Mấy năm nay tính khí chủ thượng thay đổi dữ dội.
Phụng đạo, đương nhiên là thật, nhưng sau lưng ngài, còn một điều Diệp Tiêu không dám nói ra chính là ngài có chút thất thường, vui buồn khó đoán.
Như vừa rồi, một khắc trước còn thương cảm ban thưởng, một khắc sau không biết nghĩ đến điều gì, bỗng nhiên đổi ý. Nhưng chừng ấy cũng chưa phải điều gì to tát. Vấn đề là câu nói hời hợt thoát ra từ miệng ngài lại khiến người ta khó xử vô cùng.
Vị tiểu thục nữ nhà Bồ, dù thế nào đi nữa thì cũng vẫn là một tiểu thục nữ. Năm xưa mối quan hệ giữa Bồ gia và chủ thượng vốn không tầm thường. Chủ thượng có thể tùy ý, muốn nói gì thì nói, nhưng bản thân Diệp Tiêu lại từng có giao hảo với phụ thân của tiểu thục nữ. Sau khi triều đại này lập quốc, vì cân nhắc vấn đề dân số, đã định rằng nam mười bốn, nữ mười ba có thể thành thân. Nếu hắn lấy vợ sớm, e rằng giờ đã có con bằng tuổi nàng rồi. Nay lại phải truyền đạt những lời chỉ trích thẳng thừng ấy, dù chỉ ở cương vị người đưa tin thì vẫn khiến hắn khó tránh khỏi cảm giác lúng túng.
Lúc ra ngoài, ý nghĩ đầu tiên của hắn là không đi, cứ giao lại cho vị dịch thừa như vừa nãy là được. Nhưng khi gọi người đến, lời đến bên môi lại chẳng thể thốt ra.
Tự mình đi truyền đạt thì cùng lắm chỉ có hắn biết.
Nếu nhờ dịch thừa, chẳng phải lại thêm một người biết về lời đánh giá không hay mà chủ thượng dành cho tiểu thục nữ hay sao?
Không ổn.
Lưỡng lự một lúc, Diệp Tiêu phất tay bảo không có chuyện gì, đuổi dịch thừa đang ngơ ngác, rồi bất đắc dĩ đi theo.
Lúc này, Bồ Châu và A Cúc đã rời khỏi dịch xá, đi được nửa đường về nhà họ Dương. Đột nhiên, phía sau vang lên tiếng gọi. Cả hai quay đầu, liền thấy một gã đàn ông có vết sẹo dài trên mặt từng đi cùng Lý Huyền Độ, đang hối hả đuổi đến. Cảnh tượng ấy khiến Bồ Châu giật mình, trong đầu lóe lên một suy nghĩ.
Chuyện gì đây?
Chẳng lẽ Lý Huyền Độ phản ứng chậm, giờ mới muốn ra mặt vì chính nghĩa, truy hỏi về nguồn gốc của số vàng mà Thôi Huyễn đã giao cho nàng?
Bồ Châu thoáng căng thẳng, nhìn chằm chằm người đàn ông đứng trước mặt mình, đoạn thấy hắn đưa cho A Cúc một vật gì đó giống như túi tiền. A Cúc mở ra xem, quay sang nhìn nàng.
Diệp Tiêu nói: “Chủ thượng có lệnh, giúp tiểu nữ quân trang trải sinh hoạt.”
“Hồi nãy nghe dịch thừa nói mới biết cô chính là tiểu thục nữ Bồ gia.”
Hắn bổ sung thêm một câu.
Thì ra là vậy!
Bồ Châu thở phào nhẹ nhõm, nàng đã nghĩ nhiều rồi.
Chắc là thấy người đồng cảnh ngộ nên động lòng trắc ẩn đây mà.
Nếu đã thế, cứ nhận là được.
Nàng trấn tĩnh lại: “Đa tạ…”
Ai ngờ vừa mở miệng, người đàn ông kia đã vội xua tay.
“Chủ thượng còn có lời dặn, lệnh ta chuyển một câu đến tiểu thục nữ…”
Bồ Châu gật đầu, tỏ ý lắng nghe.
Diệp Tiêu nghiêng mặt, ánh mắt nhìn về nơi khác, dùng giọng điệu phẳng lặng, không chút cảm xúc, nói thật nhanh: “Thục nữ phải đoan trang, giữ thân trong sạch.”
?
Bồ Châu há môi, vẻ mặt ngỡ ngàng.
A Cúc lúc đầu sững sờ, sau đó thì trở nên tức giận.
Tiểu nữ quân của bà, phẩm hạnh đoan chính, thế mà hắn lại nói thế! Hắn coi tiểu nữ quân là gì chứ?
Đôi tay bà run lên, suýt nữa định ném túi tiền cùng với số bạc vừa mới nhận, trả lại ngay. Nhưng bà cũng hiểu đạo lý “người ở dưới mái hiên, không thể không cúi đầu.”
Giờ đây, tiểu thục nữ đã không còn là tiểu thục nữ của ngày trước, chẳng còn ai có thể che chở cho nàng, bà lại càng không thể. Nếu hành động bồng bột, chỉ e sẽ khiến nàng gặp thêm rắc rối.
Bà vung tay ra hiệu, miệng không ngừng phát ra những âm thanh ú ớ, đôi mắt cũng đỏ hoe.
Bồ Châu nhanh chóng bình tĩnh lại, trong lòng đã hiểu rõ mọi chuyện.
Lý Huyền Độ đang dùng chuyện tối qua để mỉa mai nàng đây mà.
Trước kia chỉ biết hắn là kẻ thâm hiểm, mưu đồ soán vị, không ngờ lòng dạ cũng nhỏ mọn như lỗ kim.
Rõ ràng nàng đã nói khéo như vậy, Thôi Huyễn cũng đã quỳ xuống nhận lỗi, vậy mà hắn vẫn nắm lấy cơ hội để giễu cợt nàng.
Bề ngoài như thần tiên, bụng dạ lại hẹp hòi.
Nàng vội vàng nắm lấy cánh tay vẫn đang ra sức khua khoắng của A Cúc, lắc đầu ra hiệu bà không cần biện bạch, sau đó quay sang nhìn Diệp Tiêu, người đang có vẻ ngượng ngùng, cung kính nói: “Ta đã hiểu, đa tạ chủ thượng của ngài chỉ dạy. Về sau nếu có thể sửa, ta nhất định sửa.”
Diệp Tiêu sửng sốt, liếc nhìn nàng một cái.
Trên đường trở về, Bồ Châu dịu dàng khuyên nhủ, A Cúc lau khóe mắt đỏ hoe vì tức giận, gượng gạo nở một nụ cười.
Bà đã ngủ say sau một ngày làm việc vất vả, nhưng Bồ Châu cứ trằn trọc mãi, không tài nào chợp mắt.
Nàng không ngờ tối nay lại gặp Lý Huyền Độ ở đây.
Kiếp trước, nàng và hắn vốn không xa lạ. Dẫu sao, hắn là hoàng thúc của nàng. Trong cung yến, tế lễ hay những lần đến cung Bồng Lai thỉnh an đích tổ mẫu Khương thị, nàng vẫn thường gặp hắn.
Hắn luôn tuân thủ nghiêm ngặt lễ nghi của một thân vương trong tông thất, nàng cũng vậy. Giữa hai người, chưa từng có chuyện gì bất ngờ xảy ra.
Ngoại trừ ngày hôm đó.
Sau khi sống lại, nàng đã không dưới một lần tự hỏi, nếu như kiếp trước, vào ngày hôm đó, nàng không nhất thời mủi lòng, không làm chuyện hồ đồ ấy, thì liệu kết cục có khác đi không?
Năm Hiếu Xương thứ sáu, tức khoảng thời gian này sang năm, một trận ôn dịch bùng phát ở vùng phụ cận Kinh phủ, lan đến tận kinh đô. Thái hoàng Thái hậu Khương thị vô tình nhiễm bệnh. Bà đã ngoài bảy mươi tuổi, thân thể suy nhược, chẳng bao lâu liền qua đời.
Ba tháng sau, Hiếu Xương Đế đích thân đưa linh cữu Thái hoàng Thái hậu đến Trang lăng an táng. Khi dừng chân trên đường, đoàn người bất ngờ bị ám sát, tình thế nguy hiểm vô cùng. Hoàng đế thậm chí còn bị thương. Sau đó tra rõ, thích khách có liên quan đến nước Khuyết, chứng cứ vô cùng xác thực, khả năng lớn là do nước Khuyết sai đến.
Lúc ấy, Hoàng đế chỉ còn duy nhất một người em trai là Tần vương. Bấy lâu nay Hiếu Xương Đế vẫn luôn ưu ái người em trai út, không ngờ hắn sẽ lợi dụng đại tang của Thái hoàng Thái hậu để mưu đồ làm loạn, lòng dạ nguội lạnh, phái người truyền đến đối chất, nhưng Tần vương đã sớm bỏ trốn, không rõ tung tích. Hoàng đế ban lệnh tróc nã.
Thời điểm đó, với tư cách Thái tử phi, nàng rời khỏi hoàng cung để tránh ôn dịch, ở lại hành cung Thái Uyển. Nơi ấy địa thế rộng lớn, cây cối xanh um, còn có một hồ nước rộng mênh mông.
Thời điểm Hoàng đế gặp thích khách, tuy ôn dịch ở Kinh phủ đã lắng xuống, nàng vẫn chưa lập tức hồi cung.
Và cũng chính ngày ấy, nàng vô tình chạm mặt Lý Huyền Độ đang ẩn náu tại hành cung Thái Uyển.
Y phục hắn loang lổ vết máu, gương mặt trắng bệch như tờ giấy, mắt nhắm nghiền, nằm bất tỉnh giữa bụi cỏ rậm rạp.
Vết thương trên lưng đã được băng bó cẩn thận, chứng tỏ hắn không đơn độc.
Có kẻ giúp hắn.
Có thể là đồng đảng, cũng có thể… ai đó trong Thái Uyển đã bí mật che giấu hắn.
Ý nghĩ đầu tiên của nàng là lập tức gọi người đến bắt hắn. Nhưng ngay khi mở miệng định hô hoán, nàng lại chần chừ.
Nàng chợt nhớ đến cảnh tượng hôm đó, bên trong linh điện.
Cờ phướn giăng đầy trời. Hàng nghìn người vận đồ tang trắng.
Hắn quỳ thẳng tắp trước linh cữu đích tổ mẫu. Trước mặt hắn là hoàng huynh. Bên cạnh là cháu ruột, Thái tử. Phía sau là bách quan. Ai nấy đều khóc than thảm thiết, tiếng khóc vọng khắp điện. Duy chỉ có hắn là không.
Khi ấy, Bồ Châu nhìn rất rõ. Hắn chỉ lặng lẽ dõi mắt về phía bài vị của tổ mẫu, thần sắc trống rỗng, đáy mắt đỏ ngầu, tựa hồ thứ sắp rơi xuống không phải là nước mắt, mà là máu.
Từ nhỏ, hắn đã mang dung mạo tuấn mỹ hiếm có, trong cung không thiếu nữ tử thầm ái mộ.
Trước khi đến linh điện, nàng từng nghe một cung nữ thì thầm rằng Tần vương điện hạ đã quỳ suốt một đêm dài ở đây.
Khoảnh khắc ấy, giữa tiếng khóc than phủ trùm linh điện, Bồ Châu bỗng cảm thấy, dường như chỉ có nỗi đau của hắn là chân thực nhất.
Hắn cô độc đến nhường nào.
Cảm giác ấy, nàng không hề xa lạ.
Khi nàng rời đi, hắn vẫn quỳ ở đó.
Không hiểu sao, nàng quay đầu nhìn hắn thêm một lần.
Bóng lưng trắng như tuyết, khung cảnh ấy khắc sâu vào tâm trí nàng. Để rồi trong giây phút này, khi nhìn gương mặt tuấn mỹ tái nhợt như giấy giữa đám cỏ um tùm, sau một hồi đấu tranh giằng xé, nàng bỗng xao động.
Cuối cùng, nàng cứ thế rời đi, như thể chưa từng thấy gì, chưa từng biết gì. Hôm sau, vì nỗi bất an trong lòng, nàng viện cớ quay lại đó một lần nữa. Chỗ ấy đã trống không. Người cũng chẳng còn.
Có lẽ hắn bị hàm oan, thích khách kia không phải do hắn sai khiến. Lui một bước mà xét, dẫu thật sự là âm mưu của hắn, thì nước Khuyết cũng không thể nào chống chọi nổi trước cơn thịnh nộ của Thiên tử. Mất đi nước Khuyết, hắn tất sẽ trở thành kẻ bị lùng sục khắp nơi. Dù lần này may mắn thoát chết, thì từ nay về sau, hắn cũng chẳng khác nào hùng ưng gãy cánh, không còn khả năng tung hoành gây sóng gió nữa.
Thả hắn đi cũng không tạo ra mối đe dọa nào đối với trượng phu.
Nghĩ như vậy, cuối cùng nàng đã tự thuyết phục chính mình.
Về sau nàng mới hiểu, khi ấy chính mình thật sự quá trẻ dại, hoàn toàn không biết mình đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ.
Sau cơn phong ba, theo như triều đình tuyên bố, Tần vương rơi xuống nước bỏ mạng trong lúc bị truy sát. Ngay sau đó, Hiếu Xương Đế điều động đại quân tấn công nước Khuyết, Khuyết vương tử trận, những người còn lại trong hoàng tộc nước Khuyết biến mất chỉ sau một đêm, mang theo số tài sản còn sót lại rời khỏi vùng đất mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt qua bao thế hệ, mất sạch dấu vết. Vương triều cổ đại đã tồn tại gần một thiên niên kỷ ấy, bị diệt vong chỉ trong chớp mắt.
Sau khi mọi chuyện lắng xuống, trong nước không còn bất kỳ mối lo nào nữa. Nhưng thời gian thái bình chẳng kéo dài được bao lâu, cục diện lại lần nữa đổi thay.
Bốn năm sau tức Hiếu Xương năm thứ mười, Đại Trưởng công chúa Kim Hi đã nhiều năm làm quả phụ, trưởng tử kế thừa vương vị, một năm sau Tây Địch vương trẻ tuổi qua đời vì bạo bệnh, chưa kịp có con nối dõi. Tiểu vương tử nàng từng sinh ra trước đây cũng đã mất vì một tai nạn tại kinh đô từ nhiều năm trước. Không có người kế vị, vương vị rơi vào tay một người cháu của cố Tây Địch vương.
Vị vương tử này thành hôn với nữ nhi hoàng tộc Đông Địch, thắt chặt quan hệ với Đông Địch, có dã tâm liên minh tiến quân về phía Nam, chia cắt Trung Nguyên.
Nhưng bất hạnh của Trưởng công chúa chưa dừng lại ở đó. Sau khi phu quân và con trai đều qua đời, theo tục lệ nơi ấy, nàng buộc phải tái giá với chính người cháu trai đang tuổi tráng niên vốn thèm muốn nàng từ lâu. Là công chúa hòa thân, nàng thậm chí không có quyền tự ý quyên sinh.
Nửa năm sau, nàng qua đời vì uất ức.
Ngay năm sau, Đông Địch và Tây Địch liên thủ xuất quân tấn công Trung Nguyên. Hiếu Xương Đế phong cho quốc cữu kiêm Đại tướng quân Trần Tổ Đức, người dần gây dựng được thanh thế trong những năm gần đây, dẫn binh nghênh chiến.
Trước trận chiến, Trần Tổ Đức đã long trọng thề nguyện. Hơn nữa, trước đó ông ta từng nhiều lần thống lĩnh đại quân, chiến tích không tồi, bởi thế Hoàng đế đối với ông ta vô cùng tín nhiệm.
Thế nhưng, lần này ông ta đại bại. Không những bỏ mạng sa trường, mà còn khiến thiết kỵ của người Địch vượt qua Trường Thành, mất đi toàn bộ Hà Tây.
Nhưng điều đó không dừng lại ở việc mất đi mỗi vùng Hà Tây, mà còn đồng nghĩa với việc để mất toàn bộ Tây Vực.
Một cánh tay của Đế quốc cứ thế bị chặt đứt.
Kết cục của trận chiến này, quả thật vô cùng thảm khốc. Những trận phản công sau đó cũng lần lượt thất bại. Không chỉ vậy, triều đình còn liên tiếp để mất thêm một dải đất phía Bắc giáp với Hà Tây, tổng cộng hơn mười quận huyện.
Ngay khi triều đình trên dưới náo động, cục diện ở Hà Tây bất ngờ chuyển biến.
Một đội quân từ Tây Vực tiến quân về phía Đông, tấn công Ngọc Môn Quan. Sau một trận huyết chiến, họ đánh bại quân Địch trấn giữ Hà Tây, một hơi thu phục cả Hà Tây lẫn hơn mười quận huyện phía Bắc đã mất trước đó.
Đội quân này, hóa ra chính là những chiến binh nước Khuyết đã mất nước và biệt tích suốt nhiều năm qua.
Thống lĩnh đại quân không ai khác chính là Lý Huyền Độ, người từng bị xem là kẻ chủ mưu hành thích hoàng huynh, tưởng chừng đã bỏ mạng năm ấy.
Hiếu Xương Đế hay tin, bệnh tim lập tức tái phát. Lúc bấy giờ cung nhân bên cạnh lại không mang theo dược hoàn trị bệnh, Thái y không kịp cứu chữa, đến đêm thì băng hà.
Cũng trong năm ấy, Bồ Châu trở thành Hoàng hậu. Thế nhưng, nàng chỉ làm Hoàng hậu chưa đến hai năm, tất cả liền kết thúc.
Sau khi lên ngôi, người luôn ôm mộng lập công ở biên cương, Thái tử Lý Thừa Dục, đương nhiên không cho phép Lý Huyền Độ tiếp tục cát cứ Hà Tây, bèn phái sứ giả thay mặt đàm pháp, đáp ứng xóa bỏ tội cũ, phong làm Hà Tây vương, yêu cầu giao trả Hà Tây về cho triều đình.
Lý Huyền Độ thẳng thừng từ chối.
Lúc này, vị Hoàng đế trẻ tuổi cuối cùng đã nhớ đến một vị chiến thần lừng lẫy một thời nay đã bị Đế quốc lãng quên: Bình Dương hầu Khương Nghị.
Lý Thừa Dục sai sứ giả đến biên cương, nơi Khương Nghị vẫn ngày ngày chăn ngựa, một lần nữa phong ông làm Đại tướng quân, lệnh ông thống lĩnh binh mã đi bình loạn, thu hồi Hà Tây cho triều đình.
Năm đó, Khương Nghị đã năm mươi tuổi. Khi đến, ông mới ba mươi lăm, độ tuổi tráng kiện hừng hực khí thế sa trường. Đến nay, khi cuối cùng cũng được nhớ đến, tóc ông đã bạc trắng, tuyết phủ mái đầu.
Ông khước từ thánh mệnh, chỉ nói một câu: “Từ khi Hà Tây thất thủ, Khương Nghị vẫn luôn chờ đợi, thế nhưng mãi chẳng đợi được sứ giả. Khương Nghị nguyện dùng thân tàn gϊếŧ địch báo quốc, nhưng Tần vương không phải người Địch, khó lòng tuân chỉ.”
Khi sứ giả hồi báo, Lý Thừa Dục nổi giận lôi đình, hạ chỉ bắt Khương Nghị tự vẫn.
Lúc ấy nàng không có trong cung. Vừa nghe tin, nàng tức tốc trở về, ra sức khuyên can, cuối cùng cũng khiến y rút lại thánh chỉ. Nhưng, tất cả đã quá muộn.
Đạo thánh chỉ đầu tiên đã đến tay Khương Nghị.
Nghe nói, Khương Nghị nhận chỉ liền không chút do dự, vung kiếm tự vẫn, máu tuôn ba thước.
Một đời chiến thần lụi tàn, tin tức truyền ra, trong quân có vô số người tự nguyện đeo tang vì ông, tiếng khóc than không dứt.
Không nghi ngờ gì nữa, hậu quả của việc này vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến sĩ khí và vận mệnh của triều đình trong những năm về sau.
Mặc dù về sau Lý Thừa Dục cũng vô cùng hối hận, nhưng vì sĩ diện, y vẫn không chịu cúi đầu. Y học theo tổ phụ Minh Tông, tự mình trù tính sắp đặt, chọn hiền tài, phái người đi chinh phạt hoàng thúc. Thế nhưng, trận đầu thất bại. Đêm ấy, trong quân doanh lại xảy ra phản loạn, binh lính gϊếŧ chết tướng lĩnh, quay sang quy phục Lý Huyền Độ.
Tin tức truyền về, quyền thần Thẩm Dương cùng Trưởng công chúa Thượng Dương cấu kết làm loạn, thừa cơ tạo phản. Thẩm Dương bức vua thoái vị, mưu đồ thành công. Phu quân của nàng, vị Hoàng đế trẻ tuổi của Đế quốc, bỏ mạng một cách oan uổng.
Thẩm Dương cùng Trưởng công chúa lập cháu nội của Sở vương ngày trước lên làm Tân đế, nắm quyền thao túng triều chính. Còn nàng, với danh nghĩa để tang Tiên đế, bị đưa tới đạo quán Vạn Thọ ở Trường Lăng giam cầm.
Trong đạo quán sâu trong núi mà năm xưa Lý Huyền Độ từng lưu lại suốt ba năm, nàng sống như một tù nhân. Nửa năm sau, một ngày nọ, nàng nghe tin đại quân của Lý Huyền Độ đã áp sát kinh đô, sắp sửa công thành.
Từ nhiều năm trước, Thẩm Dương đã thèm khát sắc đẹp của nàng, chỉ là khi ấy không dám vọng động. Nhưng trong nửa năm nàng bị giam lỏng tại đạo cung Vạn Thọ, gã từng nhiều lần đến đây quấy rối, bị nàng phản kháng quyết liệt, còn lấy cái chết uy hϊếp, gã mới hậm hực rời đi.
Năm ấy, nàng vô cùng kinh hãi, muốn bỏ trốn, nhưng trời đất mênh mông, nàng không biết phải chạy về đâu. Trong cơn cùng quẫn, nàng chợt nhớ lại chuyện năm xưa từng tha cho Lý Huyền Độ một mạng.
Bám lấy tia hy vọng cuối cùng, nàng sai thân tín tìm cách thoát khỏi sự giám sát của thị vệ, mang theo thư tay của nàng đi tìm Lý Huyền Độ, mong rằng hắn có thể giúp đỡ.
Thế nhưng, hy vọng của nàng vẫn uổng phí.
Thân tín kia trở về, nói rằng đã tìm thấy Tần vương, nhưng khi đó Tần vương đang ngồi trên lưng ngựa, xung quanh hộ vệ dày đặc, hành quân trên đường. Hắn ta đã cố hết sức hô to, dốc hết sức đuổi theo, nhưng giữa dòng xe ngựa cuồn cuộn không dứt, Lý Huyền Độ chưa từng quay đầu lại, rất nhanh đã thúc ngựa đi xa, chỉ để lại một bóng lưng cao vời vợi, khuất xa nơi chân trời.
Đêm hôm ấy, nàng một mình leo lêи đỉиɦ núi, muốn gieo mình xuống vực tự vẫn, nhưng lại sợ nỗi đau đớn của cái chết, cuối cùng chỉ có thể ngồi bên tảng đá năm xưa Lý Huyền Độ từng qua đêm, khóc suốt đêm dài.
Ba ngày sau, quân Hà Tây công phá kinh đô, Thẩm Dương gϊếŧ chết Trưởng công chúa rồi bỏ trốn. Khi đi ngang qua Trường Lăng, gã sai người bắt nàng đi cùng, nàng ra sức giãy giụa, ngã khỏi lưng ngựa đang phi nước đại, mất mạng.
Đó chính là toàn bộ quá khứ kiếp trước của nàng.
Có thể nói, cuối cùng nàng chết đi trong một cảnh tượng vô cùng nhục nhã.
Nhưng thật ra, từ năm tám tuổi trở đi, nàng đã không còn thể diện nữa rồi.
Khi bị lưu đày ra biên ải, nàng chật vật trải qua tháng ngày gian khổ. Đến khi trở thành Thái tử phi, để chiếm được trái tim của Lý Thừa Dục, giữ vững địa vị của mình, nàng đã phải trả giá rất nhiều.
Lý Thừa Dục đam mê đánh cầu, nên nàng âm thầm mời thầy dạy dỗ, liều mình tập luyện cưỡi ngựa và kỹ nghệ đánh bóng, bất chấp nguy cơ ngã ngựa gãy cổ. Cuối cùng, nàng luyện đến mức xuất sắc, thậm chí không thua kém gì đàn ông, đủ để cùng y xông pha trên sân đấu. Y vô cùng vui mừng, từ đó nhìn nàng bằng con mắt khác.
Lý Thừa Dục khao khát lập công ở biên cương, nàng sẽ học lại ngôn ngữ phiên bang từng được phụ thân dạy từ thuở nhỏ. Về sau, nàng có thể đàm luận trôi chảy với sứ thần Tây Vực ngay tại quốc yến, khiến cả triều đình kinh ngạc, còn Lý Thừa Dục thì vô cùng hãnh diện.
Song, nàng cũng từng vì sơ suất mà suýt mất mạng, bị người ta ghen ghét hãm hại.
Năm thứ hai sau khi trở thành Thái tử phi, có lần nàng lâm bệnh, uống thuốc xong thì máu chảy không ngừng, suýt chút nữa không qua khỏi. Tuy giữ được tính mạng, nhưng từ đó mất đi khả năng sinh nở. Sau khi điều tra rõ, nàng mới biết mình đã bị kẻ khác hại.
Bài học này khiến nàng dường như trở thành một con người khác.
Trong những năm kế tiếp, nàng lần lượt hạ gục bốn, năm người đàn bà tranh sủng với mình, vững vàng ngồi trên ngôi vị, giữ được Lý Thừa Dục trong lòng bàn tay, độc sủng hậu cung.
Y đương nhiên thương yêu nàng. Biết nàng không thể sinh con, để củng cố địa vị cho nàng, y còn đem con trai của các phi tần khác giao cho nàng nuôi dưỡng.
Nàng chưa bao giờ mong cầu độc sủng, cũng không bận tâm mình có phải là người duy nhất trong lòng y hay không. Thậm chí, sau khi lên ngôi Hoàng hậu, để xây dựng danh tiếng hiền hậu, nàng còn chủ động khuyên y sủng hạnh những phi tần khác.
Dĩ nhiên, trước mặt trượng phu, nàng vẫn cần để y thấy rằng mình không cam lòng, có chút ghen tuông, nhưng lại có thể thấu hiểu khó xử của y.
Càng như vậy, càng có thể trói chặt lòng một người đàn ông.
Lý Thừa Dục vô cùng si mê dung mạo của nàng, từng nói với nàng rằng, ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy, y đã thích nàng rồi. Còn những lúc tình nồng mật ý, không ít lần y thổ lộ rằng y yêu nàng, nguyện trọn đời không đổi thay. Nếu còn có kiếp sau, y hy vọng hai người có thể trở thành một đôi vợ chồng bình thường, nguyện cùng nàng sống trọn một đời, không để bất kỳ ai chen chân.
Khi đó, Bồ Châu dĩ nhiên tỏ ra vô cùng cảm động, nhưng trong lòng lại thấu suốt hơn ai hết, những lời ấy chỉ là lời nói suông, không thể xem là thật.
Dù dung mạo có đẹp đến đâu thì cũng có ngày tàn phai. Sắc phai, tình nhạt, đó là lẽ thường tình. Huống hồ, trong hoàng cung này, điều không bao giờ thiếu chính là những nữ tử trẻ trung và xinh đẹp hơn nàng.
Nàng chưa từng tin vào lời thề son sắt của đàn ông.
Điều nàng muốn không phải là tình yêu của Hoàng đế, mà là một địa vị vững chắc, một tương lai có thể nắm chắc trong tay.
Còn vui buồn của bản thân, những điều đó chẳng hề quan trọng, cũng chẳng cần phải tâm sự với ai.
Vốn dĩ nàng đã làm rất tốt.
Nhưng rồi, mọi thứ cứ thế chấm dứt, như một giấc mộng Hoàng Lương.
Kiếp này, kể từ ngày sốt cao tỉnh lại, nàng đã biết rõ bản thân muốn gì, và nên làm gì về sau.
Lý Thừa Dục dĩ nhiên không phải người hoàn hảo, nhưng kiếp trước cũng không đến nỗi bạc bẽo với nàng. Ngược lại, Bồ Châu biết, đối với nàng, y đã tận tâm tận lực.
Trên đời nào có bậc trượng phu hoàn hảo? Cho dù có đi nữa, cũng không đến lượt nàng.
Vậy nên kiếp này, nàng không chỉ phải trở lại làm Hoàng hậu mà còn phải thay đổi vận mệnh đời trước.
Những ngày vừa qua sau khi trùng sinh, nàng liên tục suy ngẫm về mọi chuyện kiếp trước, dần dần cũng đã vạch rõ con đường tương lai cho mình.
Dù đời trước biến cố dồn dập, nhưng nếu tổng kết lại, những rủi ro chí mạng và sai lầm lớn nhất chẳng qua cũng chỉ gói gọn trong vài điểm sau đây.
Thứ nhất là Tây Địch mất kiểm soát, trực tiếp dẫn đến biến cố ở Hà Tây và phương Bắc về sau. Nếu đời này nàng có thể thay đổi cục diện, khiến vị vương tử do Trưởng công chúa Kim Hi sinh ra nắm chặt Tây Địch trong tay, vậy thì mối họa này có thể xem như không đáng lo ngại.
Thứ hai là Khương Nghị. Nếu sớm thu phục được Khương Nghị, trọng dụng vị chiến thần này, lôi kéo ông về phía mình, khiến ông trung thành với nàng, thì cho dù Tây Địch lại một lần nữa mất kiểm soát, cũng không đến mức dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đánh mất Hà Tây và toàn bộ Tây Vực.
Thứ ba…
Bồ Châu khép mắt lại, hàng mi khẽ rung lên.
Điều thứ ba chính là Lý Huyền Độ.
Kiếp này, nàng tuyệt không ngu ngốc như trước, ma xuy quỷ khiến thế nào lại mềm lòng thả kình địch đi.
Nếu đến sang năm, mọi chuyện lại xảy ra y như đời trước, hắn ám sát bất thành, còn nàng lại bị thương, buộc phải ẩn thân ở Thái Uyển, thì việc đầu tiên nàng làm chính gϊếŧ chết tên hoàng thúc đã âm mưu soán vị từ năm mười sáu tuổi kia, diệt trừ hậu họa tận gốc!