Tối qua tám hết chuyện lớn chuyện nhỏ trong thôn, vậy mà ông hai La lại không hề nhắc đến căn nhà cũ của Nguyên Bá.
Cánh cửa cũ kỹ với chiếc khóa đồng hoen gỉ vẫn sừng sững ở đó, như một ranh giới vô hình. Chín năm qua, chưa một ai mở cửa bước vào, cũng chẳng ai biết bên trong giờ ra sao.
Ăn sáng xong, Nguyên Bá cuối cùng cũng được tiếp tục hành trình leo dốc về nhà.
Đi chưa được mấy bước, La Lượng bỗng thấy một đám trẻ con đồng trang lứa đang chơi đùa dưới bóng cây. Thằng bé lập tức giãy nảy trong lòng bà hai Đổng , nắm chặt món đồ chơi mới trong tay, nóng lòng muốn chia sẻ với bọn trẻ.
“Con muốn chơi!”
Bộ dạng vặn vẹo như con giun bị giẫm trúng của nó khiến bà hai Đổng dở khóc dở cười, đành thả nó xuống.
Thấy vậy, Nguyên Bá tranh thủ mở lời: “Bà hai cứ để nó chơi đi, con tự về cũng được ạ!”
Đi một mình càng hợp ý cô.
“Vậy để nó chơi một lúc, lát nữa bà sẽ qua tìm con.” Bà hai Đổng thỏa hiệp.
Lũ trẻ đang chơi đùa ngẩng đầu lên, tò mò quan sát chị gái xa lạ.
Nguyên Bá cười cười với chúng, rồi kéo vali đi xa dần.
Vừa nhìn đã biết đám trẻ này chính là mấy đứa nhóc mà hôm qua ông hai La nhắc đến. Nhưng giờ cô chỉ mong mau chóng về nhà, dọn dẹp lại rồi mới mua ít đồ ăn vặt và đồ chơi sang chào hỏi sau.
Nhà cũ của Nguyên Bá nằm ở cuối thôn, ngay sát hai ngọn núi lớn tạo thành một thung lũng rộng.
Từ xa, cô đã thấy bức tường rào loang lổ của ngôi nhà, trước tiên đập vào mắt là cành đào vươn ra khỏi tường.
Những quả đào chín mọng làm cong cả nhành cây, lúc lỉu treo trên tường, chỉ chực rơi xuống.
Bức tường cao hơn hai mét, xây từ đá xanh vững chãi. Ở góc tường, những ký hiệu cổ xưa từng khắc trên đá giờ đã bị bụi bặm phủ mờ.
Đi thêm vài bước, Nguyên Bá lại thấy lỗ hổng duy nhất trên bức tường.
“Vỡ cả chục năm rồi mà vẫn chưa sửa à?” Cô thở dài.
Cái chỗ khuyết này chính là nơi hồi bé cô từng lỡ chân giẫm sụp khi leo tường. Nguyên Ngẫu Sinh bảo để đó làm bài học cho cô, nhắc nhở cô phải biết "giữ nết đoan trang".
Và thế là… một cái "bài học" bị giữ nguyên suốt hơn mười năm trời. Giờ nó lại trở thành nơi lưu giữ vô số kỷ niệm của ngôi nhà cũ.
Từ đây trở đi, con đường bê tông cũng chấm dứt, nhường chỗ cho những đám cỏ dại mọc tràn lan.
Lá khô tích tụ thành từng lớp dày, giẫm lên còn nghe rõ tiếng rào rạo.
Không cần nhìn cũng biết, nơi này lâu lắm rồi chẳng có ai ghé qua. Từ bờ tường rào, mạng nhện chăng kín sang tận cây bách bên cạnh.
Nguyên Bá tiện tay nhặt một nhánh cây khô, quét sạch lũ tơ nhện, cuối cùng cũng thấy được cánh cổng chính của nhà họ Nguyên.
Cánh cửa gỗ nặng trịch màu vàng đất, chẳng biết được làm từ loại gỗ gì mà sau bao nhiêu năm vẫn không bị thời gian bào mòn.
Chiếc khóa đồng rỉ sét móc trên vòng cửa, Nguyên Bá chỉ vừa chạm nhẹ, nó đã rơi xuống đất.
Khóa đúng là khóa cho có, thậm chí khe cửa còn hé đủ để nhìn thấy khung cảnh bên trong.
Thế nhưng, Nguyên Bá không vội bước vào.
Cô đặt hành lý xuống cửa, cầm theo một chai rượu vàng mua từ trên trấn, rồi vòng sang bên trái căn nhà.
Con đường nhỏ ngày xưa giờ đã thành một rừng trúc um tùm.
Nguyên Bá lần mò theo ký ức, len lỏi giữa những rặng trúc, tay chân lấm lem bùn đất.
Cuối cùng, trên một ngọn đồi cao sừng sững, cô nhìn thấy mộ phần của Nguyên Ngẫu Sinh.
Ngôi mộ đơn độc đứng trên đỉnh đồi, đối diện với bầu trời và dòng Bạch Vị xanh biếc trải dài vô tận.
Dòng Bạch Vị uốn lượn qua nơi này, vẽ nên một khúc quanh lớn ôm trọn ngọn núi nơi thôn Bạch Vị tọa lạc, rồi chảy tiếp về phía núi Bạch Thủy xa xăm.
Nguyên Ngẫu Sinh từng nói ông muốn nằm đây ngắm cảnh. Người ta có biệt thự ven biển, ông thì có "mộ ven sông".
Bởi vậy, Nguyên Bá vẫn luôn bảo rằng phong cảnh ở thôn Bạch Vị đẹp đến mức hiếm thôn nào sánh bằng.
Dòng Bạch Vị cuồn cuộn chảy, như một bức tranh thủy mặc trải dài. Cách nhà cũ họ Nguyên chưa đầy trăm mét chính là nơi có view ngắm sông đẹp nhất.
Nghĩ đến đây, Nguyên Bá liền quay đầu nhìn sang bên phải. Quả nhiên, ở đó có một đình tám góc màu đỏ.
Nơi đó chính là chỗ Nguyên Ngẫu Sinh hay uống rượu và ngồi thiền. Mùa hè, Nguyên Bá cũng thường đến đó làm bài tập.
Tiếng nước chảy róc rách, làn gió mát lành… bài tập cô làm ra sao thì không nhớ rõ, nhưng mấy vết muỗi cắn sưng tấy thì lại nhớ như in.
“Ông ơi, con về rồi đây.”
Đi đến trước mộ, Nguyên Bá ngồi xuống, lấy tay áo lau sạch lớp bụi dày phủ kín bia đá.
Trên bia chỉ khắc duy nhất một chữ “Sinh”, ngoài ra chẳng còn gì khác.
Cô mở nắp chai, rót rượu xuống trước bia, vừa cười vừa nói:
“Rượu vàng rẻ tiền ông thích đây, uống nhiều một chút nhé.”
Tám năm trời, theo di nguyện của Nguyên Ngẫu Sinh, cô chưa từng trở về cúng viếng.
“Đợi con thu xếp xong sẽ mang tiền vàng lên cho ông.” Nguyên Bá giải thích lý do mình tay không đến đây: “Hôm nay chỉ chào hỏi trước thôi.”
Nói xong, cô đứng dậy.
Lặng lẽ nhìn bia mộ một hồi, trong lòng như có trăm ngàn lời muốn nói, nhưng lại cảm thấy sau này còn nhiều thời gian để tâm sự.
Mấp máy môi mấy lần, cuối cùng cô chỉ bật cười.
“Vậy con về nhà đây.”
Quay lưng rời đi, cô trở lại trước cánh cổng đang khẽ hé.
Kẽo kẹt…
Cảnh tượng trước mắt khiến Nguyên Bá không khỏi sững người.
Một sân cỏ hoang mọc um tùm, có chỗ cao đến ngang thắt lưng, che lấp hoàn toàn vẻ rộng rãi, sạch sẽ ngày nào của sân nhà họ Nguyên.
Cô xách vali, cầm theo một khúc gậy gỗ, vừa gạt đám cỏ dại vừa tiến về phía chính sảnh.
Nhà cũ họ Nguyên là một căn tứ hợp viện điển hình, với bốn gian chính điện, mỗi bên đông và tây đều có ba gian phòng.
Nhà bếp được xây ở khu phía tây, sau bếp còn có một cái sân sau bao quanh ba khu nhà.
Cánh cửa đại sảnh không khóa, Nguyên Bá chỉ khẽ đẩy là mở ra ngay.
Bên trong, thời gian như ngừng trôi suốt chín năm qua.
Trên chiếc bàn bát tiên cũ kỹ phủ đầy bụi, những tấm bằng khen treo trên tường đã bạc màu, chẳng còn nhìn rõ chữ.
Nguyên Ngẫu Sinh tuy theo đạo, nhưng lại chưa từng phô bày điều đó trước mặt dân làng.
Trong mắt họ, ông chỉ là một "bán tiên" biết dẫn hồn và mở đường âm.