Cứu Mạng! Sau Khi Ăn Phải Nấm Dại Tôi Có Khả Năng Thông Linh

Chương 22.1

Phán Phán?

Đúng vậy.

Cô bé mặc chiếc áo khoác mỏng cũ kỹ của con trai, khẽ gật đầu, ôm chặt đứa bé khoảng hơn một tháng tuổi trong lòng.

Trong đôi mắt tràn ngập cầu xin: "...... Có thể đặt tên cho em gái là Phán Phán được không? Chu Phán Phán.”

Cô bé đó nói: "Phán Phán... so với Phán Nhi kêu sẽ to hơn, dễ nghe hơn.”

Nhưng điều cô bé đó nhận được không phải là sự đồng ý từ người đàn ông trước mặt, mà là một cái tát giáng xuống.

"Im miệng!"

Ông ta chửi ầm lên: "Tao đặt tên cho một con nhỏ vô dụng, còn quan tâm nó có hay hay không làm gì? Hay thì làm được gì? Có thể giúp nhà họ Chu của tao sinh một thằng con trai không hả?!"

Mặt cô bé bị ông ta tát đỏ gần nửa bên.

Đứa bé trong lòng cũng bị dọa đến bật khóc.

Cô bé vừa đung đưa qua lại dỗ dành em bé, vừa ngẩng đầu lên.

Vẫn không chịu từ bỏ mà muốn cố gắng khuyên bảo một lần nữa:

"... Con đã tên là Niệm Niệm rồi, đặt em là Phán Phán, nghe giống chị em hơn..."

Nghe đến đây, Kỳ Diệu người đang hôn mê cũng đã xác nhận được ——

Trong giấc mơ, cô bé khoảng 11-12 tuổi trước mắt này chính là chị gái Niệm Niệm của năm đó.

Chu Niệm Niệm khóc ròng nói: "... Bố, bố cho em..."

Câu nói chưa dứt đã bị ông ta đá thẳng vào chân.

“Cút đi cho lão tử! Còn chị em cái gì, chẳng phải chị cả mày cũng là chị em mày sao?!”

Cô bé ôm đứa bé trong lòng, căn bản không thể đứng vững được.

Cô bé bị đạp ngã xuống đất giống như một con búp bê rách nát, đã vậy còn lăn ra xa nửa mét.

Nhưng cánh tay gầy guộc của cô vẫn ôm chặt em bé trong lòng. Cho dù có ngã lăn mấy vòng trên mặt đất, cô bé vẫn dùng tấm lưng mỏng manh của mình che chở cho đứa em gái bé bỏng đang quấn trong tã lót.

Những ngày cuối thu lạnh giá, năm đó trời trở lạnh rất sớm.

Trong ánh sáng yếu ớt của buổi sớm mai, mặt đất trong sân đã phủ một lớp sương mỏng lạnh buốt.

Cái lạnh lẽo đến thấu xương ấy như những giọt nước mắt lăn dài từ khóe mắt của cô bé.

Cô bé nằm trên mặt đất, nhìn lên bầu trời xám xịt, nơi có sương trắng mờ ảo, rất lâu, rất lâu sau đó vẫn không hiểu nổi...

Người đàn ông mà bọn họ gọi là bố, làm sao có thể nhắc đến chị cả của họ một cách vô tư như vậy?

Chị cả của cô bé tên là Chu Dẫn Nhi, năm nay mới có 19 tuổi đã bị gả cho một kẻ ngốc ở thôn bên cạnh...và đã sinh được hai đứa con.

Vậy mà tất cả chỉ để đổi lấy một chiếc nhẫn vàng bé xíu cho nhà họ Chu.

Ngày chị cả xuất giá, mẹ của họ cười hớn hở ra mặt.

Bà ta vỗ tay nói: "Thế là tốt rồi, sau này tao sinh thêm được một thằng quý tử, tao còn có thể đúc cho thằng bé một cái khóa trường mệnh nữa chứ!"

Sau này, Chu Niệm Niệm nghĩ, thực ra trong ba chị em mình đã là người may mắn nhất.

Vốn dĩ cô ta được đặt tên là Chu Niệm Nhi.

Nhưng vào cái ngày đi đến đồn công an làm giấy khai sinh, nhân viên làm hộ khẩu là một cô gái trẻ tuổi.

Sau khi nhìn thoáng qua cặp bố mẹ già nua cùng vẻ mặt đầy chán chường của cô bé, sau đó lại ngáp một cái trước màn hình máy tính, ngón tay gõ thêm hai nhịp trên bàn phím.

Tên trên giấy hộ khẩu và giấy khai sinh đã bị đổi từ "Chu Niệm Nhi" thành "Chu Niệm Niệm."

Chu Niệm Niệm bò dậy, dùng ngón tay chạm nhẹ vào mũi đứa bé đang khóc không ngừng.

"... Đừng khóc, đừng khóc, em gái ngoan nào, sau này chị sẽ gọi em là Phán Phán, được không?"

Phán Phán không hiểu gì, Phán Phán vẫn đang khóc.

Chu Niệm Niệm cảm thấy, có thể Phán Phán chính là đứa trẻ bất hạnh nhất.

Bởi vì mẹ của bọn họ, giờ đã ngoài 30 tuổi, vẫn không ngừng cố gắng để sinh được một cậu con trai.

Trước Phán Phán, bà ta đã phá thai bốn lần.

Theo lý mà nói, vốn dĩ Phán Phán sẽ không được sinh ra trên thế giới này

Nhưng cũng chỉ vì một bà đồng đã chỉ tay vào bụng của người phụ nữ nông dân trung niên mà nói rằng, đứa con trong bụng lần này, chắc chắn là một cậu bé mập mạp!

Sau đó, Phán Phán đã được sinh ra.

Sau đó......

Bị cha mẹ tức giận bỏ rơi ngoài cửa phòng bệnh.

Chính Chu Niệm Niệm, khi đó mới học lớp 7, đã tự tay bế Phán Phán về nhà.

Việc Chu Niệm Niệm có cơ hội được đến trường học, thực ra cũng là một điều rất may mắn.

Trước 9 tuổi, cô bé luôn ở nhà giúp cha mẹ giặt quần áo, nấu cơm, ra đồng làm ruộng.

Nhưng vào một ngày tuyết rơi, cô bé đi lên núi sau nhà để nhặt củi, định mang về sắc thuốc cho mẹ.

—— Mẹ cô bé luôn uống những loại thuốc Đông y kỳ lạ.

Những vị thuốc kỳ quái và khó chịu, khiến trong nhà lúc nào cũng tràn ngập mùi hương đắng ngắt và khó ngửi.

Mẹ nói, đó là những loại thuốc tốt, uống vào sẽ sinh được con trai.

Chu Niệm Niệm không hiểu nhưng mỗi ngày vẫn ngoan ngoãn chạy ra ngoài nhặt những nhánh củi khô dễ cháy mang về.

Sau đó, cô bé đã gặp một người phụ nữ cầm một thiết bị gì đó mà cô bé không biết, đang đứng ở giữa cánh đồng tuyết.

Bên cạnh có một cái lều, ngoài lều còn có một cái bàn.

Gió thổi qua, những tờ giấy nháp trên bàn kêu lật phật.

Chu Niệm Niệm chưa bao giờ thấy những thứ này nên lặng lẽ đứng bên cạnh, tò mò nhìn một lúc lâu.

Đến mức người phụ nữ đó đi qua hỏi cô: "Cô bé, con có lạnh không?"

Chu Niệm Niệm kéo tay áo lên lau mũi, lắc đầu: "Không lạnh."

Người phụ nữ mỉm cười, lấy một chiếc ghế gấp để cô bé ngồi.

Còn rót cho cô bé một cốc trà gừng nóng hổi.

Chu Niệm Niệm ngồi bên cạnh bàn, chậm rãi uống từng ngụm nhỏ..

Người phụ nữ cúi đầu viết rất nhiều con số lên giấy nháp, rồi mới nhớ ra mà hỏi cô bé:

"Cô bé, con đã đi học bao giờ chưa?"

"Chưa..."

"Vậy để cô dạy con nhé."

Người phụ nữ nói rồi viết cho cô bé một bài tập vật lý.

Nói đơn giản công thức và nguyên lý rồi đưa bút cho cô bé..

Chu Niệm Niệm lờ mờ hiểu, cố gắng viết lên giấy những ký hiệu loằng ngoằng như gà bới..

... Thực ra cô bé còn không biết viết số một cách đàng hoàng.

Nhưng người phụ nữ đó lại nghiêng đầu nhìn, vui vẻ khen cô bé: "Thật tuyệt! Con đúng là một đứa trẻ thông minh.”

Người phụ nữ đó lại hỏi: "Vậy con có muốn đi học không?”

Chu Niệm Niệm cảm thấy bối rối.

Nhưng cô bé mơ hồ nhận ra rằng, câu trả lời sắp được nói ra từ miệng mình sẽ thay đổi cả cuộc đời.

Cô bé gật đầu: "Muốn.”

Vài ngày sau, cô bé lại gặp người phụ nữ đó.

Người phụ nữ ôm đến cho cô bé một chồng sách giáo khoa, nói cho Chu Niệm Niệm biết cô ấy là giáo viên vật lý từ tỉnh đến thị trấn dạy học.

Người đó nói nếu Chu Niệm Niệm có thể tự học hết kiến thức tiểu học, cô ấy sẽ trả cho cô bé số tiền học phí còn lại.

Chu Niệm Niệm có thể học đến đâu, cô ấy sẽ trả phí đến đó.

Vì những lời này, Chu Niệm Niệm 9 tuổi đã dùng hai năm tự mình học hết kiến thức sáu năm của người khác.

Một vài ngày trước sinh nhật lần thứ 12 của mình, cô bé đã trở thành một thành viên mới trong lớp học của một nữ giáo viên vật lý.

Để tránh bố mẹ tìm ra cớ trách mắng, Chu Niệm Niệm càng cố gắng học hành chăm chỉ hơn ở trường. Sau giờ tan học, cô bé đeo cặp sách chạy thẳng về nhà, làm việc quần quật không ngơi nghỉ.

Đồng thời, còn phải chăm sóc Phán Phán mới sinh ra.

Bố mẹ rất hiếm khi để ý đến cô con gái út, dường như mong cô bé tự đói mà chết.

Chu Niệm Niệm vừa về đến nhà lại bế em gái ra đầu làng tìm một góa phụ.

Không còn cách nào khác, Phán Phán còn quá nhỏ, chỉ có thể uống sữa.

Việc thay giặt tã lót cho Phán Phán cũng trở thành công việc thường ngày của Chu Niệm Niệm.

Có thể nói chắc chắn rằng, Phán Phán lớn lên hoàn toàn nhờ vào sự chăm sóc của chị gái Chu Niệm Niệm.

Điều này cũng dẫn đến việc câu đầu tiên Tiểu Phán Phán mở miệng nói chính là - -

“...... Chị, chị.”

“...... Chị, chị.”

Ngày đó khi Chu Niệm Niệm nghe được hai chữ này, vui vẻ đến hơn nửa đêm.

Dưới sự chăm sóc vụng về của chị gái, Phán Phán càng ngày càng trưởng thành.

Mặc dù phát triển chậm chạp, vóc dáng vẫn nhỏ bé, nhưng cô bé vẫn sống rất tốt.