Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 30

Cậu nghĩ một lúc rồi nói với Thẩm Nam Khỉ:

“Bộ âu phục bác đang mặc cũng rất ôm người mà.”

“Thế sao có thể đem ra so sánh? Sườn xám người ta mặc mấy trăm năm nay rồi, mà chưa từng có kiểu nào táo bạo đến vậy.”

“Vậy bác thấy nó có đẹp không?”

Thẩm Nam Khỉ liếc nhìn bản vẽ trong tay Nghiêm Vị Lương, gật đầu nói:

“Chỉ xét riêng bản vẽ, thì đúng là rất bắt mắt.”

“Vậy còn ngại gì nữa?”

Kỷ Khinh Chu cong môi cười.

“Đây là Thượng Hải đó bác à, thành phố tân tiến nhất nước. Còn bác, là Thẩm Nam Khỉ du học trở về, là hiệu trưởng nữ học, là nhân vật có tiếng trong giới xã giao. Bất kể kiểu mới nào, chỉ cần mặc lên người bác mà đẹp và có gu, thì chính là thời thượng. Sau này, mấy vị phu nhân, tiểu thư hay nữ sinh gì đó, chưa biết chừng còn sẽ học theo phong cách của bác.”

“Phong cách của ta cái gì, đừng tâng bốc bừa bãi, thật là...”

Thẩm Nam Khỉ bị cậu nói cho bật cười. Dù miệng thì trách móc như thế, nhưng trong lòng lại đã thầm ghi nhớ hết từng lời.

Bà mím môi suy nghĩ một lát, rồi quay sang nói với Nghiêm Vị Lương:

“Đã là cháu trai tôi đề xuất, vậy thì phiền ông nghiên cứu giúp, dùng tấm vải ấy may cho tôi một bộ đi.”

“Không thành vấn đề, để tôi xem lại đã...”

Nghiêm Vị Lương lại cúi xuống quan sát kỹ bản vẽ, thoáng nhíu mày:

“Xem theo hình thì áo này không có đường ráp giữa thân trước và thân sau, lại còn tay dài. Tôi e khổ vải này không đủ rộng. Trừ phi phần tay áo cậu định cắt riêng?”

“Đúng vậy.” Kỷ Khinh Chu gật đầu.

Cậu dừng lại vài giây rồi nói tiếp:

“Thế này đi, ông chủ Nghiêm, để tôi vẽ thêm một bản sơ đồ cấu trúc, cho ông dễ tham khảo hơn.”

Cậu đã từng quan sát rất kỹ các kiểu sườn xám đang lưu hành lúc bấy giờ, phần lớn vẫn còn dùng kỹ thuật cắt may truyền thống theo kiểu “mặt phẳng hình chữ thập”, tức là thân trước và thân sau cắt liền mạch, ráp ở giữa, tay áo liền với thân — một cấu trúc khác khá nhiều so với kỹ thuật cắt may phổ biến về sau.

Nếu cứ để ông chủ Nghiêm tự mình mày mò, e rằng mất vài ngày vẫn chưa chắc ra được thành phẩm ưng ý. Chi bằng cậu vẽ hẳn một bản chi tiết, đỡ cho ông đi đường vòng.

“Được được, vậy cậu vẽ thêm một bản nữa đi.”

Nghiêm Vị Lương lập tức đưa sổ tay cho cậu.

Kỷ Khinh Chu đón lấy, đưa mắt nhìn quanh, rồi dứt khoát đi đến ngồi xuống bàn làm việc của ông chủ Nghiêm.

“Mượn bàn ghế của ông dùng tạm một lát.”

Nói xong liền mở sổ ra đặt lên mặt bàn, nhặt cây bút chì để sẵn bên cạnh, bắt đầu vẽ.

Thẩm Nam Khỉ và ông chủ Nghiêm đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng bước đến đứng hai bên bàn, quan sát cậu vẽ vời.

So với bản thiết kế hiệu ứng tổng thể, bản sơ đồ kiểu dáng có phần tinh gọn và chính xác hơn về mặt tỷ lệ và chi tiết đường nét trang phục.

Kỷ Khinh Chu không chỉ vẽ đầy đủ mặt trước và mặt sau của mẫu sườn xám, mà còn căn cứ theo dáng người của Thẩm Nam Khỉ để đánh dấu phạm vi kích thước ước chừng, kèm theo phần xử lý kỹ thuật một số chi tiết và lựa chọn phụ liệu thích hợp.

Cậu vốn còn định dành thêm thời gian để ghi chú lượng cử động cần chừa ở từng phần, nhưng nghĩ lại thấy ông chủ Nghiêm dù sao cũng là thợ may lâu năm có tiếng, lại chuyên làm Âu phục, những chi tiết thế này hẳn ông có thể tự nắm được, chẳng cần vẽ rườm rà làm gì.

“Được rồi, vậy là xong.”

Sau chừng hai mươi phút hoàn thiện hai bản sơ đồ kiểu dáng, Kỷ Khinh Chu đặt bút xuống, đẩy sổ tay sang phía ông chủ Nghiêm.

“Ông xem thử đi, có chỗ nào cần chú thích thêm nữa không?”

Ông chủ Nghiêm hơi há miệng, nhìn Thẩm Nam Khỉ rồi lại quay sang nhìn Kỷ Khinh Chu. Giọng ông hạ thấp một chút:

“Cậu Kỷ là họa sĩ à?”

Kỷ Khinh Chu lắc đầu:

“Không phải.”

“Thế là đồng nghiệp?”

“Cũng không.” Cậu khẽ nhếch môi, cười như bất lực:

“Chỉ là hứng thú cá nhân thôi, gọi là biết chút đỉnh.”

Nghiêm Vị Lương cầm sổ tay lên, ngắm nghía bản vẽ hồi lâu, rồi bất giác tặc lưỡi một tiếng:

“Nếu cậu Kỷ mới đến Thượng Hải mà chưa có công việc, chi bằng tới chỗ tôi làm đi. Cứ mỗi tháng giúp tôi vẽ vài mẫu kiểu dáng sườn xám hay Âu phục mới thế này, tiền công tôi trả bốn mươi đồng, cậu thấy sao?”