Phú Sát Lang Hoa dĩ nhiên có chú ý tới chuyện này.
Từ lúc nàng sinh con tới nay, Hoằng Lịch hầu như mỗi ngày đều sẽ tới phòng thăm nàng và con, có khi cũng sẽ nghỉ ở chỗ nàng.
Lang Hoa còn đang ở cữ, không thể hầu hạ Hoằng Lịch, nàng nhìn Hoằng Lịch chơi với con, nói: “Vương gia, thϊếp thân chưa thể hầu hạ ngài, ngài cứ đến chỗ các muội muội đi.”
Hoằng Lịch cười lắc đầu: “Trong đầu ta đâu phải chỉ có chuyện đó. Buổi tối ta và nàng có thể ngủ cùng nhau, bên cạnh là con cái, cảnh tượng này mới giống các cặp phu thê trong nhân gian.”
Lang Hoa nghe được lời này, trong lòng như có một dòng nước ấm chảy qua, ngọt như mật.
Lúc đại hôn, nàng cho rằng Vương gia sẽ chỉ coi nàng là chính thất, không coi nàng là thê tử thật sự. Hôm nay xem ra, Vương gia thật sự làm được những lời đã nói ngày đó: “Yêu nàng kính trọng nàng”.
Có phu quân như vậy, nàng còn cầu mong điều gì?
Lại nghĩ tới Hoằng Lịch xử phạt Lý Ngọc, “Vương gia, Lý Ngọc dẫu sao cũng theo ngài nhiều năm, hiện tại ngài xử trí hắn liệu có thích hợp?”
“Hắn theo ta rất nhiều năm thì đã sao, Hoàng ngạch nương làm phu thê với Hoàng a mã hai mươi năm, không phải vẫn bị Hoàng a mã cấm túc ở Cảnh Nhân Cung đấy thôi?” Hoằng Lịch tỏ vẻ không sao cả, “Chỉ là một tên thái giám thôi, thái giám thông minh lanh lợi có rất nhiều, chẳng lẽ lại thiếu một người như Lý Ngọc?”
Lang Hoa gật đầu: “Vương gia nói phải.”
Hoằng Lịch nhắc tới một sự kiện: “Mấy hôm trước ta tiến cung, Hoàng a mã nói muốn đặt tên cho con.”
Hoàng Thượng tự mình lấy tên cho cháu không phải là vinh dự ai cũng có, có thể thấy Hoàng Thượng thật sự rất coi trọng con của bọn họ.
Cho dù Lang Hoa chỉ là một phụ nhân, không hiểu biết nhiều về việc triều chính nhưng nàng biết, ngôi vị hoàng đế sớm hay muộn cũng thuộc về Hoằng Lịch.
Phong hào của Hoằng Lịch là “Hòa Thạc Bảo Thân Vương”, chỉ riêng một chữ “Bảo” thôi đã đủ oai rồi.
Hoàng Thượng là hán tử chân chính, thương thì cho nó sống ghét thì muốn nó chết, ông có thể cho Hoằng Lịch phong hào này, đủ thấy Hoàng Thượng yêu thích Hoằng Lịch thế nào.
Mà đứa nhỏ của nàng, là đứa con đích tử đầu tiên của Hoằng Lịch, thân phận tôn quý ra sao có thể tưởng tượng.
“Hoàng Thượng đặt tên cho con là gì?”
Hoằng Lịch lấy bút lông, viết một chữ “Liễn”, đưa cho Lang Hoa xem.
“Ý của Hoàng a mã là, con sẽ tên Vĩnh Liễn.”
Liễn, là ngọc khí của tông miếu, Hoàng Thượng đặt tên là “Vĩnh Liễn”, đó là muốn đứa trẻ này kế thừa tông khí.
Lang Hoa cười bảo: “Tên hay.”
Hoằng Lịch lại không đáp mà đi đến trước cửa sổ, nhìn cảnh sắc bên ngoài đến thất thần.
Viện của Lang Hoa là kiểu tứ hợp viện truyền thống, Hoằng Lịch đứng ở trước cửa sổ trông về phương xa, chỉ thấy tường đỏ ngói xanh, trên không trung cách đó không xa ngẫu nhiên có chim bay qua, trong không khí tràn ngập hương vị tươi mát, mọi thứ đều bình yên đến lạ.
Đời trước, hắn đặt tên cho hai đứa con Phú Sát Hoàng Hậu sinh là Vĩnh Liễn và Vĩnh Tông, ý là muốn cho bọn chúng kế thừa đại thống, nhưng hai đứa nhỏ này cuối cùng đều chết non.
Nếu đổi tên, liệu vận mệnh của Vĩnh Liễn có thay đổi?
Hoằng Lịch quay đầu, nhìn về phía Lang Hoa trên giường: “Ý ta lại muốn đặt tên con là Vĩnh Cẩn.”
Lang Hoa thắc mắc: “Vĩnh Liễn không tốt sao?”
Hoằng Lịch ngồi vào bên cạnh nàng, nắm tay nàng: “Hoàng A Mã cũng hỏi ta như vậy, ta tranh luận với người một trận, cuối cùng vẫn là Hoàng A Mã nhượng bộ, nói tên con sẽ do người làm a mã như ta đặt.”