Trong đêm mưa gió bão bùng, sấm chớp rạch ngang bầu trời, mưa trút như thác đổ. Con đường trên núi trơn trượt, cô nằm úp trên lưng bà ngoại, cảm giác chòng chành như đang đi trên thuyền nhỏ giữa sóng dữ.
Cơn sốt thiêu đốt khiến cô mệt lả. Đầu đau như muốn vỡ, dạ dày quặn thắt, từng cơn co rút làm toàn thân run rẩy. Cô cuộn tròn người, bám chặt lấy cổ bà ngoại, cố gắng tìm chút hơi ấm cuối cùng.
“Bà ơi…” Cô thì thầm, nhưng ngay khoảnh khắc ấy, ý thức trở lại. Dạ dày như sôi trào, cơn buồn nôn dâng lên nghẹn ngào nơi cuống họng. Cô bật dậy khỏi giường, xỏ đại đôi dép rồi chạy vội vào nhà vệ sinh, nôn thốc nôn tháo.
Bên ngoài, trời đã tảng sáng. Tiếng mưa rả rích vọng lại, một con mèo dưới mái hiên khẽ kêu meo meo, khiến mái ngói rung lên.
Cơn đau ở phần bụng dưới làm cô không đứng thẳng được. Cô nghi ngờ chứng viêm dạ dày ruột lại tái phát.
Vừa vịn tường đi đến bồn rửa mặt, cô vừa tát nước lạnh lên gương mặt tái nhợt, nhìn mình trong gương với đôi môi không chút sắc hồng.
Cửa ban công bên ngoài vẫn chưa đóng, gió từ sông thổi vào cuốn theo hơi lạnh, làm tấm rèm lay động. Cô lấy bộ quần áo rồi bước tới khép cửa và kéo rèm. Đột nhiên khựng lại, tối qua, hình như cô đã vứt thứ gì đó ra bên ngoài.
Cô, người được mệnh danh là “Hai chai đã ngất”, sau hai chai rượu sẽ bắt đầu say xỉn và làm loạn.
Hình ảnh mơ hồ trong đầu dần trở nên rõ ràng. Trong cơn tuyệt vọng, cô đã đăng tất cả thông tin lên mạng rồi đứng trên ban công, giữa trời gió mưa, ném chiếc điện thoại thẳng xuống dòng Lệ Giang.
Mang theo chút hi vọng mong manh, cô quay vào thay đồ, đeo khẩu trang rồi mở cửa, đi theo cầu thang xuống tầng.
Cơn đau bụng dữ dội làm cô chóng mặt, thở không ra hơi. Khi vừa tới sân tầng trệt, cô đυ.ng phải bà của A Ô, nhưng không kịp chào hỏi mà chạy thẳng ra bờ sông.
Mưa nhẹ rơi trên mặt, lành lạnh như đá. Trên chân vẫn là đôi dép lê của nhà nghỉ, cô bước đi loạng choạng, mỗi bước như trượt ngã, lao đến bờ sông. Những phiến đá xanh phủ nước mưa ướt nhẹp trải dài vắng vẻ, không một bóng người.
Phía dưới bờ kè là dòng Lệ Giang cuồn cuộn chảy, nước xanh thẫm đến rợn người, sâu thăm thẳm không thấy đáy.
Xã hội hiện đại không có điện thoại liệu có sống nổi không?
Cô không cam lòng. Bước đến mép bờ kè, cô cúi xuống nhìn kỹ, hi vọng chiếc điện thoại có thể mắc ở đâu đó.
Tiếng gọi của bà cụ vang lên sau lưng, giọng đậm chất địa phương. Cô chỉ hiểu lờ mờ ý bà muốn nói.
“Cẩn thận, cháu yêu. Đừng ra sát bờ sông, nguy hiểm lắm.”
Quay đầu lại, cô thấy bà cụ thấp bé đang chạy vội tới, gương mặt đầy lo lắng. Ngực cô thắt lại. Không muốn bà cụ phải lo lắng thêm, cô ngăn bà lại, trấn an: “Không sao đâu ạ.”
“Cháu yêu, sao sắc mặt kém thế này? Cháu ốm à? Hay là mệt quá?”
Bà nắm lấy tay cô, vừa kéo cô quay lại vừa cố cởi chiếc áo khoác của mình: “Bảo cháu mặc thêm áo vào, lần nào cũng ăn mặc phong phanh. Để bà cởϊ áσ cho cháu mặc.”
Lòng bàn tay bà thô ráp, những vết chai cọ vào mu bàn tay cô, khiến làn da hơi đau. Cô sững sờ vài giây, rồi vội giữ tay bà lại: “Cháu không lạnh, thật mà…”
Lời vừa dứt, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, dạ dày lại quặn lên cơn buồn nôn. Sợ nôn ra người bà, cô vội rút tay, bước nhanh về phía sân: “Nhà vệ sinh ở đâu ạ?”
“Cháu yêu, cháu làm sao thế?” Bà cụ cuống cuồng mở cửa nhà vệ sinh ở tầng trệt, giọng hốt hoảng: “Cháu không khỏe à? Sao lại nôn rồi?”
Cô không kịp đáp, đóng sầm cửa lại, gỡ khẩu trang rồi vịn tường, nôn sạch vào bồn.
Hôm qua cô chưa ăn gì, nên chỉ nôn ra mật và nước đắng ngắt. Đầu cô ong ong, chóng mặt choáng váng. Trong lúc tạm dừng để súc miệng, cô nghe thấy tiếng bà cụ bên ngoài, giọng run run như sắp khóc.
“Cháu tôi ốm rồi… Nó nôn đến mức này…”
“Bà đừng vội, cứ từ từ nói.” Một giọng nam vang lên, khàn khàn và lười biếng, dường như vừa tỉnh ngủ: “A Ô bị bệnh sao? Cô ấy đâu rồi?”
Chủ quán bar bên cạnh?
Cửa nhà vệ sinh bật mở, cô bắt gặp ánh mắt của Lâm Thanh Hòa. Có vẻ anh bị người khác kéo ra khỏi giường, tóc tai rối bời.
Anh mặc chiếc hoodie đen rộng thùng thình, quần jeans ôm gọn đôi chân dài thẳng tắp. Dưới chân là đôi giày thể thao trắng mà dây giày còn chưa kịp buộc.
“Cháu yêu.” Bà cụ buông tay đang bấu chặt lấy Lâm Thanh Hòa, chạy đến trước mặt cô: “Cháu bị đau bụng à? Để chú này đưa cháu lên bệnh viện huyện tiêm thuốc nhé.”
Cố nén cơn đau, cô ngẩng đầu nhìn sang đối diện, thấy người đàn ông trẻ tuổi đẹp trai với mẩu tóc dựng đứng nghịch ngợm trên đầu, đôi lông mày khẽ nhướng, biểu cảm như đang cười cợt.
Lâm Thanh Hòa đưa tay kéo sợi dây bên trong áo, ngón tay thon dài thuận thế trượt lên, kéo mũ áo trùm đầu lên, ép xuống phần tóc ngược đang vểnh lên. Cả người anh mang theo vẻ lạnh lùng và lười nhác: “Là cô sao? Cần tôi giúp gì?”
Bàn tay của bà cụ rất khỏe. Hướng Gia còn đang kinh ngạc tại sao chỉ qua một đêm mà mình đã trở thành cháu gái của người khác, thì bàn tay của cô đã bị bà cụ mạnh mẽ nhét vào tay người đàn ông.
Trong khoảnh khắc, cả hai đều cố gắng rút tay lại, rồi cùng lúc từ bỏ ý định đó. Đôi bàn tay thô ráp, gầy gò của bà cụ nắm chặt tay họ lại.
“Đại Lâm, cháu không có tiền à? Bà vào lấy cho. Cháu phải giúp con bé nhé.”
“Không cần đâu.” Lâm Thanh Hòa nắm lấy tay Hướng Gia, không nhìn cô mà chỉ nhìn bà cụ, giọng khàn khàn nhưng không hề qua quýt: “Cháu sẽ đưa cô ấy đến bệnh viện. Cháu có tiền, bà đừng lo.”
“Được!” Bà cụ liên tục nói “được” rồi vội vàng đẩy cả hai ra ngoài: “Nhanh tới bệnh viện đi, tiêm một mũi là hết đau. Hết đau là sẽ khoẻ lại. Để bà đi lấy ô cho hai đứa. Đúng rồi, lấy ô, không thể dầm mưa được. Ướt mưa sẽ bệnh, dầm mưa sẽ ốm.”
Bà buông tay họ ra, xoay người hấp tấp quay vào nhà. Bà gầy gò đến mức đáng thương, tấm lưng còng làm lộ rõ những đốt xương bên dưới lớp áo mỏng.
Bà rất giống bà ngoại của Hướng Gia.
“Anh định nắm tay tôi đến bao giờ?”
Hướng Gia rút tay lại, ngẩng đầu nhìn anh, chẳng cần để ý anh có phải “chú” của mình hay không, cô cần ai đó đưa đi bệnh viện.
“Tôi có thể bị viêm dạ dày ruột tái phát. A Ô không ở đây, tôi cần đi khám.”
Mái tóc dài hơi xoăn của cô xõa rối trên vai, gương mặt trắng bệch, đôi lông mi ướt sũng, run rẩy đọng lại phía trên đôi mắt hổ phách. Lúc này, giọng cô khẽ run: “Tôi tên Hướng Gia. Còn anh, xưng hô thế nào?”