Hai gian nhà sân trong, tuy không ngay ngắn như nhà tứ hợp viện tiêu chuẩn ở Bắc Kinh, nhưng có đủ chính sảnh, phòng bên, tiền sảnh, và phòng đối diện. Ở vùng này, đây đúng là một ngôi nhà lớn danh xứng với thực. Chẳng trách lại bị đám họ hàng phiền phức nhòm ngó.
Đáng tiếc, sau khi vợ chồng Tô Lão Tứ qua đời, đám người làm cũng bị mấy anh em nhà họ Tô tìm cớ cho nghỉ hết.
Nếu không, căn nhà này cũng không đến mức trống hoác như vậy, việc gì cũng phải tự tay làm.
Sờ lên cái bụng đang réo ầm ĩ, Tô Mạn Thanh đành nhận mệnh đi rửa mặt trước.
Để dọa đám họ hàng phiền phức của nguyên chủ, cô đã bận rộn suốt từ nửa đêm. Từ hình nộm rơm, hóa trang trên mặt, đến bộ quần áo trên người, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, thì làm sao có được màn kịch tuyệt vời như vừa rồi.
Hài lòng với màn trình diễn của mình, Tô Mạn Thanh dùng nước vo gạo cẩn thận rửa sạch lớp hóa trang trên mặt.
Cô đã từng đóng vô số vai, kể cả những vai trong đề tài nông thôn, nên việc tận dụng nguyên liệu sẵn có là chuyện dễ như trở bàn tay.
Rửa mặt xong, nhìn vào gương thấy gương mặt trẻ hơn gần mười tuổi, Tô Mạn Thanh không khỏi hài lòng. Dù bất ngờ xuyên đến thời đại này, nhưng có thể sở hữu vẻ ngoài trẻ trung là điều mà dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không mua được.
Chạm vào làn da mịn màng như vỏ trứng, Tô Mạn Thanh vui vẻ đi chuẩn bị đồ ăn cho mình.
Phòng bếp nằm ở phía đông tiền sảnh, bên trong ngoài chút gạo và thịt muối, chẳng còn chút rau xanh nào.
Cũng đúng thôi, kể từ khi cha mẹ qua đời, nguyên chủ luôn chìm trong đau buồn. Nếu không phải vì cần nguyên chủ đồng ý chuyện hôn sự, mấy bà thím tính toán kia đã sớm dọn sạch nhà họ Tô. Giờ trong bếp còn chút gạo và thịt muối là nhờ họ để lại làm màu.
Thở dài một hơi, Tô Mạn Thanh bắt đầu nhóm lửa, vo gạo, chuẩn bị nấu cơm.
Lò đất với nồi sắt lớn, đừng nghĩ là có thể tiết kiệm công sức.
Cô lấy một đoạn lạp xưởng, dùng nước vo gạo rửa sạch tạp chất bám bên ngoài, thay nước ba lần rồi đem luộc. Đợi khi lạp xưởng bớt mặn, cô mới dùng đũa gắp ra để lên thớt cho nguội.
Xong xuôi, cô bắt đầu nấu cơm.
Nấu cơm bằng nồi sắt trên bếp củi cũng có những quy tắc riêng. Đầu tiên phải đun sôi nước, sau đó mới cho gạo đã vo sạch vào nồi. Trong lúc nấu phải dùng thìa lớn khuấy đều để gạo không dính nồi.
Khi củi cháy, hạt gạo trong nồi hấp thụ nước và dần trở nên căng mọng. Lúc này, cần dựa vào kinh nghiệm để kiểm soát độ chín của cơm, muốn cơm khô thì múc bớt nước cơm ra nếu còn nhiều nước trong nồi; ngược lại, cứ để nước cạn dần dưới sức nóng của củi lửa.
Đã lâu rồi Tô Mạn Thanh không nấu cơm bằng nồi sắt lớn, sợ không kiểm soát được lượng nước, cô cố ý cho thêm nước. Sau khi kiểm tra độ căng mọng của hạt gạo, cô múc một bát nước cơm.
Thời đại này, mọi thứ đều là sản phẩm tự nhiên không ô nhiễm. Ngay từ đầu, cô đã định múc một bát nước cơm để uống.
Tiếc là không có trứng gà, nếu có thể đập một quả trứng vào bát nước cơm thì thật bổ dưỡng.