Tốn trọn một tiếng đồng hồ, ghé ba tiệm vải, cuối cùng Kỷ Khinh Chu chọn được một loại vải lanh nguyên chất màu xám đậm, hoa văn xương cá, dùng làm âu phục.
Qua vài lượt mặc cả, cậu mua được mười tám thước vải với giá một hào một xu mỗi thước.
Còn loại vải trung bình dùng cho sơ mi có giá một hào một thước. Tính cả hao hụt do co rút, để may áo cần chuẩn bị mười hai thước.
Tính ra, tổng chi phí cho toàn bộ vải bộ âu phục này là ba đồng một hào tám.
Còn như lớp lót trong, đệm lót, nút áo, chỉ may và các loại nguyên liệu phụ khác, Kỷ Khinh Chu chọn dùng đồ có sẵn trong tiệm, cố gắng khống chế chi phí trong mức một đồng.
Như vậy, tổng chi phí cho một bộ âu phục được kiểm soát ở mức khoảng bốn đồng.
Đối với phần vải của bộ âu phục này, tuy Kỷ Khinh Chu tính toán rất kỹ lưỡng để không vượt quá ngân sách của khách hàng, nhưng không đồng nghĩa với việc cậu chọn vải qua loa cho xong, hay chỉ chăm chăm chọn loại rẻ tiền.
Nếu nói vải này kém chất lượng thì hoàn toàn không đúng. Dù là vải lanh hay vải bông dệt trơn, đều là sợi thiên nhiên 100%, dệt hoàn toàn thủ công, đặt vào thời hiện đại thì chính là những chất liệu mà người tiêu dùng yêu thích tìm mua.
Hơn nữa, vải lanh thoáng khí tốt, bền chắc, khô ráo, vào nếp dễ, lại tiện chăm sóc. Cái chất thô mộc tự nhiên toát ra từ loại vải này còn là đặc trưng khó có thể bắt chước được bằng các loại vải khác.
Loại vải như vậy dùng để may âu phục mặc vào mùa xuân hè thì chẳng thể hợp hơn, làm sao gọi là tùy tiện hay ứng phó cho có được?
Sau khi mua đủ vải vóc, công đoạn tiếp theo chính là giai đoạn chế tác gấp gáp.
Một bộ âu phục cần tới hàng trăm công đoạn phức tạp, chỉ dựa vào thời gian làm việc ban ngày thì chắc chắn không đủ. Đã nhận làm đơn hàng này, Kỷ Khinh Chu cũng chuẩn bị tinh thần phải thức đêm.
Thế nhưng, ban ngày ở tiệm là công việc, còn ban đêm chăm sóc Giải Dự An cũng là việc. Cân nhắc giữa hai bên, Kỷ Khinh Chu đành phải chọn cách dung hòa: đem phần việc chưa hoàn thành trong ngày về nhà họ Giải làm tiếp.
Bên cạnh phòng quản sự tầng một có một phòng nhỏ dùng làm xưởng may, đặt sẵn một chiếc máy khâu – vốn là để may vá đồ cho người hầu.
Nhưng quần áo của người hầu nếu có chỗ sờn rách, phần lớn vẫn thích tự khâu tay hơn, nên chiếc máy khâu ấy ít khi dùng đến.
Phòng đó lâu nay vẫn trống, lúc này lại thành ra có đất dụng võ.
Vì thế, vào đêm đầu tiên, sau khi chuẩn bị nước tắm cho Giải Dự An xong, Kỷ Khinh Chu đi thẳng xuống tầng dưới, một mình ngồi trong phòng nhỏ, đạp máy khâu đến tận ba giờ sáng.
Đến đêm thứ hai, lúc A Hữu ngồi trong phòng đọc sách cho Giải Dự An nghe gϊếŧ thời gian, cậu thì ngồi trên chiếc ghế sô pha khác, tựa lưng làm khuy áo, khâu ve cổ.
Chờ đến khi Giải Dự An nằm xuống nghỉ ngơi, cậu lại một mình lặng lẽ xuống tầng, rúc trong căn phòng nhỏ, tiếp tục đạp máy khâu đến ba giờ sáng.
Sáng sớm thứ Tư, kim giờ vừa chỉ đúng bảy giờ, Kỷ Khinh Chu đã cùng Giải Dự An, người bị ép buộc phải dậy sớm, xuất hiện ở phòng ăn, thậm chí còn đến sớm hơn cả hai người vốn dậy sớm nhất nhà họ Giải là Giải Kiến Sơn và Giải Dự Xuyên.
Khi gia chủ nhà họ Giải bước vào phòng ăn, tay cầm tờ Thời Báo mới nhận từ quản sự, liền thấy trước khung cửa sổ sát đất, một người ngồi một người đứng, chính là Giải Dự An và Kỷ Khinh Chu.
Con trai ông đang thong thả nhấm nháp bữa sáng kiểu Trung, cử chỉ điềm đạm, chậm rãi.
Còn “con dâu” ông thì tay trái cầm ly sữa, tay phải cầm lát bánh mì, vừa uống sữa vừa ngấu nghiến bánh mì như hổ như sói.
Giải Kiến Sơn kinh ngạc bước tới bàn ăn, ngồi xuống chỗ của mình, nhìn vậy không nhịn được lên tiếng quan tâm:
“Gấp vậy à? Hay là cháu cứ ngồi ăn đàng hoàng đi, lát nữa ta đưa cháu qua đó.”
“Cảm ơn lòng tốt của bác, nhưng không tiện đường, nên thôi ạ.”