Tiếng Vả Mặt Vang Vọng Núi Sông

Chương 15: Tình làng nghĩa xóm

Xong xuôi, cô đang sột soạt quét nhà quét sân thì có tiếng gọi ngoài cổng:

- Tư Tư có nhà không?

- Có em…

Cô đáp xong mới nhận ra giọng này là của Lưu Tứ, bà chủ lò mổ heo đang muốn thuê người làm.

Lưu Tứ đon đả cắp rổ vào sân, mắt đảo quanh cẩn trọng, miệng cười xã giao:

- Thiết Nghiêu đâu? Đỡ chưa?

- Nhà em hạ sốt rồi, đang nằm trong nhà. Chị vào chơi…

- Thôi.

Lưu Tứ lập tức từ chối. Sau đó thấy mình phản ứng hơi vội, lại cười cười dở nắp đậy rổ ra:

- Nghe nói Thiết Nghiêu bệnh nặng, chị đến thăm. Nhà nhiều việc quá, chị phải về luôn. Mau mang rổ ra đây…

Tư Tư ngạc nhiên nhìn thịt heo và trứng gà trong rổ của Lưu Tứ.

Thăm bệnh nhiều vậy sao?

Hay chỉ cho cô một ít, còn lại mang về?

Người nhà quê đâu có nhiều như vậy mà cho.

Tư Tư vội chạy vào bếp lấy rổ mang ra, lòng khấp khởi mừng thầm.

Trong sự ngơ ngác của cô, Lưu Tứ bỏ hết trứng gà và thịt trong rổ của mình sang cho cô.

Mười hai quả trứng gà, một miếng thịt lớn khoảng 500 gam. Cô không rành cân lạng nhưng khẳng định miếng thịt to thế này ít hơn nửa cân thì cô đi đầu xuống đất.

Nguyên chủ từng mua thịt nhà Lưu Tứ, có thể ước lượng được.

- Ôi, cho nhà em hết ạ? Nhiều quá… Ngại quá… Em… - Tư Tư lắp bắp nửa mừng nửa lo, không biết Lưu Tứ có nhờ vả chuyện gì khó không.

- Nhiều nhặn gì. Người ốm phải bồi bổ. Đừng ngại… Chị phải về đây. Đi lâu lão nhà chị chửi cho. Khi nào Thiết Nghiêu khỏe chị lại qua chơi.

- Vâng… Em cảm ơn!

- Khách sáo làm gì. Người làng với nhau cả.

Nói rồi Lưu Tứ vội cắp rổ đi thẳng.

Tư Tư đứng nhìn theo, vẫn chưa hết ngạc nhiên.

Cho nhiều thế mà không nhờ vả chuyện gì sao?

Thực sự chỉ đến thăm bệnh?

Chắc chị ta cũng sợ lây, sợ đen đủi, không dám vào nhà nhìn Thiết Nghiêu, đứng ở đây nói với cô mấy câu rồi chạy.

Sợ bệnh như vậy mà còn đến thăm, đúng là quý hóa. Ân tình này cô sẽ nhớ kỹ.

Tư Tư vui như mở cờ trong bụng, bưng rổ vào bếp cất kỹ cả thịt và trứng. Không thể để miếng ăn đến miệng còn bị giật như trước.

Tịnh Hương đã lâu không được ăn thịt heo, nguyên chủ cũng vậy. Tối nay phải nấu một bữa cơm đàng hoàng, bồi bổ thân thể cho cả nhà mới được.

Tư Tư vui vẻ nhóm lửa hâm lại cháo.

Một lát sau, lại có người đến thăm.

Lần này là thím Vu nhà ở đầu thôn. Thiết Nghiêu hay làm thuê cho cửa hàng của con trai thím trên thị trấn. Nhà chú thím có việc gì hắn đều đến giúp không lấy công.

Thím Vu thậm chí không dám vào cổng, đứng bên ngoài gọi Tư Tư ra, cho một túi gạo, một ít đường, hỏi mấy câu rồi về luôn. Xem bộ dạng còn sợ lây bệnh hơn cả Lưu Tứ.

Một lát sau, Lưu Nhị và mấy chị gái sồn sồn hay chơi với nguyên chủ tới. Người cho muối, người cho đường, người cho gạo. Nhà khá giả thì có cả trứng, nhà nghèo thì mang rau củ sang.

Người làng đi thăm bệnh chỉ như vậy thôi, rất ít người cho thịt như Lưu Tứ.

Tư Tư nhẩm thấy những người hay chơi với nguyên chủ đều đã đến. Làng nhỏ, tốc độ buôn dưa lê lớn, có chuyện gì chỉ một chốc mọi người đều biết. Thiết Nghiêu ốm, người làng đi đám cưới Thiết gia biết cả. Giờ Tư Tư bảo hắn hạ sốt rồi họ mới dám sang đảo một cái, cho ít đồ rồi về luôn.

Mỗi người một ít ấy thế mà lu gạo nhà cô sắp đầy, lọ muối lại được lưng lưng, trứng gà xếp đầy một giỏ. Lọ đường đã trống không mấy tháng, nay lại có đường. Nỗi lo chạy ăn từng bữa nhẹ hẳn đi, tâm tư nặng nề của thân thể nguyên chủ thoát bớt.

Lúc này cô mới nhận ra mình bị ký ức cũ, thói quen cũ của nguyên chủ ảnh hưởng nhiều như thế nào.

Suy cho cùng, cô mới xuyên tới chưa đầy một ngày, đương nhiên không thể kiểm soát toàn bộ, làm việc vẫn phải dựa vào bản năng của thân thể này. Có chăng lý trí điều khiển cái miệng nói linh tinh thỏa thích mà thôi.