Đương nhiên Tạ Văn Ngạn đòi tập thơ không phải để tự mình dùng.
Tuy rằng tài năng về thơ ca của hắn không thể gọi là tuyệt thế, nhưng trình độ cũng không hề tầm thường, hoàn toàn không cần phải mượn thơ ca của kẻ khác để làm vẻ vang thanh danh.
Hắn có thể tham quyền trục lợi, nhưng tuyệt đối không phải kẻ vô liêm sỉ.
Nhưng Tiền Bá Đồ thì lại khác!
Tiền Bá Đồ vốn không phải kẻ có khiếu đọc sách, song gia đình hắn ta lại mong đợi hắn ta nên người, thường ngày luôn nghiêm khắc yêu cầu trong việc học hành.
Thành tích tại tư thục không thể giả mạo, nên hắn ta đành phải làm trò trong các Hội thơ, Hội văn, chi tiền mua chuộc những thư sinh tài hoa nhưng nghèo khó để viết hộ.
Lần này không phải Tạ Văn Ngạn đã tìm được sơ hở sao?
Hắn rất rõ ràng, hiện tại mình vừa trọng sinh, trong tay chưa có chút quyền lực nào.
Muốn ăn miếng trả miếng, làm Tiền Bá Đồ phải gãy chân, mất hết tương lai giống hắn kiếp trước mà không để lộ dấu vết là chuyện không thể.
Nhưng bảo hắn chờ thêm vài năm nữa để báo thù thì hắn cũng không đợi nổi!
Nếu hỏi kiếp trước Tạ Văn Ngạn hận nhất là ai?
Không phải thái tử qua cầu rút ván, cũng không phải nhị hoàng tử tranh ngôi bại trận rồi làm liên lụy đến hắn, càng không phải đám quan lại đối đầu sống chết trên triều đình.
Mà chính là Tiền Bá Đồ!
Hắn và Tiền Bá Đồ làm bạn đồng môn nhiều năm, quan hệ không gọi là thân thiết nhưng cũng chẳng tới mức kết thù.
Vậy mà Tiền Bá Đồ đã lập kế hại hắn gãy chân, tiêu tan tiền đồ, chỉ vì ghen tị với tài hoa của hắn!
Nếu như đối phương vì mưu cầu lợi ích, hắn còn không hận đến thế, coi như thắng làm vua, thua làm giặc thôi.
Nhưng Tiền Bá Đồ làm vậy chỉ vì muốn hả hê mà thôi!
Không nhân cơ hội này giải quyết đối phương, Tạ Văn Ngạn thực sự không nuốt trôi cơn giận này.
Những suy tính xoay vần trong lòng, nhưng trên gương mặt hắn lại ngày càng nở nụ cười ôn hòa, nhã nhặn.
Sau khi lấy được tập thơ từ tay đường ca, Tạ Văn Ngạn trở về phòng mình, mài mực cầm bút, dựa theo chủ đề Hội thơ ngày mai mà chép ra mấy bài thơ.
Hắn cẩn thận rà soát lại toàn bộ kế hoạch cho ngày mai, xác định không có bất kỳ sơ hở nào mới yên tâm đi nghỉ ngơi, dưỡng sức cho trận chiến.
…
Ngày hôm sau.
Hội thơ ở Tụ Duyên Lâu chính thức được tổ chức.
Tạ Văn Ngạn dậy sớm, rửa mặt, thay bộ trường bào rộng tay thật chỉnh tề. Trong ánh mắt tràn ngập kỳ vọng của người nhà Tạ gia, hắn lên đường vào thành.
Vì hôm nay có Hội thơ, kinh thành trở nên vô cùng náo nhiệt.
Trên đường, sĩ tử qua lại tấp nập hơn hẳn ngày thường, ngay cả dân thường cũng ra ngoài nhiều hơn.
Thời cổ đại, dân chúng ít thú tiêu khiển, gặp dịp náo nhiệt như thế này, ai ai cũng muốn chen chân đến góp vui.
Hơn nữa, Hội thơ của Tụ Duyên Lâu vốn là nơi các tài tử mượn danh tiếng mà vươn lên.
Bởi vậy, địa điểm tổ chức không phải ở trong tửu lâu mà là trên đài cao dựng bên bờ sông, cạnh tửu lâu.
Quan lại quyền quý ngồi trên các thuyền hoa ngắm nhìn, còn dân chúng chen chúc trên bờ sông mà dõi theo.
Thật là một cảnh tượng náo nhiệt!
Khi Tạ Văn Ngạn đến nơi, mấy người bạn đồng môn hẹn trước còn chưa tới, chỉ có Tiền Bá Đồ đã đến từ sớm.
Tiền Bá Đồ đến sớm, đương nhiên không phải vì hắn quá tích cực, mà bởi vì khi tư thục nghỉ lễ trước đó, mọi người đã bàn nhau rằng việc bao phòng dự thi lần này do hắn phụ trách.
Vì vậy, chẳng phải hắn buộc phải đến sớm để lo liệu hay sao?
“Ồ, hôm nay Tạ huynh lại tới sớm nhỉ, chắc là trời chưa sáng đã vội vã xuất môn, đến bữa sáng còn chưa kịp ăn?”
“Đúng lúc tiểu nhị vừa mang trà bánh lên, Tạ huynh dùng tạm vài miếng đi. Ăn hết lại gọi thêm, nhà Tiền mỗ tuy không phải gia tộc cao môn đại hộ gì, nhưng mấy món trà bánh nhỏ bé ở tửu lâu thì vẫn mời nổi. Tạ huynh chớ sợ sệt khách khí làm gì, chỉ là chút chuyện cỏn con thôi mà.”