Xuyên Không Làm Thợ May Ở Dân Quốc

Chương 10

Vé mua là ghế hạng nhất, có khoang riêng biệt.

Môi trường trong khoang tốt hơn cậu tưởng rất nhiều. Không chỉ ghế ngồi rộng rãi thoải mái, lót đệm nhung sang trọng, mà dưới chân còn có cả thảm trải sàn.

Vừa ngồi xuống, Giải Dự Xuyên đã gọi tiếp viên lấy một tờ báo để gϊếŧ thời gian.

Kỷ Khinh Chu ban đầu cũng định xem báo, nhưng thấy Giải phu nhân có vẻ đang buồn tẻ, liền nhân cơ hội bắt chuyện, tìm cách moi thông tin.

Tán gẫu không phải chuyện dễ, may mà bà Giải là người hoạt ngôn, trò chuyện qua lại một lúc, cậu thật sự moi ra được vài chuyện hay ho.

Liên quan đến Kỷ Vân Khuynh.

Cậu từng đoán mò về thân phận người này, nhưng không sao ngờ được.

Hoá ra cậu ta là diễn viên Kinh kịch, và lại còn có chút danh tiếng ở kinh thành. Chỉ là không biết đã đắc tội với ai, suýt nữa mất mạng.

Nghe đâu vào cuối năm ngoái, để tránh họa, Kỷ Vân Khuynh đã chạy trốn đến Thượng Hải.

Nhưng dù vậy vẫn không thoát khỏi sự quấy rầy của những kẻ kia, đến mức không còn đất diễn, thậm chí chuyện cơm áo cũng trở thành vấn đề.

Có lẽ cũng vì muốn tìm một cái ô che chở, nên mới đành chấp nhận cuộc hôn nhân nực cười này.

Điều đó khiến Kỷ Khinh Chu trong lòng cũng thêm vài phần cảnh giác.

Thời buổi này vốn dĩ đã loạn lạc, thân phận mà cậu thế chỗ lại còn dính líu phiền toái, xem ra lựa chọn khôn ngoan nhất lúc này chính là bám thật chắc vào đùi nhà họ Giải.



Tàu hỏa cứ thế lộc cộc lăn bánh, chừng hai tiếng sau thì đến ga Thượng Hải.

Ga tàu nằm sát khu Tô giới công cộng, tọa lạc tại con đường nối Bắc Chiết Giang Lộ và Bắc Hà Nam Lộ, nơi mà hậu thế vẫn quen gọi là “Ga Bắc cũ”.

Kỷ Khinh Chu vẫn còn khá hứng thú với nhà ga của thời kỳ này, dù gì hồi học đại học cậu cũng từng ghé qua bảo tàng đường sắt.

Tiếc rằng không có thời gian để ngắm nghía, vừa bước ra khỏi ga, cậu đã bị người nhà họ Giải lôi thẳng lên một chiếc xe Ford con, rảo chân phóng vυ't vào khu Tô giới.

Nếu nói rằng Tô Châu lúc ấy vẫn giữ được nét cổ xưa nguyên bản, với tường trắng ngói đen, cầu nhỏ nước chảy, thì bên trong khu Tô giới Thượng Hải đã thấp thoáng bóng dáng của một thành phố hiện đại.

Trên con đường phủ đầy nắng vàng, ô tô, xe ngựa, tàu điện, xe đạp và xe kéo chen chúc qua lại. Tiếng người ồn ào, tiếng chuông, tiếng động cơ, từng đợt từng đợt dội thẳng vào tai.

Kỷ Khinh Chu tựa vào ghế phụ, lim dim ngắm nhìn cảnh phố xá ngoài cửa sổ lướt qua từng chút một.

Cậu có cảm giác như mình là một người dựng phim, yên lặng dán mắt vào màn hình, nhìn từng khung cảnh lần lượt tua lại trước mắt. Trong lòng thoáng dậy một nỗi miên man khó gọi thành tên.

Rõ ràng sáng hôm qua còn đứng nơi ban công cao tầng ngắm nhìn thành phố hiện đại, giờ lại đổi sang một góc nhìn khác, như thể một đứa con xa xứ lưu lạc mấy chục năm bỗng trở về quê cũ, mang theo nỗi hoài niệm mơ hồ, âm thầm so sánh hiện thực với những ký ức chập chờn trong đầu.

Thượng Hải năm 1918, thành phố hiện đại bậc nhất Viễn Đông dưới con mắt của người phương Tây.

Thành thị hoa lệ, thủ đô thời thượng, nơi hội tụ mọi yếu tố mâu thuẫn trái ngược…

Và tại đây, cậu sẽ bắt đầu cuộc đời mới như thế nào?

Mặc dù tự giễu là gả vào hào môn, nhưng bởi xuất thân vốn đã đủ đầy sung túc, từ nhỏ chưa từng nếm trải khổ cực cuộc đời, nói cho cùng, Kỷ Khinh Chu thực ra chẳng mấy để tâm đến chuyện giàu có nhà chồng.

Cho đến khi chiếc xe bon bon chạy từ nhà ga về phía đường Ái Văn Nghĩa ngay trước mắt cậu, tiến vào khu biệt thự vườn mang phong cách giao hòa giữa lãng mạn kiểu Pháp và tân cổ điển phục hưng.

Ánh nắng ban trưa ấm áp phủ lên đại lộ rợp bóng cây kéo dài theo hướng Bắc – Nam.

Xe từ tốn lăn bánh, những khu vườn kiểu Le Nôtre rộng lớn dần bao quanh họ, từng toà biệt thự mang đậm hơi thở ngoại quốc từ từ hiện lên rõ rệt trong tầm mắt.

(Le Nôtre: Tên của André Le Nôtre, kiến trúc sư Pháp thế kỷ 17, nổi tiếng với phong cách vườn quý tộc đối xứng, thường thấy trong cung điện Versailles.)

Tường trắng ngà, mái ngói đỏ hoa hồng, mái hiên vòm cao hình bán nguyệt, cùng với khung cửa đá điêu khắc đầy vẻ trang trọng thanh nhã...