Kỷ Khinh Chu để ý đến mặt bằng nằm ngay đầu một con hẻm mang tên Love Lane, nhánh rẽ từ đường Tĩnh An Tự. Đó là gian tầng trệt của một căn nhà ba tầng ba hầm, xây kiểu gạch gỗ.
Cửa hàng này vốn là tiệm may, chủ tiệm là một bà lão họ Ngô, tuổi đã ngoài sáu mươi.
Ngô lão phu nhân mở tiệm ở đây hơn mười năm, trong miệng dân quanh vùng cũng có chút tiếng tăm. Nhưng vì tuổi tác cao, tay chân không còn linh hoạt, gần đây mắt lại kém trông thấy, nên dưới sự khuyên nhủ của con cái, bà đành phải đóng cửa nghỉ hẳn, nhượng lại mặt bằng.
Kỷ Khinh Chu vừa ý gian nhà này, ngoài lý do nó vốn là tiệm may nên có sẵn chút khách quen, thì quan trọng hơn cả là vị trí đẹp, lại đông người qua lại.
Love Lane tuy ngắn, chỉ dài chừng năm trăm mét, nhưng hai bên hẻm toàn là cửa hiệu nhỏ chen chúc.
Quán trà, tiệm ăn, cà phê, hiệu giày, tiệm thuốc, hàng bánh kẹo… đủ kiểu cửa hàng mọc san sát, vừa bước vào là cảm nhận được ngay hơi thở náo nhiệt của phố phường.
Tóm lại, về mặt môi trường xung quanh, Kỷ Khinh Chu cực kỳ hài lòng.
Hơn nữa nơi này cũng gần dinh thự nhà họ Giải, đi xe điện chỉ hai trạm là tới đầu hẻm. Hôm qua hỏi xong giá thuê với Ngô lão phu nhân, cậu lập tức quyết định sẽ thuê luôn chỗ này.
Thời gian ký hợp đồng thuê nhà được hẹn vào trưa hôm nay. Ngô lão phu nhân không biết chữ, nên việc chuyển nhượng tiệm do con trai bà, hiện làm việc tại tòa soạn phụ trách.
Tuy nhiên, Ngô lão phu nhân thực ra cũng không phải là chủ nhà đích thực. Hợp đồng thuê của bà chỉ còn hiệu lực đến cuối năm nay, nên lúc ký kết, chủ nhà thật là một phụ nữ họ Lưu ngoài bốn mươi tuổi cũng có mặt, dẫn theo con gái cùng đến.
Lưu phu nhân sống ngay trên lầu. Ngoài ba gian tầng trệt đã cho thuê để làm cửa hiệu, hai tầng trên của căn nhà đều do hai mẹ con bà kinh doanh nhà trọ.
“Giờ đã là giữa tháng Tư, tiền thuê tháng này bọn tôi sẽ không tính nữa, coi như kết duyên lành.”
“Tháng Năm đến cuối tháng Mười Hai, tổng cộng tám tháng, mỗi tháng mười đồng rưỡi, tất cả là tám mươi tư đồng. Cậu kiểm lại xem có sai sót gì không?”
Con trai Ngô lão phu nhân nói rõ ràng giá thuê, rồi đưa hợp đồng nhà cho Kỷ Khinh Chu.
Cậu đã chuẩn bị sẵn tiền thuê từ hôm qua. Ngoài hai mươi chín đồng tiền tiết kiệm mang từ nhà họ Giải, phần còn lại đều là do mang đồ trang sức đi cầm cố đổi được.
May là thời gian trước vừa về nước, một vài món trang sức ít dùng được cậu để trong ngăn phụ vali, chưa mang ra dùng nên giờ có thể đem bán.
Trong những món quý mang từ thời hiện đại tới, ngoài chiếc đồng hồ Longines đang đeo trên tay, cậu còn có một chiếc Cartier cơ khí, hai lọ nước hoa nhỏ, cùng vài món trang sức như dây chuyền, vòng tay, nhẫn và khuyên tai.
Thương hiệu nước hoa tuy là hàng xa xỉ ở hiện đại, nhưng ở thời điểm hiện tại lại khó định giá. Đắt nhất vẫn là đồng hồ.
Nếu đem cầm cả hai chiếc đồng hồ, gặp may có thể đổi được hai đến ba trăm đồng. Nhưng xét tới việc hiện giờ không dùng được điện thoại, đồng hồ vẫn rất cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, nên cậu chỉ mang chiếc Cartier đi cầm, thêm hai món trang sức bằng vàng bạc, đổi được một trăm hai mươi đồng.
Những món đã cầm, trong vòng một năm vẫn có thể chuộc lại, chỉ là phải trả thêm một khoản lãi.
Việc đó Kỷ Khinh Chu cũng không quá bận tâm. Nếu trong năm nay cậu kiếm được đủ tiền, thì chuộc lại, còn không thì bán đi cũng chẳng sao. Không tiếc lắm, chỉ hơi tiếc nuối một chút mà thôi.
Lấy tiền từ túi ra, cậu trả hết tiền thuê một lượt. Sau đó lại mua luôn mớ bàn ghế, dụng cụ cắt may và mấy tấm vải còn sót lại trong tiệm với giá đồ cũ.
Tất cả hết mười đồng đại dương.
Còn máy may và bàn ủi điện thì bà cụ Ngô không chịu bán.
Theo lời bà lão, hai món đồ này là con trai bà dùng ba tháng lương dành dụm mới mua được. Đặc biệt là chiếc máy may, giá cực kỳ đắt đỏ, những một trăm ba mươi đồng đại dương.
Giờ đây nhờ lương bổng giới văn sĩ khá cao, chứ bình thường mấy tiệm may nhỏ chẳng thể nào sắm nổi loại thiết bị tân thời này.
Mà thật ra, dù bà lão có chịu bán thì cậu cũng chẳng còn tiền mua. Nhưng máy may lại là thứ cậu nhất định cần, thế là bàn với bà lão xem có thể cho thuê không.