Chỉ là, ngoài mấy mẫu ruộng ấy ra, chúng ta chẳng có gì cả. Vậy mà vẫn bị đám công tử thế gia sống trong nhung lụa nhòm ngó.
Bọn chúng không thể chấp nhận việc ruộng tốt nằm trong tay dân thường.
Chúng nói, như thế là phí phạm của trời.
Người của quan phủ thì bóc lột tầng tầng lớp lớp, thu thuế hết lượt này đến lượt khác.
Chúng ta không giao, thì chúng đến cướp.
Đến khi trong nhà không còn nổi một hạt gạo, chúng mới hiện nguyên hình, ép buộc chúng ta bán đất.
Chúng không bỏ ra một đồng, lại còn dùng giọng điệu ban ân, như thể chúng ta đã được lợi lớn. Chúng nói:
“Công tử nhà ta có lòng từ bi, cho các ngươi ký khế ước bán thân, lấy thân phận gia nô tiếp tục cày cấy.”
Từ lương dân biến thành tiện dân, đời đời kiếp kiếp không ngóc đầu lên được, thế mà cũng được coi là ban ơn sao?
Phụ thân ta không ký khế ước, nhưng cũng không thể giữ được ruộng đất trong nhà.
Trong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu như vậy, mà cả nhà ta vẫn phải bỏ xứ ra đi, thành lưu dân chạy nạn.
Năm ấy ta bốn tuổi, từng ăn vỏ cây, từng nuốt côn trùng.
Khi đói tới tận cùng, ta còn từng thử cắn thịt chính mình để thỏa mãn cơn đói.
Trên đường chạy nạn, chúng ta gặp rất nhiều người đều bị cướp ruộng đất giống mình.
Lúc đó chúng ta mới hiểu, có thể trở thành nô bộc cho thế gia, đích xác là một kiểu “ân huệ” mà mọi người công nhận.
Thật hoang đường.
Người sắp đói chết chịu không nổi, sẽ đến Huyền Môn thử vận may.
Nghe nói Huyền Môn sẽ tiếp tế lưu dân. Nhưng họ bảo rằng, phàm nhân trên thế gian sinh ra đều mang tội, nên chỉ tiếp tế cho người "có duyên".
Còn loại người nào mới có duyên với thần tiên, thì chưa có kết luận.
Nhưng xem nhiều, đại khái cũng đoán ra được đôi phần.
Người mang dáng vóc xinh đẹp - ấy là có duyên.
Thế nên, cuối cùng chúng ta không chọn bước vào Huyền Môn để hỏi xem bản thân có duyên hay không.
Sau gần nửa năm lưu vong, cuối cùng chúng ta tập hợp được nhóm người đầu tiên, đánh cướp một gia đình quý tộc nhỏ.
Gạo trong kho lương thực của họ đủ nuôi sống mấy trăm người, nhiều đến nỗi mang đi không xuể.
Ngay cả chuột trong kho cũng béo múp, lông bóng mượt.
Thì ra, không phải không có lương thực, mà chỉ mỗi chúng ta không có lương thực.
Sau vụ cướp đó, chúng ta từ lưu dân biến thành giặc cỏ.
Càng ngày càng có nhiều người gia nhập với chúng ta. Một mặt, chúng ta lẩn trốn sự truy bắt của triều đình; mặt khác, lại cướp của nhà giàu chia cho người nghèo, cứu tế lưu dân.
Giặc cỏ mà cứu tế lưu dân, nghe thật nực cười.
Nhưng chuyện nực cười ấy, lại thực sự xảy ra.
Chẳng bao lâu, nhóm giặc cỏ chúng ta đã lên đến cả vạn người.