Đại Ca Cứu Ta, Phụ Thân Cứu Ta!!!

Chương 40: Phát tiền

Đại phòng, Tống Đại Lang không yên lòng vết thương trên người nhi tử, mời thêm một vị lang trung đến khám lại. Sau khi xác nhận chỉ là thương tích ngoài da, không làm tổn thương đến gân cốt, trái tim mới được buông lỏng, nhưng không nhịn được, lại trách mắng nhi tử quá bốc đồng, xen vào chuyện người khác.

Tống Cảnh Mậu không nói lời nào, chỉ quay lưng về phía phụ thân. Vương thị đau lòng nhi tử, lên tiếng bảo Tống Đại Lang nói ít đi một chút. Tống Đại Lang hậm hực vung tay áo ra khỏi phòng. Nhi tử duy nhất của mình, trong lòng ông không phải không đau xót lo lắng, chỉ là mỗi lần nghĩ tới việc, nếu không nhờ nhân tình của Lý lão gia, nhi tử bị đánh chết để trút giận cũng không phải không thể, trong lòng ông lại cảm thấy sợ hãi.

Tống Đại Lang ra khỏi phòng, đi tìm Tam Lang bàn bạc xem nên chọn thời gian nào để đến cửa cảm tạ Lý lão gia.

Tống Tam Lang cười nói: “Lý lão gia vốn thích thanh tịnh, không ưa giao tiếp. Lần này chịu ra tay giúp đỡ, một là do đệ đã làm thợ mộc ở phủ ông ấy hơn hai tháng, coi như có chút quen biết, hai là Lão gia cũng rất yêu thích Thần ca nhi. Vậy nên đại ca không cần phải đích thân đến thăm, làm phiền người ta ngược lại không tốt. Đợi một ngày nào đó, đệ thay mặt cảm tạ là được rồi.”

“Vậy cũng tốt.” Tống Đại Lang gật đầu, nói chuyện với đệ đệ vài câu rồi cáo từ.

Sau khi đi ra, Tống Đại Lang không khỏi cảm khái, trước đây ông vốn xem thường lão Tam, nhưng đến lúc mấu chốt, Tam Lang lại là người có thể đứng ra gánh vác hơn bất kỳ ai trong nhà. Nghĩ lại lúc phụ thân lâm chung, nắm lấy tay ba huynh đệ, dặn dò phải tương trợ lẫn nhau, bản thân ông chưa từng thực sự coi trọng lời dặn ấy, giờ đây mới hiểu rõ, có huynh đệ giúp đỡ và tự mình chống đỡ khác nhau biết bao.

Hai ngày sau, công việc tại Lý phủ hoàn thành, Lý Dật Sơn rất hài lòng với tay nghề của Tống Tam Lang, trả thù lao nhiều hơn một nửa so với thỏa thuận ban đầu. Tống Tam Lang từ chối không được, đành nhận lấy, thầm khen Lý Dật Sơn biết đối nhân xử thế.

Thù lao trả nhiều quá, dễ khiến người tham lam càng thêm tham, nhưng với những người trọng sĩ diện lại cảm thấy không thoải mái. Mức tiền này vừa phải, vừa thể hiện sự tôn trọng, lại khiến đối phương cảm kích.

Ở triều Đại Hạ, một thợ mộc bình thường mỗi ngày được trả khoảng năm mươi văn tiền, như Tống Tam Lang, tay nghề khá tốt, có thể được bảy mươi văn. Lý Dật Sơn rõ ràng là chiếu cố, ngay từ đầu đã tính toán theo mức cao nhất trong nghề là một trăm hai mươi văn mỗi ngày. Kỹ thuật của Tống Tam Lang tuy tốt, nhưng chưa đạt đến mức cao nhất.

Tổng cộng, Tống Tam Lang làm việc ở Lý phủ sáu mươi hai ngày, tính cả số tiền trả thêm, tổng cộng kiếm được khoảng mười lượng bạc. Sau khi trừ một nửa số tiền đã ứng trước, lần này Tống Tam Lang nhận được năm lượng bạc.

Nói chung, nhờ có nghề trong tay, cuộc sống của cả nhà ba người thuộc dạng thỉnh thoảng có thể ăn chút món ngon, nếu không phải giao nộp cho gia đình thì sẽ còn tốt hơn một chút.

Rời khỏi Lý phủ, Tống Tam Lang đi thẳng đến cửa hàng trên phố, trước tiên mua cho nhi tử một chùm bồ đào lớn. Bồ đào đắt đến mức đáng sợ, một chùm nhỏ đã tiêu hết chín mươi văn tiền, coi như một ngày công bị mất trắng.

Cũng có loại bồ đào rẻ hơn, nhưng Tống Tam Lang chỉ cần nhìn qua đã thấy không giống loại mà nhi tử từng ăn ở Lý phủ, khác biệt quá rõ ràng, ông không thích.

Mua bồ đào xong, ông lại đi đến tiệm trang sức ở phố Đông. Trong tiệm, toàn là nữ nhân ra ra vào vào, Tống Tam Lang sờ mũi, ông quên mất chuyện này, đành quay ra đi về. Đi qua cầu Côn Ngọc, thấy một gánh hàng rong bán đồ trang sức cho nữ nhân, liền ghé qua xem, thấy có một chiếc trâm bươm bướm khá đẹp, bảo người bán hàng lấy ra xem một chút, cảm thấy không tệ lắm, liền bỏ tiền ra mua.

Chiếc trâm mạ bạc, thắng ở độc đáo, giá một trăm văn cũng không đắt. Đối với ông, không có chuyện mặc cả, chỉ cần ưng ý, người bán nói giá bao nhiêu thì ông trả bấy nhiêu.

Người bán hàng thường ngày toàn tiếp xúc với những phụ nhân tính toán kỹ lưỡng từng đồng, lúc ra giá bao giờ cũng cao thêm một khoảng để mặc cả. Không ngờ gặp được người thống khoái như Tống Tam Lang, lại còn mua món đồ đắt như vậy. Thành thật mà nói, chiếc trâm này gần một tháng nay không bán được, người có tiền thì chê, còn người không có tiền thì không nỡ, ông ta đã sắp hối hận vì nhập món hàng khó bán như thế này rồi.

Hôm nay vận may tốt, gặp được một người tiêu tiền như nước, người hàng rong trong lòng vui sướиɠ, liền tặng thêm một đóa hoa lụa và một cái ngoáy tai nhỏ. Tống Tam Lang cũng rất hài lòng, vì nhà vừa khéo đang thiếu một cái ngoáy tai riêng cho Thần ca nhi.