Đạo Y

Chương 15: Mài ghế

Chu Cẩm Uyên đã gặp quá nhiều người nghi ngờ tuổi tác của cậu, mà biểu hiện của Tạ Mẫn được tính là hàm xúc lắm rồi. Anh không cãi được, chỉ có thể mỉm cười: “Sau này mong chủ nhiệm Tạ chỉ bảo nhiều hơn.”

“Ừ, không cần khách sáo.” Tạ Mẫn không nói nhiều, chỉ dẫn anh đi khắp khoa, giới thiệu anh cho các bác sĩ khác.

Tuổi tác và gương mặt trẻ con của Chu Cẩm Uyên nhanh chóng thu hút nhiều ánh mắt khác thường của đồng nghiệp. Anh thậm chí còn nhỏ tuổi hơn các bác sĩ đang thực tập trong khoa nữa!

Tuy nhiên, khác với các bác sĩ thực tập đó, anh đã đủ điều kiện hành nghề độc lập.

Vẻ bề ngoài đáng yêu, trông Chu Cẩm Uyên cũng có vẻ dễ gần nên một bác sĩ thực tập lanh mồm lanh miệng không nhịn được liền hỏi: “Bác sĩ Chu, nghe nói trước khi làm bác sĩ thì cậu làm đạo sĩ hả? Thế thì trải nghiệm cuộc sống của cậu phong phú thật á.”

Trong khoa cứ tưởng bác sĩ mới phải tầm 27 28 tuổi nhưng nhìn anh thế này, nếu tính cả tuổi đi học thì anh hành nghề đạo sĩ được bao nhiêu năm nhỉ?

Chu Cẩm Uyên ngạc nhiên, vội nói: “Không phải đâu…”

Nghe anh phủ nhận, mọi người lập tức gật đầu: “Tôi đã nói mà, mấy tin đồn kỳ lạ kiểu này chắc chắn không phải sự thật!”

Tuy nhiên, ngay giây tiếp theo, Chu Cẩm Uyên đã nghiêm túc bổ sung: “Thực ra bây giờ tôi vẫn là đạo sĩ mà.”

Mọi người: “…??”

Chu Cẩm Uyên hỏi: “Nhưng sao mọi người biết vậy? Tôi là đạo sĩ tu tại gia, đồng thời theo học Đông y như dòng họ nên không hề có chuyện tôi đổi nghề.”

Mọi người: “… Là đạo sĩ thật hã!”

Tạ Mẫn cũng cảm thấy cạn lời. Thân phận của anh đúng là đặc biệt, lại còn là... đạo sĩ?

Bà bỗng dưng cảm thấy hơi hụt hẫng. Chẳng phải anh thiếu niên này đã có chứng chỉ bác sĩ rồi sao? Chắc là không dùng mấy cách mê tín để chữa bệnh đâu ha? Trong mắt nhiều người, riêng y học cổ truyền đã đủ bị xem là mê tín dị đoan rồi.

Như thể để chứng minh suy nghĩ của bà, lúc này, Chu Cẩm Uyên lôi một vật từ túi áo ra: "Có cần bùa bình an không?"

Dù sao cũng là đồng nghiệp, xem như quà gặp mặt, anh muốn tặng cho mỗi người một lá.

Khóe miệng Tạ Mẫn giật giật, bà nói: "Bác sĩ Chu, lá bùa này... lỡ lần đầu thôi nhưng lần sau đi điều trị cho bệnh nhân đừng có đưa cho bệnh nhân nhé.”

Thật ra, thi thoảng khi Chu Cẩm Uyên chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân có hứng thú thì anh sẽ tặng cho bệnh nhân một lá bùa bình an, coi như là lời chúc phúc. Mà nghe Tạ Mẫn nhắc nhở, anh không khỏi lộ vẻ thất vọng.

"..." Tạ Mẫn thấy vậy thì thầm nghĩ: May quá, xem ra sau này phải để ý đến anh hơn mới được!



Thành thật mà nói, Tạ Mẫn tạm thời không cần quá lo lắng về Chu Cẩm Uyên. Nếu đến cả bệnh nhân cũng không có, thì biết phát bùa cho ai…

Những bác sĩ ở độ tuổi như Chu Cẩm Uyên thường sẽ không được phân công vào phòng khám, mà có phân vào cũng sẽ chẳng có bệnh nhân. Nếu không nhờ có người gửi gắm, anh căn bản không có cơ hội xuất hiện ở phòng khám.

Chu Cẩm Uyên được sắp xếp dùng chung một phòng khám với một nam bác sĩ khác trong khoa để tiện cho bác sĩ kia hướng dẫn anh làm quen với công việc.

Anh bác sĩ kia nhìn bề ngoài chắc khoảng 27 28 tuổi, tên là Lưu Kỳ. Anh ta giúp Chu Cẩm Uyên sắp xếp chỗ ngồi rồi cười rất kỳ lạ: "Cuối cùng cũng có người cùng "mài ghế’ với tôi rồi."

"Mài ghế?" Chu Cẩm Uyên chưa từng đi làm hay thực tập trong bệnh viện, nên không hiểu mấy ‘thuật ngữ ngầm’ này.

"Là mài ghế đó!" Lưu Kỳ chỉ vào cửa phòng khám: "Người trẻ theo y học cổ truyền ế khách lắm, số ca khám chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số bệnh nhân đều tìm đến các bác sĩ lớn tuổi, còn chúng ta chỉ có thể ngồi đây mà mài ghế thôi."

Hiện trạng này phổ biến trong Đông y hơn Tây y rất nhiều và có xu hướng ngày càng trầm trọng. Nhiều khi, tiêu chuẩn lựa bác sĩ chẩn trị của bệnh nhân là dựa vào tóc người nào bạc hơn.

Các bác sĩ lớn tuổi ở phòng khám bên cạnh có thể khám đến bốn năm mươi bệnh nhân một ngày, bận đến mức không có thời gian ăn cơm. Còn những bác sĩ trẻ như bọn họ thì chẳng có lấy một bệnh nhân.

Việc sắp xếp cho Chu Cẩm Uyên và Lưu Kỳ dùng chung một phòng khám cũng đã phản ánh điều này, bởi vì dù sao họ cũng không khám được cho bao nhiêu bệnh nhân, chẳng thể gây ảnh hưởng gì lớn.