Thời tiết ngày càng nóng bức, Tết Đoan Ngọ sắp đến gần, trên phố có nhiều người bắt đầu bán những món hàng theo mùa.
Ngải cứu, xương bồ, hoa lựu ngũ sắc, quạt màu, dây trường thọ, ngải hổ, kinh ống, túi thơm, thuyền rồng chạm khắc bằng gỗ hoặc xương…
Nhiều gia đình cũng tự làm, nhưng vì lợi nhuận mà những thương nhân bên ngoài luôn nghĩ ra được những cách tinh tế hơn, tay nghề cũng khéo léo hơn nhiều. Dù mọi người không mua nhưng họ đứng ngắm nhìn thôi cũng thấy thích thú.
Lục Thì Lan muốn mua chút quà cho A Mâu, nàng bèn ghé qua phố trước khi về nhà.
Ở phố có một cửa hàng bán bánh ú, chủ quán trông giống người phương Nam, đôi tay của ông ấy đặc biệt khéo léo. Một phiến lá tre xanh biếc chỉ cần được năm ngón tay ông ấy vuốt nhẹ đã tách ra thành từng sợi lá đều đặn. Ông ấy lại lấy thêm một tấm lá khác, bỏ phần nếp đã được trộn nhân thơm phức vào, ngón tay thoăn thoắt đan xen, thoáng chốc một chiếc bánh ú hình con công xòe đuôi nhỏ nhắn đã thành hình.
Bên cạnh còn có những chiếc bánh ú tạo hình lợn con, mèo nhỏ, cá bơi, cua bò… Đương nhiên, để giữ được hình dáng đó, những chiếc bánh này chỉ có rất ít nhân, chủ yếu là để ngắm chứ không phải để ăn. Lục Thì Lan thấy chúng khá đáng yêu nên nàng định mua vài chiếc.
Bỗng nhiên một giọng nói trong trẻo vang lên bên tai nàng: "Lục đại nhân."
Lục Thì Lan nghe giọng nói này một lần là không quên được. Nàng quay đầu lại, quả nhiên là cô nương tên Hàm Bích mà nàng từng gặp ở Mộng Lang Hoàn lần trước, nàng bước lên chào hỏi: "Hàm Bích cô nương, ngươi cũng đi mua đồ sao?"
Hàm Bích rất biết cách thể hiện ưu điểm của mình. Hôm nay, nàng ta mặc một chiếc váy lụa màu hồng nước, trên mặt trang điểm kiểu hoa đào, trông vô cùng rạng rỡ. Nàng ta lễ phép gật đầu với Lục Thì Lan, mỉm cười nói: "Chúng ta lại gặp nhau rồi."
Lục Thì Lan nhường vị trí trước quầy cho Hàm Bích chọn trước. Hàm Bích dường như đã quen với sự ưu ái và săn đón từ cánh nam nhân nên thản nhiên chọn lấy mấy chiếc bánh ú. Sau đó, Lục Thì Lan mới mua những chiếc mà mình đã để ý từ trước.
Hàm Bích đi theo Lục Thì Lan đến chỗ ít người, chủ động mở lời: "Lần trước ở Mộng Lang Hoàn, vì có hai công tử ở đó nên ta không tiện nói. Ta thấy Lục đại nhân dường như rất thích khúc nhạc từ đàn không hầu. Nếu đại nhân muốn học, khi nào rảnh có thể đến chỗ ta ngồi chơi. Ta không dám nhận có thể chỉ dạy cho ngài, nhưng ít ra chúng ta cũng có thể cùng nhau trao đổi đôi chút."
Hàm Bích quả nhiên là người quan sát tinh tường, Lục Thì Lan cảm thấy hơi khâm phục đối phương. Quả là, nếu muốn trở thành đối tượng được các công tử thế gia săn đón thì chỉ có dung mạo thôi là chưa đủ.
Lục Thì Lan rất thích tiếng đàn không hầu của Hàm Bích, lập tức trả lời: "Được thôi, được Hàm Bích cô nương mời là vinh hạnh của ta. Khi nào có thời gian, ta nhất định sẽ ghé thăm ngươi."
Hàm Bích lại nói thêm vài câu rồi bỗng nhiên nàng ta hỏi: "Lục Ngự sử và Thất gia… dường như rất thân thiết."
Lục Thì Lan hơi sững lại, đáp: "Thực ra, ta với thủ phụ còn chưa thân thuộc bằng Hàm Bích cô nương đâu." Số lần nàng gặp Hoắc Ninh Châu ít đến mức có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Hàm Bích rõ ràng không tin, nhưng nàng ta cũng chỉ mỉm cười mà không nói gì. Một người có thể được Hoắc Ninh Châu dẫn đi gặp Hoắc Ninh Hoành, sao có thể chỉ là quan hệ bình thường?
Ngoài Hoắc Ninh Hoành, nàng ta không có cách nào khác để tiếp cận Hoắc Ninh Châu. Mà cái người tên Lục Cẩn Nhược trước mặt này, có vẻ cũng là một lựa chọn không tệ. Những thanh niên trẻ tuổi như Lục Cẩn Nhược, Hàm Bích thậm chí không cần làm gì nhiều, cũng chẳng cần liếc mắt đưa tình, chỉ cần khẽ mỉm cười vào lúc thích hợp là đã đủ khiến họ xiêu lòng.
Vậy nên, nàng ta mới dùng đàn không hầu để kết giao.
Bởi vì gần đây có án mạng liên quan đến quan viên Hình Bộ nên Lục Thì Lan cũng không dám nán lại ngoài đường quá lâu. Nàng muốn về phủ trước khi trời tối nên đành cáo từ Hàm Bích.
Lục Thì Lan vừa bước vào sân viện của mình trong bá phủ đã thấy cha nàng, Lục Liên Vĩ đang đợi sẵn. Nàng tiến lên hỏi ông ta: "Phụ thân?"
Lục Liên Vĩ nhìn mấy chiếc bánh ú được tạo hình trong tay nàng, hỏi: "Con mua mấy thứ này làm gì? Lại mua cho A Mâu à?" Ông ta tỏ vẻ không hài lòng: "Nói mới nhớ, Đoan Ngọ đến rồi, con đã mang quà đến chúc Tết thủ phụ chưa?"
Lục Thì Lan hơi giật mình: "Chưa ạ."
Lục Liên Vĩ liếc nàng một cái: "Sao con lại không hiểu chuyện thế? Chuyện này còn cần ta dạy sao? Ba lễ hai thọ, con lại không biết đến thăm viếng? Ngày trước con không tặng quà cho sư phụ hả?"
"Sư phụ không giống vậy. Bây giờ con đã là một ngự sử, sao có thể góp phần cổ súy nạn biếu xén?" Lục Thì Lan nhíu mày, nói.
"Chẳng lẽ Phó đô Ngự sử Phùng Hạo Chinh chưa từng tặng lễ cho cấp trên?" Lục Liên Vĩ cười khẩy: "Nói đi cũng phải nói lại, ai bảo con cứ phải tặng đồ quý giá làm chi? Chỉ cần con đến bày tỏ thành ý, đừng để thủ phụ nghĩ con là kẻ vong ân bội nghĩa, vừa được điều về kinh đã quên mất ân tình là được rồi! Người ta muốn vào cửa hầu phủ Trường Kiêu còn không có cách, con đi dịch sách lâu như vậy, chẳng lẽ lại thành chuyện công cốc? Không phải con rất muốn trở thành Đô Ngự sử sao? Sau này chẳng phải chỉ cần một câu nói của thủ phụ là được à?"
Lục Thì Lan đứng yên không động đậy, hành động này khiến Lục Liên Vĩ tức giận: "Con nhất định phải đi! Đi ngay, ta sẽ đích thân đưa con đến tặng quà Đoan Ngọ cho thủ phụ!"
Lục Thì Lan suy nghĩ một chút, rồi nói: "Con hiểu rồi. Phụ thân không cần ép, con tự đi được."
Phụ thân nàng vốn là người thích giao du với những kẻ kết bè kết phái, nhưng trước nay chưa từng xen vào chuyện giao du chốn quan trường của nàng, nên nàng cũng không hiểu vì sao lần này ông lại khác thường như vậy. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đúng là trong dịp Đoan Ngọ, quà tặng lễ thường chỉ là túi thơm, bùa thêu, vốn không nhất thiết phải xa hoa. Vì thế, nàng thấy đi một chuyến cũng là điều nên làm.
Nhưng túi thơm là thứ con gái tặng, nàng không tiện tặng cho Hoắc Ninh Châu.
Chợt nhớ đến tục lệ tặng quạt vào tết Đoan Ngọ, nàng bèn chọn một cây quạt gấp lụa màu trắng tuyết, khung quạt làm bằng trúc tím, trên đó đề một bài thơ hải đường bằng chữ thảo. Nàng nhìn cây quạt đơn giản này rồi đoán có thể sẽ bị Hoắc Ninh Châu chê bai, nhưng nàng vẫn quyết định cầm theo rồi xuất phát.