“Sau này nếu có cơ hội, tôi nhất định giới thiệu khách cho cậu.”
“... Vậy chúc cậu phỏng vấn thuận lợi.”
Kỷ Khinh Chu ban đầu còn định nói, nếu phỏng vấn thành công, thì có thể giới thiệu đồng nghiệp đến may đồ; còn nếu không thành, thì thôi, cũng không cần gắng sức quảng bá cho cửa tiệm của cậu.
Công việc tốn sức mà lời lãi chẳng bao nhiêu như vậy, thật sự cậu không muốn nhận thêm lần nữa.
Nhưng sau đó, nghĩ lại, lý do khiến cậu lần này làm nhiều mà thu về ít, phần lớn là do cách tính công không hợp lý.
Bảng hiệu ngoài cửa ghi “toàn bộ ba đồng” vốn là để thu hút ánh nhìn, nhưng một bộ sườn xám công ba đồng, một bộ vest công cũng ba đồng, rõ ràng không tương xứng về khối lượng lao động.
Vẫn nên phân tách chi tiết hơn, lập bảng giá cụ thể dán ở trước cửa.
Cần liệt kê rõ công may từng hạng mục quần áo, theo từng món ghi riêng.
Ngoài ra, với mỗi loại vải, mỗi công đoạn khác nhau, giá thành cũng cần được phân loại.
Kỷ Khinh Chu ghi việc này vào đầu mục kế hoạch.
Sau đó bắt đầu thu dọn chuẩn bị về nhà.
Trước khi đeo túi chéo lên vai, cậu tính toán lại doanh thu vài ngày mở tiệm gần đây.
Trừ đi chi phí mua vải may vest, tổng cộng lời được bốn đồng năm hào hai xu.
Bốn ngày mở hàng, lời bốn đồng.
Trước kia cậu lấy đâu ra tự tin chê tiền lương của tiệm thời trang Dụ Tường thấp?
Kỷ Khinh Chu khẽ thở dài, rồi tách phần tiền lời ra để riêng vào một ngăn túi.
Nhưng cũng phải nói, khoảnh khắc nhìn thấy Hà Lộ mặc bộ đồ do chính tay mình làm, nở nụ cười hài lòng...
Cảm giác trong l*иg ngực cậu đúng là không gì sánh được.
Đó là một loại xúc cảm rất phức tạp.
Vừa có niềm kiêu hãnh vì tay nghề được công nhận, vừa có sự an ủi khi biết quần áo mình làm ra được đối đãi một cách nghiêm túc.
Tổng hòa lại, có lẽ nên gọi đó là: Cảm giác vững bước trên con đường theo đuổi ước mơ.
Phía nam đường Tĩnh An Tự có một con hẻm nhỏ không tên.
Khi nhà máy gần đó kéo còi hơi vào đúng sáu giờ sáng, sự tĩnh mịch nơi đầu ngày lập tức bị phá vỡ.
Con hẻm như bừng tỉnh, âm thanh ồn ào của người nói, bước chân và chuông xe dồn dập trào ra từ các căn hộ lân cận.
Hà Lộ dậy từ rất sớm để kịp đến buổi phỏng vấn.
Trong ánh sáng nhàn nhạt buổi bình minh trùm lên gác mái, hắn nhanh chóng rửa mặt xong xuôi, rồi không chờ thêm được nữa mà khoác lên bộ vest đặt may hôm qua mới nhận.
Bộ vest chưa qua giặt, vẫn lưu lại mùi nguyên thủy của sợi vải tự nhiên.
Với Hà Lộ, đó là một mùi hương cao cấp, là hương của bảy đồng bạc trắng hắn bỏ ra, là hương vị quý giá của bộ đồ mới.
Khoác lên người bộ vest đầu tiên trong đời, Hà Lộ lần theo trí nhớ, học theo cách thắt nơ mà cậu chủ trẻ tuổi, tuấn tú dạy hôm qua.
Xong xuôi, hắn nhúng ngón tay vào nước, đối gương vuốt lại mái tóc rối một cách qua loa.
Sau đó, hắn xỏ vào đôi giày da cũ nát đến mức đế mòn gần sát mặt đất, rồi cẩn thận men theo cầu thang hẹp nát mà bước xuống.
Hắn thuê phòng trong một căn nhà cũ nằm sâu trong hẻm.
Ông chủ nhà là một ông già mở tiệm tạp hóa.
Từ tầng hai bước xuống qua chiếc cầu thang đen ngòm là gian cửa hàng nhỏ chật ních các loại đồ linh tinh.
Tầm giờ này, ông chủ chắc mới dậy, còn chưa quay lại sau khi đem bô đêm đi đổ.
Hà Lộ sải bước nhanh chóng rời khỏi cửa, băng qua con hẻm hẹp, dọc đường gặp không ít gương mặt quen mà hắn không gọi được tên.
Hầu như ai nhìn thấy hắn cũng đều lộ ra vẻ tò mò.
Hắn hiểu ánh nhìn đó là vì bộ đồ chỉn chu, hoàn toàn lạc quẻ với bối cảnh xung quanh của mình.
Thế nên hắn cứ cúi đầu, cắm cúi bước đi.
Chỉ khi đến trước tiệm ăn ở đầu hẻm, hắn mới dừng lại.
Chủ quán này xưa nay vốn lạnh nhạt, ít khi mở lời bắt chuyện với ai.
Vậy mà hôm nay thấy hắn lại tròn mắt hỏi trước:
“Kiếm được việc rồi à? Ăn mặc bảnh choẹ thế này?”
“Chưa đâu, giờ tôi đang đi phỏng vấn.”
Hà Lộ cười ngượng nghịu:
“Tôi muốn hai cái bánh bao.”
“Bộ vest này vừa khoác lên là nhìn khác hẳn, chẳng trách đám trẻ giờ ai cũng vay tiền để sắm lấy một bộ.”