Ban đêm thôn xóm yên tĩnh, nhưng động tĩnh bên này đã thu hút không ít người dân đến xem. Nhìn thấy càng lúc càng có nhiều người vây quanh, tên gia đinh kia lại càng lớn giọng hơn:
"Nói cho ngươi biết, lão Trương què đã bị bắt quả tang! Lúc chết còn nắm chặt đồ trộm được trong tay! Loại tiện dân trộm gà bắt chó này, tự sát là còn nhẹ nhàng cho hắn rồi!"
Sở Khinh dường như không nghe thấy những lời nhục mạ đó. Nàng đứng sững sờ trước cổng viện, như một pho tượng đất sét vô tri vô giác. Trong đầu nàng, lời nói của tên gia đinh vang vọng như tiếng sấm rền.
Sư phụ đã chết rồi...
Từ nay về sau, nàng sẽ không còn được nhìn thấy nụ cười hiền từ của sư phụ, cũng không còn được nghe giọng nói dịu dàng của người mỗi khi nấu xong bữa cơm mà gọi nàng lại ăn, dỗ dành nàng ăn thêm một chút nữa.
Trong xã hội cổ đại lạnh lẽo này, nàng không còn ai thân thích nữa, chỉ còn lại một mình cô độc.
Tên gia đinh kia chửi bới một hồi lâu, cuối cùng cũng bị trưởng thôn và mấy người trong làng khuyên can, đành hậm hực bỏ đi. Trước khi rời đi, hắn còn vứt lại một câu:
"Sáng mai nếu không đến thu dọn xác, thì cứ vứt ra bãi tha ma cho chó ăn!"
Sáng sớm hôm sau, sương mù mỏng manh lan tỏa khắp nơi, những cành liễu đã điểm xanh, mưa xuân lất phất rơi, trong không khí tràn ngập hơi ẩm khó tan. Vạn vật dường như bị màn mưa sương đè nặng, ngay cả tiếng động nhỏ nhất cũng không có.
Cuối con đường, một tràng bước chân nặng nề, chậm chạp vang lên.
Từ trong màn sương mù dày đặc, một bóng dáng gầy gò xuất hiện. Đôi giày vải thô lấm lem bùn đất, trên vai nàng, sợi dây thừng cứng ráp hằn sâu vào da thịt. Nhưng nàng vẫn kiên cường đi thẳng về phía trước, bởi vì chỉ có vậy, nàng mới có thể kéo được chiếc xe gỗ phía sau.
Trên xe, một tấm chiếu rách phủ lên một thi thể, đường nét của thân xác bên dưới lờ mờ hiện ra.
Trước mắt là thôn Cổ Kiều, Sở Khinh hơi khựng lại một chút, sợi dây trên vai chùng xuống. Lúc này nàng mới nhận ra, vai mình đã đau đến mức tê dại.
Nàng điều chỉnh lại sợi dây, nghiến chặt răng, tiếp tục tiến lên.
Sư phụ, đồ nhi đưa người về nhà rồi.
Bà Điền bán nước vừa mới bưng lò lửa ra khỏi nhà, liền nhìn thấy cảnh tượng ấy.
Nhìn thấy Sở Khinh vai đầy máu tươi, nhưng vẫn cắn răng kéo xe tiến về phía trước, bà Điền lấy khăn lau nước mắt nơi khóe mắt.
Trời đất bao la, bóng dáng gầy yếu của thiếu nữ cứ từng chút từng chút một lê bước về phía nhà. Tuy rằng chậm rãi, nhưng không hề dừng lại.
Sau lưng Sở Khinh, giọng thở dài nghẹn ngào của bà Điền tan vào trong gió:
"Tội nghiệp lão Trương... bạc của kẻ quyền quý, nào phải dễ kiếm đâu..."
Trong một căn viện tương đối khang trang trong làng, mẹ của Tiểu Mãn đang ra sức kéo con trai lại, không để cậu bé lao ra ngoài.
"Buông con ra đi, nương! Con muốn đi gặp Sở Khinh!" Tiểu Mãn vùng vẫy hết sức, khuôn mặt nhỏ nhắn tràn đầy sự bướng bỉnh, hướng ra ngoài sân mà hét lớn: "Sở Khinh, Sở Khinh! Chờ ta với!"
"Ôi trời ơi, tiểu tổ tông của ta, con đừng có làm loạn nữa!" Mẹ Tiểu Mãn cuống quýt bịt chặt miệng con trai, hoảng hốt nhìn ra ngoài, rồi lo lắng hạ giọng: "Nương biết con thân với Sở Khinh, nhưng con quên rồi sao? Sư phụ của nó đắc tội với quý nhân trong nha môn đấy! Ngay cả trưởng thôn còn không dám lên tiếng, nhà mình lại càng không thể dính vào!"
Nhìn con trai bị bịt miệng mà vẫn nức nở giãy giụa, ánh mắt đau lòng, mẹ Tiểu Mãn cũng không nhịn được mà rơi nước mắt.
"Nương cũng biết, Sở Khinh là một đứa trẻ ngoan... nhưng nó xui xẻo, bị lão Trương què nhận nuôi, nên cũng là một kẻ tiện dân..." Bà dùng tay áo lau nước mắt, giọng nghẹn ngào: "Giờ này, nhà mình thật sự không thể dính dáng đến nó được... Con không sợ, nhưng con cũng phải nghĩ cho cha con chứ! Cha con vất vả lắm mới được nhận vào trường dạy học, con không thể gây rắc rối cho ông ấy đâu!"
Nghe xong lời của mẹ, Tiểu Mãn biết rằng hôm nay, dù thế nào mình cũng không thể ra ngoài được.
Lắng nghe tiếng bước chân của Sở Khinh dần xa, Tiểu Mãn ngồi phịch xuống đất, lòng đau xót thay cho nàng.
Mẹ Tiểu Mãn khẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhìn con trai như vậy, bà cũng xót xa, bèn dịu giọng nói:
"Tiểu Mãn, hay tối nay con lén đi thăm nó một chút, coi như đã hết tâm hết ý."
Tiểu Mãn nghẹn ngào không nói được gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.
Đi giữa thôn làng, Sở Khinh như thể không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào xung quanh, chỉ máy móc bước về phía trước.
Mọi ngày, vào giờ này, thôn xóm luôn rộn ràng tiếng người. Người quét sân, kẻ cho gà lợn ăn, người vác cuốc ra đồng, kẻ múc nước giặt giũ, tạo nên khung cảnh làng quê quen thuộc mà nàng từng thuộc lòng.
Nhưng hôm nay, giờ này khắc này, trong thôn lại là một mảnh tĩnh mịch. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, chẳng một tiếng động, như thể chỉ cần mở cửa ra, là sẽ dính phải vận rủi vậy.
Sở Khinh cúi đầu, dồn toàn bộ sức lực để kéo xe, nhưng tấm lưng nàng vẫn thẳng tắp.
Sư phụ nhất định không phải là trộm đồ rồi sợ tội tự sát. Dù cả thế gian không tin, nàng vẫn tin!
Nhưng muốn minh oan cho một người xuất thân tiện tịch, khó khăn đến nhường nào? Huống hồ, kẻ kết tội sư phụ, lại là một vị quan đứng đầu cả huyện.
Nàng chỉ có thể dựa vào chính mình.
Hai kiếp làm người, chưa bao giờ nàng cảm thấy áp lực đè nặng đến thế.
Sau khi khiêng thi thể sư phụ vào nhà, đặt lên linh sàng(*) đơn sơ mà mình đã chuẩn bị trước khi rời đi, Sở Khinh quỳ xuống, dập đầu ba cái thật mạnh.
(*) giường để thi hài (trước khi nhập quan).
"Sư phụ, người hãy tin con, con nhất định sẽ rửa sạch oan khuất cho người!"
Nàng không tin cái gì mà trên trời có linh thiêng, cái gì mà thần tiên phù hộ, nàng chỉ tin vào chính bản thân mình.
Rửa tay mặt sạch sẽ, thay bộ quần áo gọn gàng, nàng bước đến bên linh sàng.
Hít sâu vài hơi, nàng ép bản thân bình tĩnh, chậm rãi vén tấm chiếu lên...
Mặc dù trước đó Sở Khinh không ngừng nhắc nhở bản thân rằng phải giữ vững sự khách quan, chỉ xem như mình đang kiểm tra một thi thể bình thường, chỉ đơn thuần là đang làm việc, thế nhưng khi tận mắt nhìn thấy thi thể của sư phụ, nàng vẫn không thể hoàn toàn kìm nén cảm xúc của mình.
Khuôn mặt quen thuộc đến tận cùng ở ngay trước mắt, vẫn hiền từ như ngày nào, nhưng đã chẳng còn chút sinh khí. Trên linh sàng, sư phụ nàng trợn tròn hai mắt, hàm răng nghiến chặt, thi thể cứng đờ, điển hình của hiện tượng “chết không nhắm mắt.”
Thế nhưng, với sự am hiểu sâu sắc về pháp y, Sở Khinh biết rõ rằng, cái gọi là “chết không nhắm mắt” thực chất chỉ là vì vào khoảnh khắc tử vong, cơ quanh mi mắt không kịp nhận tín hiệu từ não bộ để khép lại, nên mắt mới mở trừng như vậy. Trên thực tế, theo thống kê khoa học, có khoảng hơn bốn mươi phần trăm người khi chết đi sẽ không tự động nhắm mắt, thế nên hiện tượng này cũng không hiếm gặp.
Nàng cố gắng kiềm chế đôi tay hơi run rẩy, cởϊ áσ sư phụ ra, bắt đầu kiểm tra toàn thân.
Khi nhìn thấy làn da xanh tím lộ ra dưới lớp áo, sắc mặt Sở Khinh lập tức thay đổi.
Nàng cắn chặt môi, nhắc nhở bản thân phải giữ bình tĩnh, tiếp tục lặng lẽ khám nghiệm tử thi.
Đây là lần đầu tiên trong hai kiếp làm người, nàng khám nghiệm thi thể của người thân.
Thời gian trôi qua rất lâu, nàng mới dừng lại động tác, nhẹ nhàng dùng một tấm vải trắng đắp lên thi thể, cẩn thận và chu đáo như thể chăm sóc một người đang ngủ say.
Làm xong tất cả, nàng đi đến một bên, lấy ra giấy bút.
Toàn bộ quá trình chỉ có một mình nàng, cũng chỉ có một mình nàng ghi chép lại.
“Người chết: Sở Đình Trương, tục gọi là lão Trương què, nam, bốn mươi sáu tuổi. Thời gian tử vong: khoảng giờ sửu hai ngày trước. Trên trán có một vết thương do va đập, đường kính một tấc ba phân, khiến xương sọ bị lõm vào, xung quanh vết thương có sắc tố bầm tím của chấn thương. Má trái, mặt ngoài cẳng tay trái, mặt ngoài hai chân có vết trầy xước, đều có sắc tố chấn thương.”
Cái gọi là “sắc tố chấn thương” là một thuật ngữ trong giám định pháp y, ám chỉ vết thương có màu đen sẫm do máu đông lại sau khi lưu thông máu đã dừng.
Theo lời khai của huyện nha, thi thể của Sở Đình Trương được phát hiện trong một cái giếng bỏ hoang ở hậu viện. Nước trong giếng đã cạn từ lâu, Sở Đình Trương nhảy xuống giếng tự vẫn, bị va đầu vào tảng đá dưới đáy giếng mà chết.
Xét theo vết thương trên trán và vết trầy xước trên người, đúng là ông đã rơi xuống giếng. Nhưng những vết thương này… lại chỉ xuất hiện sau khi ông đã chết.
Nói cách khác, trước khi bị ném xuống giếng, Sở Đình Trương đã tử vong.
Sở Khinh kìm nén nỗi bi thương và phẫn hận trong lòng, tiếp tục ghi chép.
“Cổ, eo, bụng, tứ chi của thi thể có tổng cộng hai mươi bảy vết bầm, sáu khối sưng lớn nhỏ, mười bốn vết dao cắt, đầu ngón tay có nhiều dấu hiệu hoại tử, nghi do tra tấn bằng hình cụ. Lòng bàn chân có vô số vết kim châm…”
Càng viết, tay nàng càng run rẩy dữ dội.
Khác với những vết thương lúc trước, những vết thương này đều có phản ứng sinh tồn. Nàng không thể tưởng tượng nổi, trước khi chết, sư phụ đã phải chịu đựng những cực hình tàn nhẫn đến mức nào.
Sở Khinh hít sâu một hơi, viết dòng kết luận cuối cùng vào tờ biên bản khám nghiệm tử thi.
“Nguyên nhân tử vong: Bị hành hạ đến chết.”
Khi nét bút cuối cùng của chữ “chết” rơi xuống, một cơn gió mang theo hơi lạnh ẩm ướt đột nhiên thổi qua, làm tấm vải trắng trên linh sàng khẽ bay lên, khiến sân viện nhỏ càng thêm phần âm u lạnh lẽo.
Sở Khinh theo hướng gió thổi qua, ánh mắt dừng lại trên thi thể bất động dưới lớp vải trắng, sắc mặt dần trở nên lạnh lẽo.
“Sư phụ, con Sở Khinh xin thề với trời, nhất định sẽ tìm ra kẻ đã gϊếŧ người!”
Dưới màn mưa phùn lất phất, thiếu nữ kiên định cất giọng, âm điệu lạnh lùng như băng sương:
“Dù cho hắn là hoàng tử hay vương tôn, con cũng nhất định bắt hắn phải đền mạng cho người!”
Sở Khinh mạnh mẽ lau đi nước mắt, khi đứng lên lần nữa, khuôn mặt trang nghiêm lạnh lùng, trong ánh mắt kiên cường như trúc xanh giữa cơn mưa dầm, cứng cỏi không chịu khuất phục.
Nàng đi đến góc sân, mang hộp dụng cụ giám nghiệm của sư phụ mà nàng đã đem về từ trấn Long Môn đến trước linh đường.
Trên hộp vẫn còn vệt máu và bùn đất, nàng cẩn thận lau sạch từng chút một.
Mở ra, bên trong từng được xếp thành ba tầng ngay ngắn, nhưng giờ lại bị xáo trộn.
Sư phụ dùng chiếc hộp dụng cụ này để kiếm sống, nếu không phải lúc đó tình thế cấp bách, làm sao ông có thể bỏ lại nó mà một mình chết trong cái giếng cạn cách xa nhà họ Lưu đến thế?
Nếu muốn báo thù cho sư phụ, nàng nhất định phải làm ba việc.
Việc đầu tiên là điều tra nguyên nhân cái chết của sư phụ. Ông chết trước khi bị ném xuống giếng, lại bị tra tấn dã man, chẳng khác nào bị tra khảo ép cung. Rốt cuộc đối phương đang ép ông khai ra điều gì?
Nhà họ Lưu đã mời sư phụ đến trấn Long Môn để khám nghiệm tử thi, mà người phê duyệt lại là Thành huyện lệnh. Người đầu tiên nàng cần chất vấn chính là Thành huyện lệnh!
Việc thứ hai, chính là viết đơn kiện, yêu cầu khai án, để Thành huyện lệnh điều tra chân tướng cái chết của sư phụ.
Nhưng với bản tính sợ quyền thế của Thành huyện lệnh, e rằng ông ta sẽ không dám đắc tội với vị quý nhân nhà họ Lưu kia ở trấn Long Môn. Đó là một chi nhánh của Lưu gia ở kinh thành, nhờ vào thế lực của Lưu Quốc cữu và Lưu Thái hậu, một người đắc đạo, cả họ vinh hoa, họ đã tác oai tác quái ở trấn Long Môn, những trấn nhỏ lân cận hầu như không ai dám động đến nhà họ Lưu này.
Vậy nên, nếu muốn buộc huyện lệnh khai án, nàng phải có một cái cớ, một lý do để đến nhà họ Lưu ở trấn Long Môn.
Việc cuối cùng, lại liên quan đến chính bản thân nàng.
Ai cũng biết sư phụ đắc tội với quý nhân, e rằng không ai dám đứng ra khám nghiệm tử thi cho ông. Nhưng nếu nàng là người kế thừa duy nhất của sư phụ, vậy thì chính nàng sẽ tiếp nhận y bát của ông, để chính thi thể của ông lên tiếng kêu oan trước thiên hạ!