Tống Cảnh Thần nói: “Thỏ con có bốn chân, gà con có hai chân, chỉ cần giấu đi hai chân của thỏ con, chẳng phải chân của gà và thỏ sẽ giống nhau sao?”
“Hay rồi, bây giờ có ba mươi lăm cái đầu, mỗi cái đầu đều chỉ có hai chân. Đếm xem bây giờ có bao nhiêu chân, số chân thiếu chẳng phải chính là chân thỏ bị giấu đi sao? Một con thỏ giấu hai chân, đếm xem có bao nhiêu ‘hai chân’ thì biết được có bao nhiêu con thỏ rồi.”
Mọi người: “…”
Nghe qua hình như rất đơn giản, ngay cả trẻ ba tuổi cũng hiểu.
Tống Tam Lang: “???”
Vấn đề tới tay nhi tử mà lại trở nên đơn giản như vậy!
Ây dà, một vấn đề hóc búa hơn liền xuất hiện.
Người giải được câu hỏi này lại là Thần ca nhi, cho nên—
Hai đứa trẻ rốt cuộc nên để ai bái Trần đại nho làm thầy đây?
Hiện trường rơi vào một sự im lặng quỷ dị.
Tống Tam Lang khẽ hắng giọng, là người đầu tiên lên tiếng: “Có một việc quên chưa nói với nương, mấy ngày trước nhi tử dẫn Thần ca nhi đến Lý phủ, Lý lão gia nói Thần ca nhi rất hợp ý ông, nói muốn giới thiệu cho Tiêu Dĩnh Tông Tiêu đại sư làm đệ tử. Vậy nên hôm nay Tống gia chúng ta có thể xem như song hỷ lâm môn, không bằng tối nay mở tiệc mừng một phen.”
Tống gia mọi người: “…”
Ta là ai, ta đang ở đâu? Đây nhất định là đang mơ rồi.
Nam Trần, Bắc Tiêu mà lại bị một đứa trẻ nhỏ như Thần ca nhi xử lý nhẹ nhàng vậy sao?
Khoan đã, ban đầu rốt cuộc là ai nói đứa trẻ này khờ khạo?
…
Đối với Tống gia, đêm nay nhất định là một đêm không ngủ.
Sau khi náo nhiệt tan đi, trăng đã lên cao, ánh trăng dịu dàng len lỏi vào màn đêm như nước, mang theo một vẻ lãng mạn khác lạ.
Lão thái thái nằm trên giường, không thể nào kìm nén được, nước mắt lặng lẽ trào ra. Trên gối dường như vẫn còn phảng phất hơi thở quen thuộc của phu quân:
“Tiểu thư đừng trách, tiểu sinh đường đột.”
“Nương tử đừng học làm sư tử Hà Đông, Ngọc lang ở đây xin bồi tội với nương tử rồi.”
“Nương tử, xin lỗi nàng, Ngọc lang phải giao cục diện rối rắm của Tống gia này cho nàng rồi…”
“Châu nhi, đời này là Ngọc lang ích kỷ, cố ý đến trêu chọc nàng trước. Nếu có… nếu có kiếp sau, Châu nhi vẫn phải ở chỗ cũ đợi ta, không được nhìn người khác quá lâu, không được nói nhiều lời với người khác, chỉ được chờ một mình phu quân thôi, nàng… nàng nhớ chưa?”
Bất tri hồn dĩ đoạn, không hữu mộng tương tùy. Trừ khước thiên biên nguyệt, vô nhân tri. (Tạm chém: Không biết hồn đã đoạn, giấc mộng không mang đi. Ngoài trừ trăng trên trời, không một người biết được.)
Sáng hôm sau, Tống Cảnh Duệ mang theo đôi mắt gấu trúc nhỏ ngồi dậy. Sau một đêm cân nhắc, cuối cùng cũng đưa ra quyết định: đại trượng phu phải biết việc nên làm và không nên làm.
Tiểu hài nhi ngồi xuống trước bàn, cẩn thận mài mực, lấy lại bức thư gửi cho Trần đại nho, ở cuối thư nghiêm túc thêm vào một câu: Cảnh Duệ ngu muội, bối rối không hiểu, phụ lòng kỳ vọng của tiên sinh, đề này do xá đệ Cảnh Thần giải được.”
Bức thư nhanh chóng được gửi tới Trần phủ.
Trần đại nho, tên Đường, tự Yến An.
Ông là cháu nội của Trần Ung, danh thần khai quốc triều Đại Hạ. Tuổi trẻ vang danh, hai mươi tư tuổi đỗ cử nhân, từng giữ các chức vụ Lại bộ Thị lang, Hộ bộ Thị lang, Lễ bộ Thượng thư, được hoàng đế hết mực tín nhiệm, khi cáo lão về hưu, hoàng đế nhiều lần giữ lại.
Không chỉ phẩm cách cao quý, học vấn của ông trải rộng từ kinh, sử, tử, tập đến thi từ ca phú không gì không tinh, chỉ riêng xuất thân và nhân mạch cũng đủ khiến các học trò tranh nhau theo học.
Thế nhưng, Trần Yến An lại cực kỳ ghét việc người khác thông qua quan hệ để nhét học trò cho mình. Vì vậy, ông vốn không định nhận Tống Cảnh Duệ làm học trò, chỉ thuận tay ném ra một đề bài mà trẻ sáu tuổi không thể giải nổi, cũng chỉ để nể mặt Vĩnh Xương bá phủ mà ứng phó qua loa.
Không ngờ, lại mang đến một bất ngờ lớn, lời giải của người đệ đệ có sự tương đồng với cách giải của chính ông, chỉ là cách giải của đứa nhỏ lại đơn giản, dễ hiểu hơn. Một câu “giấu đi hai chân thừa của thỏ” đã chỉ thẳng vào mấu chốt của vấn đề, nghe hắn giải thích, ngay cả những người không hiểu toán học cũng có thể hiểu được.
Đệ đệ này tư chất hiếm có, làm người khác nhìn mà sinh lòng yêu thích. Còn người ca ca, tuổi nhỏ mà đã giữ vững bản tâm, phẩm cách ấy càng khó có được. Ngay lập tức, Trần Yến An viết một lá thư tay, nói rằng muốn đích thân đến Tống gia bái phỏng.