Suy nghĩ đó chỉ xẹt qua trong đầu Tạ Mẫn một lúc rồi thôi, bà quay sang nói với Chu Cẩm Uyên và Lưu Kỳ: “Hai người cũng lại đây bắt mạch đi.”
Trong nguyên tắc ‘vọng, văn, vấn, thiết’ trong Đông y, bọn họ chỉ có thể bắt mạch vì bệnh nhân hiện tại rất yếu, hỏi e là cũng không đủ sức trả lời, nghe nói hôm qua bệnh nhân còn phải thở oxy. May mà bà đã xem qua bệnh án bên Tây y và được người nhà bệnh nhân hỗ trợ.
Chu Cẩm Uyên và Lưu Kỳ đứng hai bên bắt mạch, rồi đổi vị trí cho nhau.
“Các cậu có nhìn ra được gì không?” Tạ Mẫn hỏi.
Người nhà bệnh nhân là tổng giám đốc Hoàng - người thường xuyên tài trợ cho bệnh viện, hiện tại sắc mặt ông ấy khá khó coi.
Dù biết các bác sĩ đi trước cần dẫn dắt người trẻ, nhưng việc bác sĩ chính không nói ra kết luận của mình mà lại để hai bác sĩ trẻ đoán trước khiến ông ấy không hài lòng lắm.
Những người khác cũng nhạy bén nhận ra điều này, định bụng lo lắng không biết có khi nào ông Hoàng nổi giận ngay tại đây hay không. Nhưng, chỉ thấy Phó viện trưởng Tiêu nghiêng đầu nói nhỏ mấy câu bên tai ông Hoàng là sắc mặt ông ấy lập tức dịu lại.
Ủa? Ông Hoàng vốn không phải người dễ tính, Phó viện trưởng Tiêu đã nói gì mà khiến ông ấy chuyển từ giận sang vui ngay được thế?
“Ờ, mạch tượng khá yếu và chìm, lưỡi trắng nhầy, khí trệ…” Lưu Kỳ nói được mấy từ rồi gãi đầu. Anh ta nghĩ bản thân chưa bắt mạch đủ thời gian, suy luận chưa đủ thấu đáo, bèn hỏi thẳng: “Chắc là dùng bài thuốc Đinh Hương Thị Đế Tán thử xem?”
Lưu Kỳ vứt dứt lời, Tạ Mẫn và Chu Cẩm Uyên đồng loạt gật đầu.
Nhìn chung, khả năng chẩn đoán của Lưu Kỳ được liệt vào hàng top của nhóm bác sĩ trẻ nhưng lập luận phân tích vẫn chưa đủ sâu, và kỹ năng lựa bài thuốc còn chưa chuẩn xác.
Sau Lưu Kỳ là đến lượt Chu Cẩm Uyên. Nhìn vào gương mặt non nớt của thiếu niên, các bác sĩ khác đều nghĩ anh sẽ không nói được mấy câu, nhưng không ngờ anh lại nói liền một mạch:
“Bệnh nhân đang mắc bệnh nhồi máu cơ tim nặng, cơ thể suy yếu, táo bón không dứt dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, uế khí ứ trong ruột không thoát được làm ảnh hưởng đến dạ dày, gây nấc cụt liên tục, trào ngược và kén ăn. Hiện tại, phân khô và khó đi, nếu còn không hành khí, tình trạng sẽ ngày càng tệ hơn, ví dụ như sốt cao kéo dài!”
“…” Tạ Mẫn ngạc nhiên trố nhìn Chu Cẩm Uyên, bà hoang mang.
Ê khoan, tạm gác cái dự đoán sốt cao đi, sao Chu Cẩm Uyên lại biết bệnh nhân đã bị táo bón trước khi tái phát bệnh?
Bà không ngờ Chu Cẩm Uyên có thể nói ra những điều này. Có trời mới biết, bà chỉ làm theo ám hiệu của Phó viện trưởng Tiêu, bảo bọn họ bắt mạch và kiểm tra năng lực và vì bọn họ đến muộn nên chắc chắn vẫn chưa xem bệnh án.
Cho dù Chu Cẩm Uyên biết bệnh nhân bị táo bón gây nhồi máu cơ tim từ tin đồn trong bệnh viện nhưng làm sao anh biết được tình trạng phân hiện tại của bệnh nhân?
Chẳng lẽ là Phó viện trưởng Tiêu lén nói với anh?
Hay là anh tự đoán?
Tạ Mẫn cũng đã chẩn đoán ra các triệu chứng này nhưng nếu không phải đã xem bệnh án trước, bà tuyệt đối không dám chắc chắn bệnh nhân bị táo bón gây nhồi máu cơ tim… Suy cho cùng, táo bón và các triệu chứng về đường tiêu hóa hoàn toàn có khả năng xuất hiện sau khi bệnh nhân phát bệnh, nhất là khi nấc cụt là triệu chứng xuất hiện sau nhồi máu cơ tim.
Ngược lại, những người khác rất nhanh đã lấy lại tinh thần.
Họ không biết cậu học trò của chủ nhiệm Tạ đã xem bệnh án hay chưa, cũng không am hiểu nhiều về lý thuyết bên Đông y. Họ chỉ cảm thấy chàng trai này trông còn trẻ nhưng lại rất điềm tĩnh, tố chất tâm lý khá tốt, có tiềm năng lăn lộn trong nghề này.
Hơn nữa, bọn họ cũng đồng tình với cách nói của thiếu niên. Nếu còn để triệu chứng nấc cụt kéo dài hành hạ bệnh nhân thì sốt cao chỉ là việc sớm hay muộn thôi.
Bấy giờ, Tạ Mẫn mới phản ứng lại, cũng gật đầu khen ngợi: “Rất tốt.”
Theo lý, đây là lúc bà nói ra suy đoán chỉ mình nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà bà tiếp tục hỏi Chu Cẩm Uyên: “Phân tích biện chứng thử xem?”
Phân tích biện chứng (biện chứng luận trị) là quá trình dựa vào thông tin thu thập từ vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch) để phân tích và nhận định bản chất căn bệnh, xếp bệnh vào một nhóm có triệu chứng cụ thể.
Ngoài ra, ‘chứng’ không chỉ đơn thuần là bệnh. Ví dụ, cảm là bệnh, nhưng có các ‘chứng’ khác nhau như cảm lạnh, cảm nắng, mỗi ‘chứng’ lại có cách điều trị khác nhau.