Trọng Sinh Lấy Lòng Phu Quân Thái Tử

Chương 21

Thôi Huyễn đánh xe cho nàng suốt ba ngày, đến ngày thứ ba thì đến Tĩnh Quan.

Ra khỏi Tĩnh Quan là ra khỏi Hà Tây, chính thức bước lên con đường dẫn về nội quận kinh đô.

Quần áo trên người Thôi Huyễn đã cũ, phần khuỷu tay còn có dấu vết sờn rách, ngồi phía trước điều khiển xe ngựa. Bồ Châu nhìn thấy nên mấy buổi tối gần đây, nhân lúc nghỉ chân ở dịch xá dọc đường, nàng thường cùng A Cúc vội vàng may hai bộ y phục. Thời khắc chia tay, nàng đem bọc đồ trao cho Thôi Huyễn, nói: “Trong này có hai bộ y phục để thay đổi, mấy đêm nay nhũ mẫu của ta cố ý thức khuya may cho huynh đấy. Sau này huynh bảo trọng, nếu có cơ hội đến kinh đô, nhớ tìm ta ôn chuyện.”

Thôi Huyễn nhìn bọc đồ trong chốc lát, bỗng nở nụ cười, nhận lấy rồi nói: “Nhờ cô cảm ơn bà ấy giúp ta.”

Bồ Châu cười, gật đầu.

Hắn cầm bọc y phục, bước về phía ngựa, đi được mấy bước thì dừng, bóng lưng khựng lại, từ từ quay đầu, nhìn nàng thêm lần nữa.

Bồ Châu thấy hắn đi về phía mình, hắn nói: “Ta lén đi tìm Dương Đô úy, cầu xin ông ấy cho phép ta đánh xe ngựa tiễn cô. Lúc đầu ông ấy không đồng ý, nói rằng Thái tử coi trọng cô, sợ ta lỗ mãng, vạn nhất gây họa. Ta cầu xin mãi, ông ấy mới bằng lòng.”

Hắn dừng lại, chăm chú nhìn nàng: “Cô cũng thích Thái tử, phải không?”

Bồ Châu có phần ngập ngừng, khẽ gật đầu: “Phải. Trở thành Thái tử phi chính là mục tiêu của ta.”

Thôi Huyễn im lặng trong thoáng chốc, gật nhẹ đầu: “Ta hiểu rồi. Đừng quên những lời ta đã nói với cô trước đây, sau này bất kể chuyện gì, nếu cô không tiện ra mặt, cần thiết thì hãy tìm đến ta. Ta sẽ giúp cô làm bất cứ việc gì, bao gồm gϊếŧ người, nếu cô muốn hắn chết.”

Từng câu từng chữ hắn nói ra đều tràn ngập sự chân thành, cũng tràn ngập cảm giác u ám.

Thật kỳ lạ, đó là hai cảm giác mâu thuẫn nhưng khi thốt ra từ miệng hắn lại có vẻ hết sức tự nhiên.

Nói xong, hắn xoay người đi, lên ngựa, đeo bọc đồ nàng đưa lên vai, thúc ngựa rời đi.

Bồ Châu nhìn theo bóng lưng hắn thu nhỏ dần, xoay người lên xe, tiếp tục hành trình.

Chiếc công xa nàng ngồi được kéo bởi bốn con ngựa Hà Khúc thượng đẳng. [1] Ngựa Hà Khúc tính tình ôn hòa, vững vàng, bền bỉ dẻo dai, rất thích hợp để kéo xe đường dài, trong quân đội cũng được dùng làm ngựa thồ nặng. Đến mỗi dịch xá sẽ thay đổi tùy theo tình hình.

[1]

Ngựa Hà Khúc là một giống ngựa có nguồn gốc từ cao nguyên Tây Tạng (gốc tích chúng phát xuất từ phía Tây Bắc). Dấu tích tổ tiên xa xưa của giống ngựa này được cho là phát tích từ thời triều đại nhà Đường. Giống ngựa Hà Khúc chịu ảnh hưởng di truyền từ các giống ngựa Tây Tạng, ngựa Đại Uyển (Ferghana) và ngựa Mông Cổ. Tên gọi của giống ngựa này chính thức từ năm 1954, người ta lấy tên tiếng Trung Quốc là Hà Khúc chỉ về vùng quê của giống ngựa này nằm ở sông Hoàng Hà, chính là vùng Hà Khúc.

Nàng được hưởng đãi ngộ cao nhất về công xa của Đế quốc, chắc phiên vương khi được triệu nhập kinh cũng chỉ trưng dụng công xa ở mức này là cùng.

Từ khi hoàng triều lập quốc đến nay, chỉ có một lần duy nhất vượt qua cấp bậc này, công xa được bố trí sáu con ngựa kéo, tiễn giá Đại Trưởng công chúa Kim Hi hòa thân đến biên cương từ nhiều năm trước.

Từ Tĩnh Quan đến kinh đô, tính theo tốc độ ba trăm dặm một ngày, cũng phải mất hơn nửa tháng. Khâm sứ muốn đến sớm để kịp dự lễ mừng thọ của Thái hoàng Thái hậu, Bồ Châu cũng có chung suy nghĩ nên thống nhất ngày đi đêm nghỉ, không chỉ đến nơi sớm hơn mà còn rút ngắn được vài ngày so với thời gian ở kiếp trước.

Họ sẽ vào thành từ cổng Vĩnh Lạc ở phía Tây kinh đô. Vì muốn tranh thủ vào thành ngay trong ngày, lúc đến nơi thì trời đã gần tối, mưa lất phất rơi. Khi xe ngựa đội mưa đến cổng Tây của hoàng thành, phát hiện cổng thành đã đóng kín.

Ngày thường, cổng thành đóng vào giờ Tuất, (19h – 21h) hôm nay vẫn còn một khắc nữa mới đến giờ Tuất, khâm sứ sai người đến gọi cổng. Người kia trở về, mặt mày ủ rũ nói: Vì đại thọ của Thái hoàng Thái hậu sắp đến, để đảm bảo an toàn cho đại lễ, từ ba ngày trước, cổng thành đã được lệnh đóng sớm hơn nửa canh giờ.

“Ngươi chưa báo danh ta, nói rằng phụng chỉ đón tiểu thục nữ nhà Bồ gia hồi kinh sao?”

Khâm sứ dẫn đoàn là đại hoạn quan, bình thường có địa vị khá cao trong cung.

“Tiểu nhân đã báo danh hào của công công, nhưng đám quân binh kia chẳng những không nghe, còn nói rằng Thẩm tướng quân đã hạ nghiêm lệnh, sau khi trời tối, nếu chưa được phép thì bất luận kẻ nào cũng không được tự ý thả vào. Họ bảo công công phải đích thân tới trình báo và kiểm tra, à còn nói, đêm qua thế tử phủ Trưởng công chúa về muộn cũng bị chặn ngoài cổng!”

Khâm sai nổi trận lôi đình, nhưng vừa nghe đến ba chữ “Thẩm tướng quân”, giận đến mấy cũng phải nín nhịn.

Vị “Thẩm tướng quân” này tên là Thẩm Dương, tuổi mới hai mươi bảy hai mươi tám, nhưng đã là tướng quân của Nam Tư thập nhị vệ quân, phụ trách phòng vệ hoàng thành, là một trong những nhân vật quyền thế nổi bật nhất ở kinh đô hiện nay.

Hắn còn là cháu trai của Nội phủ lệnh Thẩm Cao, thủ lĩnh của đám hoạn quan trong cung.

Khâm sai thừa biết địa vị của Thẩm Cao trong cung, nói ông ta là người được Hoàng đế tín nhiệm nhất cũng không quá.

Có một người thúc phụ như vậy, chưa kể còn trẻ tuổi đã ngồi vào vị trí cao, khí thế của Thẩm Dương vẫn luôn áp đảo người khác, nay còn cầm lệnh tiễn trong tay, dù khâm sứ có bất mãn thế nào cũng không dám phát tác. Sau một hồi nghĩ ngợi, y đành nén giận, dặn Bồ Châu đợi trong xe, còn mình thì xuống xe, tự đi đến cổng thành xin phép.

Mưa càng lúc càng lớn, rơi trên mái xe, tạo thành những tiếng lộp bộp liên hồi.

Mỗi năm đến thời điểm này, thời tiết ở kinh đô luôn âm u và mưa nhiều. Kiếp trước, nàng cũng đến kinh thành vào một ngày mưa như thế. Nhưng khi đó là ban ngày, vào thành thuận lợi, không gặp cảnh bị ngăn cản thế này.

Bồ Châu mở hé cửa sổ, nhìn về phía đầu thành ở phía trước.

Bầu trời đen kịt, mưa rả rích rơi. Trên đầu thành, một hàng tường lũy kéo dài, chẳng thấy điểm tận cùng, tất cả đều ướt sũng.

Gió lớn hơn, nàng thu lại ánh mắt, đang định đóng cửa sổ để tránh mưa hắt vào, thì trông thấy một bãi đất trống bên vệ đường, cách mình không xa. Giữa cơn mưa, một nhóm người dường như mới đến, đang đứng đó chờ vào thành.

Họ dắt theo hơn mười con ngựa, lúc đầu Bồ Châu còn tưởng là một đoàn buôn ngựa, nhưng nhìn kỹ lại liền biết mình đã nhầm.

Người cầm cương là bảy tám viên tạp tốt, trang phục trông giống người vùng biên ải. Trong đó có một người đàn ông tuy chỉ mặc áo vải bình thường, nhưng dáng người cao lớn, bờ vai thẳng tắp, đứng lẫn trong đám đông nhưng lại toát ra khí thế giống như thanh kiếm giấu trong vỏ.

Người ấy đứng hơi xếch về phía Bồ Châu, khoảng cách hơi xa, trời lại sắp tối, thêm vào đó mưa rơi tầm tã khiến ánh sáng mờ mịt, nàng cũng không nhìn rõ mặt, chỉ cảm thấy đó là một người đang ở độ tuổi trung niên, nhưng tóc mai đã điểm bạc.

Mưa nhanh chóng xối ướt người, những người xung quanh y đều đưa tay che mưa, sốt ruột than phiền, chỉ có y vẫn đứng yên, nhìn chằm chằm vào cổng thành, mặc cho gió táp mưa xô.

Ngay từ khi nhìn thấy bóng lưng của người đàn ông trung niên này, Bồ Châu đã cảm thấy quen thuộc.

Mưa gió càng lúc càng mạnh, người ấy dường như rất quý trọng hai con ngựa có vết trắng hình lưỡi liềm trên trán. Y cởϊ áσ khoác của mình, đắp lên lưng một con.

Một viên tạp tốt đứng gần đó thấy vậy cũng vội làm theo, cởϊ áσ phủ lên con còn lại.

Quần áo đã ướt đẫm, không thể che mưa được, nhưng người đàn ông ấy chẳng màng đến những giọt nước đang nhỏ từ tóc xuống, chỉ đưa tay lau nước mưa trên trán ngựa, sau đó ngẩng đầu nhìn về phía cổng thành lần nữa, đôi mày hơi nhíu lại.

Chính vào khoảnh khắc y ngẩng đầu, tim Bồ Châu bỗng đập mạnh, là cảm giác dồn dập, thình thịch không thể kiểm soát.

Cuộc đời này, dù là khi lần đầu tiên nhìn thấy phu quân kiếp trước – Lý Thừa Dục… không, ngay cả khi Lý Huyền Độ xuất hiện trước mặt nàng, tim nàng cũng chưa từng đập dữ dội như thế.

Là Khương Nghị!

Không ngờ lại là ông ấy!

Mặc dù kiếp trước nàng cũng chỉ từng gặp ông khi còn nhỏ, nhưng dáng vẻ cùng gương mặt ấy, đến tận bây giờ nàng vẫn chưa từng quên.

So với vị chiến thần oai hùng trong ký ức thuở nhỏ của nàng, người đàn ông trung niên trước mắt nhìn tiều tụy hơn rất nhiều, ngay cả tóc mai cũng bạc trắng, nhưng nàng vẫn nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Nàng không biết vì sao ông ấy lại xuất hiện ở đây vào thời điểm này.

Nàng hoàn toàn không hay rằng, hóa ra khi ấy ông cũng từng đến kinh đô!

Nhưng rất nhanh sau đó, nàng đã nhớ ra.

Để chuẩn bị cho đại thọ của Thái hoàng Thái hậu, từ đầu năm, Thái Tự, nơi quản lý tất cả các mã tràng [2] trên toàn quốc, đã ra lệnh cho các nơi dâng ngựa tốt về kinh.

[2] mã tràng: trường đua ngựa hoặc trại ngựa giống

Trong vòng mấy tháng qua, ba mã tràng nằm ở biên quận của Đế quốc đã lần lượt tiến cống mấy đợt tuấn mã. Ngoại trừ số bị chết hoặc bệnh do không thích ứng với khí hậu hoặc không được chăm sóc chu đáo trên đường đi, cuối cùng đưa vào kinh gần nghìn con. Trong số đó, mã tràng ở Thượng quận còn đặc biệt dâng lên một đôi bảo mã lông trắng mày rậm, tương truyền là hậu duệ của “hãn huyết bảo mã”, [2] cực kỳ có linh tính.

[3] hãn huyết bảo mã: Ngựa Akhal-Teke hay còn được họi là “hãn tuyết bảo mã”, là một giống ngựa có nguồn gốc từ Turkmenistan. Đây là giống ngựa quý hiếm từng đi vào truyền thuyết có màu liong ánh kim, mồ hôi đỏ như máu. Akhal- Teke được coi là giống ngựa quý hiếm nhất thế giới có sức chịu đựng dẻo dai, phi nước đại cực nhanh.

Ban đầu, nó cũng chỉ là một đôi bảo mã mà thôi. Kiếp trước, Bồ Châu nhớ rõ đến vậy là vì vào đúng ngày đại thọ, Khương thị đã đích thân chọn đôi ngựa này để kéo loan giá của bà từ cung Bồng Lai đến cung Trường An, tiếp nhận bách quan triều bái.

Trước đây, Bồ Châu chỉ nghe nói đôi bảo mã đó đến từ mã tràng Thượng Quận, nhưng chưa từng nghe ai nhắc tới danh tính người đã hộ tống bảo mã vào kinh, nàng cũng chưa từng nghĩ tới vấn đề này.

Giờ nàng mới biết, thì ra chính là Khương Nghị!

Ban đầu, Bồ Châu vô cùng bất ngờ, nhưng nghĩ kỹ lại, nàng đã thông suốt.

Nghe nói Khương Nghị vô cùng kính trọng cô mẫu Khương thị của mình. Năm nay Khương thị đã bảy mươi tuổi, ông tự mình đưa bảo mã vào kinh để chúc thọ bà, chuyện này cũng không có gì khó hiểu. Dù theo như ký ức kiếp trước của nàng, dường như ông chỉ đưa ngựa đến rồi lập tức trở về Thượng quận, chứ không tham dự lễ mừng thọ.

Chỉ là giao ngựa mà thôi. Nhưng đây là tấm lòng của ông, phải tự thực hiện mới thấy an lòng.

Qua cửa sổ xe, Bồ Châu nhìn thấy bóng dáng của vị Đại tướng quân Bình Dương hầu năm xưa.

Nước mưa vẫn không ngừng thấm qua những sợi tóc mai đã điểm bạc của ông, men theo sườn mặt cương nghị, chảy dọc xuống.

Nàng đẩy cửa xe, sai người mang tấm vải dầu vốn chuẩn bị sẵn trong xe, để phòng khi mưa lớn hắt vào cửa sổ, đưa đến cho ông, che mưa cho bảo mã.

Người tùy tùng liếc nhìn đoàn người ngựa thoạt nhìn có vẻ rất bình thường kia, không khỏi ngạc nhiên, nhưng vẫn tuân lệnh, chạy đến đưa vải dầu.

Bồ Châu thấy Khương Nghị thoáng chần chừ, quay đầu nhìn về phía nàng một cái, sau đó mới nhận lấy, phủ lên lưng hai con bảo mã kia.

Nàng khép cửa sổ lại, không nhìn nữa. Chẳng bao lâu sau, nàng nghe thấy một giọng nói từ bên ngoài xe vọng vào.

Sau khi che chắn cẩn thận cho đôi bảo mã mà mình vẫn luôn chăm sóc chu đáo, Khương Nghị bước qua vũng nước trên mặt đất đến bên xe, cung kính nói: “Đa tạ túc hạ rộng lượng ban tặng. Khương Nghị vô cùng cảm kích. Không biết túc hạ có thể lưu lại danh tính chăng? Đợi ta giao ngựa cho Thái Tự xong, nhất định sẽ hoàn trả nguyên vẹn.”

Bồ Châu đè nén nhịp tim đang rộn ràng, đáp lại bằng giọng bình tĩnh qua màn cửa sổ: “Cháu họ Bồ. Tổ phụ cháu chính là Bồ công, người vừa được triều đình truy phong làm Chiêu Văn công vào tháng trước. Khi còn bé, cháu từng may mắn gặp ngài một lần nên mới nhận ra. Đoán rằng ngài có thể sẽ cần dùng đến, nên mới cả gan sai người đưa qua. Hồi còn nhỏ, cháu từng nghe gia phụ kể về uy danh của Đại tướng quân. Gia phụ nói, khi ông đi sứ Tây Vực từng được Đại tướng quân hộ tống. Cháu gái cảm kích, đến nay vẫn ghi nhớ trong lòng. Hôm nay gặp lại ở nơi này, chẳng khác nào gặp được trưởng bối, ấy là may mắn của cháu, nào dám nhận lời cảm tạ này của ngài. Huống chi chẳng phải vật gì quý giá, ngài dùng xong cứ tùy ý xử trí, không cần mang trả lại cho cháu.”

Bên ngoài cửa sổ lặng ngắt. Bồ Châu ghé mắt qua khe hở của cửa sổ nhìn ra, thấy Khương Nghị đứng trong mưa, ánh mắt hướng về phía nàng, thần sắc lộ vẻ kinh ngạc, tựa như vẫn chưa hoàn hồn.

Trong lòng nàng còn kích động hơn lúc trước.

Không ngờ rằng, ngày đầu tiên đến kinh đô, còn chưa vào thành, ngay bên ngoài cổng thành, nàng đã gặp được người mà cả đời này nàng khát khao có được nhất! Không những gặp được, mà còn thuận lợi bắt chuyện với ông, ít nhất ấn tượng để lại cho ông cũng không phải một ấn tượng xấu!

Vốn dĩ thời tiết chuyển xấu và sự mệt mỏi khi đi đường khiến tâm tình nàng có chút ngột ngạt, nhưng lúc này, nàng bỗng phấn chấn trở lại!

Đây có phải là điềm lành chăng? Báo hiệu rằng cả đời nàng sẽ được như ý nguyện, tròn đầy viên mãn?