Chuyển ngữ: Hải Lam
__________________
Đường Niệm Niệm về đến nhà, đưa cho bà Đường một trăm linh chín đồng hai xu, cô chỉ giữ lại một trăm đồng. Cộng thêm bốn mươi đồng lấy từ chỗ Dương Hồng Linh, giờ cô có hẳn một trăm bốn mươi đồng, đặt ở thời đại này một khoản tiền lớn.
“Con gái cầm nhiều tiền như vậy làm gì? Đưa đây bà giữ cho, cần mua gì thì hỏi bà lấy!”
Bà Đường không hài lòng, con bé chết tiệt này tiêu tiền như nước. Một trăm bốn chục đồng mà để trong túi con bé thì chắc chắn chưa đến một tháng là hết sạch.
“Cháu có việc lớn phải dùng, đây là mồi câu, sau này sẽ câu được nhiều tiền hơn.”
Đường Niệm Niệm nghiêm túc đáp lại, giọng điệu rất chân thành, vì cô đang nói thật.
Bà Đường không tin, hừ lạnh: “Cái tay tiêu tiền như cào cào của con mà dám mở miệng nói muốn câu tiền? Đừng để mất hết cả đồ trong nhà là bà mừng rồi!”
Đường Niệm Niệm phồng má, định phản bác nhưng bà Đường không cho cô cơ hội, lập tức lấy ví dụ phản bác lại: “Con còn cãi à? Hồi nhỏ con lấy bao nhiêu đồ ăn trong nhà cho Sói Con, quên rồi à?”
“Còn đôi anh em mặt dày nhà họ Tề nữa, chúng nó lừa của con không biết bao nhiêu thứ rồi?”
“Cháu thả dây dài để câu cá lớn, nhìn xem, cá lớn đang nằm trong túi bà kìa!”
Đường Niệm Niệm không phục, chỉ tay vào túi áo của bà Đường. Chỗ tiền còn nóng hổi vừa nhét vào đó, vậy mà bà nội đã quên sạch rồi.
Bà Đường nghẹn họng, ôm chặt túi tiền, bực bội nói: “Thế còn Sói Con thì sao? Nó ăn của nhà mình bao nhiêu lương thực, con cá lớn đó đâu? Một đi không trở lại rồi đúng không?”
Đường Niệm Niệm ngẫm nghĩ một lúc lâu mới nhớ ra Sói Con mà bà nội nói là ai. Nguyên chủ đúng là có chuyện như vậy.
Sói Con ở trong chuồng bò, không ai biết tên thật của Sói Con là gì, dân làng gọi là Sói Con vì khi còn nhỏ, cậu ấy sống chung với bầy sói. Đường Thanh Sơn lên núi đi săn phát hiện ra nên mang về nhà.
Khi đó, Sói Con rất nhút nhát, nhạy cảm, thấy người là nhe răng gầm gừ, còn đi bằng bốn chân như sói, động tác cực kỳ nhanh nhẹn.
Vì đứa trẻ này lai lịch không rõ ràng nên không ai trong thôn chịu nhận nuôi. Ông nội Đường Thanh Sơn muốn nuôi nhưng bà Đường không đồng ý.
Cuối cùng, mấy ông bà ở chuồng bò đã cưu mang Sói Con. Mỗi lần đi săn về, Đường Thanh Sơn đều chia một phần cho bên chuồng bò.
Sói Con không chơi với đám trẻ trong làng lại rất thân thiết với Đường Niệm Niệm.
Đường Niệm Niệm thường lén lấy đồ ăn trong nhà cho Sói Con. Bà Đường nhiều lần nhìn thấy đều nhắm mắt làm ngơ.
Năm Đường Niệm Niệm mười tuổi, có người lái xe Jeep đến đón Sói Con đi.
Trước khi đi, Sói Con đã đến chào tạm biệt Đường Niệm Niệm và tặng cô một chiếc răng sói. Từ đó hai người không gặp lại nhau.
Đường Niệm Niệm nhớ lại chuyện cũ, trong đầu hiện lên hình ảnh một nhóc con đen nhẻm, đôi mắt sáng rực, gầy gò, thấp hơn cô một cái đầu.
Chậc, đúng là một con cún đáng thương!
Bà Đường thấy cháu gái im lặng thì tưởng nó chột dạ, đắc ý hừ một tiếng: “Nói không nên lời à? Con cá lớn từ thằng Sói Con đó cả đời này đừng mong có được!”
“Chưa chắc đâu!”
Đường Niệm Niệm bật thốt lên mà không nghĩ ngợi nhiều.
Tuy cô cũng cảm thấy vụ đầu tư này chắc là lỗ rồi, cơ mà đã nói ra thì không thể thua, phải cãi cho tới cùng!
“Bà nội, sau này cháu kiếm được nhiều tiền sẽ mua cho bà mấy cái vòng vàng thật to. Cả hai tay hai chân với cổ, phải đeo đầy luôn!”
Đường Niệm Niệm bắt đầu vẽ bánh lớn.
Bà Đường tuy tham tiền và keo kiệt nhưng lại đối xử rất tốt với nguyên chủ, cho ăn uống đầy đủ, thậm chí còn cho đi học cấp ba.
Ở nông thôn mà cho con gái học cấp ba là chuyện hiếm có.
“Bà là chó chắc? Cổ cũng đeo đầy vòng?”
Bà Đường lườm cháu gái một cái, tuy vậy khóe miệng nhếch lên. Bà không hỏi thêm về số tiền một trăm đồng nữa, vốn dĩ bà định cho con bé bồi bổ cơ thể.
Nghĩ đi nghĩ lại thấy con bé cũng thật đáng thương. Nhà họ Đường ngày xưa ở Thượng Hải giàu có biết bao, ở biệt thự đi xe hơi. Nếu không phải vì … thì con bé này là tiểu thư nhà giàu danh xứng với thực!
Bà Đường mềm lòng, giọng cũng dịu lại: “Bà đi làm đây, buổi chiều cháu đừng chạy lung tung, ở nhà nghỉ ngơi đi, sốt bốn mươi độ mấy ngày liền, không biết đầu óc có bị cháy hỏng ở đâu không nữa!”
“Bà nội, cháu lên núi bắt heo rừng cho bà ăn!”
Đường Niệm Niệm vô cùng nghiêm túc, cô thèm thịt heo rồi.
Bách Tuế nói trên núi có nhiều heo rừng lắm chỉ là bọn chúng ở trong rừng sâu và rất hung dữ.
Điều đó không có vấn đề gì, cô có không gian và cô cũng rất dữ, heo rừng mà thấy cô thì chỉ có nước bỏ chạy thôi!
“Bắt cái đầu con ấy!”
Bà Đường đã đi đến cửa, nghe thấy câu này thì quay đầu lại trừng mắt một cái, hoàn toàn không để tâm.
Từ khi ông nhà qua đời, trong thôn không còn ai có thể săn lợn rừng nữa. Con bé chết tiệt này toàn nói chuyện viển vông, dù có lợn rừng chết ngay trước mặt nó thì với đôi tay bé nhỏ kia nó chẳng kéo nổi về nữa ấy chứ.
Bà Đường lầm bầm mắng mắng vài câu rồi xuất công làm việc, trong nhà chỉ còn lại Đường Niệm Niệm và Đường Cửu Cân, hai chị em nhìn nhau trừng trừng. Trong phòng thì có Đường Ngũ Cân đang khóc thút thít, chẳng ai để ý đến cô ta.
"Chị hai, em đi cắt cỏ cho lợn đây."
Cô nhóc bận rộn lắm, dù mới bảy tuổi mà ngày nào cũng phải nhặt củi, cắt cỏ cho lợn, đôi vai nhỏ bé gánh vác trách nhiệm lớn lao.
Đường Niệm Niệm cũng đeo một cái giỏ, cầm theo dao chẻ củi, cùng Cửu Cân lên núi.
Bách Tuế vẫy đuôi, chạy theo sau hai chị em.
Vừa lên núi, Cửu Cân nhanh nhẹn tìm được một bãi cỏ tốt, thuần thục dùng liềm cắt cỏ, còn Đường Niệm Niệm đứng trên sườn đồi phóng tầm mắt nhìn ra xa, Bách Tuế đứng bên cạnh cô.
"Chị hai, chị đi đâu vậy?"
Cửu Cân lớn tiếng hỏi.
"Lên trên xem thử."
Đường Niệm Niệm thuận miệng đáp rồi cùng Bách Tuế leo lên núi. Đầu xuân ở Giang Nam, núi xanh mơn mởn, không khí ngập tràn hương thơm nồng đượm của mai vàng. Trên núi có rất nhiều cây mai vàng dại, đang vào mùa nở rộ, hương thơm lan tỏa khắp nơi.
Giữa sườn núi, có một ông lão gầy gò đeo kính, tựa vào gốc cây ngồi nghỉ, ánh mắt dõi theo hai con bò đang gặm cỏ trên sườn đồi. Hai con bò thong thả nhai cỏ, đuôi phe phẩy không ngừng.
Ông lão rất gầy nhưng người lại sưng phù, da mặt vàng vọt, sưng căng bóng loáng. Ông mặc một bộ đồ kiểu Tôn Trung Sơn đã bạc màu vì giặt nhiều, trên áo chằng chịt những miếng vá. Gọng kính của ông dán băng keo, trông có vẻ nghèo túng, ấy vậy trên người lại toát lên phong thái thư hương thế gia.
Đường Niệm Niệm liếc nhìn ông một cái, rồi tiếp tục đi thẳng về phía trước. Ông lão cũng nhìn Đường Niệm Niệm một cái, hờ hững lướt qua rồi tiếp tục dõi theo đàn bò.
Những người như bọn họ xưa nay không qua lại với dân làng.
"Lão Chương, ông nhìn xem đây là gì?"
Một ông lão cao lớn, cũng mặc áo kiểu Trung Sơn vá chằng vá chịt, hai tay nâng niu một thứ gì đó, vui vẻ chạy tới.
"Mau ăn đi, nó ngọt lắm."
Trong tay ông là rễ cỏ tranh non, món quà vặt của trẻ con vùng nông thôn. Nó có vị ngọt nhạt chỉ là không thể giúp no bụng.
"Rể cỏ tranh, ông ăn qua chưa?"
“Cùng nhau ăn.”
Chương Học Thành cầm lấy một đoạn, nhai thử, vị ngọt nhè nhẹ giúp ông vơi đi cơn đói.
Ông lão cao lớn không ăn, ông cũng rất gầy, khuôn mặt sưng phù.
Chương Học Thành nhét rễ cỏ vào miệng ông, hai người nhìn nhau cười.
"Kiên trì chính là chiến thắng. Lão Chương, chúng ta nhất định phải kiên trì!"
Ông lão cao lớn nhai rễ cỏ một cách ngon lành, tựa vào gốc cây, ngước nhìn bầu trời xanh thẳm. Ông đang an ủi Chương Học Thành, đồng thời đang cổ vũ cho chính mình. Họ chắc chắn sẽ được trở về thành phố.
"Ừm."
Chương Học Thành khẽ đáp một tiếng. Những năm qua, ông đã phiêu bạt khắp nơi, sống trong các nông trường, chuồng bò. Hai năm ở thôn Đường xem như là khoảng thời gian ổn định nhất. Ông đã không còn hy vọng gì nữa, nhưng ông không muốn làm mất đi ý chí của lão Đặng.
Cả đời chăn bò ở thôn Đường cũng không phải tệ, chẳng qua là ông nhớ vợ con ở nơi xa, càng tiếc nuối vì tài năng của mình chưa được sử dụng.
Hy vọng ông có thể cầm cự đến ngày đoàn tụ với vợ con!
Đường Niệm Niệm đã leo lên khá xa, đôi tai cô rất thính, vô tình nghe được cuộc trò chuyện của hai ông lão, trong lòng bỗng lóe lên một suy nghĩ.
Lão Chương ở chuồng bò?
Chẳng phải người này là quý nhân của Liễu Tĩnh Lan sao?