“Mang bài lên đây.” Thầy Cao gọi.
Trần Quý Lương cầm đề thi và phiếu trả lời, bước lên đặt ngay ngắn lên bàn giáo viên.
Thầy liếc qua tờ đề, chau mày hỏi: “Mấy câu sau sao không làm?”
“Đau đầu... bị bệnh rồi.” Trần Quý Lương buột miệng bịa đại.
Thầy Cao đương nhiên không tin ba cái lý do vớ vẩn đó, nghiêm giọng:
“Mang về, làm cho xong đề.”
Tình huống này, hoàn toàn không thể giao tiếp bình thường được. Cho dù có lanh lợi đến đâu, cũng không thể nào giải thích được chuyện sống lại, lại càng không thể "tự dưng biết hết đáp án".
Toán học à? Không biết làm là không biết làm.
Trần Quý Lương bất ngờ cúi gập người, ôm bụng rêи ɾỉ:
“Ui da... đau bụng quá... em phải đi bệnh viện!”
Vừa nói dứt câu, anh đã quay đầu phóng thẳng ra ngoài. Thầy Cao còn chưa kịp phản ứng thì Trần Quý Lương đã biến mất khỏi cửa lớp.
Một lúc sau, ông mới tức giận lẩm bẩm: “Hết chịu nổi rồi đấy!”
Thằng học trò tên Trần Quý Lương này, đúng là cái gai trong mắt vợ chồng ông. Trên người đầy kỷ luật, thậm chí đang trong diện “theo dõi đặc biệt”!
Ấy vậy mà nói nó không lo học thì cũng không đúng. Thành tích học tập của nó vẫn đủ sức đậu trường hạng hai, chỉ cần chịu khó tí thôi là vào trường hạng nhất cũng không khó.
...
Rời khỏi lớp, đứng giữa hành lang vắng vẻ, Trần Quý Lương càng lúc càng thấy mông lung.
Nếu đây là một giấc mơ thì cũng quá thật rồi.
Có vẻ như anh thật sự đã quay về năm 2003.
SARS năm đó gần như không ảnh hưởng gì đến cái thị trấn nhỏ này, cùng lắm là khiến trường phải hủy buổi huấn luyện quân sự đầu năm cho học sinh mới.
Mơ mơ màng màng đi xuống lầu, Trần Quý Lương bước ra quảng trường giữa sân trường.
Tượng điêu khắc ở trung tâm quảng trường cùng với tòa nhà thư viện kế bên đều là công trình mới xây năm ngoái, nhằm phục vụ lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường. Toàn bộ đều tốn kém vô cùng, nghe nói ngốn hết cả đống kinh phí.
Trần Quý Lương thò tay vào túi quần.
Trong túi anh có một chùm chìa khóa, một thẻ học sinh, một thẻ mượn sách và thêm 13 tệ 6 hào.
Đi dạo vòng quanh quảng trường mà chẳng biết nên đi đâu, cuối cùng vì quá chán nên anh đành bước về phía thư viện cách đó vài chục mét.
Vừa bước vào sảnh tầng một, anh lập tức trông thấy một hàng tủ kính trưng bày, bên trong là các tác phẩm tiêu biểu của những cựu học sinh nổi bật của trường.
Trong đó có hai quyển sách được trưng riêng, đặt ở vị trí nổi bật nhất như bộ mặt của trường: Một cuốn là “Hậu Hắc Học”, cuốn còn lại là “Huyễn Thành”.