Nhà Họ Chử Ở Hỗ Thượng (Niên Đại)

Chương 6

Chương 6

Bà nội của Khâu Thu từng là thầy thuốc dân gian. Những năm 1960, bà cụ bị công xã điều đi làm thầy lang cho hai đội sản xuất là Nguyệt Lượng Loan và Mậu Lâm. Không có biên chế, không có tiền lương, mỗi ngày chỉ được đội sản xuất ghi cho 10 công điểm. Vào ngày mùa thì bà cụ làm nông, còn những lúc nông nhàn thì hành nghề y; hoặc ban ngày làm ruộng, ban đêm khám bệnh, kê thuốc cho người ta.

Sau khi bà cụ qua đời, Khâu Thu - vì từ nhỏ đã theo bà cụ học y, dù chỉ có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng vẫn được đại đội đề cử đi học lớp đào tạo y sĩ ở trên huyện. Sau khi trở về, cô cũng tiếp quản luôn công việc của bà nội mình.

Bên ngoài, khi nhắc đến vợ mình, Chử Thần thường sẽ gọi cô là “thầy thuốc Khâu.”

“Ba ơi, con cũng muốn ăn mì.”

“Được.” Chử Thần xoa xoa dúm tóc mái bên phải bị nhếch lên của con gái, dịu dàng nói: “Nhờ cô Nhị Ni cũng nấu cho Chiêu Chiêu một bát nhé, thêm một quả trứng gà và hai cây cải thìa nữa.”

Chiêu Chiêu vui vẻ nhếch môi, hào hứng nói: “Con còn muốn thêm một quả trứng vịt muối ăn với rau dấp cá nữa!”

Đây là cái cách ăn kiểu gì vậy? Chử Thần không hiểu lắm, nhưng vẫn chiều theo: “Được, nhưng đừng cho quá nhiều ớt.” Nhóc con này giống hệt mẹ nó, không cay thì không vui.

“Chiều qua tôi lên núi hái được nửa giỏ nấm kê tùng, đã bỏ thêm ớt cay để làm thành tương rồi. Cũng không quá cay đâu, để cô bé ăn cái đó nhé?”

Chiêu Chiêu nhớ lại tương nấm kê tùng mà mình đã trộn với cơm để ăn hồi tối qua, cái hương vị đó, thơm phức luôn! Cô bé lập tức rúc vào lòng Nhị Ni, nũng nịu kêu lên: “Cô Nhị Ni, cô Nhị Ni, con còn muốn ăn cơm trộn với tương nấm kê tùng nữa!”

“Tương nấm kê tùng trộn với mì ăn cũng ngon lắm, nhưng sáng nay trước hết cứ ăn mỳ với mẹ đi đã, đến trưa cô Nhị Ni sẽ nấu cơm cho hai mẹ con ăn, được không nào?”

Chử Thần thấy con gái mình suy nghĩ một lát rồi gật đầu đồng ý, liền dặn dò Nhị Ni: “Ăn sáng xong, cô mang bình rượu vàng Thiệu Hưng sang nhà đại đội trưởng đổi mấy con cá trích về hầm canh, xem thầy thuốc Khâu có uống được không.”

“Không cần đi đổi đâu, nhà tôi có sẵn kia kìa. Để lát nữa tôi chọn mấy con mang qua.”

Chử Thần xua tay: “Cô cứ đổi trước vài con đi đã, nếu không đủ thì mới lấy thêm từ nhà cô. Ngoài ra, cô xem trong trại có ai đi bắt tôm sông không, lấy công điểm đổi vài cân, rồi xào với hẹ cho Chiêu Chiêu ăn với cơm.”

So với thời thơ ấu của mình, Chử Thần luôn cảm thấy vợ và con gái anh sống quá kham khổ, chẳng khác nào những cây cải thìa mọc trên mảnh đất cằn cỗi cả - dinh dưỡng không đủ, khổ đến xót xa.

Dặn dò xong, Chử Thần liền trở về nhà.

Anh lặng lẽ mở cửa căn phòng phía đông, ghé mắt nhìn vào trong -Khâu Thu vẫn đang ngủ ngon lành. Chử Thần lấy cặp công văn và một sọt táo đã đóng gói sẵn, rồi dắt chiếc xe đạp “Trường Chinh” ra cửa.

Trại Nguyệt Hồ nằm ở giữa sườn núi, ở xa xa phía Tây Bắc của con đường quốc lộ đầy sỏi đá, địa thế cũng thấp hơn so với đại đội Nguyệt Lượng Loan. Sau khi băng qua cánh đồng lúa nước trước cổng trại thì con đường phía trước đều chỉ toàn là đường dốc xuống.

Gió lạnh táp vào mặt, mặt trời vừa ló dạng thì sương mù cũng dần tan. Chử Thần cũng đã đi lại thành quen trên con đường núi đá xanh quanh co uốn lượn kéo dài tưởng chừng như không dứt này rồi, hai bên đường là rừng nguyên sinh rậm rạp, anh đạp xe vun vυ't, thỉnh thoảng lại phóng thẳng lên đường quốc lộ.