Hệ Thống Ép Ta Làm Thánh Mẫu

Chương 18: Kế cả những oán hận năm xưa mà mẫu thân để lại

Thôi thị cũng không cảm thấy hành động của mình có gì sai. Bà lớn lên ở Kinh đô Trường An phồn hoa, từ nhỏ đã kết giao với những nữ lang của các thế gia danh giá, hoặc là Công chúa, Quận chúa. Đến nỗi nữ nhi của Tể tướng cũng khó chen vào vòng giao thiệp của bà nên Thôi thị hoàn toàn không coi trọng những nữ quyến ở Giang Châu.

Điều này lại khổ cho Cửu Ninh. Phùng cô và các tỳ nữ phải hết lời an ủi, kể cho nàng nghe những câu chuyện về Thôi thị khi còn ở Kinh thành, mô tả sinh động cảnh tượng đầy huy hoàng và kiêu hãnh của Thôi thị.

Nào là lúc Thôi thị từng tạo ra cơn sốt thời trang với kiểu búi tóc mới, hay lần bà đeo trâm vàng do Hoàng thượng ban tặng đi xem trận mã cầu, khiến ánh hào quang lấp lánh làm chói mắt nhóm nữ quyến. Hay chỉ cần bà tiện tay thưởng vài viên vàng cho dân chúng, dân chúng liền chen chúc tranh nhau, đến mức làm tắc nghẽn cả đường đi.

Mỗi lần ra ngoài du ngoạn, đoàn tùy tùng của bà kéo dài với tiếng hô vang dậy, chỉ riêng người cầm váy cho bà đã có tám thị nữ. Chưa kể còn phải có Côn nô, Tân la tì và Hồ cơ đi theo, khiến những người khác chỉ biết nhìn mà ghen tị, hậm hực.



Những câu chuyện về Thôi thị quả thực nhiều không kể xiết, khiến Cửu Ninh nghe mà lạnh cả sống lưng. Quả nhiên, việc Thôi thị có thể thoát khỏi chiến loạn với khối tài sản kếch xù không phải là điều mà một tiểu thư bình thường có thể làm được. Đây đúng là một nữ tử kiêu hùng, sẵn sàng kéo thù hận từ mọi phía bằng cả sinh mệnh!

Nếu Thôi thị còn sống, Cửu Ninh chắc hẳn sẽ cảm thấy rất tự hào vì có một người mẫu thân tài giỏi đến vậy. Nhưng tiếc thay, Thôi thị đã qua đời vì bệnh nặng. Là nữ nhi duy nhất của Thôi thị, Cửu Ninh không chỉ thừa hưởng nhan sắc, của hồi môn và nô bộc của Thôi thị, mà còn phải thừa kế cả những oán hận năm xưa mà mẫu thân để lại.

Thôi thị từng tranh cãi với Đại lang Chu Gia Ngôn, gần như đắc tội với tất cả nữ quyến ở Giang Châu, từ thế gia đến dân thường. Bà từng mỉa mai quan viên Giang Châu, chọc tức Ôn đại nương tử đến mức phải bật khóc, thậm chí còn khiến phu thê Đại lang Đặng gia suýt nữa hoà ly… Điều quan trọng nhất là Thôi thị từng đuổi mẫu tử nam chính Chu Gia Hành ra khỏi phủ Thứ sử, gián tiếp dẫn đến cái chết của mẫu thân hắn.

Có thể nói, cả Giang Châu, ngoài các nô bộc trung thành của Thôi thị, có lẽ chỉ còn mỗi Chu đô đốc là chưa từng bị bà đắc tội. Những món nợ oán hận mà Thôi thị để lại nhiều đến mức khiến Cửu Ninh nghe đến phát ngán. Rất nhanh, nàng đã chấp nhận hiện thực phũ phàng và hỏi thăm ngày Chu đô đốc trở lại Giang Châu, vì nàng hiện tại không có gì trong tay, mà cái hệ thống chết tiệt cũng chưa từng đoái hoài gì đến nàng, nàng phải tự lực cánh sinh.

Điều quan trọng hiện tại là phải nắm được của hồi môn của Thôi thị vào tay. Phùng cô và các tỳ nữ đều không biết tin tức cụ thể, vì hiện nay chiến loạn khắp nơi. Tuy các phiên trấn bề ngoài vẫn lấy tiểu hoàng đế Trường An làm danh nghĩa, nhưng triều đình đã suy yếu, khắp nơi đều đang giao tranh, mà các nữ quyến cũng chẳng hay biết quân đội của Chu đô đốc hiện đang ở đâu.

Cửu Ninh đành phải tìm đến hỏi Chu Gia Huyên. Chu Gia Huyên xoa xoa búi tóc nhỏ trên đỉnh đầu nàng, nói: “Quan Âm Nô hỏi chuyện này làm gì thế?”

Cửu Ninh ôm lấy cánh tay Chu Gia Huyên, mặt không đỏ tim không đập đáp: “Đã lâu không gặp a ông, ta nhớ ngài ấy.”

Nếu những lời này nói với người khác, chắc chắn sẽ chẳng ai tin. Trước kia, Tiểu Cửu nương và Chu đô đốc hầu như mỗi năm chỉ gặp nhau được vài lần, chỉ vào dịp cuối năm trong lễ bái tế mới có cơ hội gặp mặt. Thời gian còn lại, Chu đô đốc dẫn binh ở ngoài, còn Tiểu Cửu nương thì ở phủ Thứ sử, hai người ít khi tiếp xúc với nhau.