Quán Mì Nhỏ Ở Biện Kinh

Chương 11: Cửu ca nhi

Suốt những ngày ở ngoài, cặp chủ tớ Tạ Kỳ và Nghiễn Thư đến việc nhóm lửa cũng không rành, ngoài những bữa ăn ở quán trọ, phần lớn chỉ có thể gặm bánh bột nhão hoặc ăn hạt kê rang qua ngày. Đã mấy hôm họ không được ăn một bát canh nóng hay một chiếc bánh tử tế.

"Nô mua của nương tử ở phòng số 6 khu bên kia." Nghiễn Thư đã chuẩn bị sẵn bát đũa, trèo lên ghế, múc hai bát mì từ nồi đất, còn cẩn thận gắp hết phần thịt trong xốt thịt nấm sang bát của Tạ Kỳ. Sau đó, cậu bé nhảy xuống ghế, kéo tay Tạ Kỳ:

"Cửu ca nhi, mau lại ăn thôi!"

Tạ Kỳ vốn chẳng cảm thấy thèm ăn. Lần này chàng cùng Nghiễn Thư ra ngoài là để giúp cha tìm kiếm sách cổ. Gia tộc Tạ thị của chàng vốn xuất thân từ Trần Quận Tạ Thị lừng danh thời Đông Tấn, dù là một chi nhánh xa nhưng vẫn thuộc hàng danh gia vọng tộc trong Ngũ tính Thất vọng.

Dẫu rằng thời nay, những gia tộc lớn như Vương, Tạ đã dần trở thành dân thường, Tạ gia vẫn duy trì truyền thống học hành thi cử qua các đời. Chỉ có điều, hậu thế của gia tộc này chưa ai thực sự nổi trội.

Triều đình mở rộng quy mô Quốc Tử Giám, thành lập Thư viện Bích Ung, mục đích chính là để kiềm chế sự phục hưng của sĩ tộc, tăng cường tuyển chọn nhân tài từ các gia đình bình dân và tầng lớp nghèo khó.

Như cha của Tạ Kỳ, tuy xuất thân sĩ tộc song lại bị hoàng đế nghi kỵ. Dẫu tài văn chương xuất sắc, cả đời nỗ lực, ông cũng chỉ giữ chức hiệu thư lang nhỏ bé, thuộc tòng bát phẩm ở Thư Mật Tỉnh.

Tháng trước, cha Tạ Kỳ ủ rũ trở về nhà sau buổi triều, nói rằng hoàng đế đang tìm cuốn "Cấp Tự Chương", một tác phẩm đã thất truyền từ lâu. Nghe nói, có thương nhân từng thu được vài mảnh giáp cốt thư từ thành cổ Tiểu Phương Bàn ở Đôn Hoàng, trong đó có ghi lại phần tàn khuyết của "Cấp Tự Chương". Chỉ tiếc rằng thương nhân này sau khi đến Kim Lăng thì mất tung tích.

Dù yêu cầu của hoàng đế có phi lý đến đâu, các quan chức cấp dưới vẫn phải chấp hành. Vì vậy, dạo gần đây, nhiều quan lại từ Biện Kinh nhận lệnh rời kinh thành làm nhiệm vụ. Một nhóm người mạo hiểm đến Đôn Hoàng, dọc theo bờ sông Sơ Lặc để khai quật, mong tìm được thêm giáp cốt thư. Nhóm khác thì đến Kim Lăng, âm thầm tìm kiếm dấu vết của thương nhân kia.

Tạ Kỳ tuy mới 16 tuổi, nhưng gia đình đã sớm sắp đặt hôn sự cho chàng. Hôn kỳ gần kề, sáu nghi lễ đã hoàn thành hơn một nửa. Vì vậy, cha chàng muốn nhân cơ hội này lấy lòng hoàng đế, đã giao cho chàng nhiệm vụ:

"Cửu ca nhi, con hãy đến Kim Lăng tìm kiếm những giáp cốt thư này. Nếu không có tin tức cũng không sao, tiện đường ghé qua Trần Châu để định hôn sự luôn."

Hôn ước của chàng là với con gái trưởng của dì ruột. Hai gia đình đã đính hôn từ nhỏ, nhưng do khoảng cách xa xôi và quy củ phân biệt nam nữ, Tạ Kỳ chỉ gặp người chị họ này ba, bốn lần.

Lần gần đây nhất là ba năm trước, khi cha chàng dẫn cả nhà đến Trần Châu để đính hôn. Trong ký ức của chàng, ấn tượng duy nhất về chị họ chỉ là bóng dáng mờ nhạt, lặng lẽ đứng sau tấm bình phong.

Quả nhiên, việc tìm người ở Kim Lăng chẳng khác nào mò kim đáy bể. Sau một thời gian dài bận rộn vô ích, Tạ Kỳ đành phải từ bỏ. Dẫu vậy, chàng cũng thu thập được vài cuốn sách hiếm và thư họa cổ, tuy không quý giá như "Cấp Tự Chương", nhưng cũng xem như có chút thành tựu. Chàng nghĩ số sách vở này đủ để cha mang đi lấy lòng hoàng đế.

Sau khi viết thư báo tin cho cha, Tạ Kỳ bắt đầu lên đường đến Trần Châu. Gia đình đã sớm chuyển lễ vật và đồ cưới đến nhà dì để chuẩn bị cho lễ định hôn với chị họ. Nhưng không hiểu vì sao, phía nhà dì vẫn chưa gửi thư hồi đáp. Càng tiến gần Trần Châu, Tạ Kỳ càng cảm thấy mí mắt phải cứ giật liên hồi, lòng dạ không yên, bất an vô cớ.

Vốn xuất thân từ một gia đình học vấn thâm sâu, Tạ Kỳ tin vào câu "Đọc vạn quyển sách không bằng đi vạn dặm đường." Chàng thường xuyên theo chân các cha chú ra ngoài du học, đã quen với cảnh đường sá vất vả, nên chẳng cảm thấy khổ cực gì.

Chuyến đi lần này xem như khá suôn sẻ, vậy mà không hiểu sao, chàng vẫn cảm thấy bồn chồn bất an. Những năm trước, mỗi lần ra ngoài, chàng luôn gặp phải đủ loại rủi ro: Hoặc bị cướp chặn đường, hoặc bị trộm viếng, không lật thuyền thì cũng lật xe. Những gian nan ấy chưa từng khiến chàng nao núng, vậy mà lần này, ngay cả khẩu vị của chàng cũng bị ảnh hưởng, ăn uống chẳng còn ngon miệng.

Thật kỳ lạ.

Chẳng lẽ chàng lại sắp gặp vận xui nữa?

Nghiễn Thư cầm bát trong tay, đã thèm đến mức không ngừng nuốt nước miếng, vội vàng khuyên:

"Cửu ca nhi, cậu đừng nghĩ ngợi nữa, mau ăn lúc còn nóng đi."