng giàu có, niếu chiếm lấy đất ấy, đấy là cái của cải của Đế Vương vậy. Nay Biểu mới chết, hai người con vốn không hòa mục, các tướng trong quân lại đều mỗi người mỗi ý. Lại thêm Lưu Bị kiêu hùng, có hiềm khích với Tháo mà ở nhờ chỗ Biểu, Biểu ghét tài Bị mà không được dùng vậy. Nếu Bị hợp lòng với bên ấy, trên dưới cùng giúp, thì nên vỗ về, cùng kết thề ước; nếu có trái nghịch, nên chia rẽ mà đánh lấy để mưu việc lớn. Túc xin được vâng lệnh sang thăm hai con Biểu, nhân đó an ủi những người coi việc trong quân của bên ấy, cùng khuyên Bị vỗ về quân của Biểu, một lòng một ý, cùng chống Tào Tháo, Bị tất mừng mà vâng lệnh. Nếu bên ấy theo về, mới định được thiên hạ. Nay nếu không đến sớm, sợ rằng Tháo sẽ đến trước". Quyền liền sai Túc đi. Đến Hạ Khẩu, nghe tin Tào Công đã hướng về Kinh Châu, đi gấp ngày đêm, kịp đến Nam Quận, lại nữa con Biểu là Tông đã hàng Tào Công, Bị kinh hoàng vội bỏ chạy, muốn vượt sông về phía nam. Túc bèn đi thẳng đón Bị, đến Trường Bản huyện Đương Dương, gặp với Bị, nói rõ lệnh của Quyền, đến lúc bày trận vững mạnh ở Giang Đông, khuyên Bị hợp sức với Quyền. Bị rất vui mừng. Bấy giờ Gia Cát Lượng đi theo với Bị, Túc bảo Lượng nói: "Ta là bạn của Tử Du"(4). Liền cùng giao kết. Bị bèn đến Hạ Khẩu, sai Lượng làm sứ giả đến chỗ Quyền, Túc cũng quay về.
Thần là Tùng Chi xét: Lưu Bị hợp sức với Quyền cùng chống Trung Quốc, đều là mưu ý của Túc. Lại bảo Gia Cát Lượng rằng: "Ta là bạn của Tử Du", vậy thì Lượng thường nghe nói đến Túc rồi. Mà truyện về Lượng trong Thục thư nói: "Lượng bày mưu liên hoành mà khuyên Quyền, Quyền bèn cả mừng", cứ như là kế ấy bắt đầu có từ Lượng. Như quan chép sử của hai nước đều chép những điều mà mình được nghe nói đến, lại muốn nêu cao cái hay đẹp của nước mình, cùng lấy công về nước mình. Nay chép hai sách ấy làm chứng rằng kế ấy cùng xuất từ một người, vậy mà lẫn lộn như thế, đấy không phải là phép tắc của việc chép sử vậy.
Gặp lúc Quyền biết được tin Tào Công muốn đánh phía đông, bàn với các tướng, đều khuyên Quyền đón Tào Công, nhưng riêng Túc không nói. Quyền đứng dậy thay áo, Túc theo vào sau nhà, Quyền biết ý ấy, cầm tay Túc nói: "Khanh muốn nói gì"? Túc đáp nói: "Nếu xét ý của mọi người, chỉ muốn làm cho Tướng quân lầm lỡ, không đủ để cùng mưu việc lớn. Nay Túc đón Tháo được thôi, còn Tướng
quân thì không nên vậy. Vì sao nói thế? Là vì nay Túc đón Tháo, Tháo tất đem Túc về trao cho thôn ấp, ban cho chức tước, vẫn không mất chức Hạ tào Tòng sự, ngồi xe bò, đi theo quan quân, giao du với kẻ sĩ, làm quan chẳng dưới châu quận vậy. Tướng quân đón Tháo, muốn được chỗ yên? Mong sớm định kế lớn, chớ dùng lời bàn của mọi người". Quyền than thở nói: "Đấy là mọi người cố giữ lời bàn ấy, rất làm mất sự trông đợi của ta; nay khanh bày mở kế lớn, thật giống với ta, đấy là trời đem khanh cho ta vậy".
Ngụy thư và Cửu Châu Xuân thu viết: Tào Công đánh Kinh Châu, Tôn Quyền kinh hãi, Lỗ Túc thật muốn khuyên Quyền chống Tào Công, bèn nói khích Quyền nói: "Tào Công bên ấy thật là địch mạnh, vừa chiếm đất của Viên Thiệu, quân mã rất khỏe, thừa oai thắng trận mà đánh nước tang loạn, tất chiếm được vậy. Không bằng sai quân giúp Tào Công, lại chở người nhà Tướng quân đến đất Nghiệp luôn; nếu không, nguy đến nơi". Quyền cả giận, muốn chém Túc, Túc nhân đó nói: "Nay việc đã gấp, phải có mưu khác, sao không sai quân giúp Lưu Bị mà lại muốn chém ta"? Quyền cho là phải, bèn sai Chu Du giúp Bị. Tôn Thịnh nói: "Ngô thư và Giang Biểu truyện cho rằng Lỗ Túc một lần gặp Tôn Quyền liền nói ra kế chống Tào Công và bàn về việc Đế Vương, cái chết của Lưu Biểu, lại xin đi sứ để xem sự biến, như thế là không có dịp để quay về nói khích Quyền đón Tào Công vậy. Lại nữa, bấy giờ nhiều người khuyên đón Tào Công, lại nói chỉ muốn chém Túc, lại càng chứng tỏ không có lời nói khích ấy.
Bấy giờ Chu Du được sai đến tại Bà Dương, Túc khuyên Quyền đến gọi Du về. Bèn dùng Du làm việc, lấy Túc làm Tán quân Hiệu úy, giúp bày mưu kế. Tào Công thua chạy, Túc liền về trước, Quyền sai các tướng đón Túc. Túc sắp vào cửa bái, Quyền đã ra tiếp Túc, nhân đó bảo nói: "Tử Kính, ta cầm yên xuống ngựa mà đón khanh, đủ để làm khanh rạng rỡ chưa"? Túc đi nhanh đến đáp nói: "Chưa vậy". Mọi người nghe nói thế, chăng ai không sửng sốt. Đến ngồi, thong thả cầm roi nói rằng: "Mong hãy đem oai đức ban khắp bốn cõi, thổi bay chín châu, làm nên nghiệp Đế, lúc đó lấy xe êm bánh mềm mà đón Túc, như thế mới rạng rỡ". Quyền vỗ tay cười vui.
Sau đó Bị đến kinh gặp Quyền, xin trông coi Kinh Châu, chỉ có Túc khuyên Quyền cho Bị mượn đất ấy để cùng chống Tào Công.
Hán Tấn Xuân thu viết: Lữ Phạm khuyên giữ Bị ở lại, Túc nói: "Không nên. Oai thần của Tướng quân dẫu hơn đời, nhưng thế lực của Tào Công rất mạnh, mới vào Kinh Châu, ân tín chưa rõ, nên cho Bị mượn, sai vỗ về đất ấy, khiến Tháo có nhiều kẻ địch, rồi tự lập phe đảng riêng, đấy là kế hay hơn cả". Quyền liền nghe theo.
Tào Công nghe tin Quyền đem đất đai cho Bị dựng nghiệp, đang viết thư mà quẳng bút xuống đất.
Chu Du bệnh khốn, dâng sớ nói: "Ngày nay thiên hạ sắp có việc quân, đấy là điều mà Du ngày đêm lo lắng, mong bậc chí tôn(5) mưu nghĩ trước khi có việc, rồi mới vui vẻ sau. Nay đã thành kẻ địch với Tào Tháo, mà Lưu Bị gần ở Công An, bờ cõi gần kề, nhưng trăm họ chưa theo, nên chọn tướng giỏi để đánh dẹp hắn đi. Lỗ Túc có mưu trí nên dùng, xin lấy Túc thay Du. Nay Du sắp lìa đời, đấy là điều mà Du mong mỏi lần cuối vậy".