Dù thời đại cổ hủ, quan niệm cổ hủ, không muốn mang đen đủi cho con gái, nhưng Thiết Nghiêu là con trai họ, Tịnh Hương là cháu gái họ… Một giọt máu đào hơn ao nước lã chứ…
Con bé khóc lả hai ngày trời, không ai nhìn, không được một giọt nước.
Thiết Nghiêu nằm bẹp trên giường hai ngày, không ai thắc mắc hắn đang ở đâu, ốm đau ra sao ư? Không ai dời bước vàng ngọc sang ngó một cái?
Hàng xóm đâu?
Cửa cổng nhà cô đóng nhưng không khoá, sao không ai sang tìm?
Những người ngày thường hay được Thiết Nghiêu giúp đâu? Bọn họ cũng không phải loại cạn tình cạn nghĩa, sao lần này không ai tới cửa?
Nguyên chủ chẳng đắc tội nặng nề với ai, ra ngoài đi làm, va chạm với người nọ người kia cũng chỉ vài chuyện lông gà vỏ tỏi, khẳng định nếu ngã ngoài đường, những người đó sẽ chìa tay ra giúp. Làm gì đến nỗi suýt chết trong nhà không ai biết, không ai hỏi.
Hay họ cũng như nhà chồng nguyên chủ, sợ dính xui xẻo từ người ốm nên tránh nhà họ ra?
Tư Tư khó chịu trong lòng, nằm nghĩ linh tinh đến khuya vẫn không ngủ được.
Cô đặt Tịnh Hương sát vào Thiết Nghiêu, chèn gối để con bé tưởng mẹ vẫn nằm bên, từ từ ngồi dậy ra khỏi phòng.
Trăng sáng, thời tiết cuối hạ về đêm khá mát mẻ, dễ chịu.
Tư Tư lò dò đi vào bếp, đốt đèn lục lọi.
Hết gạo. Hết đường. Hết dầu ăn.
Còn một ít dầu đèn, một ít muối.
Trong góc bếp còn mấy củ khoai cong qoeo khô quắt, không nhớ để từ ngày tháng nào.
Sáng mai ăn gì?
Trong vườn chỉ còn ít rau vớ vẩn. Nếu không có cháo, ăn rau luộc chống đói cũng được nhưng xót ruột. Cô không nỡ để đứa nhỏ tội nghiệp mới hai tuổi ăn uống như vậy. Nó là con nguyên chủ, con của thân thể này...
Ký ức của nguyên chủ rõ ràng còn hơn ký ức của cô, tình cảm của nguyên chủ cứ bóp tim cào phổi cô. Hận ý sôi sục bao nhiêu, tình mẫu tử sâu đậm bấy nhiêu.
Cô có thể đói rét nhưng Tịnh Hương tuyệt đối không thể.
Tư Tư thổi tắt đèn, lần mò ra khỏi bếp, nương theo ánh trăng đi quanh quanh nhìn ngó sân vườn.
Cổng vẫn chưa khoá...
Cô ra cài cổng cẩn thận, quay vào nhìn vườn rau ít ỏi.
Ăn rau nhiều, ruột chắc xanh lè cả rồi.
Nguyên chủ đã dùng những đồng tiền cuối cùng mua gạo, nhẵn túi rồi. Thiết Nghiêu cũng dốc sạch tiền tiết kiệm, mua đồ hồi môn cho em gái quý hoá. Nhà họ đã cạn kiệt, còn gặp đại nạn, giờ ăn gì?
Chẳng lẽ muối mặt trở về vay tiền chú thím?
Nguyên chủ cũng từng quẫn quá mò về nài nỉ, kết cục bị xỉa xói đủ kiểu, ôm một bụng tức, tay không trở về. Sang đó chỉ tổ rước bực vào thân, không được nước mẹ gì. Tốt nhất tự thân vận động!
Tư Tư trừng mắt lườm hàng rào.
Rào cao, không thấy nhà bố mẹ chồng bên kia, trừng mất công.
Bọn họ ăn no, uống say, giờ chắc ngủ khì cả rồi.
Cỗ cưới làm có linh đình không?
Còn thừa gì không?
Một tia sáng loé lên trong đầu, thôi thúc đôi chân cô tiến về phía hàng rào.
Cô từng đóng hai phim về đạo chích, khốn khổ luyện nhảy tường, mở khoá… giờ chẳng lẽ chịu thua nghịch cảnh?
Tư Tư lần mò hồi lâu, tìm thấy lỗ chó chui mà Tịnh Hương hay chui qua chui lại giữa hai nhà cho khỏi phải đi vòng ngõ xa.
Rào gỗ cao, nhấp nhô lồi lõm…
Tuyệt kỹ nhảy tường thua lỗ chó chui.
Tư Tư dứt khoát vứt liêm sỉ ra hố xí, chổng mông bẻ rào, nới rộng rồi chui qua lỗ chó, sang vườn nhà bố mẹ chồng.
Chờ cô bên kia lỗ là một con chó đen thui, hai mắt to cộ sáng long lanh.
- Ôi má ơi… Giật cả mình.
Con chó thè lưỡi liếʍ mặt cô, đuôi vẫy tít.
Doạ sợ chết cô rồi.
Con Bõm già này quen thuộc với nguyên chủ, biết ai là người nhà, ai là người lạ, thấy nguyên chủ chỉ mừng, không sủa.
Tư Tư xua tay, thì thầm:
- Đi đi… Về ổ của mày…
Bõm già ngoan ngoãn vẫy đuôi, quay về ổ nằm.
Nhà trên nhà dưới tối đen.
Tư Tư cẩn thận đi về phía bếp, nhìn ổ khoá, lòng nhảy nhót.
Ổ khoá thô sơ ghê gớm. Loại này không cần thanh kim loại chuyên dụng, chỉ cần hai cái que…
Hồi xưa để vào vai cho nuột, cô luyện mở không biết bao nhiêu khóa, gần như loại nào cũng mở được. Nhưng chúng đều là hàng của xã hội hiện đại sản xuất, có cái mô phỏng lại khóa cổ chứ không có ổ khóa nào thực sự cổ.
Còn đây là ổ khóa cổ đại hàng thật giá thật…