Hai ba con cứ quấn quýt bước ra khỏi bệnh viện.
Kiều Kiều sinh ra vào ngày 10 tháng 4 năm 1980 âm lịch.
Kiều Khả Hân sinh ra vào tháng 9 năm 1983 âm lịch, cụ thể là ngày nào thì cô bé không nhớ, nhưng ước lượng thời gian, bây giờ có lẽ đã là khoảng tháng 11 năm 1983 dương lịch.
Năm 1983, thị trấn Hồng Phong vẫn còn rất lạc hậu, mặc dù đã trở thành huyện, nhưng số nhà tầng vẫn đếm được trên đầu ngón tay.
Đa số đều là nhà trệt, hoặc là nhà xây bằng gạch đất, nhưng mà càng ở gần bệnh viện, cửa hàng lại càng nhiều, thật ra trông cảnh tượng cũng rất náo nhiệt.
Có điều, cũng nhờ những căn nhà gạch đất chỉ có ở thập niên tám mươi ấy, Kiều Kiều mới cảm thấy chuyện bản thân trùng sinh là sự thật.
Trong số cửa hàng nằm gần bệnh viện nhất, có một vài tiệm bán cơm.
Kiều Trường Đông cúi đầu, âu yếm hôn lên gương mặt nhỏ mềm mại của con gái, sau đó anh mới hỏi: “Bảo bối ngoan muốn vào tiệm nào ăn?”
Kiều Kiều giơ tay lên, chỉ bừa vào một tiệm.
Kiều Trường Đông lập tức dẫn cô bé vào tiệm cơm kia.
Tiệm cơm này không lớn lắm, chỉ là một gian nhà rộng chưa tới hai mươi mét vuông.
Bên cạnh cửa chính có hai cái bếp than tổ ong rất lớn, trên đó đặt hai chiếc chảo sắt.
Một người đàn ông trung niên thân hình cao lớn vạm vỡ đang đứng trước hai chiếc nồi cầm muỗng sắt điên cuồng xào nấu, thấy hai người bước vào, ông ta nhìn đứa trẻ nằm trong lòng Kiều Trường Đông mấy cái.
Mãi đến khi Kiều Trường Đông khó chịu nhìn sang, bấy giờ ông ta mới xấu hổ cười hì hì.
Ông ta tiện tay cầm chiếc khăn lông quàng trên cổ, lau lau mồ hôi trên trán, rồi cất giọng mời chào hai người: “Người anh em muốn ăn gì, đằng sau có đồ ăn đấy, cậu xem rồi gọi nhé.”
Người đàn ông trung niên nói xong thì mở miệng gào người phía sau.
Kiều Kiều nhìn thấy một tấm ván gỗ đang đặt ngang trên hai chiếc ghế dài, nằm phía sau ông ta chừng một mét, trên đó có mười mấy chiếc rổ bện từ nan trúc, trong cái rổ nào cũng có đồ ăn chuẩn bị sẵn.
Có cả đồ chay lẫn đồ mặn.
Tấm ván gỗ được dựa vào vách tường, trên vách tường dán một tờ giấy có chữ: Món mặn thì năm hào, món chay thì hai hào, bánh bao, màn thầu và cơm thì năm xu một suất.
Kiều Trường Đông sợ Kiều Kiều không nhìn thấy, bèn nâng cô bé lên cao: “Bảo bối ngoan muốn ăn món gì?”
Kiều Kiều không chỉ nghĩ mỗi hai người ăn, bèn gọi bốn món ăn, một món mặn, hai món chay và một bát canh.
Kiều Trường Đông lặp lại một lần nữa cho ông chủ đang đứng bên kia xào rau nghe.
Tiếng muỗng sắt va vào đáy chảo hơi lớn, ông chủ tưởng mình đã nghe nhầm, bèn hỏi lại: “Gọi bốn món sao?”
Hiện tại đang là giờ ăn cơm, nên trong tiệm có rất nhiều khách, đa số đều là người nhà đến chăm sóc bệnh nhân, gọi một món ăn kèm với mấy cái màn thầu là nhiều lắm rồi.
Hầu hết, khi gọi màn thầu và bánh bao, tiệm cơm sẽ tặng thêm rau dưa miễn phí, suy cho cùng mọi người đến đây đâu phải để thưởng thức, chỉ cần lấp đầy bụng là được, người nghiêm túc gọi ba món một canh quả thực không nhiều lắm.
Kiều Kiều được Kiều Trường Đông bế đến một bàn trước, nghe thấy giọng nói ngờ vực của ông chủ, Kiều Trường Đông nói với ông ta: “Ông cứ việc làm đi, không thiếu tiền đâu.”
Nói xong, anh cầm góc áo của mình, lau đi lau lại chiếc ghế dài ở bên cạnh bàn, rồi mới đặt Kiều Kiều ngồi xuống mặt ghế.
“Ôi chao.” Khách lớn tới quán như thế này, đương nhiên ông chủ rất sung sướиɠ, ông ta đồng ý, miệng cười ha ha.