Tóm lại, đã quyết định một mình bôn ba thiên hạ, Kỷ Khinh Chu cũng sớm chuẩn bị tâm lý ngồi không những ngày đầu khai trương.
Không có khách ghé qua, cậu liền toàn tâm toàn ý vẽ mẫu, lên rập, dùng vải mộc trong tiệm để may thử.
Tưởng đâu sẽ phải ngồi suốt chiều một mình, kỷ lục ngày đầu dừng lại ở hai đồng xu tiền công.
Nào ngờ, lúc trời đã nhá nhem, Kỷ Khinh Chu vừa cầm gậy tre định gỡ cờ treo xuống cất vào trong, phía sau liền vang lên một giọng đàn ông nói tiếng phổ thông pha giọng Nam:
“Ông chủ, cái trên bảng này viết "Tây phục may đo, đồng giá ba đồng", có thật không đó?”
Kỷ Khinh Chu xoay người lại, trông thấy một thanh niên mặc trường bào lam, khoác áo đen, đeo kính gọng tròn đồi mồi đứng trước cửa tiệm.
“Đặt may âu phục à?” Cậu buông tấm biển hiệu xuống, hỏi.
Người thanh niên vốn đã rụt rè, lại bắt gặp ánh mắt dò xét của Kỷ Khinh Chu, càng thêm lúng túng. Hắn lí nhí đáp “Ừm” một tiếng, rồi hỏi tiếp:
“Là ba đồng thật sao?”
“Ba đồng là công may cơ bản, tiền vải tính riêng.” Kỷ Khinh Chu vừa dứt lời, đã thấy hắn nhíu mày, vẻ mặt đầy do dự.
Sợ vị khách này còn chưa ngã giá đã chạy mất, cậu bèn nhếch môi cười nhã nhặn, thân thiện nói:
“Mời vào trong nói chuyện. Cậu cứ nói thử giá trong lòng mình.”
Dứt lời, cậu quay người vào trong tiệm, bật đèn lên.
Thanh niên đứng ngập ngừng một lát, rốt cuộc vẫn quyết định bước theo vào.
“Tôi sắp đi phỏng vấn ở một hãng ngoại quốc vào tuần tới, họ bảo tốt nhất nên chuẩn bị sẵn một bộ âu phục.” Hắn vừa nói, vừa đảo mắt đánh giá sơ qua không gian trong tiệm, xác nhận đây chỉ là một hiệu may mộc mạc.
“Tôi đã hỏi mấy tiệm may sẵn, cũng đi dạo mấy cửa hàng bách hóa, giá cả đều không rẻ. Ngay cả mấy bộ âu phục cũ ở tiệm đồ cũ cũng từ tám đồng trở lên. Thế nên, thấy ở đây chỉ cần ba đồng, tôi mới tới hỏi thử.”
“Vậy cậu nghĩ trong lòng là giá ba đồng?” Kỷ Khinh Chu nhướn mày, vẻ không dám tin.
Thanh niên ngượng ngùng kéo môi cười: “Tôi có thể thêm bốn đồng nữa. Tôi chỉ có ngần này tiền thôi.”
Kỷ Khinh Chu khẽ rút một hơi khí, nói:
“Cậu có tìm hiểu qua giá vải chưa? Loại dạ rẻ nhất cũng hai hào một thước. Mà để may một bộ âu phục, với chiều cao và thể hình của cậu, tối thiểu phải dùng tới...”
Cậu nhanh chóng tính toán độ dài vải hiện tại và bề rộng khổ vải, rồi nói:
“Mười bảy thước.”
Người thanh niên tính sơ giá mười bảy thước vải, nặn ra một nụ cười gượng gạo:
“Vậy thì thật sự không được rồi, tôi đành mượn tạm một bộ để mặc vậy.”
Kỷ Khinh Chu nhìn hắn thật sự túng thiếu đến mức gõ leng keng, đắn đo vài giây, rồi thản nhiên nói:
“Tôi cũng không phải làm từ thiện, công may đã nói ba đồng thì là ba đồng, không vì cậu thiếu tiền mà giảm giá. Nhưng tôi có thể giúp cậu gói gọn trong khoảng bảy đồng.”
“Nói cách khác, vải dùng chắc chắn không tốt, có thể phải dùng đến vải thô, và sẽ không có áo gi-lê, chỉ có bộ âu phục và sơ mi thôi.”
“Vải thô cũng may được âu phục sao?”
“Được. Vải lanh, vải bố đều có thể may âu phục. Nhưng do chất liệu giới hạn, kiểu dáng sẽ thiên về phong cách giản dị, chắc chắn không được cứng cáp, tao nhã như vải dạ. Tuy nhiên, nếu dáng cắt và kỹ thuật ổn thì cũng không khiến người ta thấy quê mùa hay kém sang.”
Người thanh niên vẫn bán tín bán nghi:
“Thật sự làm được à?”
Thấy hắn vẫn chần chừ, Kỷ Khinh Chu nghĩ đây cũng coi như mối đầu tiên, thôi thì xem như một lần ưu đãi, bèn nói:
“Nếu làm không được, hoặc thành phẩm khiến cậu không hài lòng, tôi đồng ý cho đổi trả.”
Nghe vậy, người thanh niên cuối cùng cũng yên tâm, hạ quyết tâm:
“Vậy tôi làm ở chỗ anh.”
Cuối cùng cũng chốt được một đơn, nhưng Kỷ Khinh Chu chẳng lấy gì làm hân hoan, bởi thương vụ này thật sự chẳng lời lãi bao nhiêu.
Cậu mở sổ ghi thông tin khách, nhìn về phía người thanh niên hỏi:
“Quý danh?”
“Tôi họ Hà, tên đơn là Lộ, chữ Lộ trong bạch lộ." Người thanh niên chậm rãi đáp.
Kỷ Khinh Chu mở cây bút máy, nét bút vung khoáng mà đẹp mắt, viết lên trang giấy trắng hai chữ: “Hà Lộ”.
Sau đó, cậu cầm lấy thước dây trên bàn, đi đóng cửa tiệm, quay sang Hà Lộ nói: