Nắng như rót mật, chen nhau chiếu bỏng rát xuống góc sân vắng lặng, chỉ có một gốc cây tử đằng đổ bóng mát rượi. Đoàn kiệu của Tống Nhã Uyên lặng lẽ dừng dưới gốc cây, gió thoang thoảng đem nắng loang lổ trên đòn sơn son chạm trổ mây rồng uốn lượn, rồi lại khẽ đánh vào những đồng linh treo trên mái che, đem những thanh âm lanh lảnh cất lên giữa sớm mai.
Tống Nhã Uyên ngồi giữa bốn góc châu sa trướng phủ, tua rau lụa đào dài đến tận đất, đối diện y là một bức bình phong khảm chu sa cẩn thạch anh đỏ. Y nửa ngồi nửa ngả lên đệm, áo bào đỏ sẫm buông lơi phất phơ trong gió, cổ áo hé mở lả lơi da thịt trắng sứ. Tấm sa màn đỏ mỏng che mặt, dưới cái nắng vàng lự chỉ hắt ra một bóng dáng mờ ảo.
Thu Uy Trì và La Đổng Minh ngồi trong đình, mắt nhìn chằm chằm vào chiếc kiệu đỏ của Tống Nhã Uyên, nhất thời không biết nên thốt lên lời gì. Chỉ biết đặt ánh mắt chằm chằm lên tấm màn sa mỏng, cần cổ lơi lả, và những lọn tóc đen dài buông xõa chỉ vấn hờ bằng một chiếc trâm ngọc.
"Ta xưa nay mắc bệnh sợ người lạ. Phải đón tiếp các vị trong bộ dạng này, để các vị chê cười ta rồi." Y cất giọng thật mềm, khẽ kê tay đỡ lấy đầu. Chiếc quạt xếp đỏ thẫm khẽ phe phẩy theo từng khớp ngón tay trắng bệch của y.
"Nghe danh Vãn Huyền công tử đã lâu. Nay mới được gặp mặt, thật là không hổ dân gian truyền miệng, hồng kiệu một chiếc, cả kinh thành dẹp đường." Thu Uy Trì là người phản ứng trước, rồi khẽ đá chân La Đổng Minh đang ngơ ngác nhìn vào tấm bình phong mờ mờ.
Tống Nhã Uyên khẽ cười thật nhẹ, ánh mắt cong cong nhuộm nắng: "Cũng chỉ là chút lời truyền miệng của nhân gian thôi, không đáng tin." Rồi y khẽ vươn ngón tay thon dài khe khẽ gõ lên mặt bàn tử đàn thấp: "Chắc Thu đại nhân và La đại nhân đây cũng đã rõ lý do hôm nay ta đến đây rồi đúng không? Vạn Chu xưa nay chỉ là một thương hội nhỏ, chưa từng tranh quyền đoạt thế. Chúng ta chỉ mong giữ dân, giữ người, giữ lòng mà thôi. Chắc các vị cũng hiểu, khi lòng dân đã lạnh, thì gạo trong kho cũng chẳng cứu nổi một mạng người. Ta nói có đúng không?"
Thu Uy Trì và La Đổng Minh lặng lẽ nhìn nhau, cả hai chưa vội trả lời. Tống Nhã Uyên thu quạt lại, khẽ đập lên lòng bàn tay từng nhịp liên hồi. Y chầm chậm đếm.
La Đổng Minh siết chặt chén trà trong tay, hắn nói, giọng lạnh hẳn đi: "Vãn Huyền công tử nói dễ nghe thật đấy. Một khi để thương nhân điều hành kho lương, thiên hạ sẽ nghĩ gì đây? Từ trước đến nay, quốc khố là do triều đình quản lý, nếu để thương nhân như quý vị công tử đây nhúng tay vào thì còn đâu là kỷ cương phép nước nữa? Hôm nay các người nói vì cứu tế, ngày mai thì sao? Muốn thu thuế thay triều đình luôn ư?"
Tống Nhã Uyên không đáp, y khẽ chạm quạt lên chiếc bình phong, rồi lướt nhẹ nó theo từng đường vẽ, tiếng đồng linh leng keng vang lên theo chuyển động của y. La Đổng Minh và Thu Uy Trì đã chờ y đến sốt cả ruột, y mới từ từ đưa tay ra khỏi màn kiệu, vạt áo đỏ mềm mại rủ xuống như nước chảy. Y nhẹ nhàng đẩy ra một quyển sổ mỏng, rồi tay kia khẽ gõ quạt một cái lên bàn. Tùy nhân bên cạnh cầm lấy cuốn sổ bằng cả hai tay, đưa đến trước mặt Thu Uy Trì và La Đổng Minh.
Y cất giọng mỏng như tơ: "Đây là danh sách những hộ dân tại Thịnh Phố đã đến cửa xin phát chẩn trong ba ngày qua. Mời hai vị đại nhân xem qua. Có tổng cộng hơn ba ngàn hộ dân, hơn bảy ngàn miệng ăn. Các vị nói xem, có thương tâm hay không chứ? Một thương hộ như ta, nhìn thấy cảnh đói khát này còn không kìm lòng được mà đau đớn thay. Giờ ta lại nghe tin kho của Công Bộ các vị chỉ còn chưa tới năm trăm thạch gạo. Nếu các vị không dùng tài vật bên ngoài để bù vào, thì các vị đây đâu gọi là cứu tế dân nữa, mà là mặc kệ họ chết. Ta cũng là con dân của Đại Khánh, làm sao có thể chịu được cảnh này. Công Bộ khó khăn, Vạn Chu chúng ta cũng chỉ muốn chia sẻ gánh nặng với triều đình, cũng chỉ là muốn làm sao để dân chúng có thể ấm no mà thôi. Đại nhân nói xem, lòng tốt của ta sao lại bị hai vị đại nhân nói thành nhúng tay vào quốc khố rồi này."
Thu Uy Trì từ đầu đến giờ vẫn im lặng, nay mới đặt chén trà xuống, hắn cất giọng khàn khàn vì thức khuya nhiều ngày: "Ta không phản đối ý tốt của Vạn Chu. Nhưng công tử lại muốn chúng ta lập khế ước, điều khoản lại ghi rằng, nếu Công Bộ không thể hoàn trả đủ số tài vật đã ứng trước, thì quyền điều hành Ngân Phường và Thịnh Phố sẽ thuộc về quý thương hội vô thời hạn. Công tử nói xem, một khi chúng ta trao quyền điều hành vô thời hạn, khác nào trói chặt tay chân triều đình, giao quyền sinh sát vào tay thương nhân các ngươi cơ chứ?"
"Vậy sao?" Tống Nhã Uyên cười khúc khích, lại khẽ xòe quạt mà che lên tấm màn sa: "Vạn Chu nguyện ý ứng trước ngân vật, giúp Công Bộ các vị vượt qua khó khăn, đâu có nói sẽ dâng tặng cho các vị đâu. Nếu các vị không trả được, thì tức là các vị đã thất tín với dân, thất tín với triều đình rồi. Đến lúc ấy, liệu các vị còn xứng giữ quyền điều hành Ngân Phường và Thịnh Phố nữa hay không? Các vị không tự vấn lại chính mình sao?"
La Đổng Minh giận tím mặt: "Ngươi nói trắng ra là muốn dùng khế ước để ép Công Bộ tự tay dâng hai trung tâm giao thương lớn nhất cho Vạn Chu, đúng không? Đến lúc ấy, không cần triều đình ban lệnh, thương hội của các ngươi cũng ngang hàng với một phủ lớn rồi còn gì."
Tống Nhã Uyên đổi tay tựa cằm, lời nói rót ra như nhỏ rượu lên tơ lụa: "Thương hội chúng ta xưa nay chỉ quan tâm mua và bán, nào có quan tâm đến việc tạo phản đâu chứ. Cái mà thương hội chúng ta muốn là một kết quả, còn cái các vị đang giữ là một vấn đề. Nếu như trong triều đình chẳng có ai đứng ra gánh vác trách nhiệm cứu tế này, thì để dân tự nhìn xem ai mới là người đứng ra giúp dân trong tình cảnh khốn khó đi vậy."
"Ngươi thật khôn ngoan, Vãn công tử." Thu Uy Trì trầm giọng nói: "Vạn Chu các ngươi không trực tiếp đòi đất, đòi quyền, lại chỉ bắt chúng ta phải cam kết trả lại những gì đã nhận của các ngươi. Nhưng lấy gì đảm bảo các ngươi không đội lốt cứu tế để cướp trắng tài sản của triều đình?"
Tống Nhã Uyên liền thở dài một tiếng thật nhỏ, như sương giăng. Y nói: "Ta lấy gì để đảm bảo với các vị đây chứ? Nhưng mà các vị xem, hiện tại các vị cần gạo. Ta có. Các vị cần hậu cần. Ta có. Các vị cần dân chúng yên lặng, tránh nổi loạn. Ta cũng có cách. Còn nếu các vị vẫn muốn ôm khư khư mặt mũi của mình, muốn giữ thể chế của mình, vậy thì các vị cứ để đó mà giữ đi vậy. Ta cũng hết nước, hết cái, hết lòng với các vị rồi. Ba ngày nữa, khi kho trống, dân hỗn loạn, lòng quân bất động, thì lúc ấy để ta xem Công Bộ các vị còn giữ được gì?"
Một thoáng im lặng phủ kín bầu không, chỉ nghe ra được từng tiếng hoa hải đường rụng từng cánh, từng cánh đáp xuống mặt đất âm u.
La Đổng Minh lặng nhìn chén trà đã nguội lạnh từ bao giờ. Hắn thấp giọng, chẳng còn khí thế như trước nữa: "Công tử nói, nếu chúng ta ứng trước tài vật của Vạn Chu, rồi không trả được sẽ phải giao toàn bộ quyền điều hành cho Vạn Chu. Thế nếu bây giờ chúng ta chỉ vay tạm trong một khoảng thời gian, sau đó sẽ xoay sở lại cho Vạn Chu, không biết công tử thấy thế nào?"
Tống Nhã Uyên tựa đầu lên gối, y ngước nhìn vòm lọng phủ kín rèm lụa, cười nói: "Ta đâu có nói tới đây để cho các vị vay đâu. Ta tới đây là để mua lại đấy chứ. Nhưng nếu các vị thật lòng muốn giữ danh, giữ quyền, giữ phận, vậy thì vẫn có thể lập thêm một hội đồng giám sát. Tất cả vận hành của Vạn Chu, trong thời kỳ cứu tế sẽ công khai toàn bộ với triều đình. Công Bộ các ngài sẽ là cơ quan chính giám sát. Lời ta nói như vậy, không biết đã hài lòng các vị hay chưa? Ta cũng thật lòng nhắc trước các vị một câu, nếu cứ chậm thêm một ngày, dân chết thêm một người, đến lúc đó sẽ là máu đổ lên tay các vị."
Thu Uy Trì không đáp, mắt khẽ liếc qua La Đổng Minh, rồi nhìn xuống chằm chằm những đường nứt trên mặt bàn gỗ. Nắng ngả nghiêng đổ lên trên đầu hắn. Hắn thở dài một hơi, mới nói: "Chuyện này chúng ta cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Ngày mai sẽ có câu trả lời gửi đến Công tử."
Tống Nhã Uyên liền cười khành khạch: "Mong rằng Vạn Chu có thể đưa một cách tay ra để tương trợ các vị trong lúc khó khăn. Hôm nay là ngày rằm, ta phải lên chùa dâng hoa kính phật. Không làm phiền các vị nữa. Xin cáo từ."
Y nói, rồi khẽ phất tay, kiệu quay đi, đem ánh đỏ chói lọi vọng ra từ những tấm rèm sa, phủ vào ánh mắt của La Đổng Minh và Thu Uy Trì từng tia vỡ tan. Tấm màn sa mỏng vẫn rủ xuống, che kín một nụ cười nhàn nhạt của Tống Nhã Uyên.
Tống Nhã Uyên lên xe ngựa, y liền kéo cao cổ áo như một hành động quen thuộc. Đào Dĩ An ngồi bên cạnh choàng tấm áo choàng khác cho y, rồi trầm giọng hỏi: "Liệu bọn chúng có đồng ý ký vào khế ước hay không?"
"Bọn chúng còn lựa chọn nào khác sao?" Y lười nhác tựa đầu vào thành xe, mắt lơ đễnh nhìn cảnh vật bên ngoài cửa sổ: "Kêu Vãn Huyền chuẩn bị tài vật, lương thực để cứu tế dân. Nói với hắn tối nay ta không về nhà."
"Người muốn đi đâu?"
"Đến tửu lâu." Giọng y nhẹ thênh.
Đào Dĩ An thinh lặng một lúc, mới cất tiếng: "Điện hạ, phía Cấm quân hiện giờ đang thiếu người hậu cần, vật tư dụng để dựng trại tiếp tế cho dân cũng đang thiếu. Nhà cho dân chưa dựng được, bọn họ bây giờ đều đổ dồn đến mấy trại tạm cư của Cấm quân. Lăng Đô đốc bị thương cũng phải chạy đôn chạy đáo. Chúng ta có nên chi viện trước cho bọn họ không?"
Tống Nhã Uyên vươn tay tựa cằm, khẽ nói: "Cứ để cho bọn họ chịu khổ chút đi. Chừng nào Công Bộ ký vào khế ước, chừng ấy chúng ta mới ra tay cứu giúp."
Đào Dĩ An gật đầu, rồi đặt chiếc quạt xếp đỏ thẫm vào tay y: "Quạt của Điện hạ này."
Y nhìn chiếc quạt, nhưng không nắm lấy, ánh mắt lại lãng đãng đặt trên mấy đám mây trôi: "Ngươi mang quạt này đến chỗ Lăng Tiêu Dã. Bảo hắn, quạt hỏng rồi, sửa lại cho ta."
"Vâng."
Từng cánh chim trời in vào tròng mắt y, in vào cõi lòng tầng tầng những mớ cảm xúc không tên. Là cảm giác này, cũng chẳng phải là cảm giác này. Là thứ mà y muốn, cũng là thứ mà y trốn chạy. Con người không thể quá tham lam. Y xưa nay chưa từng tham lam, thứ y muốn cũng chỉ có một, những thứ khác, y không cần. Nên tốt nhất đừng để nó thêm nảy nở. Tất cả chỉ nên dừng ở đêm trăng ấy, bước chân ấy, bóng lưng ấy và những lời nói ấy.
—
Chân trời đỏ ối chiếu lên cái lưng đang lúi cúi của Tiết Tử Sách. Hắn lúi húi một mình ở sau núi, chỗ ụ đất hôm qua hắn đã đánh dấu. Hắn cắm một sào tre xuống, buộc từng sợi dây thừng mỏng theo hướng gió. Hắn làm rất chăm chú, mồ hôi trên trán hắn thi nhau chảy xuống, như muốn nhuộm đẫm nước cả một vùng đất đã khô.
Ích Từ đứng cách chẳng xa, miệng ngậm một bông cỏ may, nhai nhồm nhoàm. Gã khoanh tay tựa vào gốc cây tùng, sau lưng lom khom vài binh sĩ đang dựng lại kho lương bị sập.
"Con hến đấy lại đang làm gì thế?" Tạ Khướt quăng bình nước cho Ích Từ rồi hếch cằm về phía Tiết Tử Sách.
Ích Từ nhíu mày nhìn bóng lưng đang loay hoay bên mớ dây nhằng nhụa và đám đất cát toàn bùn. Gã nhìn Tiết Tử Sách như nhìn một vết rạn trên tường thành, rất nhỏ, nhưng gây khó chịu. Ích Từ thở hắt một cái: "Nó đang chơi. Nhìn xem, chúng ta thì sửa đê, nó thì chơi."
"Nhưng mà nó cứu được người mà." Tạ Khướt cười khà khà rồi dốc bầu nước tu ừng ực.
Ích Từ quay ra, ánh mắt xoáy vào người Tạ Khướt, giọng lạnh như đá: "Cứu người là việc của binh sĩ. Không phải cái cớ để cư xử như thằng điên."
Tiết Tử Sách ngẩng đầu. Hắn nghe thấy, rõ từng chữ một. Nhưng hắn chẳng nói gì, chỉ tỉ mẩn cắm cọc, vẽ vòng, đo gió. Tay hắn lấm đen bùn, tóc bị gió thổi rối tinh rối mù, mặt vô cảm như một cái tượng đất.
Ích Từ lại càng ngứa mắt. Gã rảo bước về phía hắn, mỗi bước chân như muốn xới tung cả lòng đất lên. Gã đến trước ụ đất nơi Tiết Tử Sách đang cặm cụi, gã đạp mạnh lên, ụ đất lập tức đổ xuống, đè nát mấy chiếc sào của Tiết Tử Sách, lấp kín món dây dụa của hắn.
Gã cúi người thấp xuống, hạ giọng chỉ đủ mình gã và hắn nghe: "Ngươi nghĩ mình giỏi à. Nói cho ngươi biết, ngươi không phải người duy nhất từng ra trận, từng nhìn thấy máu. Ngươi không thể cứ mãi tách khỏi quân doanh như thế."
Tiết Tử Sách không ngẩng đầu, chỉ thả một câu khô khốc: "Ta nói ta thuộc về Cấm quân sao?"
Ích Từ liền cười lạnh: "Vậy ngươi nghĩ ngươi đang ở đâu?"
Lăng Tiêu Dã chầm chậm bước tới. Tiết Tử Sách tất bật thu gom món gậy sào của mình lại, rồi hắn xoay chân bước nhanh đi. Lăng Tiêu Dã chỉ kịp nhìn cái bóng của hắn khuất sau mấy hàng ngô đồng, rồi quay sang nhìn Ích Từ.
Hắn biết vừa có chuyện gì xảy ra, mà chuyện này đã âm ỉ từ lâu lắm rồi. Chỉ cần có một ngọn lửa, chắc chắn sẽ bùng lên. Nhưng dưới tình hình này, hắn không thể làm gì ngoài việc từ từ quan sát hai người bọn họ.
Lăng Tiêu Dã lạnh lùng hỏi: "Phía hậu cần sắp xếp thế nào rồi?"
"Hiện tại vật tư dụng đang thiếu." Ích Từ nhún vai một cái: "Đô đốc cũng thấy đấy, chúng ta đã cố gắng tận dụng những vật dụng cũ mà lũ để lại rồi. Nhưng dân chúng đổ đến trại tạm cư đông như thế, binh sĩ Cấm quân lại chẳng có bao nhiêu, người lo đắp đê, người lo sửa nhà, người lo cứu tế, thuốc men, giờ người lo dựng trại nữa. Chúng ta làm sao kham nổi."
Lăng Tiêu Dã nhìn bình nước trong tay Ích Từ, trầm giọng: "Ngươi chỉ mới nêu ra khó khăn. Điều ta muốn nghe, là cách ngươi dự định giải quyết nó ra sao. Vật tư dụng cũ không tự sinh ra, nhưng gạch nát, cây đổ, đều có thể xẻ ra dựng lán trại được. Dân công không đủ, vì Cấm quân cũng là người, không thể vừa đánh trận, vừa lo hết việc cứu tế, dựng trại được. Nhưng dân cũng là người, ngươi không mở miệng ra nhờ đám trai tráng, sao họ biết đường mà góp sức? Ích Từ, ngươi phụ trách vận chuyển, thì nên làm tốt phần việc của mình. Chuyện của người khác, để họ tự lo. Ngươi là một người đứng ở ngoài, làm sao biết được trong lòng họ nghĩ cái gì, thấy thế nào. Chuyện hôm nay, ta xem như chưa từng nhìn thấy. Nhưng nếu để ta bắt gặp thêm một lần nữa, ta nhất định sẽ phạt mạnh tay theo quân kỷ. Mong ngươi nhớ kỹ."
Ích Từ trầm mặc gật đầu, bàn tay siết vào nhau. Dù gì gã cũng từng là một tướng lĩnh, mà tên Lăng Tiêu Dã này thì đòi lớn hơn gã bao nhiêu tuổi cơ chứ. Bị mắng té tát như vậy, những kẻ cái tôi cao ngút trời như gã, làm sao phục đây.
Lăng Tiêu Dã vươn tay xoa nhẹ bả vai đau đớn điên cuồng của mình, lặng nhìn Ích Từ, rồi hạ thấp giọng: "Được rồi. Mấy ngày nay ngươi cũng vất vả. Hôm nay nghỉ sớm. Ngày mai tiếp tục làm tốt công việc của mình."
"Ta hiểu rồi." Ích Từ nói, rồi lầm lũi lui đi.
Sơ Kiến từ xa chạy vọt về phía Lăng Tiêu Dã. Nó thở hổn hển, rồi dúi một chiếc quạt xếp đỏ sẫm vào tay hắn: "Công tử, Đào Dĩ An mới tới, nói đưa cái này cho Công tử."
"Hắn đâu rồi?" Lăng Tiêu Dã cầm chiếc quạt lên, khẽ xòe ra.
"Về rồi. Huynh ấy bảo, Điện hạ nói quạt hỏng, kêu Công tử sửa."
Lăng Tiêu Dã nhìn chiếc quạt không một vết rách, cán cầm cũng không gãy, xương quạt còn mới nguyên. Hắn khẽ cười một tiếng rồi cất chiếc quạt vào l*иg ngực.
Sơ Kiến liền nghiêng đầu khó hiểu: "Sao Điện hạ lại nhờ Công tử sửa quạt nhỉ?"
"Không có gì. Ngươi về cầm toàn bộ bản ghi chép mang đến lều chỉ huy cho ta."
Nó gật đầu, rồi lại chạy vụt đi ngay. Lăng Tiêu Dã chậm rãi đi về phía lều trướng. Nắng chiều tà ám lên góc áo bào của hắn đỏ thẫm, như một góc quạt còn mới nguyên nhưng lại có người muốn sửa. Bước chân hắn chạm đất, quyện cùng khói cơm chiều, quyện với gió chạng vạng, quyện cùng tiếng dế rả rích ngoài mương.
Hắn thắp nến, để ánh nhờ nhợ lan khắp không gian, soi rọi từng ngách đất đã phơi nồm thứ rêu xanh. Lăng Tiêu Dã kéo một chiếc bọc nhỏ, bên trong đựng vài ba món đồ: một chiếc vòng bạc, một bông hoa quế đã héo, một bông ngọc lan ép khô còn mới, bây giờ hắn thả thêm một chiếc quạt. Những thứ này sẽ đầy dần theo năm tháng, giống như những bước chân và bóng lưng sẽ đầy dần lên.
Hắn cũng chẳng phải kẻ tham lam. Hắn chỉ muốn về nhà, nhưng hắn cũng không muốn chỉ về nhà có một mình.
—
Thu Hoài Trạch vừa mới chạy ngày chạy đêm từ Trường Đô xuống Thái Thục. Hắn mới ngồi còn chưa ấm mông, uống còn chưa xong chén trà đã bị đám lê dân ở ngoài réo tên như réo vong về.
La Đổng Minh chỉ biết xoa thái dương, ngán ngẩm: "Đại nhân, hạ quan thấy tên Vãn Huyền đó nói không sai đâu. Nếu giờ không có nguồn ứng gấp, ba ngày nữa không chỉ dân chết, mà đầu chúng ta cũng rơi theo."
Thu Hoài Trạch đứng bật dậy, đi đi lại lại như cọp nhốt chuồng. Hắn gằn giọng: "Không sai cái gì mà không sai? Hắn đến đây đặt điều kiện như dao kề cổ, bắt chúng ta đem hai cơ quan quan trọng nhất của Công Bộ ra đổi lấy gạo. Việc này mà truyền ra ngoài, không chỉ Công Bộ mất mặt, mà cả triều đình cũng thành trò cười cho thiên hạ rồi."
"Vậy còn cách nào khác không?" Thu Uy Trì điềm đạm nói: "Giờ chúng ta chẳng có gì trong tay cả. Gạo thì không đủ, bạc chưa kịp rút, dân thì ngày một đông hơn. Dân ở Khánh Gia đã bắt đầu manh nha tụ tập rồi kìa, quan châu báo về là có kẻ xúi giục phá kho chia gạo rồi."
Thu Hoài Trạch đập bàn cái bốp: "Vậy thì các ngươi muốn chấp nhận cái điều khoản vô lý ấy à? Giao quyền điều hành vô thời hạn? Khác gì đưa ra lệnh khai tử cho Công Bộ."
Thu Uy Trì mắt đã giăng đầy tơ máu, vì cơn mất ngủ, vẫn cứ nhẹ giọng mà nói: "Đại nhân, ngài nghĩ xem. Đây không phải lệnh khai tử đâu. Mà là giấy khai sinh ra một thời kỳ mới đấy, thời kỳ quan và thương bắt đầu hợp tác với nhau. Giờ chúng ta không thể chỉ dựa mãi vào cái danh triều đình được nữa."
"Đại nhân sẵn lòng để thương hội điều khiển Công Bộ sao?" La Đổng Minh đăm đăm nhìn Thu Uy Trì: "Như này khác gì sẵn lòng để bọn bán vải, bán muối dạy chúng ta cách lo cho thiên hạ đâu?"
"Ta cũng đâu có muốn." Thu Uy Trì đưa bàn tay nhăn nheo chạm lên mất vết nứt đã cũ: "Nhưng bọn chúng làm được, còn chúng ta thì bất lực nhìn dân chết."
Thu Hoài Trạch hít một hơi dài, khẽ nói: "Chúng ta có thể thêm vào khế ước các điều khoản bảo vệ danh dự triều đình. Ví dụ như trong thời kỳ cứu tế, thương hội chỉ được phép điều hành dưới sự giám sát tuyệt đối của Công Bộ và Tam Ti. Như vậy chúng ta vẫn giữ được danh nghĩa ủy quyền, không phải trao quyền vĩnh viễn."
"Chính xác." Thu Uy Trì gật đầu: "Thêm vào điều kiện mọi chi tiêu, vận hành đều phải có sổ phụ gửi về Công Bộ bảy ngày một lần. Mỗi tháng tổ chức kiểm kê một lần. Nếu phát hiện bất minh chúng ta sẽ lập tức thu hồi."
"Đến lúc đó thì dân chúng đã quen nhận gạo từ tay thương nhân rồi. Lúc chúng ta muốn thu lại, chỉ sợ không còn lê dân bách tính nào tin triều đình nữa." La Đổng Minh nói.
Thu Hoài Trạch nhắm mắt, ngửa đầu ra sau, chấp nhận sự thật: "Nếu bây giờ để dân đói, mất lòng dân, thì sau này dù chúng ta có thu hồi được cũng chẳng ai cần nữa. Đã đến nước này thì đâm lao phải theo lao thôi."
Cả căn phòng chẳng ai lên tiếng. Cũng chẳng phải sự im lặng là đồng thuận, bởi vì họ chẳng còn khác nào khác.
Một khắc đắn đo trong mớ suy nghĩ miên man, Thu Hoài Trạch mở mắt, phất tay áo: "Soạn văn bản. Ta sẽ ký. Nhưng chúng ta phải để Hoàng thượng thấy được đây là lựa chọn bất đắc dĩ của chúng ta. Còn phải cho tên Vãn Huyền đó thấy, một khi cứu tế xong, nếu bọn chúng có ý định khác, Công Bộ sẽ không ngồi yên."
"Giờ Tam hoàng tử đang là tai mắt của Hoàng thượng ở đây. Chúng ta không hành động sớm, chỉ sợ vỡ lở ra thì cả Công Bộ đều đầu lìa khỏi cổ mất." Thu Uy Trì mệt mỏi, đôi lông mày cau lại với nhau.
Thu Hoài Trạch cũng trưng ra bộ dạng mặt mày xám ngoét: "Hắn tuy chẳng có quyền có lực gì, nhưng Hoàng thượng yêu thương hắn như vậy, một lời nói của hắn chắc chắn sẽ đánh động đến triều cương." Rồi Thu Hoài Trạch đem ánh mắt ê chề đặt lên La Đổng Minh, nói: "La đại nhân, ngươi chuẩn bị khế ước đi, ta ký điều khoản. Tối nay sai người đem đến cho tên Vãn Huyền. Kêu lão Tam giữ sổ kho, soát lại toàn bộ sổ sách chuyển qua cho bọn chúng."
"Nhưng mà đại nhân..."
"Chúng ta còn cách nào khác à?"
Ba gương mặt ỉu xìu cùng ngước nhìn chân trời ủ rũ. Chẳng ai nói thêm lời nào nữa.