Giang Biểu truyện viết: Lúc trước Du bệnh khốn, gửi thư cho Quyền nói: "Du vì tài kém, ngày trước may mắn được nhận lệnh đánh giặc, làm người tim bụng, bèn lạm giữ chức cao, thống lĩnh quân mã,
chí cầm cung roi, tự xét việc quân. Tự muốn định yên Ba Thục, sau đó lấy Tương Dương, cậy nhờ vào oai linh của tổ tiên, vẫn tự vắt tóc suy nghĩ. Nhưng lại không cẩn thận, trên đường mắc bệnh nặng, trước đã mắc bệnh, ngày càng nặng không giảm. Người ta tất bị chết, chỉ là sớm hay muộn thôi, thật là không đáng tiếc, nhưng hận nỗi chí nhỏ ấy chưa thành, không được vâng mệnh giúp vua nữa. Nay Tào Công tại phía bắc, bờ cõi chưa yên. Lưu Bị ở nhờ, như có nuôi hổ. Việc trong thiên hạ, chia biết kết cuộc ra sao, đây là lúc bầy tôi nên nếm mật(6), bậc chí tôn phải xét nghĩ vậy. Lỗ Túc trung liệt, làm việc chẳng lầm, nên cho thay Du. Người ta sắp chết, lời nói cũng hay, nếu nghe lời này, thân Du chết cũng không mục". Xét lời văn này so với lời văn của truyện gốc, ý nghĩa dẫu giống, nhưng lời lẽ khác hơn vậy.
Liền bái Phấn vũ Tướng quân, thay Du lĩnh quân. Du lĩnh hơn bốn nghìn quân sĩ, phụng ấp có bốn huyện, đều giao cho Túc. Lệnh Trình Phổ lĩnh chức Nam Quận Thái thú. Túc lúc đầu đến Giang Lăng, sau lại xuống đóng quân ở Lục Khẩu, ân uy lên cao, thu nạp thêm hơn vạn quân, bái Hán Xương Thái thú, Thiên Tướng quân. Năm thứ mười chín, theo Quyền phá Hoản Thành, chuyền làm Hoành giang Tướng quân.
Lúc đầu, Ích Châu Mục là Lưu Chương làm phép tắc rơi rụng, Chu Du, Cam Ninh cùng khuyên Quyền lấy đất Thục, Quyền giao cho Bị, Bị trong muốn tự định, vẫn vờ báo thư nói: "Bị mượn cớ là họ hàng với Chương, cậy dựa anh linh của tổ tiên để giúp nhà Hán. Nay Chương gây tội cho tả hữu, riêng Bị kính sợ, không dám báo tin, mong đượng tha thứ. Nếu không được tha, Bị sẽ bỏ đi vào rừng núi". Sau Bị về phía tây đánh Chương, để Quan Vũ ở lại giữ, Quyền nói: "Con hổ ranh lại dám lừa dối ta"! Đến lúc chỗ Vũ liền cõi với chỗ Túc, mấy lần gây nghi ngờ, tranh chia bờ cõi, Túc thường vui vẻ vỗ về Vũ. Bị đã định Ích Châu, Quyền xin lấy lại các quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương, nhưng Bị không theo lệnh, Quyền sai Lữ Mông đem quân đến lấy. Bị nghe tin, tự về Công An, sai Vũ tranh ba quận. Túc trú ở Ích Dương, chống nhau với Vũ. Túc mời Vũ gặp nhau, đều phục quân mã trên bờ cách trăm bước, chỉ xin đem quân cầm một thanh đao đến gặp. Túc nhân đó trách mắng Vũ nói: "Nhà nước nhún nhường vốn là đem đất đai cho các ông mượn, các ông vốn thua trận từ xa đến, không có gì làm đất riêng vậy. Nay đã lấy Ích Châu, vậy mà không có ý trả về, nhà nước chỉ xin lại ba quận, lại không chịu nghe". Lời nói chưa xong, có một người ngồi nói: "Đất đai chỉ thuộc về người có đức mà thôi, muốn có dễ sao"! Túc lớn tiếng mắng người đó, lời lẽ rất khẩn thiết, Vũ cầm đao đứng dậy nói: "Đấy là việc của nhà nước, ta sao biết được"! Liếc mắt sai người ấy đi ra.
Ngô thư viết: Túc muốn gặp nói chuyện với Vũ, các tướng nghi sợ có biến, bàn không nên đến. Túc nói: "Việc của ngày nay nên cùng nói cho rõ. Lưu Bị quên ơn, việc đúng hay sai còn chưa quyết, Vũ cũng dám muốn làm trái lệnh sao"! Bèn liền đến chỗ Vũ. Vũ nói: "Ở trận Ô Lâm, thân Tả Tướng quân(7) ở trong trận, ngủ chẳng cởi giáp, gắng sức phá quân Ngụy, há không vất vả, không được phong một mảnh đất nhỏ sao, mà sao túc hạ đến muốn thu lại đất vậy"! Túc nói: "Không phải. Lúc trước mới cùng Lưu Dự Châu đứng xem sự biến ở Trường Bản, quân của Lưu Dự Châu không đủ một đội, kế cùng lo lắm, chí khí suy yếu, chỉ mong muốn đi xa tránh nạn, chẳng mong được như thế. Chủ ta thương xót Lưu Dự Châu không có chỗ ở, không yêu lấy công lao của quân sĩ mở đất, sai các chỗ che chở cứu giúp nạn, vậy mà Lưu Dự Châu mưu muốn chiếm riêng, đức hạnh lầm lỡ, tiếng tốt hủy hoại. Nay đã lấy được Tây Châu(8) rồi, lại muốn cắt chiểm cả Kinh Châu, việc này dẫu kẻ thất phu cũng không nỡ làm sai, huống chi là người chủ đứng đầu của vạn người! Túc nghe nói rằng tham của mà vứt đạo nghĩa, tất bị họa đến thân. Ta thấy ông gánh vác việc lớn, đã không làm rõ đạo lí, chia rành chức phận để giữ lễ nghĩa, mà lại cậy dựa quân gầy yếu để mưu tính tranh giành, đem quân già yếu, sao mà giành lấy
được"? Vũ không đáp được.
Bị bèn chia sông Tương làm ranh giới, do đó bãi quân.
Túc chết vào năm bốn mươi sáu tuổi, bấy giờ là năm Kiến An thứ hai mươi hai. Quyền bày lễ cử tang, lại đến thăm mộ Túc. Gia Cát Lượng cũng lấy lễ cử tang.
Ngô thư viết: Túc là người thẳng thắn, ít dùng ngọc báu, trong ngoài đều tiết kiệm, không kết giao với kẻ tầm thường. Trị quân nghiêm chỉnh, đề ra phép cấm, dẫu lúc vào trận, tay không bỏ sách vở. Lại giỏi bàn luận, thông thạo văn từ, ý tứ sâu xa, sáng suốt hơn người. Sau Chu Du, đứng đầu là Túc vậy. Quyền xưng tôn hiệu, lên đàn, ngoảnh bảo công khanh nói: "Ngày trước Lỗ Tử Kính từng xét việc này, có thể nói là biết rất rõ thời thế vậy".
Túc có người con còn trong bụng mẹ(9) là Thục, Nhu Tu Đốc là Trương Thừa nói là tất sẽ làm chức cao. Giữa năm Vĩnh An, làm Chiêu Vũ Tướng quân, Đô Hương Hầu, Vũ Xương Đốc. Giữa năm Kiến Hành, ban Giả tiết, chuyển làm Hạ Khẩu Đốc. Chỗ làm quan nghiêm chỉnh, có tài lược. Năm Phượng Hoàng thứ ba thì chết. Con là Mục thay tước, lĩnh quân mã.
Chú thích:
(1) Kiều, Trát: Kiều là Tử Sản, cháu của vua Trịnh. Trát là Quý Trát, em của vua Ngô là Chư Phàn, đều là người thời Xuân thu. Vua Ngô sai Quý Trát đi sứ nước Trịnh, mới gặp Tử Sản lần đầu mà thân ái như gặp người quen cũ, hai người làm bạn với nhau, Quý Trát tặng một dải lụa mộc cho Tử Sản, Tử Sản lại tặng một cái áo sợi gai cho Quý Trát. Người đời sau gọi là "bạn Kiều, Trát".
(2) Vùng Hoài Tứ: là vùng đất giữa sông Hoài và sông Tứ.
(3) Nghĩa Đế: tức Sở Nghĩa Đế, dòng dõi vua cuối cùng của nước Sở. Khi Tần diệt nước Sở phải làm dân thường, sau khi Hạng Vũ cùng chư hầu diệt Tần, tôn làm Nghĩa Đế, sai bị Hạng Vũ sai người gϊếŧ chết ở trên sông Trường Giang.
(4) Tử Du: tức Gia Cát Cẩn tự Tử Du, anh của Gia Cát Lượng.
(5) Bậc chí tôn: người được tôn kính nhất, tức Hoàng Đế, ý chỉ Tôn Quyền.
(6) Nếm mật: chuyện xưa Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật để mưu dựng nghiệp lớn, ý nói phải làm việc chăm chỉ.
(7) Tả Tướng quân: chỉ Lưu Bị bấy giờ làm Tả Tướng quân.
(8) Tây Châu: tức Ích Châu, Lương Châu, là đất Ba Thục ở phía tây.
(9) Túc có người con còn trong bụng mẹ: ý nói lúc Túc chết thì vợ đang mang thai một người con.
LỮ MÔNG TRUYỆN
Lữ Mông tự Tử Minh, người huyện Phú Bi quận Nhữ Nam. Thuở trẻ vượt sông về phía nam, nương nhờ chồng của chị là Đặng Đương. Đương làm tướng của Sách, nhiều lần đánh người Sơn Việt. Bấy giờ Mông mới mười lăm, mười sáu tuổi, lén đi theo Đương đánh giặc, Đương ngoảnh nhìn mà kinh
ngạc, quát mắng cũng không ngăn cấm được. Trở về báo cho mẹ Mông, mẹ giận muốn phạt tội Mông, Mông nói: "Nghèo hèn khó sống yên được, nếu sửa lầm mà gắng lập công, tất sẽ giàu có. Vả lại không vào hang hổ, sao bắt được hổ con"? Mẹ thương mà tha cho. Bấy giờ bọn quan lại của của Đương thấy Mông tuổi nhỏ mà coi thường Mông, nói: "Thằng nhóc ấy làm được gì? Chỉ muốn lấy thịt mà nuôi hổ thôi". Ngày sau gặp với Mông, lại làm nhục Mông, Mông cả giận, cầm đao gϊếŧ bọn quan lại rồi chạy ra, trốn đến nhà của viên tước Ấp Tử(1) là Trịnh Trường. Lại ra chỗ Hiệu úy Viên Hùng để tự thú tội, nhân đó báo lên trên, Sách gọi đến gặp cho là lạ, bèn cho làm tả hữu.
Được vài năm, Đặng Đương chết, Trương Chiêu cử Mông thay Đương, bái Biệt bộ Tư mã. Quyền coi việc, thấy các tướng sĩ trẻ đã ít lại dùng kém, muốn thu hợp lại. Mông bèn ngầm vay tiền, mua vải làm áo quần cho quân sĩ, đến ngày kén chọn, bày trận sáng rõ, luyện tập quân sĩ, Quyền thấy mà vui mừng, tăng quân cho Mông. Theo đi đánh quận Đan Dương, chỗ đi qua đều lập công, bái Bình bắc Đô úy, lĩnh chức Quảng Đức Trưởng.
Lúc đánh Hoảng Tổ, Tổ sai Đô đốc Trần Tựu đem quân thủy ra đón đánh. Mông xua quân đi trước, tự chém đầu Tựu, tướng sĩ thừa thắng đến đánh thành của Tổ. Tổ nghe tin Tựu chết, bỏ thành chạy, đem quân đuổi bắt Tổ. Quyền nói: "Thắng trận này là do bắt được Trần Tựu trước vậy". Lấy Mông làm Hoành dã Trung lang tướng, ban cho nghìn vạn thoi tiền.