Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 28

“Bà đến thật đúng lúc, sáng nay tôi vừa nhận được hai bộ váy liền kiểu Pháp mới nhất, mời bà xem thử.”

“Tôi thì dễ tính lắm, có đồ để mặc là được.”

Thẩm Nam Khỉ khẽ cười bình thản, rồi nghiêng đầu nhìn Kỷ Khinh Chu, giới thiệu với ông chủ:

“Đây là cháu bên đằng ngoại của tôi – Kỷ Khinh Chu, vừa đến Thượng Hải, không mang theo nhiều quần áo, nên đặc biệt đến nhờ ông may giúp mấy bộ.”

“Ồ, cậu Kỷ.” Ông chủ Nghiêm rất khách sáo đưa tay ra bắt: “Hân hạnh, hân hạnh. Tôi là Nghiêm Vị Lương.”

“Chào ông.” Kỷ Khinh Chu hơi nhếch môi, bắt tay ông ta.

“Cậu Kỷ quả là phong tư tuấn lãng!”

Thu tay về, Nghiêm Vị Lương dùng ánh mắt điềm đạm đánh giá Kỷ Khinh Chu một lượt.

Bất ngờ, ông bật lưỡi đầy khoa trương, rồi quay sang Thẩm Nam Khỉ cười nói:

“Giải phu nhân, bà thật quá ưu ái tôi rồi. Dáng dấp diện mạo như cháu ngoại bà đây, khoác cái bao tải cũng thấy đẹp!”

“Nghe ông chủ Nghiêm nói thế, sau này khi Khinh Chu mặc đồ ông may, chẳng phải sẽ trở thành biển hiệu sống của Dụ Tường hay sao?”

Thẩm Nam Khỉ đặt chiếc túi xách tay lên bàn trà sát cửa sổ, vừa bước tới khu chọn vải vừa cười đùa:

“Thế thì tôi có nên hỏi ông xin ít phí quảng cáo không đây?”

Nghiêm Vị Lương cười ha hả:

“Chính là đạo lý ấy!”

Nói rồi, ông rút thước dây từ túi tạp dề ra, bước đến bên cạnh Kỷ Khinh Chu, bắt đầu đo số.

“Chỗ này đều là hàng mới à?” Thẩm Nam Khỉ đứng trước dãy vải dạ xếp thành hàng hỏi.

Nghiêm Vị Lương ngẩng đầu liếc một cái, đáp:

“Vâng. Đều là trực cống và vải pi-chi, lông cừu nguyên chất vừa đặt từ thương hiệu Dược Hán.”

(Trực cống: Loại vải dệt dày, chất lượng cao, thường dùng trong trang phục lễ nghi.)

(Pi-chi: Loại vải len dệt chéo, dùng phổ biến trong may âu phục.)

Thẩm Nam Khỉ chầm chậm gật đầu, dùng ngón trỏ chỉ mấy tấm vải:

“Loại đen sọc chéo này, rồi xanh thẫm, trắng ngà, màu lạc đà, mỗi loại làm cho cậu ấy một bộ âu phục vừa người, kiểu dáng để ông quyết định.”

Nghe vậy, Nghiêm Vị Lương lập tức ra hiệu bằng mắt cho người trợ lý đứng cạnh.

Cậu thanh niên đeo kính gọng tròn vội cầm sổ chạy tới bên Thẩm Nam Khỉ, ghi lại số vải bà chọn.

“Còn mấy loại này nữa. Xám đậm, ca-rô xanh đậm và sọc đen, mỗi loại may cho con trai tôi một bộ âu phục. Còn tấm màu đen kia là trực cống phải không? Làm cho nó một bộ lễ phục. Lát nữa tôi sẽ đưa ông số đo.”

“Ngài Dự Xuyên sao?” Nghiêm Vị Lương đang quỳ thấp đo vòng mắt cá chân cho Kỷ Khinh Chu, bật cười tiếp lời:

“Tháng trước tôi vừa đo cho cậu ấy rồi, vẫn còn ghi lại. Lẽ nào gần đây cậu ấy tăng cân?”

“Không phải Dự Xuyên, là Dự An nhà tôi, hôm qua vừa mới về.”

“Ồ, phải rồi, tôi có nghe chuyện đó.” Nghiêm Vị Lương thu lại nụ cười, giọng điệu cũng dịu hơn vài phần.

“Cậu ấy vẫn ổn chứ?”

“Hồi phục không tệ. Được thế này đã là phúc lớn mạng lớn rồi.” Thẩm Nam Khỉ nói rất nhẹ nhàng, vừa nói vừa đi về phía khu chọn vải bên kia.

Chờ Kỷ Khinh Chu đo xong số đo, bà khẽ gọi:

“Lại đây, xem xem chọn loại vải nào cho áo sơ mi của cậu.”

Kỷ Khinh Chu bước tới. Vừa định chọn vải, cậu đã thấy Thẩm Nam Khỉ dừng lại trước một dãy vải lụa óng ánh rực rỡ sắc màu.

Bà đứng yên tại chỗ, ánh mắt dán vào một tấm lụa crepe tơ tằm màu phấn đào nhạt, trên mặt in họa tiết ô vuông l*иg hoa thắng màu nâu nhạt.

(Hoa thắng: Họa tiết truyền thống cổ đại hình thoi đan l*иg, tượng trưng cho điềm lành, phúc khí.)

Phụ nữ, một khi yêu thích cái đẹp, thì chẳng thể nào giấu được. Kỷ Khinh Chu thấy rất rõ, đôi mắt của bà vào lúc này đang ánh lên sáng rực.

“Bác thích tấm này sao?” Cậu hỏi.

“Màu này trẻ trung quá, không hợp với tôi.” Thẩm Nam Khỉ bình thản đáp, như thể chỉ tiện đường nhìn một chút, nhưng trong ánh mắt lại lộ ra vài phần tiếc nuối.

“May thành áo sườn xám thì sao?” Kỷ Khinh Chu đề nghị: “Chắc chắn hợp với bác.”

“Sườn xám à?” Thẩm Nam Khỉ nhướng nhẹ mày, cười khẽ: “Hai mươi năm trước thì tôi còn dám thử. Giờ ấy à, mặc cái loại vải này mà làm thành áo dài thì mặc lên người thế nào cho nổi? Chẳng phải sẽ bị người ta cười chết à?”