Xuyên Không: Ở Thế Giới Thú Nhân Làm Ruộng Và Xây Dựng

Chương 41

Editor: Trang Thảo (TTTTTT).

Cậu vừa thu dọn xong và chuẩn bị bắt tay vào làm thì Lang Trạch đã xách một tảng thịt lớn đi tới: “Bạch Đồ, tôi có thể đổi thêm ba bọc thịt khô không?”

Hôm qua đổi được quá ít, chưa ăn đã miệng đã hết. Tối qua ăn nhiều thịt nướng quá, sáng nay bụng vẫn còn no, nhưng miệng lại thèm thịt khô.

Chuyện đổi thịt khô đương nhiên không thành vấn đề, vấn đề nằm ở trọng lượng miếng thịt. Bạch Đồ liếc nhìn Lang Trạch một cái: “Anh trai cậu có biết không? Cậu phá của như vậy à?”

Ba bọc thịt khô cộng lại cũng chỉ khoảng một cân, trong khi tảng thịt Lang Trạch mang tới ít nhất cũng phải mười cân. Dùng ba bọc thịt khô đổi cũng không thiệt gì, nhưng cách Lang Trạch tùy tiện mang tới một tảng lớn như vậy, lại chỉ muốn đổi ba bọc, đúng là không biết tính toán.

“Biết, anh bảo tôi cứ tùy ý.” Lang Trạch vô tư đáp.

Bạch Đồ thở dài, càng thêm cảm thấy Lang Khải đúng là không dễ dàng gì. Cậu lấy một cái sọt tre nhỏ, bỏ vào mười bọc thịt khô rồi đưa cho Lang Trạch, thuận tiện dặn dò: “Sau này đến chợ đổi đồ, cậu ngàn vạn lần đừng lên tiếng, để anh trai cậu nói.”

Lang Trạch kinh ngạc: “Bạch Đồ, anh nói giống hệt anh tôi!”

Bạch Đồ: “…” Đứa nhỏ ngốc này, chẳng qua là sợ nhóc bị hố mà thôi!

Lang Trạch hớn hở ôm sọt thịt khô quay về. Nhưng vừa về đến nơi, đám tộc Sói liền vây lại, chỉ trong nháy mắt, số thịt khô bị cướp sạch. Lang Trạch nhanh tay lẹ mắt lắm cũng chỉ giữ lại được một bọc.

Sau một ngày chung sống, tộc Sói đã rút ra một kết luận: đồ ăn của tộc Thỏ ngon hơn hẳn những gì họ từng ăn. Bình thường họ không thích thịt khô, nhưng nhìn biểu cảm của Lang Trạch khi ăn là đủ biết ngon đến mức nào, đương nhiên phải tranh nhau nếm thử.

Lang Trạch ôm bọc thịt khô duy nhất còn lại, nhanh chóng chạy đến tìm anh trai che chở. Dù là tộc Sói hiếu động đến đâu, khi đứng trước mặt Lang Khải vẫn sẽ thu liễm hơn một chút.

Lang Khải, vốn đã đoán trước được tình huống này, chẳng buồn liếc nhìn đứa em trai ngốc nghếch, chỉ tập trung vào việc sắp xếp bữa ăn cho tộc Sói. Khi ánh mắt lướt qua sọt đồ của tộc Thỏ, anh không khỏi tính toán trong lòng. Một lát sau, ánh mắt lại rơi vào mấy cái sọt vừa được chất đầy hôm qua.

Ba sọt thịt lợn rừng đã qua sơ chế, theo lượng tiêu thụ hiện tại, năm nay số lần đi săn e là phải tăng lên vài lần nữa.

Hôm nay, họ phải đến chân núi Hắc Thạch Sơn trước khi trời tối. Sau bữa sáng, cả đội một lần nữa tập hợp và xuất phát, Bạch Đồ vẫn giữ vị trí ở trung tâm đội hình.

Trước khi rời đi, Lang Trạch lại quấn lấy Lang Khải để đổi thịt khô bằng một tảng thịt khác. Lần này, rút kinh nghiệm từ lần trước, cậu nhóc lập tức ôm chặt thịt khô vào lòng, ai xin cũng không cho.

Không lấy được từ Lang Trạch, đám tộc Sói liền chuyển ánh mắt sang Lang Khải.

Lang Khải trầm ngâm một lúc rồi gật đầu.

Người hành động đầu tiên là hai thiếu niên hôm qua từng tranh nhau nước chấm. Một người lấy từ sọt ra một miếng thịt đã nướng sơ, mang đến chỗ Bạch Đồ để đổi lấy thịt khô.

Giống như tộc Thỏ, thức ăn của tộc Sói cũng chia làm hai loại: phần công cộng của bộ lạc và phần tư hữu của cá nhân. Thực phẩm công cộng chủ yếu dùng để đổi muối và làm lương thực cho các chuyến đi săn, còn thực phẩm tư hữu có thể dùng để đổi vật phẩm khác hoặc để ăn riêng.

Khi họ đến gần, Bạch Đồ mới phát hiện hai người này trông gần như giống hệt nhau. Sinh đôi không phải chuyện hiếm ở thú nhân, nhưng phần lớn là dị trứng. Cặp huynh đệ trước mặt hiển nhiên là trường hợp hiếm thấy — song sinh cùng trứng. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai người là một người có một nhúm tóc bạc bên tai trái, người còn lại thì ở tai phải.

Bạch Đồ nhanh chóng nhận ra hai người này khá thân thiết với Lang Trạch, thường xuyên chơi đùa cùng nhau, và mỗi lần đều kết thúc bằng việc Lang Khải phải ra tay can thiệp.

Tỷ lệ đổi giữa thịt nướng và thịt khô không khác biệt mấy so với đổi muối hay thịt tươi. Bạch Đồ dựa theo tỷ lệ bốn cân thịt nướng đổi lấy một cân thịt khô mà đưa thịt khô cho họ, thuận miệng hỏi: “Hai người tên gì?”

Tộc Sói tóc bạc bên phải: “Tôi là Lang Tả.”

Tộc Sói tóc bạc bên trái: “Tôi là Lang Hữu.”

Bạch Đồ: “…”

Cảm thấy hành trình lần này quá yên bình và có phần nhàm chán, Lang Trạch vừa nhai thịt khô vừa quay sang khoác tay lên vai Lang Tả, cười nói: “Cha bọn họ không phân biệt được trái phải, lúc nhỏ gọi nhầm hai anh em, sau này muốn sửa cũng không sửa được.”

Trẻ con khi học thường dễ quên khái niệm trái phải. Dù bị dạy đi dạy lại, đám sói con vẫn có thể nhớ sai, mỗi ngày đều nhầm lẫn. Có những điều đã khắc sâu trong ký ức thì rất khó thay đổi, chẳng hạn như cái tên Lang Tả và Lang Hữu — đã quen miệng rồi thì dù có sai cũng chẳng sửa nổi.

Nghe giải thích xong, Bạch Đồ im lặng một lúc. Thì ra còn có kiểu đặt tên như vậy.

Có Lang Tả và Lang Hữu mở đầu, rất nhanh sau đó, nhóm thứ hai trong tộc Sói cũng lần lượt đến đổi thịt khô. Dù gì thủ lĩnh cũng đã đồng ý, nếu không nhanh tay thì lát nữa sẽ chẳng còn gì mà ăn.

Thịt khô có đặc điểm là càng nhai càng thơm. Trong hành trình dài, ngoài việc đi đường thì chẳng còn chuyện gì khác để làm, nên đây là món ăn vặt hoàn hảo. Một nhóm người vừa ăn vừa đi, đến khi đặt chân đến chân núi bị thiêu rụi, tộc Thỏ đã gần như kiệt sức.

Lần đầu tiên trong đời, Bạch An cảm thấy phiền não vì có quá nhiều đồ ăn.

Những người tộc Sói rảnh rỗi liền xung phong đảm nhận việc vận chuyển. Không phải ai cũng có thịt dư để mang theo, đặc biệt là đám thanh thiếu niên đang tuổi ăn tuổi lớn, thức ăn vừa vào tay đã hết sạch. Bây giờ còn dư thừa thể lực, giao cho họ vận chuyển là thích hợp nhất — tốc độ nhanh, di chuyển linh hoạt, đảm bảo hàng đến nơi mà không bị ăn vụng. Một quãng đường mười dặm chỉ cần một bao thịt khô.

Ngọn núi bị thiêu rụi không lớn, nhưng điều khó chịu nhất chính là nhiệt độ. Dù có mũ rơm che nắng, cũng không thể che phủ toàn bộ cơ thể. Cuối cùng, mọi người gần như phải chạy nước rút để vượt qua, may mắn là rất nhanh đã đến được chân núi.

Bạch Đồ không rõ họ đã đi được bao xa, chỉ nhớ rằng cứ khoảng hai giờ lại nghỉ một lần. Vì cần đến chân núi trước khi trời tối, vào buổi trưa, cả đoàn chỉ vội vàng lót dạ bằng nước đun sôi rồi tiếp tục lên đường. Dọc đường chủ yếu ăn thịt khô nên cũng không quá đói.

Cứ thế đi rồi dừng, đến khi trời sắp tối, Bạch Đồ cuối cùng cũng nhìn thấy Hắc Thạch Sơn trong truyền thuyết.

Hắc Thạch Sơn là ngọn núi nằm ở trung tâm của cả dãy núi kéo dài hàng chục dặm từ nam tới bắc. Nó chắn ngang con đường đi chợ, khiến mọi người buộc phải băng qua. Leo qua núi mất hai ngày một đêm, trong khi đi đường vòng sẽ tốn đến ba, bốn ngày.

Chưa đến gần, đường đi đã trở nên gập ghềnh, đầy những tảng đá lớn nhỏ lởm chởm. Không khó hiểu vì sao tộc Khỉ chỉ sống quanh núi chứ không ở hẳn trên đó. Họ chỉ xuất hiện khi có bộ lạc đi ngang qua để cướp bóc trong lúc hỗn loạn.

Đêm đó, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi cách Hắc Thạch Sơn khoảng mười dặm. Khu vực này trống trải, ít vật che chắn, nhưng bù lại dễ dàng phát hiện nguy hiểm từ xa. Để bảo toàn thể lực, ngay cả tộc Sói cũng không đi săn.

Nhân cơ hội này, tộc Sói loại bỏ những phiến đá làm nồi không còn dùng được, thay vào đó là những tảng đá thích hợp hơn. Đá nhiều, lựa chọn cũng phong phú. Lang Trạch tìm được một tảng đá dài hơn một mét, vừa vặn dùng làm vỉ nướng thịt cho hai, ba người cùng ăn. Cậu nhóc còn nghĩ ra cách cải tiến, đυ.c một phần trũng ở giữa để mỡ chảy xuống, tránh cho thịt bị trượt lung tung.