Mặc dù trong lòng Phó viện trưởng Tiêu vẫn còn chút do dự, nhưng đối diện với ánh mắt lấp lánh hy vọng của mẹ, ông không thể không hỏi Chu Cẩm Uyên: “Uống bao lâu thì có hiệu quả?”
Nếu được, ông muốn tìm thêm vài vị chuyên gia đến xem cho đảm bảo. Nếu bài thuốc này có thể nhanh chóng làm dịu cơn ợ hơi khó chịu của mẹ ông thì tốt quá.
Chu Cẩm Uyên không chút do dự, câu trả lời vô cùng chắc nịch: “Với triệu chứng ợ hơi của bà cụ thì chỉ cần uống một thang là khỏi. Sau đó, bà ấy có thể ăn thêm nhưng món bổ tỳ vị để điều dưỡng từ từ bởi vì tỳ vị của người già cực kỳ yếu.”
Phó viện trưởng Tiêu gần như không dám tin vào tai mình: “Một thang là khỏi?”
Nếu chỉ cần một thang là hết thì đấy còn là bệnh khó chữa à? Ngày cả những bác sĩ Đông y mà ông biết cũng thường kê đơn thuốc từ ba đến bốn ngày dù cho bệnh nhân chỉ bị bệnh cảm cúm bình thường.
“Một thang thôi sao?” Bà Tiêu cũng không giấu được vẻ ngỡ ngàng.
Nếu bài thuốc có tác dụng nhanh như vậy thì chẳng phải hiệu quả đã sánh ngang với Tây y luôn sao?
Trước đây, người kê bài thuốc Toàn Phục Đại Giả Thang còn nói phải dùng ít nhất sáu thang mới có kết quả—dĩ nhiên, bà cụ còn chưa uống hết sáu thang thì tình trạng đã tệ hơn trước.
Chu Cẩm Uyên vẫn giữ thái độ điềm tĩnh như mọi bác sĩ Đông y khác, anh giải thích: “Trong y học cổ truyền có một câu: ‘Thuốc đúng bệnh, một thang đủ; không đúng bệnh, thuyền chở cũng không hết’. Nấc cục vốn dĩ không phải chứng bệnh phức tạp, chỉ cần chẩn đoán chuẩn và uống đúng thuốc thì một liều là đủ.”
Phó viện trưởng Tiêu nghe vậy, lập tức thể hiện sự quyết tâm: “Vậy thì Tiểu Chu viết đơn thuốc đi, chú sẽ bảo người đi sắc thuốc!” Ông đánh giá cao thái độ tự tin và chắc chắn của Chu Cẩm Uyên.
Chu Cẩm Uyên nhanh chóng lấy giấy bút, viết rõ các vị thuốc, liều lượng và hướng dẫn sắc thuốc một cách tỉ mỉ.
Dù sao bệnh nhân cũng là mẹ mình nên Phó viện trưởng Tiêu vẫn không quên cẩn thận xác minh lại. Ông gọi điện, yêu cầu khoa Đông y trong bệnh viện kiểm tra lại tính chất của từng vị thuốc để đảm bảo ràng các thành phần trong thang đều tương hợp và được kê với liều lượng phù hợp.
Sau khi xác nhận, thuốc nhanh chóng được sắc và mang đến nhà họ Tiêu.
Nhà họ Tiêu nằm ngay trong khu ký túc của bệnh viện, chỉ cách trung tâm bệnh viện một quãng đường ngắn, vì thế chỉ hơn một tiếng sau, một chén thuốc nóng hổi đã được đặt ngay ngắn trên bàn.
Bà Tiêu đỡ mẹ chồng dậy, ân cần cầm muỗng đút cho bà cụ uống.
Thuốc đi đến đâu là bà cụ cảm thấy cơ thể ấm lên đến đó, một dòng nước ấm xoa dịu cảm giác đầy bụng khó chịu hành hạ bà cụ suốt mất ngày nay.
Bà cụ vui mừng chia sẻ cảm giác của mình cho con trai và con dâu nghe, cả nhà không khỏi mừng rỡ.
Phó Viện trưởng Tiêu mỉm cười, ông cũng nhận ra triệu chứng của mẹ mình đã bắt đầu thuyên giảm.
Bà cụ Tiêu bị đầy bụng và ợ hơi suốt mấy ngày nay vốn đã không còn cảm giác thèm ăn, bây giờ thuốc vào bệnh đi, bụng dạ thoải mái hơn, cảm giác thèm ăn quay trở lại. Bà cụ chủ động đòi ăn cơm.
Kết quả, mới ăn được nửa bát cơm thì bà cụ nhận ra cơn ợ hơi đã dần dần biến mất. Ăn xong bữa cơm, không biết từ lúc nào, chứng ợ hơi đã hoàn toàn chấm dứt.
Vợ Phó viện trưởng Tiêu vui mừng reo lên: “Ngừng rồi, thật sự ngừng rồi!”
Đúng như lời Chu Cẩm Uyên nói, chỉ cần một thang thuốc.
Chứng bệnh kéo dài dai dẳng khiến các chuyên gia phải đau đầu đã bị một thang thuốc của Chu Cẩm Uyên chữa khỏi.
Tần quan chủ ở bên cạnh gật đầu hài lòng.
Ban đầu, ông ấy tưởng câu ‘một thang là khỏi’ của Chu Cẩm Uyên chỉ là cách trấn an bệnh nhân mà thôi, uống thuốc xong khỏe hơn một tí đã là tốt lắm rồi. Nhưng không ngờ, thuốc đến bệnh đi, thật sự một thang là khỏi.
Hơn nữa, phương pháp chữa bệnh của Chu Cẩm Uyên hoàn toàn dựa vào y học cổ truyền. Từ việc bắt mạch, phân tích triệu chứng, đến lựa chọn bài thuốc, tất cả đều được thực hiện một cách chính xác và khoa học.
Tần quan chủ vốn tưởng Chu Cẩm Uyên chỉ được kế thừa chút tài năng của người cha. Mà, bây giờ xem ra tuy Chu Cẩm Uyên còn trẻ nhưng anh đã sở hữu sự quyết đoán, tư duy mạch lạc và tài năng vượt trội trong mảng y học.
Thật hiếm có!
Một tài năng trẻ không chỉ kế thừa mà còn có tiềm năng vượt qua thế hệ trước.