Mất khoảng mười phút để tắm rửa thay đồ, Kỷ Khinh Chu đeo túi chéo, kéo theo hành lý và va-li da, xuống lầu.
Chủ nhà chuẩn bị rời đi, đám người hầu dưới lầu bận rộn đến quay cuồng, Kỷ Khinh Chu muốn gọi ai hỏi xem có bữa sáng không mà cũng không ai ngó đến. Đành phải lo việc hành lý trước.
Vừa được phu xe giúp chất hành lý lên xe ngựa mui trần, cậu đã nghe thấy giọng Giải phu nhân vang lên sau lưng:
“Cái va-li này trông cũng đẹp đấy, mua ở đâu vậy?”
Cậu phản xạ quay đầu lại, thấy Giải phu nhân tay trái xách túi nhỏ, tay phải nhấc tà váy, từ bậc tam cấp trước cửa đi xuống.
Chiếc sườn xám khoác áo gi-lê mà bà mặc có phần tà quá dài, gần như phủ hết cả mu bàn chân. Không nhấc tà váy lên thì căn bản không bước xuống bậc được.
“Bạn cháu mang về từ nước ngoài.”
“Của hãng nào vậy? Mai mốt ta cũng nhờ bạn mua cho một cái.”
“Dù cháu có nói thì bạn bác cũng chẳng tìm ra đâu, là hàng của một xưởng nhỏ không có tiếng tăm gì.”
Thời buổi này vẫn chưa có khái niệm va-li kéo có bánh xe, Kỷ Khinh Chu không thể bịa ra một thương hiệu, đành qua loa cho xong.
Thái độ cậu khá hờ hững, nhưng Thẩm Nam Khỉ cũng chẳng buồn truy cứu thêm, chỉ hơi ngẩng cằm lên, nói:
“Cậu tự chọn một chiếc mà ngồi đi.”
“Cái đó?”
Kỷ Khinh Chu liếc mắt về phía chiếc xe kéo đang đậu dưới tán cây long não.
“Chứ còn gì nữa? Đường phố Tô Châu hẹp như vậy, không thể lái ô tô con được.”
Thẩm Nam Khỉ vừa nói vừa đảo mắt nhìn cậu từ trên xuống dưới, rồi bước lại gần vài bước,
“Ta định hỏi nãy giờ rồi, sao cậu ăn mặc lạ thế? Không có bộ đồ nào khác à?”
Kỷ Khinh Chu đoán được bà ta thể nào cũng nhắc chuyện này, bèn làm ra vẻ tiếc nuối:
“Không có thật ạ! Cháu quên mang theo.”
“Ăn mặc thế này lên Thượng Hải thì thể nào cũng bị cười cho thối mũi. Kiếm lấy cái áo dài cũng được mà. Còn cái đầu tóc này nữa, dài đến che cả mắt rồi, sao không chải gọn lên?”
Chưa kịp để Kỷ Khinh Chu nghĩ ra lý do biện bạch, Thẩm Nam Khỉ đã tiếp lời:
“Dù sao nhìn cậu hôm nay cũng có da có thịt hơn hôm qua đấy. Về đến Thượng Hải rồi, phải trông cho ra dáng chút.”
“Dạ.”
Kỷ Khinh Chu đồng ý ngay tắp lự.
Thấy tâm trạng Giải phu nhân có vẻ khá, cậu không nhịn được mà hỏi câu băn khoăn trong lòng từ nãy:
“Có bữa sáng không ạ?”
Thẩm Nam Khỉ bật cười:
“Cái thằng nhỏ này, đói sao không nói sớm.”
Nói xong liền gọi dì Tôn mang ít bánh ngọt và trà lên.
“Cậu dậy muộn quá, bữa sáng dọn đi hết rồi, làm lại cũng không kịp nữa. Trễ chút nữa là tàu lửa chạy mất đó.”
“Không sao, cháu ăn tạm chút gì cũng được.”
Kỷ Khinh Chu nhận lấy hộp thức ăn từ tay dì Tôn, trong lòng âm thầm thở dài: [“Bà mẹ chồng trao đổi” này đối với mình xem ra cũng không đến nỗi tệ.]
Chỉ không biết bà làm vậy là để giữ thể diện, hay vốn dĩ tính tình đã dễ chịu như thế.
Vừa ăn vài miếng bánh ngọt với trà ô liu cho đỡ đói bụng, đợi Giải Dự Xuyên đi vệ sinh xong, ba người liền leo lên chiếc xe kéo mà nhà họ Giải thuê sẵn. Trong ánh mắt tiễn đưa của đám gia nhân, họ đi ngang qua trước cổng thư viện cổ, lắc lư lên đường lát đá gập ghềnh, bắt đầu lăn bánh.
Xe kéo ở Tô Châu có lắp chuông dưới chỗ để chân, chạy lên nghe leng keng leng keng, rất có sức sống. Nhưng lần đầu đi loại “hoàng bao xa” này, Kỷ Khinh Chu lại thấy lòng mình là lạ khi nhìn tấm lưng còng xuống của người phu xe phía trước.
Giá mà có taxi thì hay biết mấy.
Ý nghĩ ấy vụt qua trong đầu, nhưng chỉ một cái liếc mắt ra những con phố hẹp chật chen chúc xung quanh, cậu liền biết mình mơ tưởng hão huyền.
Một mình ngồi cả xe, không ai trò chuyện. Kỷ Khinh Chu cũng không nỡ để người phu xe thở phì phò mà còn phải vờ vui vẻ tán chuyện với mình, nên đành im lặng ngắm nghía kiến trúc và cảnh vật dân sinh dọc đường.
Suốt chặng đường không ai nói gì, chỉ có tiếng chuông xe cứ vang lên đều đều khiến lòng người cũng bồn chồn bất an.
Mãi đến khi đến ga tàu, Kỷ Khinh Chu mới hứng thú trở lại, bắt đầu tò mò về cái “tàu lửa trăm năm trước” mà mình sắp được trải nghiệm.