Quan hệ giữa Quách Lãng và tổ phụ của Bồ Châu, Bồ Du Chi, vô cùng đặc biệt khi vừa là bạn vừa là địch.
Nói là bạn, vì khi còn trẻ, cả hai cùng theo học dưới trướng một vị tông sư, cùng ngồi đọc sách, cùng chung phòng ở, quan hệ từng thân thiết như huynh đệ.
Là địch vì từ khi vào triều làm quan, hai người liên tục bất đồng chính kiến. Về học thuật, mỗi người đều viết sách lập thuyết riêng. Ba mươi năm trước, cả hai còn từng ước hẹn một cuộc biện luận công khai tại Lan Đài ở kinh thành để chứng minh lập trường và học phái của mình.
Trận biện học tại Lan Đài năm đó thu hút hàng ngàn đệ tử trường Thái học [1] cùng sĩ nhân kinh thành đến xem. Nhờ đó, danh tiếng của tổ phụ Bồ Châu lan xa, người theo học đông đảo, về sau trở thành tông sư một học phái. Quách Lãng thất bại, bề ngoài tỏ ý tâm phụ, nhưng từ đó về sau, quan hệ đồng môn dần xa cách, hai người ngày càng lạnh nhạt, rất ít qua lại.
[1] trường Thái học; Thái học viện (cấp học cao nhất thời phong kiến)
Gặp họa hóa may, chính vì điều này mà nhiều năm sau, năm Tuyên Ninh thứ ba mươi chín, đại án Lương Thái tử mưu phản liên lụy vô số người, trong đó có cả Bồ Du Chi nhưng Quách Lãng vẫn bình an vô sự.
Không những thế, nhờ đợt thanh trừng khốc liệt năm đó, chẳng những ông ta được thế chân vào vị trí Thái thường khanh, nhảy lên đứng đầu Cửu khanh, mà hai năm sau, khi Hiếu Xương Đế lên ngôi, còn được chọn làm Thái phó của Thái tử nhờ danh tiếng đức độ. Từ đó, địa vị của Quách Lãng trong triều đình ngày càng hiển hách, môn sinh quy tụ, có xu thế sánh ngang với vị sư huynh đồng môn năm xưa là Bồ Du Chi.
Nhưng chung quy ông ta vẫn không phải Bồ Du Chi.
Dẫu là người đứng đầu Cửu khanh nhưng bên trên vẫn còn Tam công. [2] Năm xưa, Bồ Du Chi từng là một trong số đó.
[2] Tam công: là ba chức quan cao nhất thời phong kiến gồm: thái sư, thái phó, thái bảo.
Bước cuối cùng này, ông ta đợi được. Địa vị Thái phó Thái tử danh chính ngôn thuận, chỉ cần Thái tử không phạm phải sai lầm không ai cứu nổi như Lương Thái tử năm xưa, thì ngày ông ta bước vào hàng ngũ Tam công chẳng phải chuyện viển vông.
Nhưng Bồ Du Chi còn một thứ khác là danh xưng Văn tông.
Nêu cao danh tiếng, lập nên học thuyết, khiến sĩ tử thiên hạ tâm phục khẩu phục, tôn làm tông sư, điều này, dù có làm thầy của Hoàng đế, e rằng cũng chưa chắc dễ dàng đạt được. Nhất là những năm gần đây, danh vọng ngày càng lên cao, ông ta lại càng canh cánh trong lòng về thất bại năm xưa tại Lan Đài, mãi không thể nguôi ngoai.
Đáng tiếc Bồ Du Chi đã chết, vĩnh viễn không thể tái lập cuộc tranh biện trên Lan Đài thứ hai, để ông ta có thể đường đường chính chính làm nên tên tuổi.
Sĩ phu vào triều làm quan, phàm là người có lý tưởng đều lấy tiếng thơm bất hủ, vĩnh viễn lưu danh làm giấc mộng tối thượng cho cả đời phấn đấu.
Thế nào là bất hủ?
Cao nhất là lập đức, tiếp đến là lập công, sau cùng là lập ngôn. [3]
[3] cổ nhân đề xướng 3 điều: lập đức, lập công, lập ngôn, gọi là “Tam bất hủ”. Quan điểm “Tam bất hủ” đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống.
Lập đức, tức là chế định pháp tắc, ban phát ân trạch cho muôn dân. Lập công, tức là giải cứu nguy nan, công trạng vang danh đương thời. [4]
[4] Phần này Bồng Lai Khách viết lại theo quan điểm “Tam bất hủ” của tác giả Khổng Dĩnh Đạt đời Đường, trong cuốn “Xuân Thu tả truyện” đã đưa ra những giới định phân biệt khá rõ ràng giữa đức, công và ngôn của “tam bất hủ”. Ông cho rằng, lập đức chính là sáng chế ra luật pháp để hết thảy nhân dân hiểu và làm theo; lập công là đạp bằng mọi gian khó, lập công cứu đời; lập ngôn là nói những lời xác đáng hợp lý, để được lưu truyền trong thiên hạ.
Hai điều này, cần có thiên thời, địa lợi, cùng tài năng xuất chúng khó ai sánh kịp, may ra mới có thể lập được công lao to lớn như vậy.
Quách Lãng biết mình biết ta, cả đời này ông ta sẽ không tài nào có được cơ hội lẫn năng lực để đạt đủ hai điều ấy.
Điều ông ta có thể theo đuổi chính là lập ngôn.
Trở thành một văn tông vĩ đại như Bồ Du Chi, thậm chí vượt qua Bồ Du Chi, trở thành lãnh tụ giới nhân sĩ, là chí nguyện lớn lao được Quách Lãng chôn giấu tận đáy lòng suốt bao năm qua.
Giờ đây, một tia sét đánh nát miếu điện Minh Tông đã khiến ông ta liên kết dị tượng này với hoài bão của bản thân một cách nhạy bén. Đây chính là cơ hội mà trời cao ban xuống.
Nếu ông ta tận dụng tốt cơ hội này, rửa sạch oan khuất cho Bồ Du Chi, người từng là đồng môn thuở thiếu thời của mình, thì thất bại trong cuộc biện luận Lan Đài năm xưa chẳng đáng để bận tâm nữa. Khi ấy, hào quang trên đỉnh đầu ông ta không chỉ vượt xa Bồ Du Chi, mà cả những sĩ đại phu từng chịu liên lụy vì Bồ Du Chi năm ấy cũng sẽ mang ơn ông ta, chuyện được tôn làm “Nhất đại Văn tông”, lãnh tụ sĩ lâm sẽ nằm trong tầm tay.
Bồ Du Chi là hạng người thế nào, năm đó ông ta có thực sự là chủ mưu trong vụ ép cung của Lương Thái tử hay chỉ là kẻ xui xẻo, vô tình vướng vào lưỡi kiếm giữa Hoàng đế và Thái tử, chuyện này ai ai cũng biết rõ, Quách Lãng cung không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc lật lại bản án ngay lúc này là việc gần như không thể, bởi nó đồng nghĩa với nghi ngờ phán đoán của Tiên đế.
Sở dĩ ông ta dám nảy ra ý nghĩ tưởng như ngớ ngẩn này, không phải vì nằm mộng giữa ban ngày, mà là vì ông ta đánh hơi được một chút khả năng.
Kim thượng và Tiên đế không giống nhau, ngài hết lòng nâng đỡ Thái tử, giúp Thái tử gây dựng uy danh. Đặc biệt là hai năm gần đây, Thái tử vừa đến tuổi trưởng thành, xu hướng càng lúc càng rõ ràng hơn.
Vậy nên ông ta quyết định bí mật định hẹn gặp Tả tướng quân Thượng Quan Ung.
Thượng Quan Ung là cậu ruột của Thái tử, cũng là một trong những quyền thần trong triều đình, đồng thời là phụ thân của cố vương phi tiền nhiệm.
Sau đó, Thượng Quan Ung tiến cung, bí mật dâng tấu lên Hoàng đế, nói rằng miếu điện Tiên đế bị sét đánh gây hỏa hoạn, lòng dân hoang mang, cùng lúc ấy, ông ta còn nghe được một tin khác. Sau cái chết của tội thần tiền triều là Bồ Du Chi, thôn dân đã lập phần mộ cho ông ta. Ngay trong đêm hôm ấy, khi miếu điện Tiên đế bị sét đánh bốc cháy, phần mộ của Bồ Du Chi bỗng phát ra ánh sáng rực rỡ, sắc tựa ánh sao. Lúc đó, rất nhiều người dân quanh vùng đều tận mắt chứng kiến, đến khi trời sáng dị tượng mới tan biến. Lời đồn nổi lên tứ phía, cho rằng Bồ Du Chi năm đó chết oan, dị tượng xảy đến vì trời cao thấy chuyện bất công, tạo thành điềm báo.
Thượng Quan Ung xin chỉ thị Hoàng đế về cách xử lý những kẻ tung tin đồn thất thiệt này.
Hoàng đế chẳng những không nổi giận, mà còn chẳng tỏ rõ thái độ gì.
Thượng Quan Ung hiểu rõ tình hình. Ba ngày sau khi rời cung, Thái tử Thái phó Quách Lãng liền dâng tấu lên triều đình, thỉnh cầu tái thẩm vụ án cũ của Bồ Du Chi.
Tấu chương vừa trình lên, bá quan văn võ đều kinh hãi. Ban đầu, không ai dám lên tiếng, nín lặng như tờ. Nhưng khi nhận thấy Hoàng đế không hề nổi giận trách tội Quách Lãng, sang ngày hôm sau, một số quan viên bắt đầu phụ họa. Chỉ mấy ngày sau, toàn bộ triều đình đều đồng loạt dâng biểu, nói rằng dư luận đang dâng cao, Hoàng đế thuận theo lòng dân, hạ chỉ lệnh cho Thái tử giám sát, chủ trì việc tái thẩm vụ án này.
Thái tử Lý Thừa Dục vừa từ Hà Tây trở về chưa được bao lâu, chẳng màng mệt nhọc, lập tức bắt tay điều tra. Không lâu sau, sự thật đã sáng tỏ. Năm đó, phong thượng tấu vạch tội Bồ Du Chi là chủ mưu án Lương Thái tử do quan viên Quang Lộc Tự [5] họ Cao trình lên, hoàn toàn xuất phát từ thù hằn cá nhân. Hắn giả mạo chứng cứ, vu hãm Bồ công. Thái tử trình kết quả điều tra lên, khiến bá quan phẫn nộ, đồng loạt lên án quan họ Cao lợi dụng công quyền để báo thù riêng, lừa dối quân thượng, dẫn đến oan án, khiến triều đình mất đi một bề tôi trung nghĩa, tội không thể tha thứ.
[5] Quang Lộc Tự (光祿寺, Court of Imperial Entertainments) – Quang lộc tự là cơ quan phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh Tiến sĩ.
Hoàng đế hạ chỉ, xử trảm cả nhà kẻ vu cáo, tru di tam tộc để an ủi anh linh trung liệt, cũng để răn đe kẻ khác. Đồng thời, phục hồi danh dự cho Bồ Du Chi, truy phong tước công, ban thụy hiệu. Những quan viên từng bị giáng chức do liên lụy năm xưa cũng lần lượt được khôi phục, sĩ nhân bị tước đoạt thân phận được phép nhập triều làm quan.
Ảnh hưởng của sự việc này vô cùng lớn, không chỉ trở thành tiêu điểm trong triều, mà còn khiến dân gian ca tụng khắp nơi. Người ta ca ngợi Hoàng đế anh minh quyết đoán, Thái tử tài giỏi mẫn cán, Bồ Thái phó trung trinh bất khuất, Quách Thái phó chính trực kiên cường.
Sau khi vụ án khép lại, Quách Lãng được tôn vinh là bậc hiền lương trong giới sĩ phu. Nhờ có công điều tra nên Thái tử giành được sự tán thưởng từ bá quan và sĩ lâm. Khi mọi chuyện ngã ngũ, một đạo thánh chỉ được truyền tới Hà Tây từ kinh thành, triệu gọi cháu gái duy nhất của Bồ Du Chi là Bồ Châu hồi kinh, nhận ân điển và sự bù đắp từ triều đình.
Đây chính là toàn bộ quá trình giúp Bồ Châu rời Hà Tây, trở về kinh đô.
Kiếp trước như thế, kiếp này cũng chẳng khác biệt.
Ngày thánh chỉ được truyền tới, cả Đô úy phủ đều sục sôi theo bước chân của khâm sai.
Đối với Bồ Châu, tất cả đều nằm trong dự liệu, giống y hệt đời trước. Điều duy nhất khác biệt chính là tâm thái của nàng.
Kiếp trước, khi bước ngoặt này xảy đến, nàng hoàn toàn không có sự chuẩn bị, đó như thể một giấc mơ. Nàng vừa đau buồn, tiếc thương cho số phận bất hạnh của A Cúc, người vất vả đến kiệt sức và qua đời cách đó chỉ ba ngày, vừa mang trong lòng sự cảm kích đối với những người xa lạ ở kinh đô đã trao cho nàng một cuộc đời mới.
Nếu không có bọn họ đứng ra đòi lại công bằng, thì oan khuất của tổ phụ làm sao có thể được rửa sạch, và làm sao nàng có được cơ hội quay lại kinh đô?
Thế nhưng hiện tại, bề ngoài nàng vẫn thể hiện lòng cảm kích đối với thánh chỉ này, nhưng trong lòng lại bình thản vô cùng.
Hoàng đế minh oan cho tổ phụ nàng, chẳng qua chỉ thuận theo thời thế. Những người tham gia thúc đẩy việc này cũng đều có mục đích riêng.
Có lẽ tổ phụ không bao giờ ngờ được rằng, khi ông chịu oan khuất qua đời năm đó, đã có kẻ được hưởng lợi nhờ chuyện này. Sau khi ông mất nhiều năm, lại có người khác dùng danh nghĩa của ông để đạt được thứ họ muốn. Tóm lại, những kẻ hưởng lợi đã đổi từ nhóm người này sang nhóm người khác.
Nói chung, trong chuyện này, các bên đều có được thứ mình cần, ai nấy đều hả hê vui vẻ. Đương nhiên, nhóm người đó bao gồm cả nàng. Như vậy cũng tốt.
Sau khi nàng quỳ xuống tiếp chỉ, khâm sai mỉm cười nói: “Cuối tháng này là đại thọ của Thái hoàng Thái hậu Khương thị, đến lúc đó kinh thành sẽ mở hội lớn, đèn hoa sáng rực suốt đêm, hẳn là vô cùng náo nhiệt. Nếu tiểu thục nữ không có việc gì, có thể cùng ta lên đường sớm, biết đâu vào kinh kịp lúc để hòa vào không khí tưng bừng.”
Bồ Châu vốn đã định sẵn sẽ lên đường càng sớm càng tốt.
Kiếp trước nàng cũng nghĩ như vậy, mục đích đúng như lời vị khâm sai này nói, muốn kịp đại thọ của Thái hoàng Thái hậu.
Còn kiếp này, nàng vẫn giữ kế hoạch ấy, nhưng không phải vì Thái hoàng Thái hậu Khương thị dành sự ưu ái đặc biệt nào cho nàng. Trái lại, Bồ Châu biết rất rõ, vị nữ nhân huyền thoại của hoàng triều họ Lý này không hề dành cho nàng bất kỳ sự ưu ái nào, thậm chí có lẽ còn không mấy thích nàng.
Kiếp trước, dù nàng đã trở thành Thái tử phi, là cháu dâu đời thứ tư của bà, nhưng mỗi lần đến cung Bồng Lai thỉnh an, bà chỉ ban cho vài phần thưởng, nói mấy câu hỏi han, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Thái độ của bà đối với nàng không khác gì so với những công chúa, vương tử khác trong hoàng thất.
Nàng vẫn muốn nhanh chóng lên đường là vì hiện giờ, những dòng họ quyền thế ở kinh đô đều đang dòm ngó vị trí Thái tử phi của Lý Thừa Dục, âm thầm tranh đấu không ngừng.
Kiếp trước, đến đầu tháng sau, ngay khi nàng vừa về đến kinh không lâu, vì tranh giành bất phân thắng bại, cuối cùng danh hiệu Thái tử phi lại vô tình rơi vào tay nàng, tựa như nhặt được của rơi.
Vì thế, nàng không thể bỏ lỡ cơ hội này, nhất định phải kịp thời xuất hiện trong tầm mắt của những người đó.
Ngày khởi hành được định vào sáng mai.
Nàng không có nhiều đồ cần thu dọn mang theo đến kinh thành, ngoài những vật dụng hàng ngày, chỉ có mấy bộ y phục mới may sau khi dọn vào Đô úy phủ. Còn những bộ cũ trước đây, nàng đã bảo A Cúc đem xử lý, phân phát cho hạ nhân.
Tối hôm đó, Chương thị đến, mang theo một hộp vàng, nói rằng ngoài số bạc trả lại cho nàng, phần còn lại là tấm lòng của bà ta và Dương Hồng, mong nàng mang theo lên kinh.
Bồ Châu không nhận, mà bảo bà dẫn mình đi gặp Dương Hồng. Trước mặt hai vợ chồng ông, nàng cung kính quỳ xuống dập đầu bái lạy.
Chương thị vội vã bước tới đỡ nàng dậy, nói liên hồi: “Tiểu nữ quân, sao lại làm vậy? Đừng khiến vợ chồng ta mang tội!”
Bồ Châu nói: “Dương a thúc, a thẩm, năm tám tuổi cháu đến đây, chẳng có gì trong tay. Nếu không nhờ a thúc che chở, e rằng cháu đã không còn trên đời này nữa. Nay sắp rời đi, đến từ biệt hai người là lẽ đương nhiên. Sau này a thúc nhất định sẽ là một vị quan tốt, bảo vệ bình yên cho dân chúng. Dù ở kinh thành, cháu cũng lấy đó làm vinh hạnh.”
Dương Hồng bất ngờ trước sự kính trọng của nàng, trong lòng vô cùng cảm động, nghĩ lại những chuyện xảy ra trong thời gian qua, ông càng thêm cảm khái, nói: “Cảm ơn lời chúc của tiểu nữ quân, về sau chắc chắn a thúc không dám chểnh mảng. Nay nhà cháu đã được minh oan, có thể về kinh, đúng là chuyện tốt. Sau này nhớ tự bảo trọng!”
Bồ Châu gật đầu đồng ý. Khi bước ra ngoài, Chương thị thân mật tiễn nàng, vừa đi vừa không ngừng ca tụng, nói rằng nàng chính là phúc tinh của gia đình họ, nay đã đến thời vận, sau này ắt sẽ được phú quý vô song.
Bồ Châu cắt ngang lời bà: “Dương a thúc là người tốt, sau này quan lộ tất sẽ hanh thông. Nếu a thẩm coi cháu là phúc tinh, vậy cháu không ngại nói thêm một câu. Mong a thẩm ghi nhớ bài học lần trước, sau này hãy làm một người vợ hiền, gặp chuyện thì cũng phải bàn bạc với a thúc, đừng tự ý quyết định, kẻo lại rước họa vào thân.”
Chương thị đỏ bừng mặt, xấu hổ gật đầu: “Tiểu nữ quân nói đúng, ta nhớ rồi!”
Bồ Châu mỉm cười, bảo bà ta không cần tiễn thêm nữa.
Tối hôm đó, A Cúc nhìn nàng, ban đầu còn cười, nhưng càng cười đôi mắt lại càng đỏ hoe, nước mắt bỗng chốc tuôn rơi. Bà vội lau đi, sợ nàng hiểu lầm, cuống quýt ra hiệu rằng mình chỉ quá vui mà thôi.
Bồ Châu ôm bà, ghé tai thì thầm: “Vυ' à, con cũng rất vui. Sau này con nhất định sẽ bảo vệ vυ', để vυ' cùng con hưởng phúc, sống những ngày tháng tốt đẹp nhất trên thế gian này. Vυ' có vui không?”
A Cúc không nhịn được, vừa cười vừa rơi lệ. Bồ Châu bật cười, nhẹ nhàng lau đi giọt nước mắt trên mặt bà, lòng bỗng dâng lên một niềm hạnh phúc chưa từng có.
Bây giờ, A Cúc thật sự rất hạnh phúc.
Bồ Châu đã sống hai kiếp, nhưng dường như mãi đến khoảnh khắc này nàng mới nhận ra rằng, thì ra khiến người mình yêu thương hạnh phúc, đối với bản thân cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Nàng nhất định phải cố gắng, để A Cúc của nàng cứ mãi hạnh phúc như thế này, hạnh phúc đến mức phải rơi nước mắt mới được.
Đêm ấy, khi nàng mang theo cảm giác hạnh phúc ấy, mơ màng chìm vào giấc ngủ, trong đầu bỗng nhiên hiện lên một bóng người, khiến cơn buồn ngủ lập tức tan biến.
Nàng nghĩ tới Thôi Huyễn, thiếu niên đã từng giúp nàng rất nhiều.
Nàng biết hắn hiện đang làm việc dưới trướng Dương Hồng. Đã lâu lắm rồi nàng không gặp hắn. Lần trước khi hỏi Dương Hồng, ông có nhắc một câu rằng Thôi Huyễn mới nhập ngũ chưa bao lâu đã được thăng làm ngũ trưởng, khi ấy nàng còn thấy mừng cho hắn.
Ngày mai nàng sẽ trở về kinh đô. Nếu cứ lẳng lặng rời đi thế này, dường như có chút không phải.
Bồ Châu do dự trong chốc lát, cuối cùng quyết định nhờ Dương Hồng chuyển lời hộ mình, nói một tiếng từ biệt.
Sáng hôm sau, khi nàng bước ra khỏi cổng phủ Đô úy, chuẩn bị lên chiếc xe ngựa đến đón mình, thì sững lại.
Nàng thấy Thôi Huyễn. Hắn mặc y phục của binh sĩ, ngồi ở vị trí xa phu trước xe ngựa. Nhìn thấy nàng xuất hiện, hắn nghiêng đầu khẽ cười, gật đầu một cái.
Đã lâu lắm rồi không gặp hắn, gần nửa năm trời. So với hồi đầu năm, dường như hắn đã trưởng thành hơn rất nhiều, cũng trầm lặng hơn. Hắn nhảy xuống xe, đi vài bước về phía nàng, chỉ nói: “Ta nghe nói nhà cô đã được giải oan, cô phải về kinh đô, ta cầu xin Dương đô úy cho phép mình đánh xe, tiễn cô một đoạn đường.”
Trong lòng Bồ Châu có chút cảm động.
Không ngờ hắn lại dùng cách này để tiễn biệt nàng.
Nàng thoáng lặng người, không biết nên nói gì, cuối cùng gật đầu, cảm tạ hắn.
Thôi Huyễn xoay người leo lên xe, ngồi lại vào vị trí, hai tay cầm chặt dây cương, mắt nhìn thẳng về phía trước.
Xe ngựa rời khỏi phủ Đô úy, nhập đoàn với đám quan viên của dịch xá, rời thành, hướng về kinh đô. Cảnh thôn xóm hai bên quan đạo bị bỏ lại phía sau, chuyển thành những vùng hoang dã. Xa xa, bóng dáng Trường Thành thấp thoáng ẩn hiện. Gió cuốn cát thốc vào trong xe, thổi lay rèm xe đập nhẹ vào khung cửa sổ, phát ra âm thanh khe khẽ.
Bồ Châu không ngoái đầu nhìn lại.
Lặp lại một cảnh tượng đã từng trải qua ở kiếp trước, rời xa nơi nàng đã sống từ năm tám tuổi đến nay, nói trong lòng không có chút cảm khái nào thì thật là giả dối.
Nhưng nàng không lưu luyến, nơi này chẳng có gì đáng để nàng vương vấn cả.
Mục tiêu của nàng ở phía trước, ở kinh đô xa xôi kia.
Cuộc đời kiếp này của nàng, mới chỉ vừa bắt đầu.