Tiệm của họ tên là Cửa hàng Kim khí Quần Anh, nằm ở rìa phía tây thị trấn, chỉ rộng chưa đến ba mét vuông, là tất cả những gì mà Chu Anh dốc cạn sức mình để để lại cho họ.
Chu Anh là mẹ của Chu Ứng Xuyên, dân trong thị trấn nói bà là một người phụ nữ rất xinh đẹp, chỉ tiếc là số phận chẳng mấy tốt đẹp như thế. Hồi nhỏ vì bị sốt cao mà thành câm điếc, lớn lên lại vì mấy đồng tiền sính lễ mà bị gả vội cho một người đàn ông nghèo đến mức chẳng còn cái nồi lành để nấu cơm, Triệu Chính Sinh.
Lúc đầu, Triệu Chính Sinh cũng đối xử với bà khá tốt, dù cuộc sống vợ chồng nghèo khổ nhưng cũng coi như còn gọi là dễ xoay sở, chẳng ai ngờ được rằng chỉ hai năm sau, Triệu Chính Sinh vứt được vận đen, được một người họ hàng xa đang làm ăn ở thành phố kéo đi làm tài xế riêng.
Câu chuyện về sau đúng là cẩu huyết đến mức khó tin, Triệu Chính Sinh lên thành phố rồi cưới một cô gái con nhà giàu, có hẳn một xưởng sản xuất. Từ đó, hắn như thể giũ bùn bước lên mây, hoàn toàn quên sạch người vợ câm điếc cùng đứa con trai còn chưa biết đi ở quê nhà.
Ban đầu, Chu Anh từng bồng ẵm cậu bé Chu Ứng Xuyên đến thành phố tìm chồng, nhưng hai mẹ con chẳng khác nào bị coi như ôn dịch mà bị đuổi ra khỏi cửa, trở thành trò cười cho cả vùng quê mười dặm tám làng.
Có người đồn thổi là Chu Anh bị ruồng bỏ là vì thói sống không đoan chính, có kẻ phụ họa theo bảo rằng Chu Ứng Xuyên thực chất là đứa con hoang. Dù thế nào thì, đúng sai, phải trái nơi thị trấn nhỏ bé này, chỉ cần một ít nước miếng cũng đủ để nhấn chìm tất cả.
Khu sân nhỏ của họ dường như đã trở thành ổ dịch thật sự, ai đến cũng bịt mũi bước vội qua, tiện thể nhổ một bãi nước bọt, giẫm chân khinh bỉ. Sức khỏe của Chu Anh vốn đã yếu, lại thêm câm điếc, nên mỗi lần muốn lên bệnh viện huyện, bà chỉ có thể đi cầu xin những nhà trong thị trấn có xe bò cho đi nhờ. Nhưng đám đàn ông đó toàn thích đùa cợt bà, bắt một người phụ nữ giữa mùa đông rét căm căm phải đứng chờ từ lúc trời còn chưa sáng đến khi mặt trời lên cao mới chịu cho đi.
Thế nhưng cũng chính thời điểm ấy, cũng vào mùa đông lạnh rét giống như năm nay, bà đã cứu được Hứa Đường, đứa trẻ chỉ còn cách cái chết đúng một hơi thở.
Người khác không thèm phế liệu, nhưng bà cần, người khác ngại dơ sợ mệt, bà không ngại, bà siêng năng, tích cóp, từ cái người khác không cần, bà giành giụm mở được một cửa tiệm nhỏ ấy.
Chỉ tiếc, vận số của Chu Anh có lẽ thật sự không tốt, năm bà qua đời, Chu Ứng Xuyên vẫn còn quá nhỏ, ký ức về mẹ chỉ còn lại là dáng người gầy gò cặm cụi dán bìa các-tông suốt ngày đêm… Một chiếc quan tài mỏng manh đã vét sạch những đồng bạc cuối cùng, người mẹ câm điếc ra đi, còn cậu em trai nhặt về thì mù lòa, gánh nặng gia đình hiển nhiên dồn hết lên vai cậu anh trai tên Chu Ứng Xuyên.
Khi đó, Chu Ứng Xuyên cũng chỉ là một thiếu niên gầy guộc, anh quỳ trước mộ mẹ, bóng dáng đơn côi như sắp bị gió thổi tan, cuộc sống khốn khó, họ hàng bên mẹ đốt giấy xong thì nhẹ nhàng khuyên.
"Mau bỏ cái thằng mù ăn hại ở nhà đi."
Lúc ấy Hứa Đường cũng nghe thấy, cậu kéo tay Chu Ứng Xuyên, ngẩng khuôn mặt nhỏ nhắn lên, nước mắt lấm lem khắp má, xương cổ gầy trơ lộ ra vì quá ốm.
“Anh… anh sẽ bỏ em sao?”
“Không đâu.”
Ngày hôm sau, Chu Ứng Xuyên mất cả ngày chỉ để dạy Hứa Đường tự đi vệ sinh ở trường, rồi Chu Ứng Xuyên cũng thôi học luôn.
Ban ngày, anh theo các sư phụ trong thị trấn học nghề sửa máy, làm phụ việc, không lấy tiền, lại chăm chỉ nên dù còn nhỏ, các sư phụ cũng coi như được một chân lao động miễn phí mà dẫn theo.
Sau đó, khi máy móc nhà ai hỏng, người ta cũng tìm đến anh, Chu Ứng Xuyên tỉ mỉ, máy cán có đến trăm chi tiết, anh đều nhớ rõ kích cỡ từng cái, Chu Ứng Xuyên còn nhờ chị thu mua bên hợp tác xã mua giúp sách, nghe nói làm kế toán trên thành phố vừa kiếm được nhiều tiền lại có thể làm thêm, không cần làm việc đúng giờ, tiện thể có thời gian chăm sóc Hứa Đường.
Cứ vậy, giữa lúc sửa máy cho người khác, Chu Ứng Xuyên lại tự mày mò từng cuốn sách khó hiểu, tự học kiến thức cấp ba, học kế toán, chỉ với nền tảng chưa hết cấp hai.
Thời gian đó, mỗi khi nửa đêm tỉnh giấc, Hứa Đường đều thấy giường trống không, tiếng lật sách, tiếng bút viết sột soạt vang lên suốt đêm, trở thành khúc ru ru ngủ thân thuộc nhất của cậu, cùng với tiếng máy móc vang vọng đưa cậu vào giấc mơ.
Mặc dù có nhiều chuyện Chu Ứng Xuyên chưa từng nói tới, nhưng cho dù Chu Ứng Xuyên không nói, trong lòng Hứa Đường cũng biết, hai năm đó, cuộc sống của bọn họ thực sự rất khó khăn khổ sở.