“Bốn mươi đồng không phải là thấp đâu…”
Theo như Kỷ Khinh Chu được biết, lương tháng của tài xế nhà họ Giải là bốn mươi sáu đồng, đã đủ nuôi sống một gia đình năm miệng ăn.
Cậu đảo mắt một vòng, nghiêng đầu nhìn về phía Thẩm Nam Khỉ ở đằng xa, hỏi:
“Hôm nay bác may cho cháu mấy bộ đồ thế này, tốn khoảng bao nhiêu tiền ạ?”
Thẩm Nam Khỉ đã ngồi trên ghế sofa nhâm nhi trà, nghe vậy thì tính toán sơ sơ rồi đáp:
“Không tính thắt lưng, nơ, giày da, mũ mạo các thứ, chắc cũng tầm trăm đồng đổ lại.”
Kỷ Khinh Chu bèn quay sang, hơi nhún vai tỏ vẻ tiếc nuối với ông chủ Nghiêm.
Nghiêm Vị Lương xoa xoa sau gáy, thở dài nói:
“Tôi biết cậu Kỷ không thiếu tiền, nhưng mỗi tháng chỉ cần vẽ mấy tấm như vậy, lại không phải đi làm cố định, tiền kiếm được cũng nhẹ nhàng mà.”
Sự thật thì hoàn toàn ngược lại, chính vì thiếu tiền, cậu mới thấy mức lương ấy quá bèo nên chẳng thèm nhận lời.
Dĩ nhiên, trước mặt người ta, Kỷ Khinh Chu sẽ chẳng nói thẳng ra như thế, chỉ cười nhã nhặn:
“Tôi sẽ suy nghĩ thêm.”
“Được thôi, tôi đợi câu trả lời của cậu!” Nghiêm Vị Lương cười hì hì.
Chờ khi cẩn thận cất cuốn sổ vẽ có bản thiết kế vào ngăn kéo, ông mới bắt đầu cùng hai người bàn chuyện buôn bán đồ tây.
·
Sau khi đo may xong, rời khỏi tiệm thời trang Dụ Tường, hai người Kỷ Khinh Chu không về thẳng nhà mà ghé vào một nhà hàng món Tô gần đó mang tên Hồng Vận Lâu dùng bữa.
Cả hai chọn chỗ ngồi thanh nhã gần cửa sổ ở tầng hai, qua khe hở của khung cửa gỗ lim có thể trông thấy người xe tấp nập ngoài phố.
Thẩm Nam Khỉ vốn không phải kiểu người hoang phí, nên chỉ gọi bốn món gồm hai mặn, một rau, một canh đơn giản, bình thường.
“Món ăn ở quán này, ta thấy đa phần đều bình thường, chỉ có món súp vi cá này là giữ được hương vị tươi ngon mà chỗ khác không có. Cậu nếm thử xem.”
Đợi đồ ăn được bày lên bàn, Thẩm Nam Khỉ liền đẩy cái bát sứ trắng đựng canh về phía đối diện.
Kỷ Khinh Chu nghe vậy thì rất nể mặt, liền múc hai muỗng súp vi cá vào bát.
Nếm một miếng, cậu lập tức trợn to mắt, chân thành khen ngợi:
“Đúng là ngon thật, cháu thích lắm.”
“Thích thì ăn thêm hai bát đi.” Thẩm Nam Khỉ thấy cậu tấm tắc như vậy cũng không kìm được nụ cười.
“Nhìn cậu ăn cơm thoải mái hơn hẳn hai đứa nhóc kia.”
“Bác nói hai vị thiếu gia ạ?”
“Chứ còn ai vào đây nữa?” Thẩm Nam Khỉ khẽ thở dài.
“Đặc biệt là Nguyên Nguyên, hồi nhỏ ăn như mèo vậy, mỗi bữa chỉ ăn nửa bát cơm, lại còn kén chọn, y như bà nội nó, cũng toàn ăn chay. Bây giờ ra nước ngoài mấy năm, coi như cũng đỡ rồi.”
Bà thuận miệng nhắc vài chuyện khi xưa về con trai, vừa ăn được vài miếng, giọng đột nhiên chuyển hướng:
“Cậu tính đến làm ở Dụ Tường thật sao?”
Kỷ Khinh Chu lắc đầu:
“Cháu chỉ buột miệng nói thế thôi ạ.”
“Cũng không nên đi thật. Cậu làm cho ông ta, thì dù có bao nhiêu bản lĩnh cũng khó mà ngoi lên nổi.”
“Sao lại thế ạ?”
“Như vừa nãy đó, cậu nghĩ ra mẫu mới, ông chủ Nghiêm cắt may. Đến lúc khách nhìn thấy thì chỉ biết tiệm Dụ Tường có thợ giỏi may đồ hợp thời. Tiếng thơm là của họ, còn cậu thì chẳng được gì."
“Nếu thật sự giỏi nghề này, chi bằng thuê một người thợ giỏi, tự mở một cửa hàng.”
Thẩm Nam Khỉ đề xuất:
“Nếu thiếu vốn thì viết bản báo cáo đưa ta xem. Ta sẽ làm cổ đông cho cậu.”
“Tự mở tiệm?” Kỷ Khinh Chu lặp lại lời, như đang suy nghĩ.
Nói thật, cảnh tượng vừa thấy ở Dụ Tường quả thực có chút tác động đến cậu.
Dù nơi đó dùng toàn dụng cụ lạc hậu, máy khâu vẫn còn là loại bàn đạp, thậm chí còn có máy quay tay, nhưng chính cái hình ảnh giản dị đó lại làm trái tim yêu thiết kế của cậu rung lên từng nhịp, như có một đốm lửa đang âm ỉ bùng cháy.