Tam Quốc Chí

Chương 57

[Ngô lục chép: Bị bảo Du rằng: "Nhân giữ thành Giang Lăng, trong thành lương thảo rất nhiều, đủ để chống giữ. Tôi sai Trương Dực Đức dẫn một ngìn người đi theo ngài, ngài chia hai nghìn quân đi theo tôi, tôi theo dòng Hạ Thuỷ xuống cắt đứt hậu phương của Nhân, Nhân hay tin tôi đến tất bỏ chạy." Du đưa thêm hai nghìn người cho Bị.]

Nhân chia kỵ binh bao vây Ninh. Ninh cáo cấp với Du. Du dùng kế của Lã Mông, để Lăng Thống giữ hậu phương, đích thân cùng với Mông đến cứu Ninh. Ninh được giải vây, bèn qua sông đóng ở bờ Bắc sông, chuẩn bị hẹn ngày đại chiến. Du thân chinh cưỡi ngựa đi trước trận, bỗng đâu bị cung tên bắn trúng sườn, bị thương rất nặng, phải lui về. Sau Nhân hay tin Du thụ thương phải nằm không đứng dậy được, liền đem binh đến bầy trận. Du bèn tự ngồi dậy, đi xem xét doanh quân, khích lệ binh sĩ. Nhân thấy thế lại lui về.

Quyền bái Du làm Thiên tướng quân, lĩnh chức Thái thú Nam Quận. Lấy các huyện Hạ Tuyển-Hán Xương-Lưu Dương-Châu Lăng cho làm phụng ấp, dinh sở đóng tại Giang Lăng. Lưu Bị làm Tả tướng quân lĩnh chức Kinh châu mục, đóng ở Công An. Bị đến kinh sư gặp Quyền, Du dâng sớ rằng: "Lưu Bị có tư thế kiêu hùng, lại có Quan Vũ-Trương Phi như hùm như gấu làm tướng, tất chẳng khuất thân để người khác sai khiến mãi. Ngu ý cho rằng đại kế là nên đưa Bị vào đất Ngô, xây cho cung thất lớn, ban

cho nhiều mỹ nữ để nô đùa, vui tai no con mắt, chia rẽ người ấy với với hai người kia, mỗi người ở một nơi, khiến cho Du tôi riêng lập được chiến công, đại sự có thể định được vậy. Nay chia nhiều đất đai để cho họ nương nhờ, ba người ấy tụ họp lại, ở ngay ngoài bờ cõi, sợ rằng giao long gặp được mây mưa, cuối cùng chẳng chịu làm con vật ở trong ao nữa." Quyền vì Tào công ở phương bắc, đang rộng tay thâu tóm kẻ anh hùng, lại sợ rằng Bị khó có thể vội vàng khống chế được, nên không nghe lời Du.

Bấy giờ Lưu Chương làm Ích châu mục, ở bên ngoài có Trương Lỗ vào cướp, Du bèn đến kinh đô gặp Quyền nói: "Nay Tào Tháo mới bị đánh giập đầu, đang có mối lo gan ruột, chưa thể cùng với tướng quân giao tranh tiếp. Tôi xin cùng với Phấn uy tiến vào lấy xứ Thục, lấy được Thục rồi sẽ thu thập Trương Lỗ, để Phấn uy cố thủ đất ấy, liên kết với Mã Siêu làm viện trợ. Du trở về cùng với tướng quân chiếm lấy Tương Dương để cự Tháo, phương Bắc có thể đồ được." Quyền nghe theo. Du về Giang Lăng, chuẩn bị hành trang, nhưng trên đường tới Ba Khâu thì bị bệnh chết, bấy giờ mới có ba mươi sáu tuổi.

[Thần Tùng Chi xét, Du muốn lấy Thục, quay về Giang Lăng chuẩn bị hành trang, chết ở cái chỗ, ứng với Ba Lăng bây giờ, là ở trước sở trấn Ba Khâu, cùng tên địa danh mà khác về vị trí vậy.]

Quyền mặc áo trắng cử ai, tả hữu đều cảm động. Đám tang sắp về đến Ngô quận, lại rước sang Vu Hồ, mọi việc phí tổn, hết thảy đều do địa phương chu cấp. Lại ban rõ sắc lệnh rằng: "Cố tướng quân Chu Du-Trình Phổ, là những người có nhân cách, mọi người không được phép hỏi han lôi thôi." Ban đầu Du kết bạn với Sách, Thái phi lại yêu cầu Quyền cung phụng Du như anh trai. Bấy giờ Quyền còn chưa làm Tướng quân, chư tướng tân khách làm lễ cho phải phép, riêng Du tiến lên hành lễ hết sức cung kính, kẻ thuộc hạ cũng theo quy củ ấy. Du tính tình độ lượng rộng rãi, vì thế rất được lòng người, duy chỉ cùng với Trình Phổ bất hoà.

[Giang biểu truyện chép: Phổ vốn đã cao tuổi, mấy lần lấn át khinh thị Du. Du nhún mình với người dưới, nhất định không tranh giành. Về sau Phổ tự phải kính phục quý trọng Du, còn bảo với người khác rằng: "Ta giao tiếp với Chu Công Cẩn, như uống rượu nồng, chẳng biết say lúc nào nữa." Người bấy giờ cho là Du khiêm nhường mà thu phục được được người khác như thế. Khi trước Tào công ở Kinh châu nghe nói Du tuổi trẻ tài cao, cho là có thể thuyết phục được Du, bèn mật sai thủ hạ ở Dương Châu, phái Tưởng Cán người huyện Cửu Giang qua gặp Du. Cán vốn dung mạo uy nghi, được khen là có tài biện bác, ở khắp vùng Giang-Hoài, chẳng có ai là đối thủ. Cán mặc áo vải, đội khăn luân cân, một thân một mình đến gặp Du. Du ra ngoài đón, bảo ngay với Cán rằng: "Tử Dực chịu khổ cực, từ xa lặn lội sông hồ tới đây là vì Tào thị mà làm thuyết khách ư?" Cán nói: "Ta cùng với túc hạ là đồng hương, trong thời gian chia cách, xa nghe tiếng thơm vang vọng, cho nên tự lao khổ tìm đến, để tỏ nỗi quan hoài, lại nói là thuyết khách, không định đón tiếp ta nữa sao?" Du nói: "Ta dẫu chẳng bằng Quỳ-Khoáng, nhưng lắng nghe tiếng đàn, cũng đủ biết khúc nhã nhạc vậy." Rồi dắt Cán vào, cho bày tiệc rượu. Xong, đi ra bảo Cán rằng: "Tôi đang có việc kín, ngài hãy tới quán trọ, xong việc, tôi xin đến gặp riêng ngài." Ba ngày sau, Du mời Cán đi vòng quanh doanh trại của Du, xem kỹ hết cả kho lương và quân tư trang khí trượng, rồi quay về yến ẩm, lại bảo kẻ hầu cận mặc các quần áo đẹp và các đeo đồ châu báu, nhân tiện bảo Cán rằng: "Kẻ trượng phu ở đời, gặp được bậc minh chủ tri kỷ, bên ngoài tiếng là nghĩa quân thần, bên trong có mối ân tình cốt nhục, lời nói thì làm mưu kế thì theo, hoạ phúc cùng chịu, ví như Tô Trương phục sinh, Lịch Tẩu xuất hiện, tôi cũng vỗ vai mà đưa lời bắt bẻ, há kẻ hậu sinh như túc hạ có thể làm đổi dời chí của ta hay sao?" Cán chỉ cười, rút cục chẳng nói được gì.

Cán trở về, khen rằng Du tao nhã rộng lượng có chí khí lớn, chẳng phải có thể dùng ngôn từ mà ly gián được." Kẻ sĩ ở Trung châu, đa phần đều như thế cả. Lưu Bị từ kinh sư quay về, Quyền cưỡi chiếc Phi vân đại thuyền, cùng bọn Trương Chiêu-Tần Tùng-Lỗ Túc và hơn chục người đưa tiễn, buổi tiệc lớn đến lúc tàn. Bọn Chiêu-Túc ra trước, chỉ còn mình Quyền và Bị ở lại nói chuyện, nhân nói đến ngôi thứ, Bị khen Du rằng: "Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người, xem người có khí độ rộng rãi như thế, sợ rằng chẳng làm kẻ bầy tôi tầm thường lâu vậy." Du phá được quân Nguỵ, Tào công nói: "Cô chẳng xấu hổ vì chạy." Sau lại gửi thư cho Quyền nói: "Chiến dịch Xích Bích, gặp lúc có dịch bệnh, Cô đốt thuyền rồi tự lui quân, thành thử Chu Du thu được cái hư danh ấy." Cái oai danh của Du vang xa, cho nên Tào công, Lưu Bị đều sợ mà gièm pha. Lúc Du chết, Quyền sa nước mắt nói: "Công Cẩn có tài vương tá, nay hốt nhiên đoản mệnh, Cô biết nhờ cậy vào ai đây!" Sau này Quyền xưng tôn hào, bảo với các công khanh rằng: "Cô không có Chu Công Cẩn, chẳng thể có ngôi Hoàng đế này vậy."]

Du còn trẻ đã rất hiểu âm nhạc, dù sau khi uống ba chén rượu, có người đánh sai một nốt nhạc, Du tất biết ngay, cho nên người bấy giờ có câu rằng: "Khúc nhạc lỡ sai, Chu lang ngoảnh lại."

LỖ TÚC TRUYỆN

Lỗ Túc tự Tử Kính, người huyện Đông Thành quận Lâm Hoài. Lúc sinh thì mất cha, ở với bà nội. Nhà rất nhiều tiền của, tính lại ưa bố thí. Bấy giờ thiên hạ đã loạn, Túc không lo việc nhà, chỉ phân chia tiền của, bán bỏ ruộng đất để cấp chẩn cho người nghèo cùng, giao kết với kẻ sĩ, rất được lòng người trong thôn ấp.

Chu Du làm Cư Sào Trưởng, đem mấy trăm người cố qua thăm Túc, và xin lương tiền. Nhà Túc có hai vựa lúa, mỗi vựa có ba nghìn hộc, Túc bèn đem một vựa trao cho Du, do đó Du thêm coi trọng Túc, bèn giao kết với nhau, làm bạn Kiều, Trát(1). Viên Thuật nghe danh Túc, liền cho làm Đông Thành Trưởng. Túc thấy Thuật không có phép tắc, không đủ cùng mưu việc, bèn đem hơn trăm người già yếu, người trẻ hào hiệp đi về phía nam, đến Cư Sào gặp Du. Lúc Du vượt sông về phía đông, nhân đó cùng đi.

Ngô thư viết: Túc có dáng vẻ khôi kì, thuở trẻ có chí lớn, ưa bày mưu lạ. Bấy giờ thiên hạ sắp loạn, bèn học đánh kiếm, bắn cung, cưỡi ngựa, chiêu tụ người trẻ tuổi, cấp cơm áo cho họ, qua lại núi Nam Sơn săn bắn, ngầm chọn bộ khúc, giảng võ luyện quân. Người già cả đều nói: "Nhà họ Lỗ suy kém mới sinh ra thằng cuồng ấy"! Sau đó hào kiệt cùng nổi dậy, Trung Châu rối loạn, túc bèn lệnh thuộc hạ nói: "Trung Quốc mất phép tắc, giặc cướp làm càn, vùng Hoài Tứ(2) không phải là đất sinh sôi, ta nghe nói miền Giang Đông có đồng lầy vạn dặm, dân giàu quân mạnh, có thể tránh nạn, ai chịu cùng theo ta đến miền đông để đợi xem sự biến không"? Thuộc hạ đều nghe lệnh, bèn sai người nhỏ yếu đi trước, kẻ khoẻ mạnh đi sau, cả thảy hơn ba trăm trai gái cùng đi. Quân kị trong châu đuổi theo, bọn Túc đi chậm, xua quân chống lại, bảo chúng nói: "Bọn khanh là trượng phu nên biết thế lớn. Nay thiên hạ quân loạn, có công chẳng được thưởng, chớ đuổi theo người không có tội, sao lại ức ép nhau thế"? Lại tự dựng khiên, lấy cung bắn chúng, tên đều xuyên thâu. Quân kị đã khen lời Túc, lại không chống được, bèn dắt nhau chạy về. Túc vượt sông đến gặp Sách, Sách cũng khen là kì khôi.