Trong "Kinh Dịch - Trạch Thủy Khốn", phần Thoán viết: "Khốn, cương yểm dã. Hiểm dĩ duyệt, khốn nhi bất thất kỳ sở, hanh, kỳ duy quân tử hồ." Nghĩa là, sự nguy nan xuất hiện là do dương cương bị âm nhu che lấp. Nhưng dù như thế, nếu là người quân tử, khi rơi vào nghịch cảnh vẫn giữ được tâm thái tốt, kiên trì đi đúng con đường chính đạo, không vì hiểm nguy mà buông xuôi, thì có thể hóa giải nguy nan.
Năm thứ ba đại học, tôi bắt đầu yêu đương. Cành cao chẳng dám trèo, mà người ta cũng chẳng để tôi - một con sẻ nhỏ - đậu lên. Tôi tìm một người "môn đăng hộ đối", cũng là cô gái xuất thân từ nông thôn, tên là Phượng A Kiều. Cái tên này, nghe thế nào cũng không giống tên của một cô gái nông thôn. Người cô ấy trông bình thường, không quá nổi bật, nhưng rất thanh tú, thuộc kiểu người nhìn hoài không thấy chán.
Cô ấy để mắt đến tôi, có lẽ do đi theo tôi thường xuyên được ăn thịt đầu heo. Một đứa trẻ từ nông thôn lên, mỗi tuần được ăn một bữa thịt, lại có tiền tiêu vặt để dẫn cô ấy đi dạo trung tâm thương mại, mua kem, điều đó đủ thể hiện "năng lực". Khi tôi bảo với cô ấy rằng ba năm đại học tôi chưa từng xin nhà một đồng nào, thậm chí còn thỉnh thoảng gửi tiền về nhà, ánh mắt cô ấy mở to đầy kinh ngạc. Đôi mắt nhỏ của cô ấy, chỉ khi mở to như vậy mới trở nên cuốn hút.
Cô ấy hỏi tôi kiếm tiền bằng cách nào.
Tôi đáp: "Tôi có tay nghề. em chưa nghe câu "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" sao?"
Cô ấy không tin, ánh mắt đầy nghi ngờ, bắt tôi phải trổ tài cho cô ấy xem.
Lúc ấy, tôi đã có thể tiến hành những phép tính toán đơn giản theo Kinh Dịch. Thế là tôi quyết định biểu diễn cho cô ấy một lần. Tôi hỏi cô ấy muốn đoán điều gì. Cô ấy nghĩ một lúc rồi nói: "Đã lâu không về nhà,em không biết sức khỏe của bà nội thế nào rồi. Cái này anh có đoán được không?"
Tôi đặt ba đồng xu vào tay cô ấy và bảo cô ấy lắc sáu lần. Sau đó tôi sắp xếp quẻ, rồi mở sách "Kinh Dịch", y theo sách mà giải đoán: " em gieo được quẻ Địa Hỏa Minh Di, theo hình tượng quẻ thì có dấu hiệu tay chân bị thương. Bà nội em chắc là bị thương ở tay hoặc chân."
A Kiều lại nhìn tôi bằng ánh mắt vừa đẹp vừa nghi hoặc, nói: " Sao vậy được, bà nội em đã hơn 80 tuổi, không ra khỏi nhà, cũng chẳng làm việc nặng thì sao mà bị thương được?"
Tôi lại nhìn kỹ hình tượng quẻ, chắc chắn nói: " Em viết thư về nhà hỏi thử xem. Nếu anh đoán sai, anh sẽ mời em ăn thịt đầu heo ba ngày liền."
Cô ấy đồng ý, trông tâm thái như đang nắm chắc phần thắng. Thời đó, con gái không sợ mập, đừng nói ba ngày thịt đầu heo, ăn cả tháng chắc cô ấy cũng vui.
A Kiều nói: "Viết thư làm gì, chậm lắm. Em gọi điện về nhà trưởng thôn không phải nhanh hơn sao?" Thời ấy, mỗi làng thường có một chiếc điện thoại đặt ở nhà trưởng thôn, chủ yếu để nhận thông báo từ thị trấn.
Tôi biết cô ấy thèm thịt, chỉ hận không thể lập tức được ăn một bữa no nê.
Sau khi gọi điện xong, chiếc điện thoại còn chưa dời khỏi tay, nét mặt của cô ấy trở nên kỳ lạ, nhìn tôi thật lâu: “ Anh đoán đúng thật rồi. Bà nội em ngã từ trên giường xuống,đã bị gãy cổ tay."
Tôi thở phào nhẹ nhõm, không phải vì tiếc miếng thịt đầu heo, mà vì tôi có thể nhân dịp này mà lập danh trong lòng cô ấy, khiến cô ấy càng thêm ngưỡng mộ tôi.
A Kiều cầm cuốn sách "Chu Dịch" lên, lật qua lật lại, rồi lắc đầu nói: “Không hiểu gì cả. Anh giảng cho em nghe đi, tại sao "Chu Dịch" lại có thể tính ra những chuyện cách đây cả ngàn dặm như vậy?”