Hình ảnh Thẩm phu nhân hôm qua trong bộ sườn xám sang trọng vẫn còn in hằn trong đầu cậu.
Hôm nay bất ngờ đổi sang phong cách Tây phương, lúc vừa nhìn thấy bà, Kỷ Khinh Chu thật sự hơi ngẩn người.
“Thời thượng gì chứ, mấy bộ này từ hai năm trước rồi, lỗi mốt lâu rồi.”
“Cổ điển chính là thời thượng. Hơn nữa, vóc dáng và khí chất của bác vốn đã đẹp sẵn, càng mặc đồ đơn giản lại càng toát lên vẻ thanh nhã, duyên dáng.”
“Cậu đúng là biết cách nói chuyện.”
Thẩm Nam Khỉ được khen liền bật cười, vui vẻ nói: “Chút nữa đến tiệm, bảo thợ may Nghiêm làm thêm cho cậu mấy bộ.”
“Thợ may Nghiêm là thợ may riêng bác hẹn sẵn ạ?” Kỷ Khinh Chu tỏ ra rất hứng thú.
“Ông ấy đâu chỉ là thợ may. Nói đến Âu phục, ông ấy là nghệ nhân đấy.” Thẩm phu nhân tiện miệng khen một câu, rồi thấy cậu có vẻ tò mò bèn nói kỹ hơn.
“Cậu cũng đến Thượng Hải được một thời gian rồi, chắc đã nghe qua Công ty Thời trang Dụ Tường. Đây là tiệm Âu phục đầu tiên do người Trung Quốc mở, cũng là tiệm lớn nhất ở Thượng Hải hiện giờ. Thợ may Nghiêm chính là ông chủ Dụ Tường đó.”
“Ông chủ Nghiêm giờ cũng vào tuổi tri thiên mệnh* rồi, làm nghề đã hơn ba mươi năm. Trong giới thợ may ở Thượng Hải, ông ấy nổi tiếng là tay nghề cứng cựa, vừa dày dặn kinh nghiệm lại vừa tinh xảo trong từng đường cắt mũi kim. Ngay cả người nước ngoài cũng nghe danh tìm đến đặt đồ, phải xếp hàng chờ đấy.”
(*Tri thiên mệnh: cách nói ẩn dụ chỉ người ngoài 50 tuổi, theo quan niệm Nho gia.)
Tiệm Dụ Tường nằm trên đường Tịnh An Tự, cách biệt thự nhà họ Giải không xa.
Kỷ Khinh Chu cảm thấy như mới vừa lên xe, còn chưa nói được mấy câu với Thẩm phu nhân thì xe đã dừng ngay trước cửa tiệm.
Quả đúng như Thẩm phu nhân nói, tiệm Dụ Tường trông thật sang trọng. Mặt tiền chiếm đến hơn chục gian liền nhau, biển hiệu bắt mắt, cửa kính trưng bày sáng sủa sạch sẽ.
Vừa xuống xe, tài xế đã nhanh chân chạy lên trước mở cánh cửa gỗ sơn nâu có gắn kính.
Trong tiếng leng keng giòn tan của chiếc chuông treo sau cửa, Kỷ Khinh Chu theo chân Thẩm phu nhân bước vào tiệm.
“Chà, Giải phu nhân, cuối cùng bà cũng tới rồi!”
Vừa vào cửa, nhân viên quầy lễ tân đã nhiệt tình đón tiếp.
“Ông chủ biết bà sẽ qua nên đã dời hết việc sáng nay lại, hiện đang đợi bà trên lầu đấy. Mời hai vị theo tôi.”
Nói xong, cậu ta còn mỉm cười lịch thiệp với Kỷ Khinh Chu rồi dẫn đường lên lầu.
Cầu thang được đặt ở góc tây bắc trong tiệm, suốt dọc đường đi theo cậu nhân viên, Kỷ Khinh Chu tiện thể quan sát sơ qua khung cảnh trong tiệm, trong lòng không khỏi âm thầm kinh ngạc.
Cửa tiệm này còn bề thế hơn cậu tưởng, thiết bị các mặt đều đầy đủ, nhân lực cũng dồi dào, hoàn toàn có thể gọi là một xưởng sản xuất nhỏ.
Dãy gian gần mặt tiền treo những bộ y phục Tây mới nhất, còn sâu bên trong đặt các bàn cắt vải, bàn là, máy may đủ loại.
Chất liệu vải cũng rất phong phú: tơ lụa, vải gai, vải bông, da, dạ… hàng nội địa có, hàng nhập khẩu có, đủ loại chất liệu, hoa văn muôn màu muôn vẻ, xếp đầy cả dãy sát tường.
Mấy vị sư phụ cùng các học trò của họ bận rộn đi đi lại lại quanh các bàn làm việc, khung cảnh như thế vượt xa sức tưởng tượng của Kỷ Khinh Chu về một cửa hàng may đo.
Mang theo một chút tâm trạng phức tạp, Kỷ Khinh Chu cùng Thẩm Nam Khỉ bước lên tầng hai.
Tầng hai có bài trí cũng tương tự như tầng dưới, khắp nơi đều là bàn cắt, máy may, vải vóc treo lủng lẳng và các mảnh vải đã được cắt sẵn chất đống.
Trong không khí vương nhẹ bụi sợi li ti, mùi vải hơi âm u.
Theo nhân viên đi ngang qua không gian chung, vòng qua một tấm bình phong sáu cánh, cả hai bước vào khu vực làm việc riêng của ông chủ.
“Giải phu nhân, bà đến rồi, lâu quá không gặp!”
Ông chủ Nghiêm là người đàn ông trung niên gần năm mươi tuổi, tóc cắt rất ngắn, mặc một chiếc trường sam xám giản dị, bên ngoài khoác thêm tạp dề màu nâu, trong túi tạp dề cắm vài món đồ nghề may vá lặt vặt. Nhìn sơ qua trông chẳng khác gì một thợ may bình thường.
Thấy khách quý đến, ông lập tức buông công việc trong tay xuống, tươi cười chào đón: