Đạo Y

Chương 10: Bắt mạch

Bấy giờ, bà cụ Tiêu đang ngồi dựa vào ghế sô pha, mắt nhắm hờ nhưng vẫn không ngừng ợ hơi. Thi thoảng bà cụ còn ôm bụng, trong bụng phát ra tiếng ọc ọc khó chịu.

Chu Cẩm Uyên ngồi xuống bên cạnh, bắt mạch cho bà cụ. Hai ngón tay anh đặt lên cổ tay bà Tiêu, lặng lẽ cảm nhận từng mạch đập bên dưới lớp da mỏng. Khoảng mấy phút sau anh mới buông tay, nhìn vào lưỡi bà cụ rồi nhẹ nhàng hỏi: “Bà ơi, có phải mấy ngày gần đây, ngoài việc ợ hơi thì bà còn cảm thấy bụng đầy hơi, khó chịu đúng không?”

Phó viện trưởng Tiêu định trả lời là không thì…

Chưa kịp lên tiếng, vợ ông đã cướp lời: “Đúng, đúng!”

Phó viện trưởng Tiêu bận rộn công việc nên không biết, bà ấy vừa đưa mẹ đến gặp chuyện gia nên biết bắt đầu từ tối qua bà cụ Tiêu đã bắt đầu đầy hơi chướng bụng.

Phó viện trưởng Tiêu ngạc nhiên quay sang nhìn Chu Cẩm Uyên. Không cần phải hỏi, chỉ cần bắt mạch là anh đã biết triệu chứng mà ngay cả ông cũng không biết?

Tuy không phải là bác sĩ Đông y, bình thường bận rộn quản lí bệnh viện to đùng nhưng dù sao trong bệnh viện vẫn có khoa Đông y nên ông biết, bây giờ hiếm có bạn trẻ bắt mạch chuẩn như vậy. Đông y, học chút da lông thì dễ, học lâu mới thấy khó. Trong Đông y có câu ‘Sách vở thì dễ, thực hành mới khó’, từ đó có thể nhìn ra trình độ của anh cực kỳ cao.

“Vậy cháu nói cho bà biết đi, bà bị bệnh gì vậy?” Bà cụ Tiêu yếu ớt gằn từng từ.

Mọi ánh mắt đều dồn về phía Chu Cẩm Uyên. Không ai nói gì nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận được, thái độ của bọn họ đã thay đổi 180 độ. Trong y học cổ truyền, bốn phương pháp chẩn đoán ‘vọng, văn, vấn, thiết’ đều cực kỳ quan trọng, mà anh mới chỉ sử dụng hai phương pháp đầu đã chỉ ra triệu chứng mà ngay cả Phó viện trưởng Tiêu cũng không biết.

Giờ đây, không còn người nào nghĩ Chu Cẩm Uyên chỉ ‘tùy tiện’ bắt mạch thử nữa.

“Bây giờ thời tiết vẫn còn nóng, có thể là vì bà ngồi trong điều hòa lâu quá nên bị nhiễm khí lạnh dẫn đến sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Khí vị trong dạ dày bị trào ngược lên, gây ra hiện tượng ợ hơi liên tục. Tây y chữa trị thông qua hệ thần kinh không thu được bất kỳ hiệu quả gì là do nguyên nhân thật sự nằm ở khí lạnh tích tụ trong người. Nếu không điều hòa khí vị thì sẽ không bao giờ ngừng ợ hơi.”

“Còn về bài thuốc Toàn Phục Đại Giả Thang không có tác dụng là vì vị bác sĩ đó đã chẩn đoán sai. Ông ta không nhận ra rằng trong cơ thể bà cụ Tiêu đang tích tụ khí lạnh. Vị thuốc đại giả thạch trong bài thuốc có thể ngăn triệu chứng trào ngược nhưng tính chất khổ hàn, người bình thường bị ợ hơi còn không nên dùng quá nhiều càng đừng nói là bà cụ Tiêu. Bà cụ không nên dùng Toàn Phục Đại Giả Thang, nhất là vị thuốc đại giả thạch. Thay vào đó, chúng ta có thể đổi thành các vị như can khương, thêm bạch truật, đẳng sâm. Điều hòa tỳ vị trước rồi mới ngăn trào ngược. Như thế, thang thuốc mới có thể chữa khỏi bệnh của bà cụ.”

Chu Cẩm Uyên biết những người có mặt ở đây không rành về y học cổ truyền nên anh đã cố gắng giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Tình trạng ợ hơi kéo dài của bà cụ Tiêu được phân tích rõ ràng và hợp lý khiến bà Tiêu trước đó còn hoài nghi năng lực của anh cũng không thể không gật đầu đồng tình.

Lý thuyết về âm dương hàn nhiệt vốn là nền tảng cơ bản của y học cổ truyền nhưng qua lời giải thích của Chu Cẩm Uyên, những người chưa từng theo học Đông y cũng có thể hiểu là việc thay đổi vị thuốc đại chỉ thạch sang can khương, bạch truật trong đơn thuốc để chữa tỳ vị hư hàn, làm giảm chướng khí bên trong dạ dày và từ đó chữa chứng ợ hơi là vô cùng hợp lý.

Trong mắt bà cụ Tiêu dần lóe lên một tia hy vọng, nửa tháng nay bà cụ đã bị chứng bệnh tra tấn đến ăn không ngon ngủ không yên. Giờ đây nghe Chu Cẩm Uyên nói đến những vị thuốc quen thuộc như can khương, đẳng sâm,... bà cụ nghĩ, đều là đồ bổ nên có lẽ uống vào cũng không sao. Thế là, bà quả quyết nói với con trai: “Chúng ta cứ thử xem sao.”