Chờ hai mẹ con họ rời đi, Kỷ Khinh Chu lại lau lại bàn ghế, gom hết những thứ không cần dùng đem ra thùng rác công cộng ở đầu hẻm.
Dọn dẹp xong xuôi, cậu đứng giữa gian phòng, đưa mắt ngắm nhìn khắp cửa tiệm.
Căn tiệm rộng chừng hai mươi mét vuông, không có cửa sổ. Cửa chính quay về hướng Đông, gồm hai cánh gỗ mở ra hai bên. Hai bên lối vào trồng mấy khóm hoa hồng leo, lác đác vài bông đỏ đang nở.
Bên trong bài trí đơn sơ. Sàn nhà tráng xi măng, tường và trần đều làm bằng gỗ thẫm màu nên ánh sáng không được sáng sủa cho lắm. May mà có điện, đã lắp bóng đèn. Nếu không, cứ đến chiều tối là cả căn phòng tối om.
Do mặt bằng chật hẹp nên đồ đạc trong tiệm cũng rất đơn giản.
Phía Nam, sát tường đặt một chiếc bàn dài dùng để cắt may và ủi đồ, cạnh đó là một chiếc gương soi cũ kỹ. Phía Bắc có một thanh gỗ treo cao, trên đó móc các cuộn vải gấp gọn, phần lớn là vải thô sậm màu.
Ở giữa nhà đặt một chiếc máy may đạp chân. Phía sau nó, dùng một tấm vải xám chắn lại là một gian nhỏ đựng đồ lặt vặt.
Gian sau này có một cánh cửa thông ra sân trong, khu sinh hoạt của “Khách Lai An”, nhà trọ do mẹ con Lưu phu nhân điều hành. Bên đó có phòng khách dùng chung, phòng ăn, bếp, kho củi và nhà vệ sinh.
Trước khi ký hợp đồng, Lưu phu nhân có nhắc rõ: "Cậu có thể dùng nhà vệ sinh bên khu nhà trọ."
Kỷ Khinh Chu cũng đã ghé xem qua. Nền phòng vệ sinh kỳ thực được quét dọn khá sạch, bồn rửa cũng đã lắp ống nước. Có điều vẫn còn dùng bệ xí kiểu cũ, không có bồn cầu dội nước nên không cần nói cũng biết mùi hôi và điều kiện ở đó kém thế nào.
Xem xong, cậu chỉ nghĩ, nếu không thật sự gấp, chắc chắn sẽ không dùng chỗ đó. Thà đi bộ cả cây số tới nhà vệ sinh công cộng có vòi dội ở đầu hẻm còn hơn.
Dĩ nhiên, nhà vệ sinh công cộng thời điểm này chắc cũng không khá hơn bao nhiêu.
Nhưng biết sao được, đã xuyên không về thời Dân quốc, chẳng lẽ lại mong sống mà không chịu khổ một tí?
Sau khi dọn dẹp xong xuôi, Kỷ Khinh Chu ngồi xuống trước bàn máy may. Cậu lấy từ trong túi ra cuốn sổ phác thảo mới mua cùng cây bút mực, mở trang đầu, đưa tay vạch vạch viết viết lên giấy, phác thảo ra một bảng kế hoạch hành động.
Sau khi đã trả xong tiền thuê mặt bằng và tiền thuê máy may cho hai tháng tới, trong túi cậu còn lại bốn mươi chín đồng.
Cậu chia khoản tiền này thành hai phần: một phần dành để mua hoặc đặt may loại vải khách cần, phần còn lại để chi cho các khoản bắt buộc như tiền điện nước, phí lấy mẫu, chi phí quảng bá, và cả giấy bút, vật dụng cần thiết khác.
Về khoản vải vóc, giữa thành phố Thượng Hải ngập tràn tiệm may, nếu muốn thu hút khách, cậu nhất định phải đi theo hướng khác biệt.
Hiện tại, thị trường vải vóc đang bị hàng ngoại chiếm lĩnh. Dân chúng vốn mê đồ Tây, ưa mặc âu phục, Tây nhân chuộng thứ gì thì họ cũng đổ xô theo cái đó. Cách chạy theo thị hiếu một cách mù quáng này khiến sản phẩm tràn lan, thiếu điểm nhấn.
Về chuyện này, Kỷ Khinh Chu nghĩ rằng, với lợi thế nhìn từ “góc độ thượng đế”, cậu chẳng có lý do gì để lên án. Với một xã hội mới vừa thoát khỏi ách nô ɭệ phong kiến, xu thế đó cũng là điều dễ hiểu.
Đã chọn khởi nghiệp ở Thượng Hải, nghề may âu phục vẫn là con đường dễ sinh lời. Giai đoạn đầu, cậu định lấy đặt may váy áo kiểu Tây cho nữ giới làm chính, thiết kế sườn xám làm phụ. Nếu có khách nam đặt âu phục hay trường bào, tất nhiên cũng sẽ nhận làm.
Tự thiết kế các mẫu mã mới lạ nhưng thị trường chấp nhận được, treo trưng bày trước cửa tiệm để thu hút ánh nhìn, đó là cách tiếp thị ban đầu mà cậu lựa chọn. Do đó, khoản chi cho mua vải và đặt vải chắc chắn không thể ít.
Còn về bảng hiệu cửa tiệm, Kỷ Khinh Chu tạm thời chưa tính tới.
Bởi bảng hiệu lúc này đủ kiểu đủ dạng. Có nơi treo cả vật thật để làm biển hiệu, có nơi dùng mô hình hàng hóa, nhưng phổ biến nhất vẫn là treo tấm rèm hay đèn l*иg in chữ trước cửa tiệm.
Miễn sao người đi đường vừa nhìn đã hiểu ngay cửa hàng này bán thứ gì là được, đâu nhất thiết phải tốn bạc đặt làm một tấm biển nền đen chữ vàng, món ấy vốn chẳng rẻ.
Trong tính toán của Kỷ Khinh Chu, tiệm may hiện tại chỉ là bước chuyển tiếp, một phép thử ban đầu để thăm dò thị trường thời trang Dân quốc.
Nếu cậu có thể bắt nhịp được thị trường này, tạo dựng được mạng lưới khách hàng và mối quan hệ ổn định, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa sẽ đủ vốn để chuyển tới khu vực tốt hơn, môi trường tốt hơn.
Đến khi ấy, cậu mới thật sự bắt đầu làm lại cái nghề “chính thống” của mình.