Thật ra Thôi thị chỉ giỏi gây chuyện cho nữ nhi cũng không phải người vô dụng. Bà dùng hôn nhân của mình để đổi lấy sự che chở của Chu gia, bảo vệ được gia sản lớn của Thôi gia. Tộc trưởng Chu đại bá là người đoan chính, sợ người ngoài hiểu lầm nhà họ tham lam tài sản của Thôi thị nên sau khi bà chết đã đứng lên làm chủ phong tỏa toàn bộ tài sản của bà. Nói là chờ bao giờ Cửu Ninh lớn lên, thành thân thì sẽ dùng làm sính lễ cho nàng.
Nhưng không ai biết số sính lễ phong phú này cuối cùng lại rơi vào tay người Chu gia. Vì cái gọi là đại nghĩa, vị tộc trưởng chính trực đó và Chu Bách Dược quyết định hy sinh Tiểu Cửu nương, bao gồm cả sính lễ mà mẫu thân để lại cho nàng.
Cửu Ninh định cướp lại số sính lễ đó về trước, tiền tài có thể sai khiến được ma quỷ. Một khi có tiền trong tay rồi, nàng mới có thể thu phục được người làm việc cho mình.
Không thì cũng có thể tiêu xài thoải mái một phen.
Hôm nay có rượu thì hôm nay say, có sầu lo gì thì cứ để mai tính.
Dù cuối cùng có hoàn thành nhiệm vụ hay không thì cứ phải tiêu tiền cho sướиɠ tay trước đã, còn hơn để người Chu gia được lợi.
Trong suốt một tháng tiếp theo, Cửu Ninh bị cưỡng chế phải ở lại trong phủ để dưỡng bệnh. Trong khoảng thời gian đó, ngoài Tam ca Chu Gia Huyên thường sai người mang đến cho nàng một ít đồ chơi giải khuây thì chỉ có hai người đường tỷ là Ngũ nương và Bát nương ở phủ Thứ sử ngại với mặt mũi đến thăm.
Đến nỗi phụ thân của nàng, Chu Bách Dược, từ đầu đến cuối ông ta không hề xuất hiện. Còn trưởng huynh Chu Gia Ngôn khỏi cần phải nhắc đến, nghe nói nàng bị bệnh, không trộm vui vẻ đã là tốt lắm rồi.
Có thể thấy được Thôi thị hố nữ nhi như thế nào.
Thôi thị ở Bác Lăng nổi danh bên ngoài, Tể tướng đương triều muốn cưới nữ nhi Thôi gia, bất kể là đích nữ hay thứ nữ, chỉ cần là nữ nhi của Thôi gia là được. Nhưng Thôi gia lại chê dòng dõi nhà Tể tướng, cho rằng họ keo kiệt và không xứng.
Thôi thị vốn là gia tộc nổi tiếng, khi đến Giang Châu giống như phượng hoàng bay đến vùng đất mới, khiến người địa phương vui mừng như điên. Tuy rằng Thôi thị không phải là tức phụ nhà họ nhưng các gia tộc danh giá ở địa phương có truyền thống liên hôn với nhau qua nhiều thế hệ, gần như đều có quan hệ bà con với Chu gia. Chu gia cưới được một tiểu thư khuê các của danh môn, chẳng phải tương đương với việc các thế gia trong vùng trở thành thân thích của Thôi gia sao? Điều này đủ để họ khoe khoang vài thập niên.
Nghe nói năm đó khi Chu đô đốc đưa Thôi thị trở lại Giang Châu, đã gây chấn động một thời. Nữ quyến của các gia tộc lớn trong vùng cố ý ăn mặc trang trọng, khoác lên mình lễ phục truyền thống để đến bến đò nghênh đón Thôi thị. Đường phố tắc nghẽn, biển người chen chúc, tất cả đều chờ mong được kết giao với Thôi thị.
Khi Thôi thị bước xuống thuyền, bà lập tức lên kiệu, lạnh lùng liếc nhìn các nữ quyến đã đợi suốt ba canh giờ dưới nắng gắt, chỉ hơi gật đầu xem như chào hỏi rồi không nói một lời, cao ngạo trở về phủ Thứ sử. Các nữ quyến đội mũ nặng nề đứng đợi nửa ngày chỉ để nhận được kết quả như vậy, tức giận đến mức vài vị phu nhân cao tuổi suýt ngất đi.
Nhưng Thôi thị là nữ nhi của một danh môn vọng tộc, bà có quyền tự tin như vậy. Ngay cả Công chúa và Hoàng tử bà cũng chẳng màng tới, chỉ vì chiến loạn mà phải cư trú tại Giang Châu. Tuy thân thể đến đây nhưng trong lòng vẫn coi thường người dân bản địa. Những người kia ngoài việc giận dữ, còn có thể làm được gì khác?
Các hào tộc ở Giang Châu, dù phát đạt cũng chỉ được hai ba đời, làm sao có thể so sánh với những gia tộc vọng tộc có lịch sử truyền đời từ thời Tần Hán?
Trong mắt giới quý tộc danh giá, chỉ những gia tộc có thể xuất hiện nhân tài liên tục và duy trì hưng thịnh ít nhất một trăm năm trở lên mới được xếp vào hàng thế gia, còn lại đều chỉ là những nhà giàu mới nổi.