Mẹ Giang sau đó lại mang thai, lần này còn là song sinh một trai một gái hiếm có vô cùng.
Khi ấy gia đình đã có chút tiền tiết kiệm, nợ nần cũng trả xong. Bố mẹ cô mở một quầy nhỏ trong chợ, bán rau củ kiếm sống.
Hai đứa trẻ sinh ra ở thành phố, nhẹ cân, được mẹ chăm sóc vô cùng cẩn thận.
Giang Triều và Giang Lộ lớn lên trong vòng tay của bố mẹ. Vì chuyện học hành của hai đứa, bố mẹ cô từ bỏ quầy hàng ngoài chợ, đưa cả nhà trở về quê.
Trọng nam khinh nữ ở quê là chuyện đương nhiên, lúc nhỏ Giang Tuyết từng nghĩ chắc hẳn mẹ mình cũng vậy.
Nhưng thực tế lại không phải, mẹ còn cưng chiều Giang Lộ hơn cả Giang Triều.
Cô vẫn nhớ như in một năm nọ, vào dịp Tết, mẹ bế Giang Lộ nhỏ nhắn, sạch sẽ, đáng yêu trong vòng tay, vui vẻ khoe với hàng xóm:
“Chúng tôi làm việc ở thành phố, ở đó người ta không có trọng nam khinh nữ, ngược lại còn thích con gái hơn. Tôi thấy cũng đúng, sau này về già con gái chắc chắn sẽ gần gũi mẹ hơn con dâu. Con trai mình sinh ra còn chẳng mong cậy nhờ, làm sao hy vọng vào con dâu người khác? Con trai lớn lên lấy vợ là quên mẹ, chỉ có con gái mới là chỗ dựa thật sự.”
Hàng xóm gật gù đồng tình: “Vậy sau này chị có phúc rồi, hai cô con gái lận mà.”
Mẹ liếc cô ăn mặc lôi thôi nhếch nhác đứng bên cạnh, nhàn nhạt nói:
“Tôi chỉ trông cậy vào con gái út thôi, đứa lớn theo phe bà nội rồi.”
Lúc ấy cô còn nhỏ, không hiểu hết ẩn ý trong lời nói đó, nhưng vẫn thấy tim đau nhói.
Mẹ không đấu lại bà nội nên dùng lời lẽ cay nghiệt để trút giận lên đứa con gái bị xem như “phe đối địch” trong nhà.
Ban ngày ngủ nhiều quá nên giờ cô không sao chợp mắt được, những ký ức tưởng chừng đã mờ nhạt, nay lại dần hiện rõ trong tâm trí như một cuốn phim tua ngược, từng cảnh một tái hiện sống động trong đầu.
Cô sống lại vào thời điểm bố mẹ đã trở về quê được gần hai tháng.
Lý do họ về chủ yếu là vì ông nội bệnh nặng, còn bà nội thì bị ngã gãy chân. Bà nội nhân cơ hội này gọi hai con trai về, trả lại bọn trẻ cho bố mẹ ruột của chúng, cả nhà cũng thay phiên nhau chăm sóc ông nội suốt mấy tháng.
Đến lượt bố cô, chưa kịp chăm sóc bao lâu thì ông nội đã qua đời.
Mất đi ràng buộc này, bố mẹ cô tất nhiên cũng không muốn tiếp tục ở lại quê nữa.
Nhưng nếu quay về thành phố S, hai đứa nhỏ chưa đóng bảo hiểm xã hội, không thể học trường công lập trong thành phố mà chỉ có thể vào trường ở ngoại ô, nơi có chất lượng giảng dạy kém, sau này còn ảnh hưởng đến kỳ thi chuyển cấp.
Mà nếu ở lại quê, hai người cũng không chấp nhận cho con cái học trường cấp hai ở trấn nhỏ.
Giang Triều và Giang Lộ đã quen với môi trường ở thành phố, không thể thích ứng với tiểu học trong thôn, ngày nào cũng ầm ĩ đòi chuyển trường.
Lưu Yến vì thế mới nghĩ đến chuyện mua nhà ở huyện. Nếu có nhà, bà có thể vừa làm chút buôn bán nhỏ, vừa chăm lo cho việc học của hai đứa con.
Giang Hải Dương không nói gì, ngôi nhà bốn gian mà họ đang ở hiện tại vừa xây chưa được bao lâu.