Hệ Thống Ép Ta Làm Thánh Mẫu

Chương 22: Không ai có thể sánh với vẻ đẹp của nàng

Dù khoảng cách xa và hắn ta đang cúi đầu, Cửu Ninh vẫn bị thu hút bởi mái tóc đen xoăn của người ấy.

Ánh sáng rực rỡ của ngày hè xuyên qua màn trúc, lung linh chiếu lên người thiếu niên. Đường nét gò má của hắn ta mơ hồ trong ánh sáng, mờ ảo như một tiểu nương tử với làn da trắng như tuyết.

Nghe nói chỉ có người Hồ mới có tóc xoăn, mà tổ tiên của Tiết độ sứ vùng Hà Đông, Lý Nguyên Tông vốn là người Đột Quyết ở phía Tây nên ông ta mới có tóc xoăn.

Cửu Ninh chăm chú nhìn thiếu niên tóc xoăn ấy hồi lâu.

Người này quả thực rất cuốn hút! Chỉ nhìn góc nghiêng thôi mà đã đẹp đến thế, chắc chắn là một thiếu niên tuấn tú vô song.

Tất nhiên, không ai có thể sánh với vẻ đẹp của nàng.

Tiếng gọi của mấy bà vυ' kéo nàng trở lại. Khách của Chu đô đốc đã ra ngoài.

Cửu Ninh thu hồi ánh nhìn, nhận lấy vài đóa hoa sen từ tay quân sĩ, rồi đi về phía chính đường.

Phía sau nàng, thiếu niên cầm cờ ngẩng đầu lên, ánh mắt lướt qua màn hơi nước nhạt nhòa của ngày hè, nhìn nàng với vẻ suy tư.

Đôi mày kiếm, mắt sáng, một đôi mắt màu nhạt.

Trong ánh nắng, đôi mắt ấy như bầu trời đêm đầy sao, đôi khi hiện lên ánh xanh lấp lánh, phảng phất như chứa đựng cả một hồ nước trong vắt.

Cửu Ninh đi theo sau quân sĩ, băng qua chính đường, tiến vào sân trong. Lý viện là nơi Chu đô đốc cư trú, phía trước là một khoảng sân rộng lớn, các dãy phòng cũng rất khang trang, không gian rộng rãi. Bên trái hành lang là phòng khách dành cho khách quý và các thân binh túc trực, bên phải là võ đường, sân bóng đá cầu và kho chứa đồ.



Chu đô đốc thật ra không phải thân đường đệ của Chu thứ sử.

Ông vốn là một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, con dòng thứ của Chu gia, thiếu người chăm sóc dạy dỗ. Do vậy, ông phải lăn lộn theo những tên côn đồ trong phố phường, học được một số thói hư tật xấu như trộm gà, bắt chó, suốt ngày lêu lổng, thường hay lui tới chốn lầu xanh cờ bạc. Năm ông 20 tuổi, Chu thứ sử nhận ông làm con nuôi, chính thức đưa vào Chu gia và coi như nhi tử. Năm sau, Chu đô đốc vác túi lương khô, gia nhập đội quân phía Bắc, trở thành một thủ vệ dưới trướng của Hà Đông quân nha. Từ đó về sau, trong vòng năm năm, ông theo Tiết độ sứ vùng Hà Đông là Lý Nguyên Tông đi chinh chiến khắp nơi. Lý Nguyên Tông rất coi trọng ông, ra lệnh phụ tá bên cạnh dạy ông về binh pháp, ra vào doanh trướng đều mang theo bên cạnh, coi ông như người tâm phúc thân cận.

Mọi người đều nghĩ Chu đô đốc sẽ trở thành con rể của Lý Nguyên Tông, nhưng năm ông 26 tuổi, do một lần khinh địch, làm tổn thất không ít quân nhu. Sự việc này đã chọc giận Lý Nguyên Tông khi đó vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Con cháu Lý gia vốn không ưa ông nhân cơ hội này đặt điều vu cáo rằng Chu đô đốc đã trêu chọc thê thϊếp của Lý Nguyên Tông. Vì quá tức giận, Lý Nguyên Tông đã đuổi Chu đô đốc rời khỏi Hà Đông quân.

Chu đô đốc cũng không phải người lương thiện. Ông biết rằng mình là người Hán, nên dù có cố gắng đến đâu cũng không bao giờ nhận được sự tin tưởng của các tướng lĩnh trong Hà Đông quân. Do đó, ông đã âm thầm thu phục những quan tướng cấp thấp người Hán.

Sau khi trở mặt với Lý Nguyên Tông, Chu đô đốc không chần chừ phút nào. Đêm đó, ông dẫn theo người của mình lặng lẽ rời khỏi Hà Đông. Khi Lý Nguyên Tông nhận ra và sai tôn tử đi lấy đầu của ông, Chu đô đốc đã dẫn thuộc hạ vượt sông Hoàng Hà, quay về quê nhà ở Giang Châu.

Khi biết Chu đô đốc đã đào tẩu, Lý Nguyên Tông vô cùng kinh ngạc và tức giận. Ông ta vừa cử đội quân tinh nhuệ nhất truy bắt, vừa truyền lệnh cho toàn quân tuyệt đối không để Chu đô đốc thoát khỏi Hà Đông! Phía sau, mười mấy đoàn truy binh ngày đêm đuổi theo sát. Nhưng Chu đô đốc không hề hoảng sợ, bình tĩnh vượt qua các trạm kiểm soát và liên tiếp đánh bại các tướng lĩnh của Hà Đông quân. Trên đường về quê, ông đã hạ gục mười một đại tướng của Hà Đông quân, cuối cùng thuận lợi trở về quê nhà.