Nghe đến đây, Cao Tú Lan nổi cáu: “Cứu trợ cái khỉ gì! Thịt trên người bà đây còn chưa tới hai mươi cân, đòi lương thực thì chẳng có, muốn thì qua đây cắt thịt bà mà lấy!”
Mắng xong, bà còn tức tối đập bàn: “Đừng nói hai mươi cân lương thực, đến vỏ cây giờ cũng kiếm không ra. Đây là muốn cả nhà người ta chết đói hay sao!”
Không ai dám hé răng. Ai cũng hiểu, bà nói thì to mồm vậy thôi, chứ đến lúc đội thu lương thực tới, vẫn ngoan ngoãn nộp lên như thường.
Ăn cơm xong, Cao Tú Lan về phòng, trong lòng bức bối nhưng chẳng dám mắng to ngoài sân, đành chửi thầm: “Đám khốn kiếp, đồ chó má! Còn bao nhiêu người phải chết đói nữa đây? Sao ông trời không cho sấm sét đánh chết hết lũ ăn nói ba hoa ấy đi!”
Mọi người trong nhà làm như không nghe thấy. Cũng chẳng còn cách nào khác, công xã báo sản lượng lên trên cao quá, rồi đẩy xuống dưới. Mỗi người trong đội đều phải nộp đủ phần, không được thiếu. Để hoàn thành chỉ tiêu, từng nhà cắn răng chịu đựng.
Tô Thanh Hòa nhớ lại những gì từng đọc trên mạng về ba năm khó khăn này. Mấy năm trước, người ta mê mải luyện thép, chẳng ai buồn làm ruộng, sản lượng đương nhiên thấp. Nhưng vì sĩ diện, cấp dưới báo khống số liệu lên trên, cuối cùng dân đen lãnh đủ. Lại thêm thời tiết thất thường, mất mùa triền miên, họa chồng lên họa.
Trong phòng, mắng chán chê, Cao Tú Lan vô thức đi kiểm tra vại gạo. Chẳng có gì để hy vọng, bà thở dài tự trách mình hồ đồ, vậy mà lại tin vào giấc mơ của con gái.
Tối đó, bà tuyên bố: Từ nay, nhà chỉ ăn hai bữa một ngày. Buổi sáng, trừ Tô Thanh Hòa, ai cũng nhịn. Siết chặt chi tiêu, chờ đợt phát lương thực sau.
Cả nhà ủ rũ, nhưng chẳng ai dám phản đối. Anh em nhà họ Tô vốn không có ý kiến, còn Lâm Thục Hồng và Đinh Quế Hoa dù trong lòng bất mãn cũng chẳng dám ho he.
Tô Thanh Hòa nhìn mọi người, lần đầu tiên cảm nhận rõ cái túng quẫn của năm mất mùa. Tối lên giường, cô bảo hệ thống lén bỏ những thứ mình nhận được vào vại. Không thể để cả nhà chết đói được!
Sáng sớm hôm sau, Cao Tú Lan dậy chuẩn bị lên núi hái rau dại. Đi muộn một chút là đến cỏ cũng chẳng còn mà nhặt. Chuẩn bị xong xuôi, bà định ra sân gọi mấy đứa cháu đi cùng. Con gái con đứa mà không làm việc thì chẳng lẽ nuôi không? Không làm thì chỉ có nước đói chết!
Vừa bước ra cửa, bà chợt nhớ gì đó, ôm một tia hy vọng nhỏ nhoi, chậm rãi tiến đến vại gạo, mở nắp ra xem. Ánh sáng trong phòng mờ mờ, nhưng đôi mắt Cao Tú Lan sáng rực khi nhìn thấy thứ gì đó bên trong. Tim bà đập thình thịch, người cứng đờ…
“Đại Căn!!!”
Tiếng hét vang lên làm cả hàng xóm giật mình, huống chi người nhà họ Tô vừa tỉnh giấc. Tô Ái Quốc và Tô Ái Hoa vội khoác áo chạy đến: “Mẹ, có chuyện gì vậy?”
“Không có gì! Ra ngoài, đi ra ngoài hết đi! Mẹ vừa mơ thấy ác mộng thôi. Đi làm việc đi, còn đứng đây mà đòi có cơm ăn à?”
Hai anh em ngẩn người, rồi vội quay về mặc đồ tử tế, dẫn vợ ra đồng. Còn Tô Thanh Hòa trong phòng khác chỉ lật người, ngủ tiếp.
Cao Tú Lan nhìn vại gạo giờ có thêm thịt, bột mì trắng và bột cao lương, miệng há hốc kinh ngạc. Rồi bà lao đến ôm chặt vại, khóc nức nở: “Ông trời ơi, Đại Căn ơi! Cuối cùng ông cũng thấy tôi khổ thế nào rồi! Một mình tôi nuôi ba thằng con trai, một đứa con gái của ông, chẳng dễ dàng gì. Mấy thằng con ông toàn lũ bạc bẽo, lấy vợ xong quên mẹ luôn. Tôi khổ lắm, ông biết không? Chỉ có con gái chúng ta là hiếu thảo, vậy mà chúng nó còn đối xử tệ với em nó. Tôi khổ quá!”
Tô Thanh Hòa ở phòng bên nghe tiếng khóc, hết buồn ngủ, ngồi dậy dụi mắt. Mẹ cô đúng là nói dối không chớp mắt, tài thật! Đây cũng là lý do cô đẩy “cục nợ” này cho mẹ giải quyết.
Ban đầu, cô định tự mình lấy đồ ra, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy không ổn. Cô không có khả năng bịa chuyện trơn tru như mẹ. Cao Tú Lan thì khác, bà từng trải, giao cho bà là chắc ăn nhất. Dù sao cô cũng chẳng trực tiếp đυ.ng đến đống lương thực này. Chỉ là một giấc mơ thôi, ai ngờ lại thành thật đâu mà!
---