Ngay cả người nộm bày trong tủ kính ở các cửa hàng bách hóa cũng chỉ là đồ làm từ dây kẽm, da, gỗ hoặc sáp cứng.
Tuy có thể dùng cách cắt may phẳng, nhưng Kỷ Khinh Chu cảm thấy việc chuẩn bị một mẫu người dựng vẫn là rất cần thiết.
Vì vậy, cậu dành ra nửa tiếng trao đổi chi tiết với người thợ trong tiệm, bàn về chất liệu, kỹ thuật, quy trình làm thân người, nhấn mạnh nhất định phải làm đúng theo kích thước cậu đưa.
Công thợ thủ công thời này không quá đắt, nhưng vì Kỷ Khinh Chu yêu cầu khá cao: nào là tạo khối bằng giấy, nào là lót bông bọc bố, nên đơn hàng này cũng ngốn mất của cậu ba đồng đại dương.
Sau đó, cậu rời tiệm tre, chuyển sang một cửa hàng tạp hóa chuyên làm biển hiệu đặt theo yêu cầu, mua hai tấm rèm cờ.
Rồi thuê luôn lão chủ tiệm viết chữ lên đó, tính giá ba xu một chữ.
“Bức này viết đối xứng hai bên, từ trên xuống, từ phải sang trái: "Tây phục nam nữ, trường sam kỳ bào, may đo mẫu mới, đồng giá ba đồng’".”
“Còn bức này, chỉ cần viết từ trên xuống bốn chữ lớn: "Tiệm May Thế Kỷ".”(Chú thích: Số lượng từ ở tên chữ hán sẽ khác số lượng từ ở tên thuần việt, ở raw ghi là 5 chữ, nhưng khi dịch sẽ được đổi về 4 chữ.)
Lão chủ tiệm cầm bút lông, ung dung chấm mực, lần lượt viết lên hai tấm cờ theo lời dặn của Kỷ Khinh Chu.
Đến bức thứ hai, ông ta chấm lại mực, rồi hỏi:
“Là "Tiệm May" phải không? Có cần thêm chữ "Tô Quảng Thành" phía sau không?”
Kỷ Khinh Chu hơi khó hiểu:
“Tại sao phải thêm Tô Quảng?"
“Cậu chắc mới vào nghề. "Tô Quảng" là chiêu bài của các tiệm may. "Tô" là chỉ kỹ thuật tinh xảo của thợ Tô Châu, "Quảng" là chỉ phong cách thời thượng của thợ Quảng Đông. Treo cái tên đó, khách liếc qua là biết tay nghề của cậu thuộc hàng chuẩn.”
Chẳng khác nào một thương hiệu lớn ra đời rồi bị cả ngành nhái theo bảng hiệu.
Kỷ Khinh Chu dứt khoát lắc đầu:
“Không cần thêm, ông cứ viết đúng như tôi bảo là được.”
“Thật không thêm?”
“Ông muốn tính thêm tiền chữ hả?”
Ông già hít nhẹ một hơi, mặt hơi đỏ lên, rồi vội vàng xua tay:
“Ôi dào, hậu sinh à, không thêm thì sau này đừng có hối hận nhé.”
Dứt lời, ông ta bắt đầu viết từng nét chắc nịch, chậm rãi mà cẩn trọng lên tấm vải: "Tiệm May Thế Kỷ".
Sau khi làm xong biển hiệu, quay về cửa tiệm, Kỷ Khinh Chu liền dùng cây tre gắn cờ, treo hai tấm cờ vải lên hai bên cổng chính.
Lúc đó, ông chủ tiệm hớt tóc bên cạnh đang rảnh rỗi, nghe có động liền bước ra hóng chuyện.
Khi Kỷ Khinh Chu vừa treo xong, ông ta khoanh tay sau lưng, nở nụ cười thân thiện hỏi:
“Bắt đầu khai trương rồi hả?”
“Bắt đầu rồi ạ.”
Kỷ Khinh Chu gật đầu đáp.
Quay lại nhìn thấy hai cây trụ xoay ba màu quen thuộc trước tiệm hớt tóc, cậu bất giác bật cười, rồi nói:
“Sau này chắc còn phải nhờ bác giúp đỡ nhiều, mong bác quan tâm ạ.”
“Láng giềng với nhau, đừng khách sáo thế.”
Ông chủ tiệm hớt tóc đội mũ quả dưa, thắt khăn ngang hông, vái nhẹ một cái:
“Chúc cậu buôn may bán đắt nhé!”
Ngày đầu khai trương, tiệm mới gần như chẳng có mấy khách.
Kỷ Khinh Chu ngồi suốt buổi chiều trong tiệm, chỉ gặp một ông phu kéo xe quần bị rách một đường lớn, đành phải ghé vào xin may vá tạm, tính ra cũng chỉ làm được một mối hai xu.
Ngoài ra, gần như chẳng ai đoái hoài.
Cũng không phải không có người ghé nhìn, nhưng đa phần chỉ dừng chân liếc mấy cái rồi lại đi mất.
Điều đó khiến cậu không khỏi nghi ngờ, liệu có phải vì cậu không chịu thêm ba chữ “Tô Quảng Thành” vào biển hiệu, nên mới chẳng được khách hàng tin tưởng?
Thế nhưng, cho dù được làm lại từ đầu, Kỷ Khinh Chu vẫn sẽ dứt khoát lắc đầu với ông lão kia.
Tên gọi “Tiệm May Thế Kỷ” này, không chỉ ghép từ họ của cậu, mà còn ngầm giấu một thân phận đến từ một thế kỷ sau, đồng thời gửi gắm ước vọng vào tương lai.
Cậu mong rằng cửa hàng thời trang này – hay nói cách khác, tấm biển hiệu này – có thể nổi danh, trường tồn suốt một thế kỷ, thậm chí lâu hơn nữa.
Thật ra cái tên ấy rất dễ nhớ, lại thuận miệng.
Nhưng nếu thêm hai chữ “Tô Quảng”, biến thành “Tiệm May Tô Quảng Thế Kỷ”, thì chẳng những rườm rà vụng về, mà còn mất luôn nét nhận diện riêng.
Khác gì mấy cái biển “Cửa hàng bán sỉ quần áo”, ai nhìn vào cũng chỉ thấy “bán sỉ quần áo”, chứ chẳng mấy ai để ý đó là tiệm của ai.